Nếu bạn đã từng ấm ức chỉ vì mình đứng thứ 2 trong một cuộc thi hay không đạt điểm tối đa trong một bài kiểm tra, thậm chí là không để người khác làm thay mình bất cứ việc gì vì sợ người đó không hoàn thành tốt được công việc đó thì rất có thể bạn chính là người cầu toàn. 


Tôi từng đọc được đâu đó gợi ý rằng, khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi "bạn có điểm yếu gì?", hãy trả lời: “Điểm yếu của tôi là tính cầu toàn”. Câu trả lời này được coi là "ghi điểm" trong mắt nhà tuyển dụng.

Lý do rất đơn giản: chúng ta thường có xu hướng đánh giá cao những người cầu toàn và cho rằng họ có khả năng hoàn thành công việc một cách hoàn hảo nhất có thể. Và nhà tuyển dụng thường thích những người như vậy.

Nhưng, thực tế là, chủ nghĩa cầu toàn phải trả một cái giá đắt. Nó khiến con người ngày càng không khoan dung với người khác và với chính bản thân mình.

Chủ nghĩa cầu toàn rất có thể sẽ khiến cuộc sống của bạn bớt hạnh phúc.

Chúng ta hãy định nghĩa một chút: Người theo chủ nghĩa hoàn hảo, hay Người cầu toàn (perfectionist) là người có xu hướng muốn mọi cái đều phải hoàn hảo, từ công việc, gia đình đến bạn bè và nói chung là tất cả những gì liên quan đến họ. Cần phải phân biệt người cầu toàn với người phấn đấu để cuộc sống tốt đẹp hơn, những người phấn đấu thì luôn mong muốn mọi thứ tốt lên nhưng trong khả năng của họ và cái quan trọng nhất là biết chấp nhận tình trạng hiện tại, ngược lại người cầu toàn lại có những mong muốn vượt khả năng và thực tế hoàn cảnh cho phép, cái họ cần là hoàn hảo sự áp dụng của chủ nghĩa cầu toàn (Wikipedia)

Theo nhà tâm lý học Burns, người cầu toàn nhận thức được những tiêu chuẩn chính mình tự đặt ra là khá cao và nhiều khi không chính đáng, nhưng họ tin rằng chính những tiêu chuẩn họ đặt ra này sẽ là nấc thang giúp họ đạt được sự hoàn hảo và hiệu quả mà không thể giành được bằng cách nào khác. Trong một nghiên cứu trên 50 người đàn ông trung tuổi, những người có điểm số cao nhất qua các bài kiểm tra về chủ nghĩa cầu toàn cho thấy họ tiết ra hoóc môn căng thẳng cortisol nhiều hơn so với người bình thường ở cùng một tình huống, điều đó cho thấy họ nhạy cảm hơn đối với những căng thẳng trong cuộc sống.

Nếu bạn chờ đợi mọi thứ hoàn hảo rồi mới bắt đầu, có lẽ sẽ chẳng có bắt đầu nào cả!

Người cầu toàn luôn có sự thôi thúc phải hoàn hảo, không sống thực với mình mà tuân theo một lý tưởng phi thực tế do vậy họ hay rơi vào tâm trạng bất mãn và lo lắng. Các rối nhiễu này một phần cũng xuất phát từ sự bất ổn trong các mối quan hệ cá nhân. Ngoài ra các bệnh thể chất cũng dễ mắc hơn do thường xuyên đẩy cơ thể vào tình trạng vượt sức chịu đựng.

Người cầu toàn không bao giờ biết thỏa mãn. Họ luôn kì vọng vào sự hoàn hảo và không bao giờ thấy hài lòng với bất cứ việc gì, kể cả trong tình yêu. Nếu bạn không muốn ế chỏng chơ thì hãy bớt cầu toàn đi. Bởi vì bạn biết đấy, chờ đợi vào sự hoàn hảo cũng tương tự như việc bạn muốn lấy một anh chồng vừa đẹp trai, nhà giàu, vừa galant, mà lại có lòng bao dung, độ lượng, biết yêu thương bố mẹ, à và cả yêu động vật nữa,... Bạn không ngớ ngẩn đến mức không biết là họ... tuyệt chủng rồi chứ? (Đùa thôi, vẫn còn đấy, bạn cứ kiên nhẫn tìm đi, chắc đến đời "mộc thất" sẽ tìm ra)
Theo quy luật thông thường, các tiêu chuẩn đó sẽ giảm dần, tỷ lệ nghịch với độ tuổi và nhan sắc của người phụ nữ, cho đến khi chỉ còn duy nhất 1 tiêu chuẩn cuối cùng: là con trai! Đến lúc đó đừng hỏi tại sao bạn lại... ế (:
Nhưng điều quan trọng tôi muốn nói đến là, đừng để đến lúc ế mới hạ tiêu chuẩn, hãy tập xác định và giảm bớt tính cầu toàn ngay bây giờ. Chính lúc đó bạn mới có thể cảm nhận được hạnh phúc trên hành trình tìm kiếm tình yêu, hay bất cứ mục tiêu nào khác của cuộc đời. Nếu không, sẽ không có cái đích nào gọi là "hạnh phúc" cho người cầu toàn cả.

Người cầu toàn thường ôm đồm, tham công tiếc việc. Đơn giản như việc một bà vợ cầu toàn thì không bao giờ để cho ông chồng vụng về vào bếp chỉ vì sợ ông sẽ làm hỏng các món ăn hay sợ ông ấy sẽ phá tan cái bếp của mình. Và lẽ dĩ nhiên bà ấy sẽ làm hết tất cả mọi việc trong nhà. Hay một người khác sẽ sợ phải giao việc này cho người khác vì không yên tâm người đó có thể hoàn thành tốt công việc. Kết quả, tự họ làm khổ chính mình.


Người cầu toàn hay bị ám ảnh bởi thất bại. Dù là những sai lầm nhỏ nhất cũng khiến họ cảm thấy bị ám ảnh, day dứt không thôi. Đơn giản như việc đến muộn 5 phút hay nấu một bữa ăn không ngon cũng khiến họ cảm thấy khó chịu. Rõ ràng những thứ nhỏ nhặt đó đáng ra không nên làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Việc bị ám ảnh bởi các thất bại nhỏ sẽ khiến bạn khó mà tập trung được để hoàn thành những mục tiêu lớn.

Hãy ngưng "cầu toàn" để cuộc sống được nhẹ nhõm hơn.
Chính vì những lẽ đó, Người cầu toàn thường cảm thấy mình không hạnh phúc. Và sự thật là nó sẽ khiến cuộc sống của bạn thật sự không hạnh phúc. 
Bạn sẽ luôn không vui vì không thể hoàn thành mọi thứ một cách hoàn hảo. Mọi việc có thể bị trì trệ vì bạn luôn mong muốn tất cả phải thật chu toàn trước khi bắt đầu, và điều đó phải nói là rất rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Bạn có thể sẽ dần trở nên tự ti hoặc hay xét đoán bởi vì người cầu toàn không bao giờ hài lòng với những gì mình đang có. Và quả thực những người cầu toàn thường đạt được rất nhiều thứ - nhưng cái giá phải trả cho những thành công có thể là thường xuyên bất mãn và không thoải mái.

Để chốt cho bài này, xin trích dẫn một câu nói tôi rất tâm đắc của Elizabeth Gilbert, tác giả của “Big Magic: Creative Living Beyond Fear” 

“Perfection is the death of all goodthings, perfection is the death of pleasure, it’s the death of productivity, it’s the death of efficiency, it’s the death of joy. Perfection is just abludgeon that goes around murdering everything good.”


Đọc thêm: