Khác với những lần chần chừ hay đi xem vì gia đình bạn bè rủ, lần này mình quyết định ra rạp xem phim của Nhà Chuột vì sự tò mò lẫn lộn bởi nhiều thứ khác nhau. Không phải khung cảnh màu sắc tràn ngập Đông Nam Á đẹp ngút ngàn, hay những món ăn đặc sắc, cũng không phải tạo dựng nhân vật nàng công chúa mạnh mẽ và cứng cỏi khác với những khuôn mẫu trước đây. Mình tò mò vì hai thứ: một là bé Tuk Tuk mập quá trời quá đất, hai là bà rồng Sisu xu cà na.
Bé Tuk Tuk trong Raya ngoài khoản ăn và lăn khắc hoạ những con người lười biếng tiêu biểu của thế kỷ 21 như mình thì không có gì đặc sắc, nên bài viết lần này mình sẽ nói về một nhân vật mà các bài viết cảm nghĩ về bộ phim này trước đây đều không đề cập đến.
Bự chà bá lửa. Nguồn: I Love Disney
Đó là chú rồng thần Sisu. Và đúng hơn, chỉ với cái tên Sisu thôi.

Nếu xem xét toàn bộ phim ở một góc nhìn đơn sơ nhất, niềm tin chính là thông điệp rõ ràng nhất mà người xem có thể nắm được từ Raya and the Last Dragon. Kumandra, vùng đất với tên gọi “Những đứa con của rồng” trước đây đã từng rất thống nhất và an bình dưới sự cai quản của các thần rồng, tượng trưng cho Cửu Vĩ của sông Mekong. Cuộc sống cứ yên bình cho đến khi có quái vật Druun, vốn là bóng đen ngày càng bành trướng khi con người ngày càng trở nên toan tính và đấu đá nhau. Rất nhiều người bị hoá đá, kể cả những thần rồng đã cạn kiệt sức lực cũng phải buông mình trước sức công phá tàn ác này. Chỉ còn một mình thần rồng Sisu, vị thần rồng cuối cùng vẫn còn lẩn trốn đâu đó, để lại cho vùng đất Heart viên ngọc màu xanh nước biển Sisu. Miễn còn ngọc Sisu, tộc Kumandra vẫn còn bình an. Nhưng nhiều người đến từ các miền đất khác - Tail, Fang, Spine, Talon ra sức giành giật, dùng mọi thủ đoạn để đem viên ngọc về cho mình. Họ không biết được viên ngọc ấy thực ra chẳng có sức mạnh gì. Và thần rồng sau này xuất hiện qua lời thỉnh cầu của Raya, người con cuối cùng của vùng đất Heart, lại là một nàng rồng vô cùng lơ ngơ, với năng lực sức mạnh toàn do học lại từ những người anh chị trước đó.

Đọc thêm:

Vậy Kumandra đã thống nhất lại thế nào? Làm sao những con người bị Druun hoá thành sỏi đá cuối cùng về với hình hài hữu sinh? Và cuối cùng, Raya và Naamari, hai nàng công chúa của hai vương quốc đối lập về giá trị của niềm tin, cũng là những người tự nhận mình là fan hâm mộ chân chính của Sisu, học cách tin tưởng nhau một lần nữa?
“Còn nước còn tát”, đây là câu thành ngữ người Việt chúng ta thường động viên nhau mỗi khi trải qua tình cảnh khó khăn, khi gặp bất kỳ tình huống gấp rút những tưởng không thể vượt qua được. Cứ kiếm một mặt tích cực nho nhỏ nào đó là ắt có hy vọng, chỉ cần hy vọng và tin tưởng một chút mọi thứ có thể sẽ qua.

Tuy nhiên, có bao giờ bạn trải qua, hay gặp những người xung quanh mình trúng phải những tình huống “không còn nổi một giọt nước nào để có thể tát?”.  Bất kể ai đó động viên hãy vui lên, hãy tích cực lên nhưng bạn hay người đó nhiều lúc chẳng thể dựng người lên nổi? Đó là câu chuyện xảy ra ở xã hội phản địa đàng Kumandra sau này. Và hình ảnh lúc nãy mình mô tả, cũng là cảnh có thật trong phim, sau cái chết của rồng Sisu. Kumandra được khắc hoạ từ văn hoá lúa nước của Đông Nam Á, tức người dân coi nước là mạch sống mang lại mùa màng và của cải cho mình. Cái chết của rồng Sisu do sự thù hận giữa hai nàng công chúa đến từ Heart và Fang biến mọi vùng đất trước đây bao phủ bởi nước thành đất cát xanh cỏ. Hy vọng biến mất, viên ngọc mất cạn hào quang, điều gì khiến mọi thứ hồi sinh?

Đó chính là tinh thần sisu. Niềm tin vẫn chưa đủ, mình sẽ nói sau. 
Sisu lần này không còn là tên riêng của rồng thần cuối cùng nữa. Sisu chính là tinh thần và giá trị lan toả xuyên suốt bộ phim lần này của Nhà Chuột. Sisu cũng không phải phép màu ân trên ban xuống, của rồng mang lại. Từng con người trong vùng đất, họ đã thực sự tạo nên sisu cho riêng mình mà không cần phép màu nào mang lại. Viên ngọc và thần rồng chỉ là cái cớ tạo nên nhiệm màu của vùng đất này.
Và yếu tố thú vị hơn nữa, sisu không phải thứ nhắc đến người ta nghĩ ngay đến người Á Đông. Dù rằng dân Á Đông da vàng mỗi người ít nhiều đã mang bản sắc của sisu dưới nhiều cái tên khác nhau, nhưng sisu xuất phát từ tinh thần của …. người Phần Lan. Sisu là câu chuyện của người Phần Lan, không phải câu chuyện của người Đông Nam Á. Thần rồng Sisu trong Raya and The Last Dragon cũng không mang dáng phảng phất của hình tượng rồng Đông Nam Á. Sisu có gương mặt khá giống Elsa (đó là sự liên tưởng buồn cười) và có màu sắc không khác gì băng giá ở các nước châu Âu. Đó là lý do cuốn mình đi xem bộ phim này. Tại sao một yếu tố Phần Lan tưởng chừng không liên quan lại được lồng ghép trong một bộ phim đậm chất Á Đông thế này? 
Trước hết, chúng ta cần hiểu sisu là gì?

Đọc thêm:

Từ những chiến binh Phần Lan quả cảm

Đó là thời điểm khắc nghiệt nhất trong năm 1939, khi nhiệt độ ngoài trời nhiều lúc đạt dưới âm 42 độ C và chỉ le lói vài tia nắng hiếm hoi đến không sưởi ấm nổi vùng đất Phần lan. Vào lúc người ta chỉ nghĩ đến việc nằm lì trong căn nhà tiện nghi, mặc thật nhiều lớp áo quần dày dặn quấn chăn và tận hưởng sự lười biếng tối đa với mọi phương tiện sưởi ấm, người dân nơi đây phải đối đầu với mối nguy lớn nhất: sự xâm lược của liên bang Xô Viết. Thời kỳ đầu Thế chiến Thứ Hai đánh dấu những mốc lịch sử đáng gờm hơn và sự chuẩn bị kỹ càng hơn về vũ khí và quân đội tinh luyện, với hai đối đầu ghê gớm là Đức Quốc Xã và Liên bang Soviet. Phần Lan không chỉ chịu sự thâu tóm của Nga, mà còn ở những đất nước khác. Số dân của Phần Lan vốn nhỏ bé xấp xỉ hiện nay năm triệu, số lượng binh lính thua gấp ba, số máy bay thua gấp ba mươi lần và số xe tăng ít hơn 100 lần số xe của quân Liên Xô. Với tình cảnh mùa thu thảm khốc thế này, Phần Lan chẳng khác một đứa trẻ nhỏ bị lép vế, bắt nạt bởi những đứa lớn xác mạnh cường trong lớp.
Vậy mà người Phần Lan vẫn thắng. Quân đội Liên Xô nhắc đến Phần Lan là họ sợ hình ảnh những bóng đêm trắng lặng lẽ di chuyển trong gió tuyết. Không mạnh về nguồn lực sẵn có, nhưng người Phần tự hào về tinh thần sisu của mình. Thế mạnh của những con người nhỏ bé là việc trượt băng đường dài và chiến thuật đánh du kích. Họ đã giữ vững quân đội mình thêm vài tháng nữa, lâu hơn cả Liên Xô. Họ nằm ngoài sự mong đợi và phỏng đoán của bất kỳ quốc gia nào khác. Qua một đoạn clip kể về việc tại sao sisu trong văn hoá Phần Lan được biết đến mà mình chia sẻ dưới đây, ba từ đúc kết về sisu của người Phần là “Finnish, superb, nay”. Một năm sau chiến thắng của những con người tưởng chừng yếu thế này (1939), năm 1940 New York Times phỏng vấn những người dân nơi đây. Và câu trả lời họ nhận được là:
“Một Finn (người Phần Lan) điển hình là kiểu đồng loại kiên gan, tin vào việc phấn đấu vươn lên từ điều không may mắn bằng cách chứng tỏ họ có thể chịu đựng trước sự gian nan khó khăn trước mắt mình.” (trích trong sách Grit của tác giả Angela Duckworth)
Trước khi cả thế giới biết về hình ảnh dân tộc qua sisu, tinh thần này đã tồn tại ở đất nước nhỏ bé  200 năm trước đó. Người Phần Lan học sisu trước khi bập bẹ và lẫm chẫm vài bước đi. 

Emilia Lahti là nhà nghiên cứu tâm lý gốc Phần Lan đã tham dự dự án của Angela Duckworth, tác giả của quyển “Grit” nghiên cứu về tính kiên gan và bền chí với sự thành công trong các lĩnh vực. Trong bài nói TED ở Turku, cô đã định nghĩa về sisu thế này: 
Sisu là khả năng phấn đấu vượt qua những khó khăn phi thường. Một người có tinh thần sisu có sự quyết tâm và dũng cảm phi thường khi đối mặt với nghịch cảnh khắc nghiệt. Nó có nghĩa là, kể cả khi bạn không nhìn ra được điều gì tích cực trong hoàn cảnh ấy, nhưng vẫn bất chấp nhảy vào bão giông.

Vậy sisu có thể dịch ra là gì? Kiên trì, bền gan, bền bỉ, quyết chí? Thực ra sisu không có từ ngữ cụ thể nào có thể dịch ra được. Emilia mô tả về Sisu và các từ ngữ khác như Grit (quyết chí), Perseverance (kiên định), Resilience (bền bỉ) như một nguyên tử cacbon có bốn electron gắn vào, ba yếu tố còn lại giống như cấu thành của Sisu.


Sisu = can đảm +dẻo dai + bền bỉ + kiên trì
Lần đầu mình biết về Sisu là qua quyển sách Grit của Angela Duckworth. Nếu grit của Angela Duckworth kể về những con người cố gắng vượt qua những khó khăn, kiên gan bền chí để đến với mục tiêu cụ thể và thành những kẻ xuất chúng, thì sisu lớn mạnh hơn cả grit. Sisu không chỉ thiên về ý nghĩa trở thành người anh hùng lẫy lừng, hay nhà vô địch xuất chúng. Nó hướng về sự bền bỉ và thầm lặng, do bản tính người Phần Lan vốn trầm lặng và ít nói. Grit trong tác phẩm của Angela nói về sự kiên trì được truyền lửa bởi niềm lạc quan lớn và đam mê luôn cháy âm ỉ. Tinh thần sisu chỉ xuất hiện ở một khoảnh khắc ngắn, khi bạn đứng ở một nơi và cảm thấy đó là đường cùng. Ở một hố đen tăm tối, không có lối thoát, mất phương hướng không biết tựa vào ai, thậm chí là lạc đường, hay người xung quanh buông lời khiến tâm nản lòng, sisu ở đó. Nó thầm lặng, nhưng vững chãi, thúc đẩy bản thân bước ra khỏi ranh giới. Và muốn vượt khỏi nghịch cảnh đó, bạn phải bước một chân ra cái đã. 
Bản chất sâu thẳm nhất của Sisu theo cuộc khảo sát với người Phần Lan của Emilia nhận được,62% cho rằng đó là nguồn năng lượng dự trữ cho phép hành động phi thường vượt lên tất cả, 34% cho đó là khả năng bất khuất kiên trì theo đuổi mục tiêu dài hạn, còn lại là không chắc 
Triết lý sisu thể hiện rất rõ trong cuộc sống hằng ngày, đến nỗi bạn không biết được. Dù có mưa giông bão tuyết khắc nghiệt, ở Phần Lan trường học, bệnh viện và các cơ sở kinh doanh và máy bay vẫn họat động như thường. Trẻ em được học về tính chính trực và công bằng, nên nền giáo dục Phần Lan được xếp vào nhóm giáo dục tốt nhất thế giới. 
Niềm tin phải biến thành hành động và sự dấn thân. Đó mới thực là Sisu. Đó cũng là cách rồng thần Sisu dạy Raya về giá trị của đoàn kết, như cách ông Benja dạy con mình từ nhỏ, và cũng là bài học Raya phải học và thực hành để cứu ba, cứu Kumandra. Và thật ra Sisu rất gần với văn hoá Đông Nam Á khi lãnh thổ nơi đây có bề dày lịch sử bị các nước thuộc địa xâm chiếm. Nếu không có mục tiêu khát khao độc lập, cam tâm chịu khổ, không chỉ riêng Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực đều không giữ trọn được lãnh thổ của mình, và vẫn mãi trong sự lạc hậu đói nghèo thời chiến. 

Tinh thần Sisu đã lan toả suốt trong Raya như thế nào?

Benja - người cha dạy con theo tinh thần Sisu

Nếu những vương quốc khác đều mang tên của những bộ phận mang tính chiến đấu của con rồng, nơi cô và người cha mình sống chỉ đơn thuần là Trái tim. Sisu ngay từ đầu đã xuất hiện ở khoảnh khắc ấy. Khi hiểu về Sisu, bản thân mình mới hiểu tại sao viên ngọc của vị thần rồng cuối cùng lại đặt ở vùng đất này. Tinh thần này đã được thể hiện rõ ràng từ đầu đến cuối phim, là giá trị chủ đạo ở vương quốc này. Bắt đầu với Benja, qua cách dạy con theo tinh thần sisu của mình.
Ngay từ đầu, Benja đã chứng minh đủ cho người xem về hình ảnh một người đàn ông cứng cáp, vững chãi và đôn hậu. Cảnh Benja nấu món ăn và dạy con gái cách chinh phục trái tim người khác qua con đường dạ dày, điều đó đã thể hiện rõ gốc nguồn của từ sisu - Gut.  Đó là nét tương đồng của Sisu trong văn hoá Phần Lan với văn hoá của người châu Á, khi liên đới tâm hồn và tinh thần với phần ruột gan của mình, “tấm lòng” của người Việt Nam.
Ông lạc quan và tin vào giá trị tốt đẹp của con người. Luôn dạy cô con gái học cách tin vào sự tốt đẹp của người khác và có tinh thần một người lãnh đạo cao cả, Benja nhìn thấu những người ở các vương quốc khác mình không phải là người xấu. Chẳng qua họ đang mất lòng tin vào sự tử tế của nhau, và vì đó lao vào xâu xé nhau. Benja nhắc nhở điều đó với Raya, và cả trong buổi tập hợp tất cả các lãnh thổ lại. Nuôi dạy con bằng sự yêu thương nhẹ nhàng và chính trực, Raya tuy là con gái nhưng cô rất khảng khái khi thể hiện ý kiến của mình về vương quốc, dù chỉ mới 12 tuổi. Điều ấy tạo nên hình ảnh Raya sau này và cũng được thể hiện lại qua rồng Sisu, luôn ân cần mềm mỏng và tin tưởng với những người đồng đội mình, nhưng lại rất cứng rắn trước những điều làm hại đến người khác. 
Đoạn Raya học cách tập dượt chiến đấu để lấy được viên ngọc trong khu phòng kín là đoạn khá tâm đắc trong phim với mình. Benja khi ấy giả làm người bảo vệ viên ngọc, còn cô làm kẻ lấy báu vật đó. Họ đấu tranh ngang tài ngang sức, nhưng trong mỗi lần ra đòn, Benja dặn cô phải hiểu đâu là tinh thần với kỹ năng. Trận ấy Raya thua, nhưng ông không trách móc, khen cô đã cố gắng hết sức với khả năng mình. Một đoạn đấu kiếm đẹp, sắc sảo nhưng lại vô cùng ấm áp. Kể cả khi kể cả khi cô bị mắc lừa trước Naamari, khiến viên ngọc Sisu vỡ tan tành đưa Kumandra bị bao phủ bởi bóng đêm của Druun, ông không hề trách móc cô. Sẵn sàng chấp nhận hoá đá, Benja đẩy đứa con gái vào dòng nước, với niềm tin về một Kumandra thống nhất, kể cả khi viên ngọc chỉ còn lấp loé vài tia sáng yếu ớt. 
Trái ngược với Raya là Naamari. Naamari không lớn lên bằng điều ấy. Điều này thể hiện rõ qua đoạn đối thoại sau này của hai mẹ con cô. Người mẹ ban đầu sẵn sàng giao trọng trách lãnh đạo đoàn quân chống trả Raya, nhưng sau đó khi nghe con mình giải thích sự thật về rồng Sisu, bà không còn tin cô nữa.

Ý nghĩa của viên ngọc sisu và sự xuất hiện của thần rồng Sisu

Việc Benja ném Raya vào dòng nước khiến mình hơi tiếc nuối một chút, mình kỳ vọng Nhà Chuột có thể làm cho cảnh này sống động hơn và kéo dài hơn một chút. Trong văn hoá Sisu, nước là nhân tố không thể thiếu. Việc bơi trong dòng nước lạnh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống người Phần. Đó là cách họ rèn luyện sự bất chấp ngoại cảnh và bền bỉ, kể cho môi trường có bất tiện và thiếu thốn đến cỡ nào. 
“Mọi người ở các vương quốc khác tin rằng chúng tôi có được viên ngọc ấy hẳn phải báu vật. Nhưng thực sự không có gì hết.”
Raya độ ấy 12 tuổi, tuổi của những hoài nghi và khát khao thể hiện mình, tuổi của sự xốc nổi. Cô vẫn là đứa trẻ con. Raya có sự hiếu chiến, nhưng cô chưa có Sisu của riêng mình. Cô vẫn là một đứa trẻ ồn ào, cố gắng chứng tỏ khả năng bằng những lời nói. Chỉ đến khi gặp thần rồng Sisu, cô bắt đầu có tinh thần sisu của riêng mình. 
Ban đầu, mình không thích cách Raya cầu mong cho Sisudatu đến. Nhưng thực ra, đó là hình ảnh phản ánh nét tín ngưỡng văn hoá Á Đông. Thần rồng Sisu ở đây không như tinh thần sisu. Nói đúng ra, lúc Raya ở con sông cuối cùng của hoang mạc bao la, cô đang trải qua khoảnh khắc sisu: cô đang ở trong tình huống tuyệt vọng nhất - không có ba, và sự tấn công của Naamari. Raya gặp khoảnh khắc Sisu, và thần rồng Sisu xuất hiện như tiếp thêm tinh thần sisu cho cô lúc đó. Tức khi ý chí và quyết tâm vượt qua nghịch cảnh của bạn cạn kiệt, sẽ có ai đó vực dậy tinh thần mình lên. 
Tạo hình của rồng Sisu rất khác với những bộ phim trước đây. Sisu không dũng mãnh, không thét ra lửa, cũng không có vảy gai góc. Sisu mỏng manh và nhẹ nhàng uyển chuyển như dòng nước. Và cũng không nói quá nhiều như Mushu trong Mulan, trừ những khúc hoá thành người nói chuyện ngáo ngơ. Sisu xuất hiện với việc không sở hữu bất kỳ phép thuật quyền năng xuất chúng nào. Bà chỉ thể hiện mình là một cô rồng rất đỗi bình thường, và những gì có được là do sự kế thừa học hỏi từ những anh chị em rồng khác. Sisu tạo nên một hình ảnh anh hùng (ở khúc sau này) và thần phù hộ hoàn toàn khác - đó là vị anh hùng sẵn sàng thừa nhận điểm yếu của mình. Raya cũng giống như Sisu, cô thừa nhận mình không phải là nhà lãnh đạo giỏi. Và đó là điểm đồng điệu chung của hai nhân vật này. 
Thứ Raya mang lại để có được Sisu chính là niềm tin. Cô tin rằng Sisu có thể trên con đường nào đó giúp mình. Nhưng thực chất, thứ Raya nhận được và cuối cùng có được không chỉ là niềm tin. Cô học được cách mềm mỏng và linh hoạt khi gặp người lạ, hiểu rằng mọi thứ không phải lúc nào cũng giải quyết bằng gây chiến. Thậm chí, cô phải trao cơ hội cho những người mình nghĩ là xấu xa, lừa lọc giúp mình. 
Những nhân vật Raya gặp trên con đường tìm kiếm đầy đủ những viên ngọc rồng cũng thể hiện một phần của sisu hoặc thiếu tinh thần sisu. Nếu Boun- cậu bé nấu ăn trên con thuyền tái hiện hình ảnh của Benja, về cách chinh phục trái tim người qua con đường bao tử, thì bé Noi và ba con khỉ nhí nhố lại là câu chuyện của những đứa trẻ bị dồn vào cảnh mưu sinh do mất cả cha lẫn mẹ từ Druun. Bé Nan bé bỏng không chỉ có sự đáng yêu, mà còn là nạn nhân của một xã hội lừa lọc gian dối. Trong khi đó, người lính Tong khổng lồ to xác bên ngoài nhưng yếu đuối bên trong ở Talon lại thể hiện hình ảnh của một anh hùng cô độc. Bên trong ông là con người luôn bất an và sợ hãi. Qua hình ảnh mỗi người trước đó là kẻ mình cần hoài nghi đó, Raya thấy đuợc một phần trong mình. Cô dần học cách tin lại bản thân, kết giao và hoà nhập. Nhưng còn một thứ chưa vượt qua được. Đó là người bạn từng đánh mất niềm tin ở cô thuở nhỏ -  Naamari.
Naamari cũng thể hiện trong phim hình ảnh một nữ anh hùng cô độc. Bản thân cô chỉ đầy sự hận thù và thắng thua. Cô phải cố gắng để tỏ ra mình được mẹ tin cậy. Nhưng ở mẹ cô, luôn có sự e dè, do mọi quyết định của bà đều bằng lý trí. Sisu nhìn thấu vào sự tổn thương của cô gái gai góc này, tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của cô. Cái chết của rồng Sisu mới khiến Naamari dần thức tỉnh, và Raya cũng dần tỉnh. Cách cô chấp nhận hoá đá chạm tay vào Raya là một đoạn tắt hay, khi cô dần buông bỏ và học cách tin tưởng vào bản thân, và cả mình.

Điều đặc biệt trong phim lần này, ngoài những đoạn nhạc mang âm hưởng nhạc cụ của Đông Nam Á, không có một bài hát tạo động lực cảm hứng nào. Raya and The Last Dragon khác hoàn toàn với motif phim musical của Disney trước đây. Không có khúc đoạn quá cao trào đủ để sục sôi nước mắt. Những đoạn đối thoại trong phim cũng ở mức vừa đủ, hầu hết ở không khí yên tĩnh, tịch mịch trên sông nước vùng Cửu Long, hay ở những nơi cô độc không bóng người. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa văn hoá Sisu ở Phần Lan và tính cách khép kín của người Đông Nam Á. Trong sisu, người ta trân trọng sự tĩnh lặng ở việc ngồi bên nhau đối thoại. Chỉ có lúc tĩnh lặng ở dòng nước bao la, cảm thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ, con người mới học cách tìm lại mình. Và rồi họ tự động viên thúc đẩy bản thân dấn thân về phía trước. Chính họ mới tự tạo sisu cho chính mình. 

Đọc thêm:

Về cái chết của Sisu, hình tượng hoá đá và lý giải tại sao niềm tin vẫn chưa phải là đủ

Cái chết của Sisu là một hình ảnh đẹp. Nó mang ý nghĩa ẩn dụ về  tinh thần sisu không bao giờ hiện hữu thường trực. Tinh thần sisu xuất hiện như một điểm loé của đời, giống như cách chú rồng hiện sáng vào lúc Raya không còn niềm tin gì ở bản thân. Nhưng sisu cũng có giới hạn của nó. Chính con người mới phải tự tìm cách bù đắp sisu đó. 
Thực sự khi xem lúc Sisu nói bà tin vào Naamari, mình vẫn không hiểu Naamari giương cung bắn để làm gì. Mũi tên ấy có thể là sai hay đúng, cũng không rõ nữa. Nhưng chỉ đến cái chết của vị thần rồng này, hai con người vốn thù địch lâu mới thực sự thức tỉnh. Mình không nghĩ cả hai chỉ sợ mất niềm tin ở nhau. Chính họ, cũng không ai khác vẫn muốn ở trong vùng an toàn. Họ sợ chết và không đủ can đảm để chết. Họ sợ bị hoá đá và lãng quên. Trở nên bị hoá đá trong phim là hiểu về sự hữu hạn của cuộc đời, trở nên mềm mỏng và buông bỏ cho những điều lớn lao hơn. 
Lan man tua lại ở đoạn giữa phim, mình không ấn tượng cái chết của Benja. Mình ấn tượng về việc hoá đá của một người đàn bà cố giữ viên ngọc đến lúc chết. Bà rồng Sisu vẫn tỉnh queo: “Bà này cam kết ghê ấy chứ”. Mình nghĩ đó là một chi tiết ít người để ý kỹ, khi nói về niềm tin. Trong Raya and the Last Dragon, có hai loại niềm tin: niềm tin mù quáng và niềm tin tích cực. Loại thứ nhất hình thành nên định kiến giữa người với người. Nói về thứ này, người ta có câu “Con người chỉ tin vào thứ họ muốn tin”. Đó là lý do người dân các vùng khác nghi hoặc về thiện chí thống nhất lãnh thổ của Benja, cái chết hoá đá của tộc trưởng vùng Tail, cũng như Raya tin rằng con người đến với nhau chỉ để lừa nhau vậy. Loại thứ hai là niềm tin tích cực, như niềm tin của Benja, của Raya. Họ hướng thiện, tin tưởng về điều tốt đẹp của thế giới, dũng cảm đấu tranh cho điều đó, chịu hoá đá. Ranh giới giữa hai niềm tin vô cùng mong manh. Điều vượt qua nó, chỉ có thể là sisu. Liệu bạn có chấp nhận bước một bước dẫn đầu để thực hiện lý tưởng của mình không, câu trả lời nằm trong ấy đấy. Liệu bạn có đứng dậy, sau những lần bị lừa lọc, gian dối bởi bao người, để cho người khác một cơ hội sửa sai và làm lại? 
Trưởng thành, là khi mình cảnh giác với sự dối lừa của môi trường xung quanh, nhưng không vì thế mà đánh mất niềm tin ở nhiều người. 
“A gift says: You can trust me. Can I trust you?” - Sisu the Dragon

Kết

Thông điệp trong Raya and The Last Dragon những tưởng dễ mà lại không dễ. Cũng có những ý nhắn nhủ chưa vẹn toàn mấy, cũng như xây dựng hình tượng rồng Sisu chưa đủ. Nhưng mình nghĩ Disney lần này đã làm rất tốt và tạo cảm giác không chỉ mãn nhãn cho người xem mà còn cả sự trọn vẹn khi xem được một bộ phim. Sống trong một xã hội đầy những lo âu và khủng hoảng về mối quan hệ, người ta dễ lạc lối và hình thành bất lực tập nhiễm (learned helplessness), sisu có thể là kim chỉ nam giúp bất cứ ai vượt qua được nỗi sợ hãi trước mắt. Khi cầm la bàn sisu trên tay, chúng ta có thể nhìn lại mình, bắt tay vào làm mọi thứ và tự nhủ câu này:
“This too shall pass” (mọi thứ sẽ qua).
Để kết cho bài viết này, mình sẽ kể một câu chuyện không liên quan gì đến bộ phim này, mà để vầy cho mọi người cùng đọc rồi chia sẻ khoảnh khắc sisu của mình. Đó là chuyện học bơi hồi tiểu học của mình. Thực sự những lúc trải qua những giai đoạn muốn bỏ cuộc, thấy mọi thứ sao khó quá, rồi tự ti khi ai đó giỏi hơn, mình lại nhớ đến khoảnh khắc này. Mà thực ra, nó cũng khá liên quan ấy chứ, rồng Sisu có khả năng bơi rất cừ mà. Mình viết đoạn này rồi 21 tuổi trong bài cảm nghĩ về phim ngắn “Piper bên bờ biển”, giờ 24 rồi chỉnh lại nhiều xíu: 
“Hẳn bạn đã từng nghe một số người bảo rằng họ mắc chứng sợ nước, nên không thể bơi được. Những người sợ nước sợ cảm giác bị nước nhấn chìm, sợ bị sặc. Họ cứ phải nhờ cậy vào những chiếc phao để cứu mình khỏi cảm giác bị chới với trong làn nước. Nhưng vẫn có những người sẵn sàng trải qua những lần sặc nước để chiến thắng bản thân mình trong làn nước, tôi luyện sức bền trong làn nước, khám phá chân trời mới – vẻ đẹp của đại dương sâu thẳm.
Thực ra sợ nước không hẳn là bệnh tâm lý. Đó là một nỗi sợ dai dẳng, chẳng qua đó là một ký ức tồi tệ trong trải nghiệm cá nhân mỗi người. Những người sợ nước, chẳng qua là họ cố bám víu vào thứ niềm tin cũ kỹ của mình. Trải nghiệm bị nhấn chìm không thể ngóc đầu khiến họ ám ảnh, và không thể tin tưởng bản thân có thể bơi được. Lần đầu học bơi lúc 7 tuổi, thầy giáo ở hồ đã nhấn mình xuống nước mà chưa kịp dạy thở. Nước chảy vào mũi làm cay rát họng khiến bản thân luôn sợ sệt. Mãi đến khi hè lớp năm, mình mới có dịp dạy bơi lại. Thở bóng, đạp chân ếch, quạt tay, mọi thứ đều thành thục và dễ dàng cho đến khi đứng trước độ sâu 3,5m và chiều dài 25m ở hồ. 
Có một nỗi sợ rất tồi tệ. Đó là khi bạn ở hồ nước, ngụp lặn liên tục chới với, nhưng có kêu người ta cũng không nhận ra được. Luôn hằng định nỗi sợ đó. Mỗi khi trải qua bất kỳ cuộc chia li nào, cú sốc về công việc đều nhớ lại nó. “Thầy ơi cứu con với”, con bé 10 tuổi khi ấy liên tục la lên khi trên người chỉ có hai chiếc phao tay và phải dùng thân mình tự lực cánh sinh. Thầy chỉ dắt tay ở vài bước, sau đó buông ra đứng nước ở phía xa theo dõi, và việc của mình là phải bơi bắt kịp được. Trò cứ đuối và thầy cứ bơi, bơi sao cho được thì thôi. Sau lần cương quyết của người thầy đó, mình đã tháo được hai phao tay, hoàn thiện kiểu bơi đầu tiên sau 13 ngày, và biết đứng nước – thao tác chứng nhận bản thân đã thực sự quen với môi trường nước. Bố mình kể tập đứng nước đi, quạt tay nhẹ nhàng thư thái, nhưng thực ra ban đầu cũng gian nan lắm. Rồi cũng làm được, dù chưa đủ gan để đứng nước suốt đoạn đường dài như người thầy năm xưa, nhưng vẫn làm được.
Nhưng giờ nghĩ sâu thêm một tí nữa, chính việc lao vào dòng nước đã rèn luyện những đứa trẻ năm ấy có tinh thần sisu. Không phải ai sau này cũng trở thành vận động viên bơi lội, nhưng việc đi bơi như hình thức tập luyện thể thao, thử thách cự ly có niềm vui riêng của nó. Cái hay của dòng nước là vậy, nó vừa nâng đỡ, vừa đẩy nhẹ nhàng, lại có lúc dữ dội. Người cứ bơi và nước đẩy người theo đó. Và để bước được xuống nước, có thể đứng nước trong thời gian lâu dài, người ta không chỉ cần niềm tin. Niềm tin thì nhất thời, nhưng sisu mới đẩy chúng ta đi xa được. 
P.s: ngoài phân tích sâu xa ra thế này thì mình cực thích những cảnh thể hiện niềm tin của người Á Đông nha. Như những người bị hoá đá có tư thế chìa hai bàn tay như cầu mong nè, rồi tụi nhỏ bỏ dép trước khi vào nơi linh thiêng. Thêm cảnh Raya kể với Sisu và Boun về sự mất mát người thân, sau đó ba người thả hoa xuống dòng nước nữa. 
Vĩnh Anh
Các tài liệu tham khảo:
Grit - The power of passion and perseverance, Angela DuckworthSisu - vượt qua tất cả, Nghệ thuật sống của người Phần Lan, Joanna Nyland, Nguyễn Ngọc Thư dịch, First NewsSisu -- transforming barriers into frontiers | Emilia Lahti | TEDxTurku