“ Viết nên từ những xúc cảm dạt dào trong miền hoài niệm quá khứ nơi bản thân đã từng bỏ lỡ…” - Tác phẩm đoạt giải ấn tượng cuộc thi viết "Chậm" - Tác giả: Lê Minh
Thí sinh: Lê Minh “ Viết nên từ những xúc cảm dạt dào trong miền hoài niệm quá khứ nơi bản thân đã từng bỏ lỡ…” ...
Thí sinh: Lê Minh
“ Viết nên từ những xúc cảm dạt dào trong miền hoài niệm quá khứ nơi bản thân đã từng bỏ lỡ…”
________________________________________________________________
Thả hồn trôi dạt theo dòng thời gian nhuốm màu những vụng về ký ức, tôi vô tình đắm chìm trong giai điệu thiết tha được ngân nga bởi chiếc radio cũ: “...Cả một thời thơ ấu mong được lớn, đâu có biết lớn lên chỉ buồn thêm, mang theo những êm đềm tan vào đêm, ôi trái tim trăm lần yếu mềm…”. Cảm xúc bồi hồi bỗng lóe lên trong tôi khi tự vấn rằng: Phải chăng mình đã sống quá nhanh? Để giờ đây khi đứng trước lứa tuổi 18, sự ngây ngô, bồng bột phủ đầy tâm hồn chưa một lần va chạm, tôi nhận ra mình phải “ chậm ” lại, chậm theo đúng nghĩa trạng thái mà tính từ này bộc lộ.
“ Chậm ” là phút giây dừng chân tạm thời để tâm trí lẫn tâm hồn rung động trước những giai điệu sâu lắng của cuộc sống bằng cả con tim nồng nàn và một cảm quan sâu sắc đủ đầy. Mỗi một chủ thể hiện hữu trên cuộc đời này luôn tự chọn cho mình một điểm dừng chân nhất định trong sự chảy trôi vô hạn của dòng đời bất tận để khởi phát từ tâm hồn bao ý niệm, suy tư trầm lắng về chính mình giữa những bộn bề, hỗn tạp nơi cuộc sống đầy ắp những toan tính, phiền toái. “ Chậm ” là để lắng nghe những thanh âm ngọt ngào cất lên từ những gì nhỏ nhặt nhất trong chuỗi vận động không ngừng của tấp nập cuộc sống. Khi chúng ta “ chậm ” lại không đồng nghĩa với việc ta chấp nhận chịu thua, bỏ cuộc trước sự khắc nghiệt của cuộc sống, mà “ chậm ” lại để ngẫm, nghĩ, cảm, thấu và để nhìn lại chặng đường đã đi qua, từ đó góp nhặt từ quá khứ tươi đẹp những giá trị vĩnh cửu làm hành trang vững chắc để bước tiếp, vượt lên trên, tiến về phía trước một cách tự tin, tràn ngập niềm tin nhất.
Tôi và bạn, chúng ta đều đã trải qua một thời quá khứ ngập tràn hạnh phúc cùng những trò chơi ngoài đồng ruộng với bao tiếng cười nói vui đùa trong sự ngây ngô, hồn nhiên của một tâm hồn trẻ con, thơ dại. Những hôm mưa gió, tiếng mưa rơi ầm ầm dội lên nóc nhà bằng thiết, vài hạt mưa len lỏi qua mái nhà, rơi xuống tí tách, lúc ấy cả nhà quây quần bên nhau , người lấy thùng hứng chỗ này, người lấy giẻ lau chỗ khác, đám trẻ con nô đùa dưới màn mưa, thời khắc ấy thật ấm cúng và sum vầy. Những phút giây tĩnh lặng trong thời khắc cúp điện, chúng ta luôn được lắng nghe những thanh âm của tự nhiên vang lên trong đêm,tiếng dế kêu, tiếng muỗi bay vo ve bên tai, hòa vào đó là sự nhộn nhịp trong từng câu chuyện ông bà, cha mẹ, hàng xóm hay kể và đến lúc có điện thì thi nhau hò hét “ A! Có điện rồi…”. Có những hôm vừa đi học về là quăng cái cặp sang một bên, vội vã thay bộ đồ, đi theo tiếng mời gọi của lũ bạn chẳng cần phải lo nghĩ chuyện sách vở gì cả, cứ vô tư, hồn nhiên như thế. Mùa nước lên, cả đám rủ nhau đi bắt nòng nọc, bắt cá lìm kìm, rồi lấy một thân cây khô quấn sợi dây vải vào đầu cành, buộc thêm viên đá vào cho nặng làm thành cần câu, cứ thế mà thản nhiên đi câu với niềm mong mỏi sẽ bắt được một con cá lớn đem về cho mẹ nấu canh chua, kho quẹt. Hay có những lúc trưa hè nắng nóng, lén lút rủ nhau đi tắm sông nhưng trong lòng vẫn hoài nghi và lo sợ về câu chuyện “ Ma da rút giò ”, không biết là thật hay giả, nhưng rồi nỗi thấp thỏm đó được che lấp trong tiếng cười rộn rã, vui đùa những trò chơi quen thuộc dưới nước. Có những lúc bị mẹ đánh đòn vì đi chơi đến tận xế chiều mới về, bị mẹ dọa phải quỳ gối trên vỏ sầu riêng, vỏ mít, dù thế nhưng hôm sau vẫn cứ tiếp tục đi. Sự tinh nghịch, lì lợm đã tạo nên nét đặc trưng của thế hệ trẻ con của chúng ta, cả đám trẻ con hay chạy đầu làng ngõ xóm để hò hét, ca vang, mặc dù như thế là rất ồn ào nhưng nó đã tạo nên không khí nhộn nhịp, rôm rả cho cả xóm làng. Nhưng bây giờ thì…
Quên làm sao được những hồi ức đẹp đẽ ấy, nhưng dường như tất cả đã được thời gian ghé qua, thời gian đã gói trọn những khoảnh khắc ấy thành ký ức, để chúng ta giờ đây chỉ được nhìn ngắm qua lăng kính của kỉ niệm. Tiếc nuối về những điều đã qua, lòng tôi chợt thốt lên hai tiếng “ giá như ”, giá như tôi được chơi nhiều hơn, giá như tôi biết trân trọng những thời khắc ấy và giá như thời gian có thể quay trở lại để tôi mãi là một đứa trẻ hồn nhiên được đắm chìm trong khoảnh khắc ấy mãi mãi. Nhưng tất cả chỉ là giá như, bởi thời gian không bao giờ tuần hoàn, mỗi một giây trôi qua đều đã là quá khứ, kể cả khi bạn đang đọc bài viết này thì chính bạn ở một giây trước cũng đã trở thành hoài niệm, mãi mãi không thể trở lại được nữa. Năm tháng vẫn cứ hững hờ trôi, mọi thứ dần trở nên già cỗi, bao gồm cả chúng ta, chỉ có kỉ niệm là thứ duy nhất không bao giờ thay đổi, nó luôn tươi đẹp, sống động khi được vận hành trong trái tim và ký ức mỗi người! Xao xuyến với từng mảng kỉ niệm trong nốt trầm của hồi ức, sự nhận thức về “ chậm ” đã khai mang trong tôi nhiều ý nghĩ mới về cuộc sống, rằng mọi thứ xung quanh đều mang một giá trị xác định. Đối với tôi, tuổi thơ, đó không chỉ là một khoảng thời tươi đẹp của tâm hồn thơ dại mà chứa đựng trong đó còn là cả một bầu trời nơi bản thân được tự do phát triển, tự do định hình lối sống, cá tính, sở thích, đó là nơi gom nhặt những điều mơn mởn trong hành trình khám phá cuộc sống, khám phá thế giới bên ngoài cái vỏ bọc chật chội trong bụng mẹ. Thật là sự ích kỷ của bản thân khi mong mỏi rằng thời gian ngừng trôi, thời đại công nghệ không phát triển, để những phút giây của tuổi thơ hiện về, dù chỉ là loe lói, nhỏ nhoi nhất…
Có hai khoảng thời gian luôn là nỗi tiếc nuối trong lòng mỗi người mỗi khi nhắc đến, mà từ sự “ vội vàng ”, chạy đua với cuộc sống mà chúng ta dễ dàng bỏ lỡ, đó chính là “ tuổi thơ ” và “ tuổi học trò ”. Dường như hai khoảng thời gian này luôn song hành cùng nhau trong chuỗi vận động của chúng ta, chúng chỉ hơi khác về mặt không gian, nhưng ta có thể thấy được trong “ tuổi thơ ” lại thấp thoáng hình bóng của “ tuổi học trò ” và ngược lại. “ Tuổi học trò ” thường gắn với thầy cô, bạn bè, trường lớp với biết bao kỉ niệm dưới mái trường, hàng ghế đá. Cứ sau những tiết học vất vả phải nhồi nhét kiến thức vào đầu, chúng ta lại được những giờ phút giải giao để cùng tán gẫu, đùa vui, rượt nhau đuổi bắt khắp sân trường. Hàng loạt những câu nói quen thuộc mà mỗi khi bước vào lớp chúng ta đều nghe: Mày làm bài tập chưa? Hôm nay cô có dặn kiểm tra 15 phút không mạy? Ê! Cho tao xin đôi giấy? Đi căn tin với tao không? Đi vệ sinh không bây? Mấy phút nữa hết giờ ạ? Cho tao xin miếng bánh tráng coi? Và tiếc nuối nhất khi nghe đến câu: “ Ê bây ơi! Sắp xa nhau rồi đó…”. Trong suốt khoảng thời gian “ tuổi học trò ”, có lẽ đẹp nhất chính là thời cấp 3, thanh xuân của chúng ta được lưu giữ vào đấy với biết bao kỉ niệm buồn, vui, hờn, giận. Vào những thời điểm ôn thi, bao nhiêu xúc cảm lẫn lộn, hòa trộn, áp thực thi cử là chính nhưng xen vào đó còn là những ý nghĩ vô định, liệu sau này chúng ta có thể gặp lại nhau hay không, những dòng xúc cảm ấy cứ lần lượt tuôn ra cùng với đó là những giọt nước mắt rơi lả tả trên trang giấy. Niềm ngậm ngùi, luyến tiếc đang bủa vây lấy tâm hồn tuổi 18 trong tôi, có lẽ rằng những điều tươi đẹp ấy sẽ mãi chỉ là ký ức, bởi tôi đã bỏ lỡ nó mà chưa nếm trọn được hương vị ngọt ngào đủ đầy mà mà thanh xuân đem đến. Tôi đã quá vội khi mãi chìm đắm trong sách vở, học tập và thi cử, chẳng màng đến những cuộc vui ngoài kia. Những lời nói “ từ chối ”, giờ đây tôi mong sao có thể rút lại, để thanh xuân của tôi đầy ắp tiếng cười, niềm hạnh phúc hơn nữa, bởi tôi đã quên rằng “ Thanh xuân mỗi người chỉ có một ”, để nó trôi qua rồi thì sẽ chẳng bao giờ lấy lại được. Chỉ còn vài tháng ngắn ngủi nữa là tôi phải rời xa mái trường, bạn bè, thầy cô, phải gỡ bỏ hai chữ “ học sinh ” thân thương và hoài niệm để khoác lên mình một tấm áo mới, tôi mong có thể sống trọn hồn mình vào những phút giây này, để tôi thực sự cảm nhận được những dư âm còn đọng lại trong những giờ phút cuối cùng, để tôi sẽ không phải hối tiếc về một thời quá khứ tươi đẹp, về chặng đường trong hành trình làm người của chính tôi!
“ Chậm ” đã mang đến cho tôi những giá trị thiêng liêng mà tôi gần như sắp bỏ lỡ. “ Chậm ” không còn là một tính từ để bộc lộ nữa, mà giờ đây “ chậm ” như một người bạn song hành cùng tôi trên đường đời để nhắc nhở tôi phải biết trân trọng, biết ngẫm nghĩ đến những điều nhỏ nhặt nhất. “ Chậm ” là một phần trong tâm hồn giúp tôi lưu giữ những ký ức tươi đẹp, khoảnh khắc lắng đọng của cuộc sống. Tôi không mong mỏi gì hơn ngoài việc bản thân sẽ không phải bỏ lỡ những gì tốt đẹp mà xung quanh tôi mang đến, để tôi biết trân trọng hơn từng giây trong cuộc sống muôn màu này, để tôi trở về với bề sâu, bề xa với góc khuất trong tâm hồn của tôi và để tôi sẽ mãi hiện diện như một nốt trầm lặng lẽ mà sâu sắc trong bản hòa ca rộn ràng và vội vã của cuộc sống!
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất