De Profundis: 123 năm trước, một trong những lá thư tình vĩ đại nhất mà loài người từng viết ra đời
Nói chính xác thì cách đây 123 năm và 1 tháng, De Profundis – lá thư tình dài, vĩ đại và phức tạp nhất của Oscar Wilde ra đời trong...
Nói chính xác thì cách đây 123 năm và 1 tháng, De Profundis – lá thư tình dài, vĩ đại và phức tạp nhất của Oscar Wilde ra đời trong hoàn cảnh tù tội và đề gửi đến Huân tử Alfred Douglas. De Profundis cũng đồng thời là tác phẩm kí thực quan trọng nhất cho những ai muốn tìm hiểu về Wilde. Nếu đọc De Profundis quá muộn thì là thiếu sót lớn trong cố gắng nhìn vào tâm hồn và nhân cách Wilde, nhưng nếu đọc De Profundis quá sớm thì thành dở bởi bức thư này là một thứ rất bất ổn, một tài liệu không thật sự đáng tin đối với ai bước đầu tìm hiểu ông, nó sẽ gieo cho người ta ấn tượng không nhất quán, bởi bức thư này có lẽ do tâm lí người viết ở trong tù chưa ổn định nên có nhiều chỗ thiếu nhất quán. Thời gian phù hợp nhất để đọc De Profundis là khi đã nắm được triết lí khám phá bản thân qua lạc thú của ông, rồi mới đọc thư này để biết thêm con đường khám phá bản thân qua phiền muộn.
Tuy De Profundis dài 50.000 chữ, tương ứng 200 trang sách, nhưng về bản chất đây là một bức thư, tức sẽ có người viết và người nhận, tức sẽ không có chương hồi gì cả. Ta thấy trong thư có ngôi thứ nhất “tôi” chính là Wilde, ngôi thứ hai “em” là Huân tử Alfred Douglas hay tên thân mật là Bosie, ngôi thứ ba “lão” chỉ Hầu tước xứ Queensberry. “cậu ấy” chỉ Roberto Ross, tên thân mật Robbie, cùng nhiều người khác nữa. Đến đây lẽ dĩ nhiên cần thêm một điều kiện nữa là người đọc phải nắm rõ các mối quan hệ đời tư của Wilde trước thì mới có thể hiểu được thư này. Tuy không có chương hồi nhưng ta có thể phân chia bức thư làm hai phần, phần đầu như hồi kí về quãng đời Wilde bên Bosie, phần sau là quá trình phát triển tinh thần của Wilde mà trong đó ông miêu tả Jesus Christ như một nghệ sĩ trường phái lãng mạn và đậm tính cá nhân chủ nghĩa, hình mẫu mà dù không nói ra nhưng người đọc cũng có thể hiểu là Wilde đang lấy bản thân mình ra phóng chiếu vào Christ, và nâng Christ lên làm hình mẫu nghệ sĩ lí tưởng của ông.
Nói về phần thứ nhất là khía cạnh đời tư Wilde. Quãng những năm 1895 là thời kì hoàng kim của Wilde, ông nổi tiếng lẫy lừng Anh quốc. Quần chúng Việt Nam chỉ biết đến Wilde qua truyện thiếu nhi hay tiểu thuyết duy nhất Bức hoạ Dorian Gray, nhưng khía cạnh nổi trội nhất của Wilde là kịch tác gia và nhà mĩ học thì chưa mấy ai biết. Đến năm 1895 gia tài hài kịch của Wilde mới chỉ có 4 vở, nhưng cả 4 vở đều thành công rực rỡ. Mặc cho những la ó ở năm 1890 vì quyển tiểu thuyết “độc hại” Bức hoạ Dorian Gray, Wilde ở 1895 là người có danh tiếng nhất nước Anh bấy giờ. Nhưng thời gian này cũng là lúc Wilde lún sâu vào tình yêu đồng tính với Bosie. Quan hệ đồng tính thời đó là tội rất nặng với giáo hội, luật pháp và định kiến quần chúng. Cha của Bosie là Hầu tước xứ Queensberry, một lão già cục cằn và ít học, đẩy con tốt đầu tiên trên bàn cờ bằng tấm thiệp sau:
Năm 1895, ở hội quán Albermarle, London, Queensberry gửi một tấm thiệp để ngỏ (tức ai đọc cũng được) và gửi đích danh Oscar Wilde với dòng lăng mạ For Oscar Wilde posing as somdomite (Gửi Oscar Wilde thằng tỏ vẻ kê gian). Điểm hài hước ở đây là vì ít học nên Queensberry viết một câu chửi mà cũng sai chính tả, somdomite là viết sai từ sodomite, và từ tỏ vẻ là được luật sư khuyên dùng để tránh tội vạ, bởi như đã nói, kê gian là tội nặng, vu khống người khác một tội nặng thì không hề an toàn.
Wilde biết được tin này thì hiển nhiên là giận lắm, cùng với thúc ép từ Bosie nên Wilde quyết định khởi kiện Queensberry. Vâng, chính xác là Bosie thúc cho người tình khởi kiện để tống chính cha mình vào tù, và tuy Wilde có khuyên giải nhưng chỉ theo những giá trị căn bản của con người như đừng nuôi hận thù, chứ không có câu nào liên quan đến đạo hiếu hay ơn sinh thành gì cả, đây là điểm nhỏ bé nhưng quan trọng với tôi, chính do đó tôi luôn thích văn hoá phẩm của Tây hơn Đông. Câu hỏi ngớ ngẩn đầy tính giáo điều “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” cũng không có ở đây, bấy giờ Wilde và Bosie nhìn nhận sự việc theo nhân cách con người chứ không theo thứ bậc họ có, dù xét về địa vị thì đối tượng vừa là cha vừa thuộc tầng lớp thượng lưu, sở hữu tước hiệu Hầu tước cao quí.
Wilde thua kiện, phải bồi thường Queensberry khoảng 700 bảng. Đồng thời Queensberry được đà hung hăng quyết định kiện ngược lại Wilde ở tội khác, đó là quan hệ đồng tính với Bosie con trai lão, và cả với đám trai trẻ thuộc tầng lớp thấp hơn trong xã hội thời đó. Thời Victoria có 3 tầng lớp xã hội: thượng lưu, trung lưu, hạ lưu, theo tư liệu tôi biết thì Wilde quan hệ theo kiểu nuôi trai bao với cả mấy thằng nhỏ nài ngựa tầng lớp hạ lưu. Vậy là Wilde bị vào tù khổ sai hai năm vì vụ kiện ngược này. Chưa hết, trong khi Wilde đang khốn đốn vì vụ kiện ngược, Queensberry đánh bồi thêm một cú ở vụ kiện thứ nhất, do Wilde chưa trả được 700 bảng, lão đệ đơn đẩy Wilde đến phá sản. Vậy là Wilde đang từ đỉnh cao bỗng chốc mất trắng tiền bạc, danh dự và tự do. Đó là còn chưa kể đến các rắc rối kéo theo như mẹ Wilde qua đời trong buồn đau không lâu sau, Wilde bị cách li không được gặp con cái đến hết đời và vợ Wilde suýt thì đệ đơn li hôn. Vợ Wilde rất tốt, bà ấy không ghét bỏ ông, nhưng vì nhiều lí do mà bà ấy và 2 con phải bỏ cái họ Wilde đi, thành ra cháu nội Wilde bây giờ mang họ Holland.
Một loạt tai hoạ ập đến, hiếm ai mà không suy sụp, Wilde không phải ngoại lệ. Án tù khổ sai hai năm đối với tầng lớp thượng lưu không quen lao động tay chân như Wilde thì không khác gì án tử hình. Ông đau ốm và muốn chết, u uất đến mức khi thấy mình đang bình phục ông còn nổi giận, rồi ông muốn tự sát, rồi khi nguôi bớt thì lại quyết định cả đời này sẽ sống gai góc, không vui vẻ với ai nữa. Chỉ đến khi một loạt tâm trạng tồi tệ qua đi, cùng với việc tạo điều kiện cho viết của Giám thị nhà tù mà cuối cùng Wilde đã chịu viết gì đó. Cái gì đó chính là bức thư De Profundis.
De Profundis có ít nhất là hai phiên bản: bản rút gọn 17.000 chữ và bản đầy đủ 50.000 chữ. Bản rút gọn ở Việt Nam đã có người dịch rồi, bản đầy đủ thì hiện giờ chỉ thấy có tôi dịch và vừa xong mới đây. Ban đầu khi ra tù Wilde giao phó bức thư cho Robbie để biên tập và tạo bản sao, Robbie là người bạn vàng, người tình cũ, và là người thừa kế di sản văn chương của Wilde. Khi ấy Wilde tạm đặt nhan đề thư bằng tiếng Latin Epistola: In Carcere et Vinculis (Lá thư trong ngục tù và xiềng xích) và bảo Robbie sau khi sao chép thì gửi nguyên bản viết tay cho người tình Bosie, nhưng Robbie sợ Bosie huỷ hoại bản viết tay quí giá nên chỉ gửi chàng ta bản sao mà thôi. Sau khi Wilde qua đời, Robbie xuất bản thư với nhan đề Latin khác De Profundis (Từ vực sâu), đồng thời Robbie lược bỏ hết những đoạn liên quan đến đời tư Wilde, vậy nên ta mới có phiên bản ngắn 17.000 chữ. Còn bản viết tay được Robbie tặng cho bảo tàng Anh và phiên bản đầy đủ ấy thì rất lâu sau đó mới được xuất bản.
Về ý nghĩa nhan đề, De Profundis lấy từ tên bài kinh thứ 130 trong sách Thánh Vịnh. Bài kinh De Profundis có tên tiếng Việt là Kinh Vực Sâu. Theo giáo lí Công giáo, Luyện ngục là nơi các linh hồn đã được lìa xác trong hồng ân Thiên Chúa, nhưng do còn lỗi lầm nên linh hồn chưa thật trong sạch để lên Thiên đường, họ cần ở trong Luyện ngục để thanh luyện đã. Và Kinh Vực Sâu là bài kinh các đạo hữu đọc lên để trợ giúp những linh hồn ấy sớm được lên Thiên đường. Phải chăng khi đặt nhan đề này Robbie đang nghĩ rằng linh hồn Wilde khi ấy còn ở Luyện ngục, và bằng cách đặt nhan đề mới Robbie mong rằng người mến mộ cùng giúp Wilde lên Thiên đường? Có thể lắm bởi trong De Profundis chúng ta thấy bức thư thấm đẫm màu sắc Công giáo, các ẩn dụ lấy ra từ Kinh Thánh và các nghệ phẩm liên quan, như là Thần khúc của Dante chẳng hạn. Và còn một điều nữa, Kinh Vực Sâu hay được đọc vào tháng Mười một, đây cũng là tháng Wilde qua đời.
Tôi đã nói là De Profundis ẩn dụ rất nhiều về Công giáo, nhưng hơn cả thế, bức thư này ẩn dụ cả thần thoại Hi Lạp, triết học của bộ ba triết gia Hi Lạp cổ đại, cùng hàng loạt thi phẩm của các thi sĩ vĩ đại như Shakespeare, Dante, Wordsworth, Goethe v.v. Điều đáng chú ý ở đây là Wilde ở trong tù không có nhiều sách tham khảo, thực tế ông chỉ có sẵn sách Phúc âm để đọc, vậy nên các ẩn dụ này được ông viết một cách tự nhiên và những kiến thức này rõ ràng đã ngấm sẵn trong người ông một cách tự nhiên như thức ăn nước uống.
Nói về phần thứ hai là tiến trình phát triển tinh thần của Wilde. Trước tiên xét về độ khó đọc thì phần này khó đọc ngang các tiểu luận về nghệ thuật, và khó đọc hơn tiểu thuyết Bức hoạ Dorian Gray cùng các sách văn chương khác của ông, rõ ràng nó không thể dành cho người đọc trung bình. Văn phong của Wilde trong toàn bộ thư vẫn là lối viết câu dài với các ý gối đầu lên nhau, cấu trúc câu đỏm dáng phức tạp, thủ pháp cách ngôn, nghịch biện và biền ngẫu quen thuộc. Nói chung theo tôi thấy Wilde vẫn là Wilde, trừ việc là không còn tính dí dỏm trong câu văn nữa, cũng dễ hiểu thôi, sau ngần ấy tai hoạ vẫn đã đang ập đến, ta khó đòi hỏi họ vui vẻ được, thực tế là thư này có nhiều cay nghiệt hơn bình thường nữa kia.
Về nội dung, đáng chú ý nhất là việc Wilde coi trọng các đức tính hơn trong khi xưa kia tính xấu mới là thứ ông thích và ông dùng nghịch biện để khiến tính xấu trở thành tốt không khác gì ảo thuật với ngôn từ. Và đức tính được ông hay nhắc đến là khiêm nhường, tính rất khác với Wilde vì ông nổi tiếng là ăn nói gây sốc và không cần khiêm nhường. Đức tính thứ hai là tiết dục, mặc dù ông không hề hối tiếc quãng đời sống vì lạc thú xưa kia, nhưng ông thấy cách sống ấy có nhiều hạn chế và để phát triển bản thân, mục đích cuộc đời ông từ xưa nay, thì tiết dục và phiền muộn sẽ là con đường thú vị và còn nhiều bí mật với ông hơn là con đường lạc thú. Khi ra tù, nếu không được bạn bè mời đến dự tiệc cũng không sao, trong khi nếu là xưa kia hẳn ông sẽ phiền lòng, nay ông chỉ cần sách đọc, hoa thơm, trăng thanh, vậy là quá đủ hạnh phúc với cuộc đời nghệ sĩ rồi.
Cạnh đó, ông đề cao cá nhân chủ nghĩa hơn bao giờ hết bằng câu cách ngôn được nhắc liên tục trong thư: “Truỵ lạc lớn nhất là tính nông cạn. Hễ điều gì được tự ngộ thì đều đúng.” Ông chỉ quan tâm đến những gì được rút ra từ bản thân mà thôi, lời lẽ người đời nói chẳng là gì, ngay cả những cáo buộc của toà và những chửi rủa của dư luận. Không quan trọng lời nói như thế nào, quan trọng là ai nói, và những cáo buộc đúng đắn về mình Wilde không bỏ ngoài tai, nhưng chúng chỉ quan trọng khi chính ông cáo buộc ông, hay nói cách khác là ông đấm ngực tự thú. Ông dùng tình yêu để chữa lành mọi thứ. Tình yêu, thú tội, thảy những điểm này thấm đẫm không khí Công giáo, ngay cả việc ông chấp nhận bị cách li với các con và quì xuống tự nói mình không xứng đáng với các con, cũng rất đậm tinh thần Công giáo. Cuối cùng ông đi đến miêu tả Jesus Christ không những là nhà cá nhân chủ nghĩa đầu tiên của thế giới, mà còn là hình mẫu cá nhân chủ nghĩa cao nhất mà nghệ sĩ nên đạt tới. Những điểm này xét cho cùng đã được ông trình bày ở tiểu luận khác, như là tiểu luận Tâm hồn con người.
Cuối cùng, như tôi đã nói, bức thư này phức tạp và vĩ đại, bố cục đan xen những kiến thức từ các tác phẩm trước của Wilde nên đòi hỏi người đọc cần nền tảng tốt, giọng văn sắc như dao lạnh khi thì dùng để nói về nghệ thuật, khi thì để càn quét người tình Bosie, nhưng cũng có những lúc rất ấm áp khi nói vẫn yêu và tha thứ cho Bosie cũng như dùng tình yêu để tồn tại được trong tù, có nhiều đoạn ông không ngần ngại thú nhận mình khóc rất nhiều “Ngày còn ngồi tù mà ta thôi khóc là ngày tim ta đã chai sạn chứ không phải ngày tim ta đã vui lên.” Cũng có đoạn miêu tả cảnh tù rất nên thơ thay vì những tính từ gớm guốc “Bởi ở đây chúng tôi chỉ có một mùa, mùa Phiền muộn. Mặt trời và mặt trăng của chúng tôi dường như bị tước đoạt. Ngoài kia, trời đất có thể xanh tươi và vàng ruộm, nhưng ánh sáng trườn toài qua lớp kính dày bí bách của ô cửa sổ nhỏ đầy chấn song bên trên chỗ người ta ngồi thì xám xịt và yếu ớt. Phòng giam luôn trong cảnh nhập nhoạng, cũng như lòng người luôn trong lúc nửa đêm. Suy nghĩ, cũng như thời gian, không còn chuyển động.”
Trùng hợp thay, De Profundis viết vào tháng 1-3 năm 1987, trong khi đại dịch khó quên cho toàn bộ loài người thế kỉ này, COVID-19, diễn ra cũng trong những tháng đó của năm 2020. Mặc cho khoảng cách thời gian và không gian, chúng ta có chung cảm giác tù túng với Oscar Wilde vào đúng 123 năm trước, qua đó có lẽ chúng ta dễ hiểu hơn khi Wilde viết “Bằng mọi giá ta phải giữ Tình yêu lại trong tim. Nếu ta vào tù mà không có Tình yêu thì Tâm hồn ta sẽ thành ra cái gì?”
NGUYỄN TUẤN LINH
20/4/2020
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất