Ảnh: nchro . org
Kể từ đầu tháng Mười hai này, Việt Nam liên tục xảy ra những sự kiện dở cười dở mếu. Thứ tự xảy ra của chúng lần lượt như sau:
•     Một tiếp viên hàng không thực hiện cách li không nghiêm chỉnh nên làm lây COVID-19 cho nhiều người khác. Không lâu sau, cuộc săn phù thuỷ thế kỉ 21 nổ ra nhằm truy lùng tiếp viên kia để sỉ vả, rất nhiều người ủng hộ việc này. Đỉnh điểm vụ việc khi có người hành hung cả đồng nghiệp của tiếp viên đó, dù họ vô tội.
•     Một thanh niên côn đồ đánh như triệt hạ một nữ sinh sau va quệt giao thông. Rất nhanh sau đó, rất nhiều người tìm đến dùng luật rừng với thanh niên này, và có rất nhiều người tung hô hành động này.
•     Một thanh niên nhận xét những lời khiếm nhã về chuyện gia đình của một diễn viên vừa qua đời và khiến nhiều người bực tức. Một nhóm người tụ tập kéo nhau đến gặp mặt hăm doạ thanh niên kia. Dù nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đã có không ít người ủng hộ nhóm người đi hăm doạ kia.
Ba sự kiện trên tưởng chừng như rời rạc nhưng tôi đã xâu chuỗi được chúng lại, và từ đó thấy ra các hiện tượng: Thứ nhất, đám đông đang tỏ ra thèm khát bạo lực đến cực điểm, với lí do là những người như thế đáng bị nhận bạo lực, bất kể pháp luật có xử họ hay không. Thứ hai, những thành phần côn đồ thảo khấu, vô pháp vô thiên lại được không ít người tôn vinh như người hùng, với lí do là những người đó đang thực thi công lí cho người dân.
Bài viết này sẽ chỉ ra rằng hai lí do trên là vô cùng ấu trĩ, và những người ủng hộ bạo lực đang làm hại chính mình cũng như xã hội, và lòng tử tế của những kẻ thay trời hành đạo là thứ hoàn toàn không đáng tin.

1. Tôn sùng bạo lực

Luận điểm thường gặp nhất của những người tôn sùng bạo lực là: "Pháp luật có thể xử nó hoặc không, nhưng dù gì nó bị đánh là cũng đáng." Mấu chốt ở đây là chữ đáng. Khi được hỏi về chữ đáng ấy dựa trên nền tảng nào, chắc chắn không dựa được trên pháp luật rồi, người nói thường dẫn ra đạo đức.

Ảo tưởng đầu tiên là suy nghĩ những gì pháp luật không xử được thì đạo đức sẽ xử được. Đạo đức (dùng từ chính xác hơn thì phải là luân lí) là bộ quy tắc ứng xử được cộng đồng quy ước với nhau nhằm thuận tiện cho việc chung sống và hợp tác. Không riêng ở con người, luân lí có mặt ở tất cả loài vật có tính xã hội: Bầy chó con chơi cắn nhau, con nào cắn quá đau hoặc vẫn cắn khi bạn nó đã nằm ngửa chịu thua thì nó sẽ dần bị biệt lập không được chơi cùng [1]; hoặc ở loài dơi khi một con dơi không kiếm ăn được, con dơi khác sẽ nôn số máu kiếm được vào miệng dơi bạn, để hi vọng lần khác thiếu ăn thì sẽ được giúp đỡ lại [2]. Như vậy, luân lí chỉ là một quy ước bất thành văn trong một cộng đồng với mục đích dễ dàng chung sống. Những nguyên tắc cá nhân liên quan đến danh dự hay giới hạn cư xử của riêng một cá nhân thì mới được gọi là đạo đức, và đạo đức không có tính quy ước trong cộng đồng.
Nhưng vấn đề của luân lí là nó bị ảnh hưởng mạnh từ văn hoá và định kiến. Chẳng hạn ở một số cộng đồng thì chửa hoang coi là bình thường, một số thì coi là tội nặng phải cạo đầu bôi vôi, thả bè trôi sông. Sau Cách mạng Nông nghiệp dân số tăng vọt, từ bầy người trở thành bộ lạc, rồi trở thành tù trưởng quốc, rồi trở thành vương quốc, thì việc đa văn hoá (từ đó luân lí cũng đa dạng) trong một cộng đồng lớn là tất yếu xảy ra. Luân lí áp dụng vào đây sẽ trở thành hỗn loạn, vậy nên người ta mới sinh ra luật pháp thành văn, thứ chưa từng xuất hiện ở các bầy người hay bộ lạc săn lượm, kể cả trong ngày nay [3].
Vấn đề tiếp theo là loài người từ thời săn lượm đến nay không được trang bị khả năng nhìn quá xa. Chúng ta mải mê thoả mãn những kích thích nhất thời mà không nhận ra mối nguy hiểm chết người nếu nhìn xa, như là ăn nhiều đến nỗi béo phì hay chơi game đến kiệt sức. Điều tương tự cũng xảy ra với cơ chế trừng phạt bằng bạo lực, ăn miếng trả miếng có thể hữu ích trong một bầy người ai cũng có thể trực tiếp giám sát nhau, nhưng trong xã hội nay thì không. Xã hội nay đang vận hành một cách chuyên biệt hoá mà một chuyên gia giáo dục còn không đảm nhận được chuyên môn pháp luật, chứ đừng nói đến diễn viên hài hay côn đồ thảo khấu.
Tượng nữ thần công lí bịt mắt, một tay cầm kiếm, một tay cầm cân. Biểu  hiện của việc tư duy lí tính và chuyên biệt hoá pháp luật của con người  từ thời cổ đại.
Chính vì vậy nên mới sinh ra những người có chuyên môn làm luật và luật pháp phải là thứ thượng tôn. Giống với luân lí, một phần của pháp luật là để chung sống và hợp tác. Nhưng khác với luân lí, luật pháp có thể áp dụng phổ quát với toàn bộ người trong cộng đồng lớn, và có tính chất bắt buộc. Và càng khác hơn ở chỗ, vì có thể nhìn xa nên pháp luật có thể bảo vệ chúng ta ở cả những việc chúng ta vốn không để ý, không biết hoặc không tin. Đây cũng là cái lí tính của luật pháp mà những người sống bằng cảm tính khó có thể hiểu được.
Một tội lỗi kích động cảm xúc, hoặc đạo đức, luân lí của người dân lên ngùn ngụt không có nghĩa rằng tội lỗi đó nghiêm trọng theo pháp luật, ví dụ như vụ thanh niên nhận xét khiếm nhã về diễn viên mới qua đời vừa rồi, tuy thanh niên ấy có lỗi, nhưng việc phát ngôn khiếm nhã về người khác vốn quá nhỏ để luật pháp xử lí, và thực tế đúng là nó không quá nghiêm trọng đến an ninh xã hội thật, ít nhất không nghiêm trọng đến an ninh xã hội bằng những người tụ tập đòi xử thanh niên đó.
Mặt khác, phạm luật nhưng không hề kích động cảm xúc đám đông, không hề vi phạm đạo đức, luân lí nhưng đối với pháp luật thì đó lại là tội vì nó gây nguy hiểm đến xã hội. Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm là ví dụ, khi chưa có luật, chúng ta tin ở ý thức tự giữ mạng của từng cá nhân, nhưng rồi chúng ta nhận ra con người không đáng tin bằng hệ thống, nên mới ra luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Và con số thì không nói dối, sau mười năm bắt buộc đội mũ bảo hiểm, Việt Nam giảm hơn 15 nghìn thương vong [4].
Trong những ví dụ trên và trong tất cả trường hợp khác của cuộc sống nói chung, tôi khuyên anh chị luôn luôn tin theo phán xét của pháp luật hơn là phán xét của luân lí, hoặc phán xét đạo đức của một cá nhân. Bởi pháp luật là hệ thống xây dựng trên lí tính, nó biết cách bảo vệ chúng ta hơn cả cách chúng ta tự bảo vệ mình. Còn đạo đức hay luân lí chỉ là thứ lỏng lẻo, thường xuyên thay đổi, và thiếu tính phổ quát.

Nhắc nhanh, nhiều anh chị có thói quen “đặt bản thân vào nạn nhân” để giải quyết vấn đề. Nhưng hãy hiểu rằng hành động này chỉ thuần tuý cảm tính, hay nói chính xác là tạo ra cái cớ để trả thù mà thôi, chứ nó không đi theo tinh thần của pháp luật là khách quan.
Tại sao lại đặt bản thân vào nạn nhân mà không phải đặt bản thân vào hung thủ? Tại sao không đặt bản thân vào người quen bị liên luỵ của hung thủ? Và hơn cả, có thứ pháp luật nào cho phép quan toà “đặt bản thân vào nạn nhân” để xử không? Những câu hỏi trên dễ dàng cho thấy hành động  “đặt bản thân vào nạn nhân” là cảm tính, về cơ bản là vô nghĩa trong việc muốn nhìn nhận khách quan vấn đề.
Ảnh trên là bình luận tôi từng trả lời một người trong Monster Box Group, có lẽ không cần nói thêm về thói quen cảm tính này.

Trở lại với các sự kiện đang diễn ra, nếu ta đã vứt bỏ pháp luật và ủng hộ cho lũ vô pháp vô thiên lộng hành, thì khi chuyện bất công xảy đến, ta không còn cái gì để bảo vệ bản thân nữa. Những người đang ngày đêm chửi rủa độc mồm và tôn sùng bạo lực, có lẽ họ đang ngây thơ cho rằng cái đạo đức của họ khớp với luân lí của cả thế giới này, đến mức họ không bao giờ bị nhóm người trái quan điểm hành hung vô cớ, hoặc rất có thể họ chỉ ngây thơ tin rằng tội ác của lũ vô pháp vô thiên luôn luôn chừa họ ra (nhưng thực tế là chúng không chừa họ ra).
Luật pháp có thể nhiều sai sót, nhưng việc cần làm là đấu tranh sửa luật chứ không phải vứt luật đi để cư xử với nhau như không có luật nào cả, bởi lịch sử cho thấy các thành phần anh hùng ngoài vòng pháp luật, tự nhận mình thay trời hành đạo đều là hạng người không tốt đẹp gì, hoặc ít nhất là không tốt đẹp được mãi.

2. Tôn vinh thảo khấu

Tôi nhận ra xã hội Việt Nam tồn tại một điều ngược đời là họ không tin vào pháp luật và người làm luật, nhưng lại tin vào các thành phần du côn, thậm chí là tù tội. Có lẽ đây là hệ quả độc hại khi người ta một mặt mất niềm tin vào luật pháp, một mặt lại bị mấy thứ truyện nghĩa khí giang hồ với phim anti-hero bơm vào đầu ý tưởng về một tên tội phạm tâm thần giết người man rợ nhưng chỉ giết mỗi người xấu, luôn luôn lịch thiệp với phụ nữ và trẻ em, lại còn rất nghĩa khí với bạn bè.

Chẳng nói đâu xa, hai cha con tội phạm Vito và Michael Corleone là ví dụ điển hình, hai cha con họ giết người không ghê tay, làm tan nát không biết bao nhiêu gia đình nhưng rất thích nói đạo lí về gia đình, về cách làm đàn ông và được giáo phái Redpill quỳ lạy gọi bằng bố. 
Ví dụ khác là mấy thứ truyện đại bàng trong tù luôn ác cảm với tội phạm hiếp dâm và bất hiếu; vâng, cứ làm như những kẻ sừng sỏ nhất trong tù thì luôn luôn nâng niu phụ nữ và tôn kính cha mẹ vậy, trong khi thực tế là họ không hành xử như người lương thiện thì mới vào tù, thậm chí vào tù rồi vẫn không bỏ được thói côn đồ. 
Hoặc ta có Deadpool, một anti-hero tàn bạo tục tĩu, giết người điên loạn nhưng tuyệt nhiên không giết nhầm người vô tội, đoạn cuối phim còn cho thấy anh rất tốt bụng với bạn bè, thế mới tài.
Thế nhưng ba câu chuyện trên chỉ là hư cấu, còn lịch sử thì kể cho chúng ta câu chuyện khác. Một câu chuyện có thật, và nó cho ta thấy nếu để côn đồ lên nắm quyền thì thường dân chết oan lúc nào không hay, cũng như cái gọi là nghĩa khí giang hồ chỉ tồn tại khi chưa bán được giá.
Chân dung Salvatore Giuliano
Salvatore Giuliano là một tướng cướp ở Sicily, hoạt động trong thời Thế chiến II. Giuliano như Robin Hood của đời thực ở chỗ y chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo, và đặc biệt là rất đẹp trai. Giuliano nổi lên trong một xã hội loạn lạc, hồi ấy Sicily là nơi đóng quân của phát-xít và người dân bị ức hiếp thậm tệ. Sau chiến tích giết cảnh sát và phá ngục thành công, Giuliano rất được người dân kính nể và ủng hộ. Đặc biệt sau này vì hành động cướp của người giàu chia cho người nghèo nên Giuliano càng được dân Sicily tôn sùng hơn nữa. Cuộc đời y cũng có nhiều huyền thoại bao quanh như là rất thích đọc sách, rất lịch sự với phụ nữ, bảo vệ trẻ em.
Không biết có thật thế hay không, chỉ biết sự thật là vào năm 1947 Giuliano cho đánh bom khủng bố một buổi lễ kỉ niệm của phe đối lập. Vụ khủng bố khiến 17 người chết, 30 người bị thương, nạn nhân bao gồm cả trẻ em. Sau vụ giết hại thường dân này chính quyền truy bắt băng đảng của Giuliano gắt gao, nhiều tay chân của y đã bị bắt hoặc giết. Gaspare Pisciotta là phó tướng, đồng thời là anh họ của Giuliano, đã bị chính quyền mua chuộc để phản bội Giuliano. Năm 1950, Salvatore Giuliano bị bắn chết, theo lời khai của Pisciotta thì chính hắn là người phản bội và giết Giuliano [5].
Như vậy là từ một người hùng của dân trở thành tên khủng bố giết dân, cuối cùng chết vì bạn bè phản bội. Nghe không giống truyện nghĩa khí giang hồ chút nào, mỗi tội đây là sự thật.
Xác chết Salvatore Giuliano
Phần 1 tôi đã nói rằng con người không đáng tin, hệ thống đáng tin hơn nhiều, bởi con người có thể bị ảnh hưởng từ cảm xúc và thiên kiến để rồi phạm sai lầm, nhưng hệ thống thì không, nếu con người biết dựa theo hệ thống để hành động thì có thể nhờ đó mà làm nguội đi cảm xúc, gạt bỏ thiên kiến để đưa ra những quyết định tốt nhất.
Câu chuyện trên là dẫn chứng cho điều này, một cá nhân có thể ban đầu tốt đẹp, nhưng sau này hoàn toàn có thể ngáo quyền lực hoặc bốc đồng hoặc quen thói du côn để phạm tội ác, ảnh hưởng xấu đến nhiều người vô tội. Rốt cuộc, người dân Sicily vẫn phải nhờ đến chính quyền cùng hệ thống luật pháp nhiều áp bức để giúp họ thoát khỏi Giuliano. Bởi như tôi đã nói, luật tồi thì sửa luật, chứ sống vô pháp luật thì còn kinh khủng hơn sống với luật tồi.
Một người vô tội bị liên luỵ từ một trong ba sự kiện đã kể. Tuy ảnh hưởng lần này chưa quá nặng, nhưng ai biết sẽ còn xảy ra chuyện gì nếu  cứ để những kẻ vô pháp luật lộng hành
Trở lại với ba sự kiện ở Việt Nam, sẽ là nói bậy nếu bảo pháp luật Việt Nam làm ngơ trước ba sự vụ đó. Vụ thứ nhất, tiếp viên có tội kia đang bị truy tố cùng lúc với thời điểm người dân hành hung đồng nghiệp của anh ta. Vụ thứ hai, thanh niên côn đồ kia phải lên đồn công an ngay chiều hôm sau của hôm hành hung người. Cả hai vụ này không thấy pháp luật có biểu hiện chậm trễ hay dung túng gì đến mức phải dùng luật rừng như Giuliano. Còn vụ thứ ba thì nhỏ nhặt đến mức người thân của người quá cố còn không thèm kiện, nó chỉ trở nên lớn chuyện khi có một nhóm người hăm doạ hẹn gặp, khiến hàng trăm người dân tò mò kéo đến mà thôi.
Tất cả những bạo lực này chỉ có thể lí giải do xã hội vẫn còn nhiều người sống man rợ và coi thường pháp luật, còn những người ủng hộ họ thì hoặc cũng man rợ như họ, hoặc ngây thơ tin vào sự tốt đẹp của những người đạp lên pháp luật ấy, ngây thơ tin rằng họ sẽ không bao giờ hại đến mình, ngây thơ như 17 nạn nhân vô tội của Giuliano tin rằng y sẽ không bao giờ giết oan họ vậy.
Nhưng rõ ràng là cuộc đời không vận hành như thế. Con người thì không đáng tin bằng hệ thống; và giữa đạo đức, luân lí, pháp luật, thì pháp luật là thứ duy nhất không được ngồi lên.



[1] 21 bài học cho thế kỉ 21. Yuval Noah Harari
[2] Tình dục thuở hồng hoang. Cacilda Jethá & Christopher Ryan
[3] Súng, vi trùng và thép. Jared Diamond



TORNAD
17/12/2020
Chỉnh sửa 19/12/2020. Bổ sung phần “đặt bản thân vào nạn nhân”.