Lời tựa: Đã hơn 1 năm từ khi "Chuyện chọn chồng" lên sóng. Thực sự cám ơn những yêu mến mà bạn đọc dành cho tác giả. Cũng chẳng ngờ câu chuyện vu vơ ấy lại chạm được đến nhiều bạn đến thế. Thậm chí còn nhắn cả tin về cho mình đòi hỏi/yêu cầu viết thêm "Chuyện chọn vợ".
Đây là mẩu truyện đầu tiên viết theo yêu cầu của bạn đọc. Cũng chẳng biết có ổn không nữa, thôi thì cứ liều đăng lên vậy.
Hope you enjoy reading!
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Nghe cùng bài này chắc hợp :D
Ngồi một mình bên cốc café trong một buổi chiều cuối năm, chẳng hiểu sao cô lại thấy nhớ lão đến lạ. Cô cũng không biết nữa, tại sao đã thành vợ thành chồng rồi mà vẫn đôi lúc có cái cảm giác nhớ đến khôn nguôi, chỉ muốn gọi điện, bắt lão về ngay nhà để được mặt-đối-mặt theo đúng nghĩa đen mà thôi.
Cô vẫn nhớ như in mấy dòng quote trong cuốn “A man called Ove” mà lão cho cô xem không lâu trước đây:
“Yêu một người cũng giống như dọn tới một ngôi nhà. Lúc đầu ta phải lòng nó vì sự mới mẻ. Mỗi buổi sáng ta ngỡ ngàng tự hỏi liệt tất cả có thuộc về mình hay không như thể sợ ai đó sẽ đột nhiên xông vào nhà và bảo rằng đã có một sai sót nghiệm trọng và lẽ ra ta không được ở một nơi tuyệt vời như thế này. Thế rồi năm tháng trôi qua, tường nhà bắt đầu xuống màu, lớp gỗ rạn nứt dần và ta bắt đầu cảm thấy yêu ngôi nhà này bởi những khiếm khuyết của nó hơn là vì những điểm hoàn hảo. Ta thuộc tất cả mọi ngóc ngách xó xỉnh trong nhà. Ta biết làm thế nào để chìa khóa không kẹt lại trong ổ khi ngoài trời đang lạnh, tấm ván sàn nào bị võng xuống khi có người bước lên và cách mở tủ áo sao cho nó không kêu cọt kẹt. Chính những bí mật nho nhỏ ấy mới là thứ biến ngôi nhà thành một tổ ấm”
Giờ nghĩ lại sao cô thấy đúng quá.
Nhớ đến lão giờ là cái cảm giác rất khó tả của những thứ cảm xúc … mà chỉ có lão mới tạo ra được. Như buổi tối hôm ấy, một ngày bình thường như bao ngày khác, lão vừa rửa bát vừa hứng lên ngửa cổ nghêu ngao: “Người đừng lặng im đến thế, vì lặng im sẽ giết chết con tim … Ư ử ư ử (không thuộc lời) … Ngoài kia bao la thế giới, nhưng trong anh thế giới thật là bao la …”. Lúc ấy chả hiểu sao đang lướt lướt Fb mà cô vẫn ngửi thấy có mùi gì sai sai. Y như rằng lúc search Google thì chỉ biết ngoác miệng ra mà cười...
Cảm giác, những khoảnh khắc nho nhỏ ấy, sao cô lại thấy chúng quý giá đến thế!
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Vậy mà, bạn biết không, cái con người hâm hâm chập chập ấy, lại có thể là một người kỹ tính đến … phát sợ.
Cô vẫn nhớ thời gian đầu dọn về ở chung, lão có vẻ rất thích thú với việc chiều thứ 7 cùng cô đi siêu thị mua đồ. Lão bảo đơn giản là cảm giác tay trong tay đi chọn từng thứ một cho tuần mới của hai đứa khiến lão vui. Thế là, dù suốt cả năm trước đó toàn đặt delivery, cô cũng cố chiều lão. Vậy mà bạn biết không, chỉ được đúng 2 lần, xong tuyệt nhiên không thấy lão nhắc đến vụ ấy nữa.
Chẳng phải người nhạy cảm gì cho lắm, nên mãi hơn tháng sau cô mới để ý. Hỏi lão thì lão bảo thấy cô đi làm về đã mệt, có mỗi tí cuối tuần nghỉ ngơi, nên không nỡ. Với lại đi hẳn 2 lần thế là được rồi. Vì lúc ấy cô cũng chỉ hỏi cho có, nên xong rồi thôi luôn chẳng nề hà.
Vậy nên chỉ đến cái buổi tối hôm ấy, khi lão trở về từ một chuyến công tác, và cô thì vì quá bận nên quên mất đặt đồ, khiến cả hai phải lôi nhau đi mua sắm lúc tối muộn thì cô mới biết, mới ngộ ra. Có lẽ chính cái mệt mỏi sau chuyến đi khiến lão chẳng còn có thể là con người lúc nào cũng điềm đạm, cũng sẵn sàng chậm lại để cô thực hiện ý mình như trước đây nữa.
Chỉ hôm ấy, cô mới biết người đàn ông của cô đi chợ thế nào.
Lão chọn từng thứ một, tỷ mỷ, cẩn thận … còn hơn cả mẹ cô. Thề. Ai đời có cả quy trình chọn hoa quả, bao gồm: Bước 1: xem hạn sử dụng, và nhẩm tính trong đầu xem mai sẽ ăn quả gì, ngày kia đến quả gì, làm sao để chắc chắn ngày ăn thứ quả nào thì quả ấy vẫn còn hạn. Xong đâu phải thế không thôi. Còn hẳn bước 2 - bước này mới dữ, lão chọn từng quả một, thật sự. Lão biết cả nho thì lấy chùm nào nhìn quả kiểu hơi đặc đặc chứ không trong màu, vì nho mà trong màu thì thường chua; hay cam sành thì cuống tươi và vỏ hơn sần sần một chút mới ngọt, nhưng vỏ cũng phải ánh xanh thẫm chứ không được ánh nâu đen, vì như thế sẽ dễ ủng bên trong; rồi thì dưa hấu bắt buộc cuống phải tươi và núm đýt phải thật nhỏ, như thế mới mỏng vỏ và ngọt. Ngay cả đến khúc cá hồi, lão cũng phải lựa đến cả phút, lật đi lật lại xem khúc nào nhìn chắc thịt nhất, tươi nhất lão mới lấy.
Nhìn lão chọn mà cô phát hoảng. Như thế này mà sao lão lại im thin thít được trong 2 cái buổi đi chợ cùng nhau, khi cô cứ vơ bừa thứ cô thích rồi vứt vào xe đẩy được cơ chứ … Thế mới thấy lão cũng giỏi chịu đựng ra phết. Không phàn nàn, cũng chẳng cả ý kiến cằn nhằn lấy nửa lời. Nghĩ đến thôi, cô cũng phải bật cười.
Nhưng mà, với quả cam quả dưa còn thế, thì lão chọn vợ sao?
Chắc bạn cũng tò mò, đúng không?
Với những người như lão, bạn có thể chắc chắn một điều là có cạy răng lão cũng chẳng hé lấy nửa lời về vụ ấy đâu. Vậy nên, phải sống, phải tổng hợp lúc này lúc nọ, cô mới biết được mấy cái tiêu chí ngầm của lão. Ví như đầu tiên thì cũng như bao anh em khác, lão chọn mặt. Nhưng điểm khác là lão không thích người xinh, mà lão chú ý đến tổng thể xem có hài hòa không, và đặc biệt nhất là đôi mắt phải nhanh nhẹn, không được lờ đờ. Những cái ấy, chỉ khi đã về bên nhau, và thỉnh thoảng xem tivi xem báo cùng nhau lão lại buông mấy câu bình luận xanh rờn cô mới biết. Như cái hôm báo đưa tin vụ cô vợ giết chồng, cô cho lão xem để ... dằn mặt, nhưng tiện thể bình một câu vu vơ: “trông mặt mũi cũng không đến nỗi nào mà ác dữ”. Lão mới nói: “Đôi mắt vô hồn, lông mày hai bên không đều thế kia mà bảo không đến nỗi nào. Nhìn mặt anh đã thấy sợ”. Nói rồi lão bỏ vào bếp rót nước uống, hình như giọng cũng có tí run run.
Nhưng đáng sợ hơn, lão thử cô rất nhiều. Nếu bạn đã đọc “Chuyện chọn chồng”, chắc cũng biết phép thử của cô chẳng phải dạng vừa. Nhưng thực sự sau này khi hiểu lão hơn, cô mới vỡ lẽ lão mới là kẻ thực sự chơi trò thử thách kén cá chọn canh trong cú chốt hôn nhân này. Cô vẫn nhớ như in đợt lão đưa cô về thành phố L, cô hỏi có gì ở đó thì lão nói quanh kiểu bạn anh nói phải đi thử, một trong những thành phố đặc biệt nhất đấy. Khi đến nơi, sau một hồi đi loanh quanh, lúc ấy là 3 giờ chiều lão giả vờ tình cờ dẫn cô vào một phòng cầu nguyện của người đạo Hồi nổi tiếng cả nước. Xong lão còn bày đặt thì thầm vào tai cô: “Kiểu ngày nào cũng cầu nguyện thế này, nghĩ cứ ghê ghê”. Lúc ấy cô lườm lão, rồi nói lại: “Tôn giáo, đức tin của người ta, đừng có linh tinh”. Lúc ấy thực cô chẳng hiểu sao lão tự dưng cười tươi rói, xong lảng đi như nhìn ngắm xung quanh. Ai ngờ lúc về với nhau cô mới vỡ lẽ, ngày nào lão cũng cầu nguyện, 10 ngày như 1, 365 ngày không ngày nào lão bỏ - một lần buổi sáng, và một lần vào buổi tối - 10 cái lạy sám hối mà lão bảo lão học theo bài Lạy hồng danh của đạo Phật - trước khi đi ngủ. Sau này nghĩ lại cô mới vỡ lẽ, mới nghiệm được rằng: hóa ra lão thử là thử cái thái độ của cô với sự khác biệt trong quan niệm của 2 đứa. Lão làm thế với tất cả những thứ to tát quan trọng, từ chính trị, tôn giáo, đến cả cách dạy trẻ con, không chừa thứ nào.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Nhưng nói gì thì nói, cái phép thử cuối cùng mới là ấn tượng nhất. Đó là lần lão dẫn cô về ra mắt bố mẹ. Cũng là lần đầu tiên lão chẳng hỏi cô muốn thế nào, mà tự quyết – lão sẽ dẫn cô về nhà bố mẹ lão ăn tối thay vì mọi người gặp nhau bên ngoài. Hôm ấy cô khá run, vì nghe lão kể nhiều về mẹ từ trước, cô biết bà sống vì lão thế nào, cả đời hy sinh lam lũ lo cho lão từng ly từng tí một. Chỉ nghe kể thôi mà cô đã cảm nhận được bà là một người có học thức mà tinh tường lắm. Vậy nên hôm ấy cô quyết định chọn một bộ đồ giản dị với quần vải thẫm và cái áo sơ mi trắng chấm bi nhẹ nhàng lão lựa cho cô, mà thú thực cô cũng rất thích. Lúc lão qua đón, nhìn nụ cười của lão là cô biết lựa chọn của cô chính xác rồi. Trên đường đi hôm ấy, chả biết có phải do lão hiểu cô đang run hay không, mà cứ nói thao thao bất tuyệt, chẳng giống lão bình thường tẹo nào. Nhưng tuyệt nhiên không một chút dặn dò em phải thế này thế nọ, mà toàn nói những chuyện của lão với bạn bè, đồng nghiệp (sau này nghĩ lại cô đoán lão làm thế để cô vui, chứ lúc ấy chỉ biết mỗi một điều: đầu óc cứ bùng nhà bùng nhùng cô chẳng để tâm được, nhưng nghe giọng lão, hình như tâm trạng cũng yên hơn được đôi chút).
Về đến nhà, cô nhớ như in lão gọi khá to: “Bố mẹ ơi bọn con về rồi ạ”, trước cả khi mở cổng. Rồi chẳng thèm dắt xe, lão cứ để đấy mà đi vào đứng cạnh mẹ lão - lúc ấy đã ra hiên đón hai đứa - để đối diện với cô. Thực ra vì lần đầu gặp 2 bác nên cô cũng không để ý, nhưng sau này lão nói cô mới biết (khoản cạy răng lão ra này là từ một lần cô khá thảm với cả công việc lẫn bạn bè, khiến 9 giờ tối lão phải kéo cô ra xe lên quán Hàn 2 vợ chồng ngồi ăn thịt nướng uống Soju xong khààà y như trong phim Hàn xẻng). Chẳng biết bao nhiêu phần là do hơi men, nhưng lão hỏi cô có nhớ cái lần ra mắt ấy không. Cô nói cô có. Nhưng lão bảo thực ra cô không biết, lúc ấy lão đã rất chú ý đến thái độ của cô. Nhà ba mẹ lão tuềnh toàng lắm, toàn đồ hỏng, đồ cũ tiếc không vứt đi nên để vạ vật, chứ không được như nhà lão, cái gì cũng mới, cũng khang trang. Vậy mà cô đi vào chẳng mảy may để tâm, mà lúc ấy lão thấy ánh mắt cô chỉ chú ý đến ba mẹ lão, đặc biệt là mẹ, và ánh mắt cô nhìn bà thực sự khiến lão thấy cảm động. Nói xong câu ấy lão im luôn, được một lúc thì tự nâng ly rồi với sang chạm vào ly cô đang để trên bàn, rồi tự uống. Xong lại giở cái kiểu nhìn ra xa xăm ư ử hát - cái tuồng cô biết rõ mồn một, mỗi lần bị ngượng thế nào cũng diễn lại.
Vậy đấy. Cô cũng không biết còn cửa ải nào cô đã qua mà chẳng cả biết mình qua hay không.
Nhưng, có một điều cô biết: đó là được chọn bởi một lão già kén cá chọn canh như thế, có lẽ cô sống cũng không đến nỗi tệ.
Nghĩ thế, tự dưng cô thấy vui.
Giở điện thoại. 4 rưỡi rồi. Thôi thì, nhớ thì phải tự làm thôi. Để bản cô nương một lần thân chinh đến rước của quý/của nợ lúc tan làm xem cảm giác thế nào.
Há há, tưởng tượng cái mặt sẽ thộn ra vì bất ngờ của lão mà xem …
A Dreamer