Có lẽ trước khi bắt đầu bài viết này, mình nên kể về mối quan hệ giữa mình với văn học Trung Quốc. Mình trước giờ vẫn luôn thờ ơ với cái nền văn học Trung Hoa ấy, những “Tam Quốc Chí”, “Liêu Trai Chí Dị”, “Tây Du Ký”, “Hồng Lâu Mộng”,.. nhiều lần mình tính tìm đọc những tác phẩm ấy thế rồi lại buông tay vì cảm thấy chưa phải lúc nên đến giờ vẫn mãi chưa đụng vào. Trớ trêu thay mình lại tìm tới văn chương ngôn tình thuở đầu đọc sách nên thành ra những thành trì kinh điển kia mình cứ ngó lơ để nhìn vào cái thời kỳ đương đại phồn hoa trước mắt. Thế rồi, mình cũng quên sạch những gì đã đọc cùng lắm chỉ nhớ lại sự đáng yêu trong “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” hay “Tiệm cà phê XY” tiếc thay điều đọng lại vẫn quá đỗi nhạt nhòa. Có thể nói mối quan hệ của chúng mình rất hững hờ. Nên đôi lúc mình thèm một thứ gì đó mạnh hơn nhưng nhìn quyển sách đồ sộ kia thì lại thôi và thế mình cứ bỏ dở mãi. Trong một lần lang thang mua sách cũ, mình tìm được cuốn “Truyện siêu ngắn Trung Quốc”, cái nhan đề chứa hai thứ mình quan tâm là truyện siêu ngắn và Trung Quốc, một dự cảm nào đấy nói mình rằng đây là một cuốn ra trò và quả thật nó không hề làm mình thất vọng. Và sau khi các bạn đã đọc hết những thứ dài dòng trên (thật xin lỗi) thì diễn viên chính cuối cùng cũng lên sàn.
    Theo lời giới thiệu, các truyện ngắn trong “Truyện siêu ngắn Trung Quốc” được chọn dịch từ cuốn “Thế giới Hoa văn Vi hình tiểu tuyết song niên tuyển 2000 – 2001” do nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải phát hành. Vi hình tiểu thuyết (truyện siêu ngắn) là những truyện có dung lượng ngắn hơn truyện ngắn thông thường với số lượng chữ thường từ khoảng 1500 chữ tới 1 chữ. Các tiểu thuyết thường sẽ mô tả hoặc tái tạo một xã hội thì truyện ngắn và siêu ngắn là một vết cắt mổ xẻ xã hội nhưng truyện siêu ngắn nếu được viết tốt sẽ tạo ra những vết cắt cực ngọt, một vết cắt có thể dường như khiến ta không cảm nhận gì rồi biết đâu lại chợt thấy đau nhói đâu đó trong lòng.
    “Truyện siêu ngắn Trung Quốc” bao gồm 79 truyện ngắn với đa dạng nội dung và chủ đề. Có thể ví quyển sách như một tô trái cây với đầy đủ hoa quả nhưng đương nhiên quả ngọt, quả chua thì ắt có quả nhạt. Những truyện như “Con rùa dưới chân tường” của Diệp Đại Xuân, “Ông trăng cong cong” của Viên Bính Phát, “Ấm áp tình đầu” của Hà Đức Vân như những miếng dưa ngọt khiến ta thấy thích thú, nếu ta cứ tiếp tục ăn thì sẽ những miếng kiwi ăn thì ngon đấy, ngọt đấy rồi bỗng chua lè và biết đâu có phần chan chát, những truyện như miếng kiwi kia chiếm khá nhiều có thể kể tới “Điều hạnh phúc thứ 100” của Trương Tuấn, “Cô gái nhảy và người ăn xin” của Vương Tú Phong, “Khuyến hóa” của Vệ Bình, “Câu chuyện thoát nghèo” của Vương Khuê Sơn, “Hương ngô thơm phúc” của Hình Khánh Kiệt ấy thế mà giữa những miếng trái cây đầy hương vị lại lạc vào những miếng ăn lạt nhách như  “Lòng tin” của Dương Cao Tường.
    Các câu chuyện được kể trong cuốn sách lấy bối cảnh Trung Quốc vào cuối thế kỷ 20 đầu 21, giai đoạn Trung Quốc phát triển mạnh về kinh tế nhưng cũng đồng thời kéo theo những tệ nạn xã hội và đời sống con người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đồng tiền. Sự phê phán xã hội ấy được thể hiện qua những tình huống hài hước như trong truyện “Công bằng”  của Tranh Bình kể về một cô nghe tin cha chồng bị ốm thì uể oải gửi 100 đồng còn tới khi cha ruột mình ốm thì lại vội gửi hẳn 1000 đồng, ngày cô gái sinh con gái anh đã hào hứng nói “Con mà là con gái, bố đã đến với con từ sớm, sau này bố ốm còn được biếu 1000 đồng. Nhưng con lại là con trai, bố có ốm cũng chỉ được gửi về 100 đồng thôi” khiến cô ê mặt. Hay truyện “Con nhặng biết nhảy” của Cao Khoan kể về Lão Cung nghiện rượu vô công rỗi nghề mơ mộng giàu sang nhưng thay vì làm việc thì lại nhờ vào con nhặng biết nhảy để rồi tan hoang giấc mộng. Ngoài sự hài hước, các tác giả cũng chọn một cách gai góc nói về vấn đề tham nhũng hay làm việc hình thức trong xã hội Trung Quốc như trong “Hương ngô thơm phức”, cậu Ba nghe tin Lãnh đạo Huyện xuống kiểm tra ruộng ngô nên cần phải thu hoạch hết nhưng còn một thửa ngô chưa chín và ông chủ ruộng lại muốn để dành đám ngô đó lo việc đính hôn cho con gái, câu truyện là sự giằng xé nội tâm vì nếu không thực hiện đúng chỉ đạo thì công việc báo cáo viên của anh có thể lung lay mà mất miếng ăn, sự khó khăn đã dẫn đến một sự lựa chọn khiến người đọc thấy phần nào nhoi nhói cực kỳ tương phản với nhan đề truyện. Những con người trong cuốn sách tuy là được khai sinh từ những tác giả khác nhau nhưng đều có chung nỗi sợ là tiền và quyền, họ mơ mộng về viễn cảnh giàu sang hay đều trở nên bối rối trước vấn đề tiền bạc và quyền lực, hơn quá nữa các vấn đề trong các truyện ngắn trong tập truyện mà nhân vật gặp đều trực tiếp hoặc gián tiếp lên quan đến tiền. Các tác giả họ không nêu ra cách giải quyết mà chỉ lên tiếng tiếng, câu trả lời về xã hội ấy họ trao vào tay độc giả.
    Dường như để thoát khỏi không khí ngột ngạt, vương lên khỏi cái không gian tù túng là những câu chuyện về tình người, trong “Cô gái nhảy và người ăn xin”, hai con người khác nhau về tuổi tác, giới tính, ngoại hình và cách ăn mặc, một bên làm mình xấu đi, một bên làm đẹp lên tuy ngược nhau nhưng họ cũng như nhau, sống bằng tiền người khác, khoảng khắc người ăn xin xem cô gái là người cùng nghề cho thấy giữa hai người xa lạ ấy dường có chút đồng cảm cho nhau.
    Và ở trên là những suy nghĩ của mình tập truyện “Truyện siêu ngắn Trung Quốc”. Một xã hội Trung Quốc được cắt mổ nhiều mặt cho thấy sự da diện trong bộ mặt con người và một lớp người phải chạy “vượt rào”, “luồn lách" nhằm nuôi miệng ăn. Bạn đọc có thể cảm thấy thoải mái ở vài truyện như miếng dưa ngọt nhưng khi kết thúc dĩa trái cây, mình nghĩ bạn sẽ cảm thấy đăng đắng đầu lưỡi đấy.