Hôm nay nó mệt. Sự mệt mỏi đè nặng trong lồng ngực nó, vùng vằng đeo bám theo từng hơi thở rồi lan tỏa ra khắp không gian. Rồi, nó nghe thấy có thứ gì đó đang cháy bừng sau ót, nóng nực và khó chịu. Lúc này, nó chỉ muốn xả, muốn quơ đôi tay để rũ bỏ tất cả những thứ làm nó khó chịu - bài vở, công việc làm thêm, dự án của lớp học... Nó khát cầu sự giải thoát như con cá mắc cạn cố gắng vẫy vùng tìm đường xuống nước. Nhưng mặc cho nó đắm chìm trong sự bức bối, lý trí vẫn không thôi lạnh lùng tìm mọi cách quát vào nó - hãy viết đi, hãy dậy mà làm bài đi, rồi mày sẽ ổn thôi... Việc này mày có thể làm được mà, vì thứ hạng trong lớp, vì danh dự và trách nhiệm của một sinh viên ưu tú... Và thêm một lần nữa, nó chào thua. Ngay khi đôi mắt nó sắp nhòe đi, bàn tay vội quệt lẹ dòng nước sắp chảy ra, nó ngồi vực dậy và tiếp tục viết về một thứ mà nó không có chút gì hào hứng...
Một ý nghĩ thoáng vụt qua, phải chăng Hans cũng từng vùng vẫy trong vô vọng, mong mỏi được giải thoát, và rồi... chấp nhận trong bất lực như nó?
Áp lực có phải con đường duy nhất giúp nó và Hans đến với thành công?
Trong truyện, Hans đã gục ngã. 
Còn nó sẽ như thế nào?

Dưới bánh xe cuộc đời (Beneath the Wheel) do Hermann Hesse viết vào năm 1906, được lấy chất liệu từ chính việc học quá đỗi khắc nghiệt của tác giả tại Maulbronn, với nhân vật trung tâm là cậu bé Hans Giebenrath. 
Ngay từ những trang sách đầu tiên, Hans đã xuất hiện thông qua một phép so sánh đòn bẩy. Cha cậu - Joseph Giebenrath là một kẻ thèm khát tiền bạc, mang một tâm hồn nghèo nàn và nghiệt ngã. Còn Hans lại như một đối trọng ngược lại, cậu "là một trong những đứa trẻ sáng láng nhất. Cứ nhìn cậu ta mà xem. Cậu ta đích thực là hóa kiếp của một vị hiền giả". Vì cậu đặc biệt như thế, nên ngay từ nhỏ, cậu đã được xem là niềm hy vọng của cả vùng đất Rừng Đen. Cậu bé tài năng sớm được vạch sẵn một lộ trình: Thi Quốc gia để vào viện Thần học, sau đó vào Chủng viện, cuối cùng trở thành một Mục sư hoặc Học giả. Để giúp cậu đi đúng lộ trình ấy, tất cả thầy giáo, vị Mục sư đáng kính (và cả người cha bủn xỉn của cậu) cũng đều dốc sức mình giúp cậu tiếp thu nhiều tri thức nhất có thể.
Trong những tạo vật trẻ trung luôn có cái gì đó hoang dại, bất trị và vô giáo dục mà trước hết cần phải được thuần hóa.

Đọc thêm:

Bù lại, Hans cũng phải nỗ lực hơn để đáp trả những kỳ vọng ấy. Cậu bé chóng phải rời xa những trò chơi trẻ thơ như câu cá, vui đùa cùng thú vật, nằm dài hằng giờ dưới tán cây xanh mát trong khu rừng để có thêm thời gian ôn tập. Cũng chẳng bao lâu sau khi nhận được tin Hans đỗ Á Khoa kỳ thi Quốc gia, cậu liền được đặc cách tham gia vào các lớp học thêm về ngôn ngữ Hebrew, Hy Lạp, Toán học và một vài môn học khác để có một nền tảng tốt khi nhập học tại Maulbronn. Số giờ học cứ tăng dần, bài tập cũng theo đó nhiều hơn, việc thức đến quá nửa đêm làm bài tập cũng dần trở thành điều bình thường với cậu bé vốn đã gầy yếu.
Cậu lúc này nào có khác gì một con robot chỉ biết học hành và bài vở. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là cậu có thực sự tiếp thu hay chỉ đơn thuần là học vẹt, cố sao cho thuộc làu đống tri thức khô cứng? Có vẻ bấy lâu Hans chưa bao giờ tự hỏi mình điều ấy cho đến khi gặp người bạn cùng phòng Hermann Heilner - chàng thi sĩ có tâm hồn nhạy cảm với chút bất ổn trong tâm lý. 
Nếu Hans là phần đầu quá khứ, thì Heilner hiện diện như nửa còn lại trong quá trình học tập của chính tác giả Hesse. Heilner không có bộ óc quá đỗi xuất chúng như Hans, nhưng cậu biết rõ niềm đam mê của cuộc đời mình, cái mình thích và muốn làm. Trong cơn phẫn nộ, Heilner sẵn sàng đánh người bạn học Licius, viết ra những bài văn chế giễu trường học, thậm chí là trốn học rồi bị đuổi học vì sự ngang tàng và ương ngạnh của mình. Đối với Nhà trường, Heilner là một cá nhân quá dị biệt, niềm tủi hổ và là tấm gương xấu mà không ai nên lại gần cậu. Nhưng liệu cậu là người tiêu cực, sống lệch lạc hay chính ngôi trường Maulbronn mới là nơi có vấn đề? Bởi lẽ:
Một con người sẽ trở nên khỏe mạnh khi người ấy có mục tiêu sống và tìm thấy ý nghĩa nào đó trong cuộc đời mình.
Và tôi tin Heilner ngỗ nghịch đã tìm được nơi cậu thuộc về. 
Trước đây, Hans từng là trò cưng trong mắt thầy Hiệu trưởng, là tấm gương sáng của mọi học trò. Nhưng lại chẳng ai thèm quan tâm đến cơn đau đầu từ lâu của cậu, với họ đó chỉ là những cơn đau bình thường mà ai cũng sẽ gặp phải. Thậm chí, đến khi cậu được chẩn đoán có vấn đề về thần kinh và học hành ngày càng đi xuống thì ngay lập tức bị xa lánh, hắt hủi. 
Tại sao cậu lại bị ép phải học đến khuya trong những khoảng thời gian nhạy cảm và bấp bênh nhất của cuộc đời của mình? Tại sao lại cố tình tách cậu ra khỏi những người bạn ở trường Trung học? Tại sao cậu lại bị tước đoạt những giờ nghỉ ngơi cần thiết và bị cấm cản cái sở thích đi câu cá? Tại sao cậu lại bị tiêm nhiễm bởi một tham vọng đê hèn? Tại sao họ không chịu ban cho cậu một kỳ nghỉ hoàn toàn xứng đáng sau những bài kiểm tra đầy gian khổ?
Trong trường phái Tâm lý học Nhân văn, tâm lý gia Carl Rogers nhấn mạnh rằng mọi con người đều cần được thấu cảm, được quan tâm chấp nhận vô điều kiện. Mỗi người trước tiên cần là chính mình - bên trong cũng như bên ngoài - thì mới có thể phát triển đầy đủ tiềm năng, trở thành một con người toàn vẹn chức năng (self-fulfilling person). Nhưng nhìn lại hành trình của Hans, có mấy người thật lòng mong cậu hạnh phúc và bình an? Họa chăng, chỉ có bác Flaig - người thợ đóng giày ít học và nghèo khó là người quan tâm Hans thực lòng nhất. Bác lo lắng Hans học hành vất vả, hỏi han về cơn đau đầu, khuyên nhủ cậu nên nghỉ ngơi và "thà hãm hại cơ thể mười lần còn hơn là hãm hại tâm hồn mình". Tuy nhiên, chỉ mình sự quan tâm của bác là chưa đủ với một đứa trẻ quá nhiều áp lực như Hans.

Đọc thêm:

Sự thông minh hay trí tưởng tượng ngất trời, hay thậm chí cả hai kết hợp cùng nhau cũng không làm nên thiên tài. Yêu thương, yêu thương, yêu thương, đó là linh hồn của một thiên tài.
(Neither a lofty degree of intelligence nor imagination nor both together go to the making of genius. Love, love, love, that is the soul of genius)
- Wolfgang Amadeus Mozart
Câu chuyện đáng lẽ có thể kết thúc ngay khi Hans rời khỏi trường trung học do bệnh tình quá nặng. Tuy nhiên, Hesse thực sự là một nhà văn hết đỗi tinh tế và nhân văn khi cho Hans về Rừng Đen, trải nghiệm mùa thu hoạch táo và gặp Emma - người cháu gái đến phụ bác Flaig.
Emma có một khuôn mặt xinh xắn, hay cười, hoạt bát và hướng ngoại. Chỉ mới vài tuần, cô đã có thể biết mọi thứ về những con người ở Rừng Đen và được yêu quý hết mực. Cô - một lần nữa - hiện lên như một thái cực của Hans. Có lẽ cũng vì thế, tình cảm của Hans và Emma lại càng đặc biệt. Đây chưa hẳn là tình yêu, nhưng có một điều chắc chắn rằng hai người đã bị thu hút từ sâu thẳm bên trong, chen lẫn một chút e dè cấm kị của tuổi trẻ. Trái táo bị cắn, Emma rời đi, báo hiệu hồi kết không mấy yên ả. Và rồi con người tài giỏi ấy cũng đã ra đi, rơi vào cái ôm ấp lặng yên nơi vòng tay tử thần.
Trong một số tập của chương trình Siêu Trí Tuệ Việt Nam, tôi cũng bắt gặp những cậu bé thiên tài và được lắng nghe chia sẻ về những khó khăn khi giáo dục một cậu bé thần đồng. Và có lẽ nền giáo dục đã, đang và sẽ cần làm thêm rất nhiều để có thể hỗ trợ những bông hoa rực rỡ ấy.
Cuối cùng, với tôi những tác phẩm của Hermann Hesse chưa từng dễ đọc. Ở mỗi chương, mỗi dòng, mỗi nhân vật đều ẩn chứa những ý nghĩa mà bản thân chưa thể khám phá hết. Dưới bánh xe cuộc đời cũng là một tác phẩm như thế. Nhưng có lẽ điều tôi trân quý nhất và muốn học tập nhất lại chính là cách mà ông cho các nhân vật tự mâu thuẫn và trưởng thành theo cách riêng của mình. 
Tài liệu tham khảo:
The Editors of Encyclopaedia Britannica (28/6/2020). Encyclopædia Britannica. Hermann Hesse. Truy xuất từ: https://www.britannica.com/biography/Hermann-Hesse