Hôm nay lướt qua một post về Thủy Tiên làm từ thiện ở miền Trung, chợt thấy một cái comment khá buồn cười:

Nhìn vào uy tín vững vàng của Thủy Tiên ngày hôm nay, tôi bỗng nhớ đến một nhân vật khác mà tôi tạm bỏ dở hồi tháng 6, đó là Vũ Ngọc Đãng.
Chính xác mà nói, tên tuổi Thủy Tiên chỉ thực sự biết đến rộng rãi sau những bộ phim do Vũ Ngọc Đãng làm đạo diễn: Tuyết nhiệt đới, Bỗng dưng muốn khóc, Đẹp từng centimet, Ngôi nhà hạnh phúc.
Về Vũ Ngọc Đãng, không thể phủ nhận vai trò của anh như một trong những đạo diễn đã làm sôi động trở lại điện ảnh Việt Nam những năm đầu 2000s, nhất là sau quả bom xịt Ký ức Điện Biên. Nhưng tôi vẫn cảm thấy, trái ngược với thành công về mặt thương mại, chất lượng nghệ thuật của các bộ phim Vũ Ngọc Đãng làm ra là một đường thẳng lao dốc theo trình tự thời gian. Đây là một sự điều chỉnh có tính toán hay là sự kiệt quệ trong sáng tạo của một nghệ sĩ?
Với tôi, phim đáng kể của Vũ Ngọc Đãng tính đến giờ vẫn là phim Chuột (2001). Tôi vẫn nhớ ngày đó thi thoảng nó được phát trên HTV. Bây giờ nghĩ lại, không biết Chuột có liên quan gì đến cuốn tiểu thuyết của John Steinbeck? Cũng có nghĩa là, có liên quan gì đến bài thơ To a mouse của Robert Burns? Đây cũng là bộ phim duy nhất của Vũ Ngọc Đãng mà không thấy bóng dáng của ái tình.
Những cô gái chân dài là một trường hợp khác. Nó không phải là phim hay nhất, nhưng là phim tôi thích nhất, và xúc động nhất, không phải vì những lầm lỡ của nhân vật nữ chính, mà vì mối tình đơn phương của một nhân vật nam phụ, của Khoa (Trương Thanh Long) dành cho Hoàng (Minh Anh).
Nếu tôi không nhầm, thì Những cô gái chân dài là phim điện ảnh Việt đầu tiên có đề cập đến tình yêu đồng giới. Một sự đề cập thứ yếu nhưng lại vô cùng chân thật và tinh tế, không màu mè, cũng không bi thống. Cách nói về tình cảm đồng giới này là những thước phim queer đẹp đẽ nhất của điện ảnh Việt, mà ngay cả sau này, với Thưa mẹ con đi, có lẽ tôi cũng không thấy lại. Nó khiến phim Trai nhảy của Lê Hoàng ra mắt 3 năm sau đó trở nên một trò cười đúng nghĩa. Và ngay chính Vũ Ngọc Đãng cũng không thể nào lặp lại được.
Hot boy nổi loạn giống như được làm ra để Vũ Ngọc Đãng trả một món nợ cho chính bản thân mình. Nhưng chính vì xã hội đã thay đổi quá nhanh trong vòng 10 năm, nên những vấn đề vốn từng rất khủng khiếp với một số người sẽ trở nên kệch cỡm nếu lại lôi ra nói lại. Và chính Vũ Ngọc Đãng cũng thay đổi, khi anh nhìn thấy một bức tranh rộng hơn. Nhưng Hot boy nổi loạn là một sự tham lam, khi anh muốn nhét vào đó quá nhiều thứ, tới mức rốt cuộc người ta chẳng hiểu anh muốn nói gì. 
Nhưng ở Hot boy nổi loạn, có gần như các ấn tượng về thành phố Hồ Chí Minh của năm 2000, của những giới hạn đã bị phá bỏ và những vết thương không thể lành, chỉ còn hy vọng về một tương lai tốt hơn.
15.10.20