Tôi là một người tham gia vào nhiều bộ môn nghệ thuật.
Và thường thì người ta hay cho rằng, việc học là việc của cả đời. Nhưng học cái gì cả đời thì người ta không nói.
Và, trong cái sự học cả đời đấy, lại có những thứ giúp chúng ta nhưng lại cản đường chúng ta.

Câu chuyện hai người bố

Đây là những kỷ niệm xảy ra khi tôi còn đi dạy guitar cho một câu lạc bộ nhỏ ở Hà Nội (do không có bằng cấp nên không chỗ nào nhận, đành phải làm ở đây). Hai mẩu chuyện này khiến tôi ám ảnh nhiều đên liền, đôi khi giật mình giữa đêm và thở phào nhẹ nhõm vì đấy chỉ là giấc chiêm bao, nhưng cũng khiến tôi đau đáu vì rằng tôi biết, ngoài kia vẫn còn những con người như thế.
Một ngày, như bao ngày khác, tôi đến lớp dạy đàn, ở lớp này có một cậu học sinh mà tôi rất quý. Cậu học rất nhanh và rất có năng khiếu. Nói rõ hơn một chút thì năng khiếu trong âm nhạc chia thành hai, một là năng khiếu về mặt cảm thụ - điều này thì không phải bàn cãi, thứ hai là năng khiếu về kỹ thuật - nếu như giải phẫu của đôi tay không chuẩn, thì cho dù tập đến 40 tiếng một ngày, cũng rất khó để có thể chơi được đàn. Từ trước đến nay, tôi dạy hơn nghìn người, gặp không biết bao nhiêu người. Nhưng cậu bé này là người thứ 5 có được cả 2 thứ.
Lớp học hôm đó, vẫn như thường lệ, tuy nhiên chỉ có một điểm khác, là có bố của cậu bé đó xuất hiện và tập đàn cùng cậu. Ông bố này thì rất khinh thường tôi (vì tôi không có bằng cấp). Cậu bé hỏi tôi một câu rằng: "Anh ơi, bài nào là bài khó nhất hả anh, bao giờ thì em học được ạ, anh chơi cho em nghe được không". (Lúc đó, ý cậu bé muốn hỏi xem kỹ thuật bài nào là khó nhất). Tôi mỉm cười, còn chưa kịp đáp lời thì ông bố nhìn tôi bằng một cái nhìn khinh bỉ rồi nói: "Hỏi cái gì mà hỏi, còn lâu mới được học bài khó nhất, tập là tập cả đời". Trong lòng tôi lúc đấy buồn cười lắm, vì nếu tập là tập cả đời, thì đến lúc gần chết mới chơi được bài khó nhất à? 
Hôm đó tôi chọn cách im lặng, vì cơ bản tôi cũng tự xấu hổ vì mình học hành kém quá, đến nỗi không có bằng cấp. Một phần nữa, quan trọng hơn, là vì tôi biết câu trả lời nhưng không dám nói.
Câu chuyện thứ hai, cũng là về một người bố, nhưng người học đàn lại là cô con gái của ông. Cô bé này, tuy không quá giỏi, nhưng lại rất thích chơi guitar. Mà các bạn biết rồi đấy, thích và chăm chỉ là đã quá đủ để mình chơi một loại nhạc cụ rồi phải không? 
Cô bé này, có một ước muốn duy nhất là được chơi guitar cổ điển, chơi bài Giấc mơ trưa cho mẹ cô nghe. Cũng lại một buổi tối mùa hè mát rượi, lớp học có thêm sự hiện diện của người bố.
"Chú không đồng ý cho cháu dạy guitar cổ điển cho con bé" - ông bố nói ngay khi gặp tôi.
Cười khẩy, nghĩ rằng chắc lại do bằng cấp của mình, tôi đáp:
"Dạ, chú yên tâm, trung tâm cháu còn ..."
"Không còn gì cả, con bé này nó rất ngu, không thể học được cổ điển, chỉ học được đệm hát thôi. Đề nghị cậu cho nó chuyển sang khóa đệm hát" - ông bố cắt lời.
Tôi xin đem tất cả danh dự của mình ra để đảm bảo câu chuyện trên hoàn toàn là sự thật! Ông bố nói như vậy ngay trước mặt đứa con gái của mình!
Khi đấy, tôi mới lờ mờ nhận ra một số chuyện. Bố mẹ tôi, mặc dù về mặt vật chất thì không thể so được với bất kỳ ai (bố và mẹ đều là những người làm việc chân tay, không có trình độ), nhưng luôn ủng hộ tôi, và chưa bao giờ ngăn cản khả năng nhận thức của tôi ...
Học một thứ nghệ thuật, để học cái kỹ thuật của nó, thì chỉ cần tối đa là 2 năm. Biết được thế nào gọi là đẹp, là xấu, thì chỉ cần tối đa là 5 năm. Nhưng hiểu được tại sao nó lại là đẹp, tại sao nó lại là xấu, làm thế nào để có được cái đẹp - điều này mới thực sự là mất cả đời.
Người bố thứ nhất, vô tình đã làm giới hạn bước thứ nhất - học kỹ thuật - thành cả đời mất rồi. Cậu vẫn sẽ phát triển, nhưng với sự dẫn dắt như thế, thì có lẽ sẽ tương đối khó khăn.
Người bố thứ hai,  thì lại còn cho rằng con gái mình không đạt nổi bước thứ nhất của sự học. Tôi cũng không biết nên bình phẩm gì thêm.

Cây bút hèn

Thêm chút tuổi, cộng với vốn tiếng trung sẵn có. Tôi học thư pháp.
Và tôi giật mình.
Giật mình bởi vì không ngờ là số lượng người không hiểu gì về nó - nhưng lại tưởng mình là bậc thầy - lại chiếm đa số trong số lượng người chơi thư pháp.
Có lẽ, cũng một phần là do "sự xấu xa kiểu Trung Quốc" - nơi bắt nguồn của môn nghệ thuật này. Suốt cả ngàn năm lịch sử, bộ kỹ thuật sử dụng bút bị cố tình giấu đi, dạy sai đi. Văn bia khắc lại chữ của người xưa thì bị đục đẽo mất một vài chữ quan trọng (để đời sau không bao giờ hiểu được kỹ thuật thế nào nữa). Người giàu, thuê mua sạch các tác phẩm của người khác về đốt sạch, để chữ của họ không lưu được đến đời sau nữa. Người giỏi, cố tình đặt ra những câu hàm hồ khiến đời sau không hiểu rõ, làm sai đi ... Những chuyện như thế, trong giới thư pháp thì vô cùng.
Nhưng, cái tai hại nhất lại nằm ở chỗ người thưởng thức. Đã không hiểu gì về  nó, lại còn tung hô những cái sai. Và khi đó, cái sai nghiễm nhiên trở thành cái đúng. Chẳng nói dâu xa, chỉ ra ngay Văn Miếu nằm giữa cái thủ đô của chúng ta, cũng có thể thấy các cụ, các anh hoàn toàn không biết chút gì về cách sử dụng bút, hoặc sử dụng bút sai, bày "mực tàu giấy đỏ" giữa cái đất mà "tinh hoa hội tụ". 
Có lẽ, cái xấu nhất ở đây không phải là do các cụ, các anh không chịu tập luyện, mà là do họ kẹt lại mãi ở cái bước "kỹ thuật", không thể hiểu được cái đẹp là gì để thực thi cái đẹp ...

Cái xấu và sự thắng thế của chủ nghĩa phương tây

Thực ra, đẹp và xấu là do quan niệm của chúng ta. Khó có thể nói anh chơi hay anh chơi dở, bức tranh này đẹp, bức tranh kia xấu, chữ này đẹp, chữ kia không ngửi nổi ...
Tuy nhiên, có một số điều ta phải thừa nhận, đấy là 
1. Kỹ thuật phải chuẩn, nếu kỹ thuật sai, sai nhịp điệu, vẽ chữ mà viết sai, vẽ tranh mà nhìn ngớ ngẩn, thì đấy là thể hiện về kỹ thuật yếu kém, không đáng phải bàn cãi.
2. Khi kỹ thuật tốt lên rồi, thì ở đâu, phải dùng quan niệm của nơi đó để xem xét. Không thể nào đem áo dài đặt vào hoàn cảnh phương tây để xem xem nó có hợp với thời Victoria hay Edward hay không. Cũng không thể đem tiêu chuẩn áo Vest ra để đánh giá áo dài nam của Việt Nam được. Vì vậy, nếu đem cái đẹp của phương Tây để đánh giá cái đẹp của phương Đông, thì chắc chắn đấy là một sự què quặt. Nếu chỉ dùng theo cách đem một góc nhìn mới, một cách đánh giá mới để cảm nhận, thì được thôi. Nhưng nếu dùng nó để quy chụp phương Đông, và nếu bạn cảm thấy như thế thật ổn, thì xin dừng lại tại đây. Tôi không có ý định thuyết phục ai, và chúng ta không đồng quan điểm.

Cái đẹp của phương Tây

Quan điểm của phương Tây là đẹp một cách logic và cấu trúc. Ngăn nắp và hàng lối, quy củ và kỷ luật, hệ thống và toàn diện và những từ ta có thể dùng để mô tả chủ nghĩa phương Tây, có lẽ cũng dễ hiểu vì họ đạt đến mức độ kiểm soát thế giới tự nhiên cao hơn phương Đông. Những gì họ làm ra là độc đáo và hoàn toàn không thể có được ở trong tự nhiên.
Tiến vào phương Đông, họ đem theo quy củ, trật tự, hàng lối, theo tuy duy khai phóng, đổi mới. Và vẻ đẹp của họ, tức là tuân theo nguyên tắc. Có lẽ điều này thể hiện rõ thông qua con chữ của họ. Bạn chỉ cần tìm từ khóa "Calligraphy", có thể thật sự trật tự, hàng lối, khuôn phép chính là chìa khóa làm nên vẻ đẹp trong "nghệ thuật viết chữ phương Tây".
Khuôn phép, ngăn nắp và trật tự - những gì làm nên đẹp theo "Chuẩn phương Tây"
Khi áp dụng vào phương Đông, đặc biệt là trong nghệ thuật, ví dụ như thư pháp chẳng hạn, ta sẽ có những tác phẩm nhìn qua thì đẹp, nhưng lại "trăm chữ như một", "ngàn chữ như một" thế này:
Để làm một cái tiêu chuẩn phương Tây và những gì có của phương Đông thì, khó. Phải nói là rất khó để luyện được như thế, nhưng những tác phẩm tạo ra, nhìn thì trông có vẻ đẹp, nhưng bên trong lại không có hồn. Nếu như thế thì cần gì phải viết nhiều, vẽ nhiều làm gì. Viết xong đúng 1 bức rồi chết luôn cũng được, để cho hậu thế photocopy ra còn nhanh hơn là vẽ...
Nhưng có lẽ trong phương Đông không quan niệm như vậy. Ở phương Đông, ý niệm về sự khác biệt, sự cảm nhận của mỗi cá thể là cực lớn.
Họ không mô tả: nét này dài 1 cm rộng 0.8cm chếch từ phải sang trái một góc 17 độ. Mà họ mô tả: Nét này vẽ như một hòn đá bị vỡ ra, rơi thẳng từ đỉnh núi xuống. 
Nói cách đơn giản hơn, thì sự trải nghiệm của mỗi người là quan trọng. Rõ ràng, tác phẩm lúc buồn, đau đớn cực điểm, tác phẩm lúc vui, tác phẩm lúc đang đi vệ sinh chắc chắn sẽ có sự khác nhau. Nếu làm tất cả chúng giống nhau, thì là hỏng mất rồi.
Nói rộng ra, con người ta càng ngày càng đưa ra những quan điểm đao to búa lớn, những từ ngữ ngày càng phức tạp để khái quát hóa những sự việc đơn giản, thay vì chỉ nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề. Trên mạng, ngay trên spiderum, cũng rất nhiều tác giả thích "khái quát", đưa ra một đống khái niệm trừu tượng đao to búa lớn, mà chẳng áp dụng được, luận điểm thì hời hợt quy chụp, có lẽ, cũng là do ảnh hưởng của "cái đẹp" phương tây.
Cũng đã lâu rồi, tôi chạy theo hơi hướng đấy, cũng đem những từ ngữ to lớn ra mà dọa các bạn, mà quên mất rằng hôm nay có một Hà Nội thật đẹp và yên bình.
Chúc các bạn trải qua một giáng sinh ấm áp.