Tâm lý học #1: Tuyển dụng và vấn đề của ứng viên
Đây là bài viết đầu tiên trong series mình viết về chủ đề tâm lý học và các yếu tố của ngành kinh tế học hành vi. Trong bài viết này mình sẽ hướng đến việc phỏng vấn cũng như các vấn đề tuyển dụng hiện nay
Đây là bài viết đầu tiên trong Series mình viết về chủ đề tâm lý học và các yếu tố của ngành kinh tế học hành vi. Trong bài viết này mình sẽ hướng đến việc phỏng vấn cũng như các vấn đề tuyển dụng hiện nay.
1, Từ nhà tuyển dụng đến ứng viên
Trong cuốn Psychology Express, tuyển dụng được định nghĩa là quá trình khuyến khích các ứng viên “tiềm năng, đủ tiêu chuẩn” nộp đơn ứng tuyển tại một tổ chức nào đó. Vậy bạn hiểu thế nào là ứng viên tiềm năng, thế nào là ứng viên đủ tiêu chuẩn. Mình sẽ phân loại các ứng viên làm hai, một - chính là nhóm ứng viên “xin việc”, hai - chính là nhóm ứng viên “tìm việc”. Nhóm người xin việc là nhóm ứng viên trình độ chưa cao, thường chủ động tìm đến nhiều công ty để tham gia ứng tuyển. Trái ngược với đó, nhóm ứng viên còn lại là nhóm người “tìm việc” thường là có nhiều kinh nghiệm và đang muốn thay đổi hoặc tìm một vị trí công việc mới cho mình, nhóm này thường được các nhà tuyển dụng nhắm đến.
Quá trình tuyển dụng cơ bản gồm 4 bước: Lên kế hoạch -> Tuyển dụng -> Lựa chọn -> Giao việc. Mình sẽ không nói quá sâu về các phương pháp tuyển dụng hay lựa chọn, mà chỉ nêu ra các yếu tố cơ bản nhất để một ứng viên có thể hiểu rõ hơn về vấn đề tuyển dụng mà thôi. Hãy bắt đầu phân tích một chút, vấn đề chung của ứng viên hiện nay là luôn đặt mình vào vị trí người “xin việc” thay vì “tìm việc”, mặc dù chúng ta đang mang sức lao động của bản thân ra để trao đổi lấy những giá trị tương đương là tiền lương, các quyển lợi,…- thứ mà kinh tế học cơ bản định nghĩa là vật ngang giá. Vậy tại sao chúng ta luôn ở trong thế bị động, chính vì cách chúng ta đang đặt bản thân ở sai vị trí.
Trong một buổi phỏng vấn công việc, người đặt câu hỏi phần lớn là các nhà tuyển dụng và ứng viên đang đặt mình vào vị trí phải trả lời những câu hỏi đó. Chúng ta đang bị áp một tư tưởng từ thời còn đi học đó chính là việc làm các bài tập, câu hỏi đều là thầy cô đưa ra và chúng ta chỉ có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi đó, chính vì thế ta thường cảm thấy mình bị lép vế hơn so với đối phương. Khi bị đặt trong một vị trí thấp hơn, ứng viên thường không thể có một buổi phỏng vấn hoàn hảo mặc dù trình độ kiến thức hoàn toàn không yếu kém. Cách tốt nhất để khắc phục chính là thay đổi cách nhìn của chính ứng viên, thay vì cho đó là một buổi “trả lời câu hỏi”, hãy coi đó là một buổi trao đổi cũng như tìm hiểu giữa hai bên. Hãy định vị lại bản thân, khi chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực, chúng ta cũng sẽ có nhiều lựa chọn để làm việc, chính vì thế bản thân công ty mới là người đang cần chúng ta chứ không phải chúng ta đang cần họ.
2, Vật ngang giá
Tất nhiên khi bạn ứng tuyển ở một vị trí càng cao hay ở một công ty càng lớn sẽ càng yêu cầu kinh nghiệm và nhiều kĩ năng hơn. Nhưng một câu hỏi đặt ra, bạn đang đi tìm điều gì, liệu bạn đang tìm một mức lương cao, tìm một vị trí đầy cơ hội thăng tiến, hay chỉ đơn giản là tìm một việc làm tạm thời sau đó tìm một công việc khác phù hợp hơn. Nếu đứng trên góc nhìn một nhà tuyển dụng, tất nhiên ai cũng muốn ứng viên sẽ là người gắn bó lâu dài và cống hiến cho công ty. Hãy cùng nhìn qua bài toán nhân sự tại Châu Âu, một nơi mà nhiều ngành luôn nằm trong tìm trạng vô cùng khan hiếm nguồn nhân lực, tại đó chúng ta thấy được một văn hóa làm việc vô cùng khác, một người nhân viên sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi về các chế độ bảo hiểm, lương thưởng, y tế,… không chỉ cho bản thân anh ta mà còn cho cả gia đình anh ta. Chính vì thế các nhân sự tại nơi đây thường có tỉ lệ nghỉ việc rất ít.
Quay về tình hình chung tại nước ta, nếu so sánh về trình độ so với thế giới thì đúng là chúng ta đang chưa thể sánh với các nước phát triển được, vì vậy mà chúng ta đang ngày càng bị chảy máu chất xám, chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” là một ví dụ vô cùng điển hình, khi trong số 18 nhà vô địch, chúng ta chỉ có 2 nhà vô địch quay về và làm việc trong nước. Nếu xét trên khía cạnh kinh tế, chắc chắn việc làm việc tại nước ngoài sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn khi làm việc trong nước, không chỉ là tiền mà tại đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phát huy hết khả năng của họ. Một người tài năng nếu đặt trong một môi trường không phù hợp thì cũng khó lòng mà phát triển được. Xét trên khía cạnh tình cảm, chắc chắn những nhà quán quân kia khi được tài trợ tiền bởi quốc gia thì nên đóng góp cho quốc gia và làm việc trong nước sau quá trình học tập tại nước ngoài, nhưng nếu tình cảm có thể đổi ra tiền, đổi ra bữa cơm bạn ăn thì có lẽ chúng ta không cần lo lắng về nơi làm việc của bản thân mình nữa rồi. Tất cả chúng ta đang sống để mua bán và trao đổi những vật ngang giá, chúng ta đi làm để đổi lấy tiền, chúng ta lấy tiền để đổi lấy cuộc sống có nhiều sự lựa chọn hơn. Tất nhiên trừ trường hợp bạn có thể tự do tài chính, khi đó khái niệm lương thưởng, áp lực công việc và bài toán kinh tế sẽ không còn quá quan trọng nữa.
3, Văn hóa doanh nghiệp - Thuật thao túng tâm lý của nhà quản trị
Nếu bắt đầu ở những vị trí nhân viên tại công ty, chúng ta thường có những buổi Training về văn hóa doanh nghiệp, thứ mà các nhà lãnh đạo mang ra và nói về tác dụng gắn bó nhân viên với công ty của nó. Mình xin trích một ví dụ trong chương 4 của cuốn Phi lý trí - Cái giá của các quy chuẩn xã hội : “Một người bạn thân của bạn đến chơi vào dịp sinh nhật của bạn, sau khi kết thúc bữa tiệc, người bạn đó đứng dậy và hỏi bữa ăn hết bao nhiêu, hãy chia tiền ra và tôi sẽ trả bạn ngay bây giờ” – chắc chắn bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu và không bao giờ cần số tiền ấy. Thay vào đó, nếu nhận được một món quà, bạn sẽ cảm thấy vui hơn rất nhiều. Chính xác là vậy, khi chúng ta có một mối liên kết, chả hạn như bạn bè thân thiết với nhau, chúng ta sẵn sàng làm những việc giúp nhau mà chẳng màng tới lợi ích.
Quay về câu chuyện ở doanh nghiệp, khi chúng ta làm việc trong một môi trường đầy sự vui vẻ, mỗi lần kết thúc công việc đều là một nụ cười so với một môi trường đầy sự toxic, áp lực. Ngay cả khi nơi vui vẻ kia lương thấp hơn ta cũng thường chấp nhận. Thử hỏi nếu nơi làm việc chỉ là chỗ “làm việc” với nơi làm việc nhưng vừa là chỗ để thư giãn vào giở nghỉ trưa, vừa là nơi ăn nhẹ sau khi chạy deadline,… sẽ hiệu quả như thế nào. Mặc dù thực sự bài toán về văn hóa doanh nghiệp hiện nay ở các công ty ở nước ta vẫn đang chưa thực sự hiệu quả, chính vì thế tỉ lệ nghỉ việc vẫn còn cao nhưng nếu những trình độ nhân sự đang ngày càng phát triển, các ngành vẫn còn thiếu nhân lực như công nghệ thông tin, logistics,… sẽ ngày càng cần phát triển văn hóa doanh nghiệp mạnh hơn nữa.
Dù sao thì chúng ta luôn phải đánh đổi giữa bài toán kinh tế và cảm xúc, việc đưa ra một lựa chọn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của chúng ta. Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài, mình là Típ và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết sau.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất