Hiểu lầm 1: Viết sách khó lắm
Viết sách dễ như viết status facebook nha anh em. Rất nhiều người trẻ bây giờ không thích đọc dài, vì khả năng tập trung của con người ngày càng bị huỷ hoại bởi smartphone và mxh. Khi lướt facebook, tôi thấy một bài viết dài chừng 2000 từ trở lên thường có vài cmt kiểu như: “Dài quá, ai tóm tắt hộ cái.” Để đáp ứng thị hiếu đọc ngắn của các bạn trẻ hiện nay, nhà phát hành sách thường cho ra nhiều cuốn sách chứa những bài viết cực ngắn (mỗi bài viết thường nằm gọn trong một trang giấy, thậm chí chỉ dài 1-2 câu). Vd như vài cuốn sách khổ nhỏ của Ploy Ngọc Bích, Từ điển tiếng Em, Vui vẻ không quạu nha, Tạm biệt tôi của nhiều năm về trước… Tôi tạm gọi đây thể loại sách status.
Nếu anh em có khả năng viết ra những “trang sách” như hình bên dưới thì tôi chắc 200% rằng anh em hoàn toàn viết được một cuốn sách.
Để viết sách status, anh em không cần đến những kiến thức như: lập dàn ý, chia bố cục, phương thức quy nạp – diễn dịch, mở bài – thân bài – kết luận, thế nào là chứng minh, thế nào là phân tích… Thật lòng mà nói, trong thời buổi sống gấp này, anh em mà viết sách theo mấy kiến thức làm văn đã học ở trường thì sách khó mà hot nổi (và ít ai chịu đọc hết cuốn lắm).
Còn một thể loại sách khác cũng dễ viết, đó là sách “tâm linh”. Ở đời, vẽ chó, vẽ ngựa khó, chứ vẽ ma quỷ, thần tiên thì dễ vô cùng, vì có ai thấy được nguyên mẫu đâu mà so. Sách tâm linh không những dễ viết mà còn dễ bán, vì nó không kén độc giả. Người đọc sách tâm linh không cần phải trang bị kiến thức nền, muốn tiếp nhận sao cũng được, mỗi người hiểu theo một nẻo bằng kinh nghiệm cá nhân, có ai kiểm chứng được tâm linh mà bắt bẻ đúng sai đâu nè.
Hiểu lầm 2: Viết sách thì phải viết đúng chính tả và đúng ngữ pháp
Anh em không cần phải viết câu cú cho đúng chính tả hay ngữ pháp; việc chỉnh câu chữ đã có biên tập viên (BTV) lo. Thậm chí BTV cũng không cần chỉnh tỉ mỉ, nếu họ cảm thấy sách của anh em dễ bán thì họ sửa qua loa để tung ra ngay cho kịp trend. Bây giờ đầy rẫy những cuốn sách viết câu què, câu cụt, chấm-phẩy lung tung, xuống dòng, ngắt đoạn vô tội vạ… Vd: ảnh chụp từ mấy cuốn từng được cho là bestseller của tác giả K:
Hiểu lầm 3: Phải đi học viết sách thì mới viết được sách
Tôi chưa đi học lớp viết nào mà vẫn cứ viết được sách nè anh em.
Hiện nay, một số tác giả mở lớp dạy viết sách, vd như tác giả K có lớp Elite Writing. Tôi khẳng định với anh em là không cần tốn tiền đi học một lớp viết sách nào hết mà vẫn cứ viết được sách. Vì rõ ràng viết sách không khó (như tôi đã trình bày ở trên), kỹ năng viết của tác giả K mắc rất nhiều lỗi cơ bản mà vẫn ra được nhiều sách, vẫn bán được sách cơ mà.
Hiểu lầm 4: Viết được sách thì phải giỏi văn
Anh em không giỏi văn cũng không sao hết. Tôi từng viết sách, dịch sách, dịch phim nhưng không hề học giỏi văn (cũng không giỏi tiếng Anh nốt). Hồi còn đi học, tôi toàn viết văn nương theo ý của giáo viên, chứ viết theo cảm nhận thực sự của tôi thì điểm dưới trung bình là cái chắc.
Hiểu lầm 5: Làm nhà văn thì phải viết được nhiều tác phẩm có giá trị
Làm nhà văn dễ òm anh em à. “Nhà văn” chỉ là một cái danh xưng mà độc giả ưu ái dành cho tác giả, chứ nó không hề có tiêu chí hay quy định khắt khe. Hôm nay anh em ra sách, ngày mai có đứa gọi anh em là nhà văn. Nếu anh em thấy phê với cái nickname ấy thì cứ nhận thôi. Thậm chí anh em không cần phải ra sách, chỉ cần năng lên mạng post đạo lý, văn vở thì tự nhiên có đứa tặng anh em cái nickname “nhà văn” rồi.
Hiểu lầm 6: Sách hay thì mới bán chạy
Theo cảm nhận chủ quan và phiến diện của tôi, tư duy phản biện của độc giả VN không cao, nên nhiều quyển sách viết rất toxic, lập luận ngụy biện, đưa tin giả, tin ngụy khoa học, gieo rắc ảo tưởng… mà vẫn thu hút độc giả, vẫn bán đắt như tôm tươi.
Doanh số của một quyển sách phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không riêng gì chất lượng nội dung, ví dụ như năng lực marketing của nhà phát hành nè, bìa sách có hấp dẫn không nè, tên sách có gợi sự tò mò không, tác giả có nổi tiếng không…
Nhớ giai đoạn tôi cùng chỉnh sửa bản thảo với bên phát hành, họ đề nghị đặt tựa sách của tôi là “Khai phá thế giới quan, vượt qua mọi giới hạn”. Chời má ơi, tôi nghe cái tựa mà choáng váng! Vì tôi biết thứ mình viết ra không kham nổi một cái tựa lồng lộn như vậy. Tôi cũng thông cảm cho các bạn làm PR, họ cần một cái tên thật nổi, thật sốc để gây chú ý cho người đọc, nhưng đặt một cái tên kêu như thế, tôi cảm giác mình đang lừa độc giả. May là họ đã nghĩ ra một cái tên khác.
Khi anh em gửi bản thảo đi thì cái bìa sách và tựa sách không còn là quyết định của riêng anh em nữa. À, trừ khi anh em tự bỏ tiền túi ra in.
Hiểu lầm 7: Viết sách thì kiếm được nhiều tiền
Bây giờ tiền nhuận bút cho tác giả chỉ 10%/giá bìa mỗi cuốn. Giả dụ sách anh em đề giá 100k, anh em tính nhẩm coi bán được bao nhiêu cuốn thì giàu? À quên, anh em bị trừ thêm 10% tiền thuế nữa đó.
VD trường hợp sách của tôi, nhuận bút chưa tới 4Jack. Nếu tôi viết vì tiền thì thà đi làm việc khác còn kiếm được nhiều hơn gấp mấy lần. Cũng may là nhà phát hành họ thanh toán sòng phẳng cho tôi một lần, chứ cái kiểu trả tiền cù nhây theo "lộ trình" như một số nhà khác thì phải mất công gửi mail nhắc nợ 5 lần 7 lượt.
Ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với cụ Nguyễn Hiến Lê ra, tôi hiếm thấy ai sống ổn với số tiền kiếm được từ việc viết sách.
Hiểu lầm 8: Ai viết được sách thì giỏi lắm, đáng nể lắm
Bây giờ viết sách thì dễ, xuất bản sách không khó, từ một đứa nhóc chưa học xong THCS, một anh bán thuốc ba đời, một kẻ lừa đảo cho tới diễn viên, ca sĩ… ai ai cũng có khả năng thành nhà văn hết (như chị ố cầm mic lên là thành ca sĩ thôi). Anh em bớt ngưỡng mộ những người viết sách đi, họ cũng như anh em vậy, thậm chí có người đạo đức còn thua anh em nữa kìa.
Anh em đừng có tin vào cuộc sống long lanh của một số tác giả đang phô diễn trên mxh nha, đó chỉ là chiêu marketing thôi, ảo lắm anh em à.
Hiểu lầm 9: Tác giả viết đạo lý gì thì sống theo đạo ý đó
Đây là hiểu lầm to tổ bố luôn đó anh em. Tôi từng bàn về mâu thuẫn này trong một bài viết trước đây.
Có những cuốn sách đầy ắp đạo lý, tác giả khuyên người đọc nên làm cái này, đừng làm cái kia… nhưng hóa ra cuốn sách chỉ là một “CÁI ÁO KHOÁC” bóng bẩy của tác giả thôi. Biết là một chuyện, người ta có sống được với cái biết của mình hay không lại là chuyện khác. Giữa nói và làm có một khoảng cách rất xa. VD nhiều bác sĩ khuyên anh em nên tập thể dục mỗi ngày để giữ gìn sức khỏe nhưng bản thân họ đâu có tập.
Nếu người đời ai cũng “nói được làm được” ngon lành thì những quan chức đã không phải vào tù, Khá Bảnh đã không phải đi tắm heo, những đứa hay lên mạng nói đạo lý thường sống không như phụ khoa rồi anh em ạ.
Bản thân tôi cũng là một tác giả ưa đạo lý, đã đọc nhiều sách đạo lý, đã tìm hiểu qua khá khá tài liệu tâm linh, có thể chém gió với anh em về luật hấp dẫn, trường năng lượng, tần số rung, nhân quả, nghiệp báo, thiền, tỉnh thức, giác ngộ, và nói đạo lý thao thao bất tuyệt… nhưng thú thực là cuộc sống của tôi vẫn còn phiền não, vẫn không nhìn thấu được thực tại, vẫn thấy mình còn thiếu cái gọi là trí huệ, trán không lòi ra con mắt thứ ba, đầu không phát ra hào quang, và tối tối đi đái… vẫn phải bật đèn nè anh em.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất