Trước khi Jurassic World của Steven Spielberg đưa những con khủng long như thật lên màn ảnh, trước khi Ready Player One mang cả Gundam Mechagozilla cho vào một trận combat tưng bừng cùng Batman của DC Tracer của Overwatch, trước cả khi một phim có trên 90% số cảnh sử dụng kỹ xảo như Avengers: End Game thống trị phòng vé nhiều tuần liền.
Đã từng có những bộ phim kinh điển sử dụng rất ít hoặc không có bất một hiệu ứng hình ảnh nào làm từ máy tính. Những tác phẩm kinh điển được tạo ra chỉ bằng bối cảnh, góc quay, hiệu ứng ánh sáng, cốt truyện, các câu thoại và bằng diễn xuất hoàn hảo từ các nhân vật.

BỐ GIÀ - THE GODFATHER

Được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Mario Puzo, Bố Già là câu chuyện kể về cuộc đời của Michael Colerone, từ một đứa con chuẩn mực, một anh hùng chiến tranh trên con đường trở thành người đứng đầu gia tộc Mafia quyền lực nhất.
The Dark Knight của Mario Puzo - Michael Colerone.
Nếu bạn đã từng thấy Bố già ngoài nhà sách, có thể bạn sẽ giật mình với độ dày của bộ ba tác phẩm này. Thì khi lên phim nó cũng không khá khẩm hơn gì, với tổng thời lượng của ba phần là "550 phút", nhiều khán giả có thể sẽ khá cân nhắc khi xem phim. Chưa kể đến cả ba phần đều chỉ là - như mình đã liệt kê bên trên - tình tiết, cốt truyện, và diễn xuất từ các nhân vật.
Nhưng nếu bạn có kiên nhẫn ngồi qua từng đấy thời gian và là một người đam mê điện ảnh, chú trọng những chi tiết nền tảng tạo nên một bộ phim thì Bố Già sẽ là một kiệt tác.
Tình tiết - dù không chuyển thể hết 100% của sách - vẫn bám sát tiểu thuyết và đầy đủ. Khiến cho những người chưa đọc sách vẫn sẽ có được cái nhìn đầy đủ nhất về các nhân vật và mạch truyện chính.
Có hàng loạt những cảnh quay "đã trở thành huyền thoại" khiến cho Bố Già đạt vô số giải thưởng điện ảnh. Điển hình có thể kể đến như cảnh Lễ rửa tội trong nhà thờ khi Michael ra lệnh hạ sát toàn bộ thủ lĩnh của các gia tộc khác và chính thức trở thành Godfather.
- Cha xứ :"Con có phủ định Satan không?"
- Michael :"Con có."
Và ngay sau đó các thuộc hạ của Michael giết toàn bộ những người đứng đầu các gia tộc còn lại.
Diễn xuất của Al Pacino, ánh mắt không hề dao động, các câu thoại, và tình tiết đối nghịch nhau hoàn toàn có thể khiến người xem lạnh cả gáy.

Kể cả cái tên của nhân vật cũng sẽ phần nào khiến cho bạn bị shock nếu có đôi chút hiểu biết về Thiên chúa giáo. Michael - là tên của một tổng lãnh thiên thần trong 7 thiên thần trực tiếp dưới quyền thiên chúa.
Ông là người dẫn quân của thiên đường trong cuộc đối chiến với Satan. Việc Michael nói dối ngay giữa nhà thờ trong một lễ rửa tội ( một thánh lễ ), và gián tiếp ra lệnh giết người cho thấy nhân vật chính của chúng ta hiện tại đã hoàn toàn sa lầy vào bóng tối.
Đây chỉ là một trong rất nhiều cảnh đáng nhớ xuyên suốt ba phần phim Bố Già. Như những lúc Michael nói chuyện với cha mình - Vito Colerone - khi ông còn sống, hay cảnh anh cứu cha mình ở bệnh viện, cảnh anh ra lệnh sát hại chính anh ruột của mình, cảnh anh khóc với cha xứ và thú nhận những tội lỗi của mình... Nếu ngồi kể hết ra thì chắc 1 tuần mới hết được.
Không chỉ có những cảnh quay tuyệt vời mà nội dung của Bố Già còn cho ta thấy nhiều triết lý sống, như cách giao thiệp và làm ăn,  giữ khoảng cách với kẻ thù của mình thế nào, và trên hết cả - là gia đình.
Tác phẩm đề cao tuyệt đối giá trị của gia đình và mặc dù khai thác đề tài về Mafia, nó cũng cho thấy vô số rủi ro trong cuộc sống đầy quyền lực đó. Có lẽ bạn sẽ phải xem hết ba phần phim mới có thể thấy hết thông điệp mà Bố Già muốn truyền tải.

Đó là câu chuyện buồn của một cá nhân chấp nhận để tay mình vấy bẩn đổi lại quyền lực. Đứng đầu một gia tộc có ảnh hưởng lên hầu hết cảnh sát và thẩm phán ở một thành phố, làm ăn với chính phủ một nước và cả giáo hội - có quyền năng - nếu nói hơi châm biếm một chút - thì là như một tổng lãnh  thiên thần. Nhưng với tất cả quyền lực đó, mục tiêu cả đời của Michael ( noi theo bố anh ) là bảo vệ gia đình, giữ cho gia đình an toàn bằng mọi giá, lại phải từ bỏ người vợ mình yêu thương, và không cứu được cả con gái của mình vào lúc cuối đời.

NHÀ TÙ SHAWSHANK - SHAWSHANK REDEMPTION

Một trong những phim có kịch bản tốt nhất mọi thời đại. Là một tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết của ông hoàng Stephen King, Rita Hayworth and Shawshank Redemption.
Andy trước tòa
Nhân vật chính của chúng ta, Andy, bị kết tội giết vợ và nhận án chung thân ở nhà tù Shawshank. Tại đây anh đã gặp Red ( Morgan Freeman), cùng những tù nhân khác và bắt đầu hành trình chuộc tội của mình.
Nếu biết mình bị án chung thân và phải ở trong tù cả đời thì bạn sẽ làm gì ở một nơi nổi tiếng là bóp chết hy vọng?
"Buông thả" có lẽ là từ chuẩn nhất, chẳng coi trọng chuyện gì nữa và mỗi ngày chỉ tận hưởng bất cứ thứ gì được đưa đến buồng giam, cố gắng làm gì khi bạn sẽ ở đây cả đời với một số ít gương mặt quen thuộc?
Nhưng buông thả cũng không đáng sợ bằng việc bạn sẽ quen với những công việc trong tù và đến một lúc nào đó, khi được thả ra ngoài, bạn sẽ không còn biết phải làm gì với cuộc đời mình nữa.
Andy và Red xem phim trong tù vô cùng vui vẻ
Với Andy thì trái ngược hoàn toàn, anh vẫn "sống" mỗi ngày, làm quen với môi trường xung quanh, kết bạn, học tập, làm bất kỳ thứ gì anh muốn làm,... miễn không phải là chết. Và quan trọng nhất, Andy không bao giờ từ bỏ khả năng anh còn có thể trở ra ngoài. 
Và dành toàn bộ thời gian của mình cho hy vọng đó, cho một kế hoạch dài 18 năm của anh.
Đó là cách mà những người thông minh đạt được bất kỳ điều gì trong cuộc sống của mình. Thông minh có rất nhiều loại, loại quan trọng nhất bạn cần có là trí thông minh thực tiễn, nghĩa biết mình phải làm gì trong trường hợp nào và không bao giờ nản chí. Shawshank Redemption có cốt truyện "yên bình" ( tất là không có quá nhiều kịch tính ) hơn so với Bố Già. Nhưng nó là câu chuyện xuất sắc nhất của "Hy vọng" từng được kể. 

DANH SÁCH CỦA SCHINDLER - SCHINDLER'S LIST

Thêm một phim có độ dài "ngán ngẩm" nữa với 3 tiếng 11 phút, là một tác phẩm kinh điển khác được chuyển thể từ sách. Nội dung cũng tương đối kén người xem vì liên quan nhiều tới chính trị, quân đội, phe phái, tôn giáo với bối cảnh tăm tối.

Danh sách của Schindler dựa trên một câu chuyện có thật về một "thần tượng" của người Do Thái - Oskar Schindler.
Dùng từ thần tượng chưa chuẩn lắm nhưng đột nhiên hiện tại mình không rõ phải gọi ông là gì. Gọi ông là "thánh", là "thiên sứ", là "một doanh nhân tốt bụng" thì không biết có sai không.
Ông là một doanh nhân người Đức, sau thế chiến thứ hai, khi mà người Do Thái đang bị đàn áp dã man nhất trong các trại tập trung, Oskar có một kế hoạch ( lúc đầu thì không có vẻ như thế ) rằng ông sẽ cứu thật nhiều người Do Thái nhất có thể khỏi các trại tập trung và khỏi những cuộc thanh trừng đẫm máu của các tướng lĩnh người Đức.
Một lần nữa bối cảnh và diễn xuất của các nhân vật - đặc biệt là Liam Neeson trong vai Oskar đã khiến phim trở nên cuốn hút hơn hẳn dù là trên nền đen trắng. Câu chuyện nhân văn và có phần gây tò mò cho khán giả, tại sao một doanh nhân phái tư bản người Đức lại cố gắng cứu người Do Thái khỏi ách thống trị của chính quốc gia mình? Là do ông thấy được sự cực đoan trong chính quyền đó hay còn lý do nào khác?
Những người Do Thái được ông cứu khỏi địa ngục và con cháu của họ hằng năm vẫn đến viếng mộ và coi ông như ân nhân đã cứu cả dân tộc mình như một cách để tri ân thánh Oskar. 
Phân cảnh cuối cùng của Liam Neeson trong tác phẩm này cũng là một cảnh khó quên nếu bạn đã lỡ thích Schindler's List.
Oskar ôm chặt lấy người đã đồng hành cùng ông nhiều năm và bật khóc, bảo rằng ông đã có thể cứu nhiều người hơn nhưng đã không làm vậy.

FORREST GUMP


Tác phẩm cuối cùng trong list phần một này có hơi khác biệt. Là một bộ phim cùng tên với sách nhưng được nhiều người đánh giá nó "không hẳn là dựa trên", ừm.. sách. Có thể coi là lấy ý tưởng cốt lỗi khi chuyển thể, còn kịch bản thì đã thay đổi ít nhiều. Tuy nhiên sự thay đổi này nhận được nhiều phản hồi tích cực hơn so với phiên bản sách.
Tom Hanks thật sự là một diễn viên tài năng và những phim ông tham gia hầu hết đều đem lại ấn tượng sâu sắc với mình. The Terminal, Cast Away, Saving Private Ryan,... nhưng Tom Hanks trong Forrest Gump vẫn là một cái gì đó rất hoàn hảo.
Forrest và Jenny
Cộng với tình tiết đã được chỉnh sửa thông minh, bỏ đi một số thứ từ sách, mở rộng background của các nhân vật khác. Forrest Gump cho người xem thấy những gì vừa đủ và cần thấy của các nhân vật, vẫn có thể cảm nhận nội tâm của họ với thời lượng phim không quá dài.
Một Forrest có vấn đề trí tuệ trong con mắt người khác.
Một người mẹ thương anh vô điều kiện.
Một Jenny với mâu thuẫn nội tâm phức tạp bởi những ký ức lúc nhỏ luôn cố gắng đẩy Forrest ra xa.
Một Bubba hiền hòa và một trung úy Dan luôn muốn chết một cách anh hùng vớ vẫn nhất,...
Thuyền trường Forrest
Nhịp phim được làm nhẹ nhàng ( có một chút lên xuống ở phân đoạn chiến tranh Việt Nam ), vì cuộc đời của Forrest, từ chính góc nhìn của anh là vậy. 
Nhẹ nhàng không có nghĩa là không có những biến cố, mà là không "đờ-ram-ma" hóa những thứ đó lên, là dù như thế nào Forrest vẫn bình tĩnh đối mặt.
Dù nhẹ nhàng nhưng có những cảnh, đặc biệt là một số cảnh khi Forrest có thoại, lại để lại ấn tượng sâu sắc. Forrest Gump giống như một nhân vật ít nói, nhưng khi thốt ra câu nào liền vô cùng có sức ảnh hưởng.
Như cảnh này chẳng hạn
Câu chuyện của Forrest Gump phần nào đó khiến cho mình ganh tỵ, bởi vì lúc nào mình cũng suy nghĩ quá nhiều. 
Mỗi lần xem lại đều có cảm giác muốn được như Forrest, không phải muốn thành công như anh, mà muốn có thể suy nghĩ đơn giản được như anh. Muốn có thể tập trung duy nhất vào việc mình đang làm, cho dù đó là bất cứ chuyện gì, là ăn sáng, làm việc, những lúc ngồi tập viết như thế này hay thương một người mình đã thương từ thuở bé.