Tác giả: Jetaun Bailey, Heather Hodge, Beverly Andes, Bryan Gere and CharMayne Jackson
Dịch: asloppywriter
Trong quá trình tham vấn tâm lý, chúng tôi nhận thấy mọi người ngày càng dễ đón nhận các cuộc nói chuyện về màu sắc và diễn giải ý nghĩa của chúng trong các cuộc tham vấn. Nó có nghĩa rằng việc đề cập đến màu sắc sẽ tạo ra một cánh cửa mở cuộc đối thoại để các bên cùng tương tác với sự tôn trọng, khuyến khích thể hiện bản thân một cách chân thật nhất. Tất cả hướng đến sự thành thật và tìm ra hướng đi đúng đắn cho việc thấu hiểu và cải thiện sức khỏe tinh thần của những người tham gia (dịch: hoặc có thể hiểu là "thân chủ".
Cuộc trò chuyện bắt đầu từ một câu hỏi đơn giản: Bạn nghĩ (những) màu sắc nào đại diện cho bản thân mình? Những người được hỏi thường ngừng lại, mỉm cười và khen Câu hỏi hay đó. Phương pháp bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách đặt câu hỏi an toàn như thế này sẽ tạo ra một không khí yên tĩnh, tin cậy cho mọi người để bắt đầu cảm thấy tò mò, muốn khám phá và tham gia cuộc đối thoại một cách nghiêm túc trước khi đi sâu vào thảo luận về vấn đề sức khỏe tâm thần của họ.
Và trả lời câu hỏi tưởng chừng như đơn giản đó có thể trở nên rất phức tạp. Vô số mảng màu được pha trộn và kết hợp mà chúng ta thấy trong cuộc sống và vô số cách để nhìn nhận chúng lại gợi lên rất nhiều ý nghĩa trong cuộc đời chúng ta. Bất kể sự đa dạng về nền tảng văn hóa, các đội thể thao, bất kể xu hướng thời trang, những mảng màu đều có cách thể hiện bản chất của cá nhân hay tập thể theo những cách riêng.
Sức mạnh của màu sắc
Sau khi chứng kiến sức mạnh của màu sắc trong quá trình đào tạo, Bryan Gere và tôi (Jetaun Bailey) đã viết về màu sắc trong tâm lý học lần đầu vào năm 2018, tại trang Counselling today: Xác định màu sắc để tạo ra sự gắn kết tại nơi làm việc để hỗ trợ các chuyên gia. Từ đó, chúng tôi gắn kết màu sắc chặt chẽ với các bài giảng và tư vấn, bao gồm cả thảo luận trong lớp học, thuyết trình theo nhóm, cả tham vấn tâm lý cá nhân như một cách đặc sắc để tìm hiểu các học sinh hay khách hàng của mình mà vẫn không quá vồ vập.
Gần đây, tác giả của bài nghiên cứu sử dụng màu sắc trong tâm lý học để khiến những người tham gia trong nhóm nghiên cứu/ thí nghiệm viết lại câu chuyện của chính họ bằng cách sử dụng những màu sắc yêu thích. (Dịch: từ giờ tác giả sẽ gọi nó là hoạt động về màu sắc) Chúng tôi yêu cầu những người tham gia nhìn lại những kỷ niệm trong quá khứ của họ dưới ống kính sắc màu. Mục tiêu của trải nghiệm này là giúp họ tìm ra thứ gì ngăn cản họ hành động như chính bản thân mình ở hiện tại và giúp họ học cách tiến về phía trước thật hiệu quả trong tương lai. Theo một bài báo của Benjamin Hardy tại Psychology Today, việc viết lại những câu chuyện về hiện tại và tương lai của một người đòi hỏi sự nhìn nhận lại quá khứ của người đó. Cách nhìn của một người về quá khứ ảnh hưởng đến cách nhìn về hiện tại và tương lai của họ, và ngược lại, cách nhìn mới của họ về hiện tại và tương lai cũng thay đổi tầm quan trọng mà họ đặt vào những trải nghiệm trong quá khứ.
Trong một buổi thuyết trình theo nhóm, một người đã nói về màu sắc yêu thích đại diện của cô ấy, màu hồng. Sau khi bắt đầu, cô ấy có vẻ không thoải mái và gần như rất hối hận vì câu trả lời của mình. Rồi cô ấy hạ thấp màu hồng mình ưa thích bằng cách nói: đây là màu sắc tượng trưng cho sự yếu đuối. Khi chúng tôi yêu cầu cô ấy nói thêm về lý do cô ấy cảm thấy không thoải mái khi nói về màu hồng, chúng tôi nhận ra cô ấy luôn nghĩ bản thân mình là yếu đuối.
Khám phá này đã dẫn đến một cuộc trao đổi sâu sắc về quan niệm của cô ấy với sự yếu đuối và mối quan hệ của nó với màu hồng. Cô ấy nói màu hồng là một màu sắc rất nữ tính, liên quan đến sự tử tế, dịu dàng, và không thể lên tiếng cho chính mình. Sau đó, cô ấy có tâm sự rằng cô ấy đã không thể biện hộ cho bản thân và phải sống trong một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cô ấy đã để bản thân mình bị chi phối trong suốt cuộc hôn nhân kéo dài nhiều năm đó. Những điều đó khiến lòng tự trọng của cô ấy sụt giảm trầm trọng. Bằng cách phân tích cùng các thành viên trong nhóm, cô ấy bắt đầu hiểu rằng không chỉ có các ý nghĩa tiêu cực và yếu đuối liên quan đến màu hồng, mà còn có cả những điểm tích cực gợi về màu sắc này như lòng trắc ẩn. Cuộc thảo luận này giúp cô ấy nhìn màu hồng theo một góc nhìn mới, sau đó dùng góc nhìn mới này để điều chỉnh lại suy nghĩ của mình về bản thân. Những điều cô ấy từng lầm tưởng là đại diện cho điểm yếu của mình giờ được nhìn nhận như sức mạnh nội tại của lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu. Vì vậy, quá trình đó đã viết lại câu chuyện của cô ấy theo cách tích cực hơn.
Mặc dù hoạt động nói về màu sắc này là một phần trong nhóm quy trình (trị liệu/ tham vấn) một phiên (one-session process group), nó vẫn có thể được thay đổi cho phù hợp và sử dụng trong liệu pháp (trị liệu/ tham vấn) nhóm thông thường hay trong các phiên (trị liệu/ tham vấn) cá nhân. Các chuyên viên tham vấn tâm lý cũng có thể dùng hoạt động này như một công cụ đào tạo cho các tổ chức khác nhau. Trong môi trường công sở, hoạt động này sẽ tạo cơ hội cho nhân viên hiểu hơn về bản thân họ và những người đồng nghiệp khác. Và từ đó, cái nhìn ngầm định của cá nhân với mình hoặc đồng nghiệp có thể được thể hiện theo một cách ý nhị mà những người khác có thể không nhận thấy. Tôi (Jetaun Bailey) đã từng sử dụng hoạt động này trong một khóa đào tạo với nhóm giảng viên đại học. Một giảng viên nữ đã liên kết bản thân mình với màu xám, và cô ấy cho rằng nó mang ý nghĩa của sự trung lập. Cô ấy bắt đầu giải thích về sự hỗn loạn trong cuộc sống gia đình của cô ấy, và cô ấy tìm thấy sự nhẹ nhõm khi giữ thái độ trung lập nhất có thể. Sự trung lập đó đã được cô ấy mang theo trong suốt quá trình làm việc tại môi trường đại học của mình. Đặc điểm này khiến một số đồng nghiệp của cô ấy bày tỏ rằng họ thấy cô ấy đã có kỹ năng giữ thái độ trung lập tuyệt vời. Và mặc dù điều này là một phẩm chất tích cực trong đa số trường hợp trong cuộc sống, vẫn có những lúc sự trung lập khiến cô ấy lảng tránh việc giải quyết những vấn đề mâu thuẫn. Có thể thấy, đặt một câu hỏi an toàn và chừng mực về màu sắc cho phép các giảng viên hiểu rõ hơn về đồng nghiệp của họ.
Các bước để thực hiện hoạt động về màu sắc
Hoạt động viết lại câu chuyện cá nhân thông qua những mảng màu sắc bao gồm bốn bước, được thực hiện theo nhóm. Thông qua các bước này, những người tham gia sẽ phân tích quá khứ của họ bằng những mảng màu yêu thích và từ đó, họ có thể xác định điều gì ngăn cản bản thân sống như chính mình trong hiện tại và tìm cách cải thiện điều đó để sống thật chân thật và hiệu quả trong hiện tại và tương lai.
Bước 1: Kết nối màu sắc với bản thân
Chuyên viên tham vấn có thể hỏi những câu hỏi đơn giản để giúp người tham gia kết nối với những màu sắc mang ý nghĩa đại diện cho bản thân của mình. Câu hỏi có thể sử dụng là: Anh thấy những màu sắc nào đại diện cho bản thân mình? Hoặc Anh thấy màu sắc nào gần với tính cách của mình nhất? (What color or colors do you feel reflect your personality?) Trong lúc mỗi người trả lời câu hỏi, chuyên viên tham vấn tâm lý có thể theo dõi ngôn ngữ cơ thể hay bất kì dấu hiệu ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ nào về các màu sắc mà họ đề cập, như cách làm với người phụ nữ xác định bản thân mình là màu hồng được nêu trên. Chuyên viên tham vấn tâm lý có thể hỏi họ những câu hỏi đơn giản, nhẹ nhàng để khai thác thêm về những gì họ quan sát được trong quá trình người tham gia nói về màu sắc đại diện cho mình. Với những người cùng tham gia tham vấn theo nhóm đó cũng vậy. Ví dụ, một người phụ nữ lai Mỹ và Trung tham gia hoạt động trị liệu theo nhóm của chúng tôi, đã liên kết bản thân với màu đỏ- màu sắc đại diện cho nền văn hóa của cả hai quốc gia, với những cuộc đấu tranh của chính cô ấy với bản sắc của mình. Cô ấy nói rằng cô ấy đón nhận và tôn trọng một nền văn hóa đồng thời cảm thấy xấu hổ trước nền văn hóa còn lại.
Bước 2: Tìm hiểu các mối liên kết mang tính tiêu cực với màu sắc của người tham gia
Chuyên viên tham vấn nên yêu cầu người tham gia trong nhóm tham vấn xác định một vài mối liên kết mang tính tiêu cực với các màu sắc mà họ đã chọn và giải thích về mối liên kết giữa những màu sắc đó với các trải nghiệm trong quá khứ của họ. Ngoài ra, các chuyên viên tham vấn tâm lý có thể yêu cầu những người tham gia khác trong nhóm chia sẻ những quan niệm tiêu cực mà họ có thể đã được tiếp xúc về các mảng màu sắc. Việc thể hiện quan điểm đó cho phép mọi người giữ được sự trung lập để không ai cảm thấy bị công kích cá nhân, và nó cũng mang đến góc nhìn đa chiều về các ý nghĩa khác nhau được gán cho các mảng màu trong các nền văn hóa và sắc tộc khác nhau. Như Iris Bakker và các đồng nghiệp đã lưu ý trong bài báo được đăng vào năm 2015 của họ trên Color Research and Application thì giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn và tính cách của một người sẽ ảnh hưởng đến sở thích về màu sắc của họ.
Bước 3: Nghiên cứu các mối liên hệ tiêu cực về màu sắc cụ thể như những rào cản tiềm tàng với sự phát triển cá nhân
Tiếp theo, chuyên viên tham vấn có thể yêu cầu người tham gia xem xét lại các ý nghĩa tiêu cực về màu sắc có thể liên hệ thế nào đến các cảm giác tiêu cực mà họ nhận thấy về bản thân cũng như cách nó có thể cản trở sự phát triển của họ trong quá khứ. Việc này có thể có tác dụng lớn trong việc khơi gợi sự tự bộc bạch. Các chuyên gia cho rằng, với tần suất nhỏ, việc tự bộc bạch có thể là một kĩ thuật hiệu quả trong việc trị liệu. Và khi sử dụng một cách thận trọng, đặc biệt là trong môi trường tập thể (nhóm), nó có thể giúp xây dựng lòng tin, thúc đẩy sự đồng cảm và cải thiện các mối quan hệ.
Để phá vỡ bầu không khí ngượng ngùng trong buổi gặp mặt lần đầu tiên của một nhóm, tôi (Jetaun Bailey) đã chia sẻ màu đỏ, màu đại diện cho bản thân tôi, có liên quan mật thiết đến sự hiếu chiến, bốc đồng, và rằng tôi là kiểu người dễ chấp nhận rủi ro. Tôi cũng nhấn mạnh rằng tôi hay gặp rắc rối linh tinh trong cuộc sống vì tính cách của mình. Và rõ dễ chấp nhận rủi ro là điều không nên làm khi xét đến những kinh nghiệm hồi ngông cuồng của tôi. Quá trình tham vấn theo nhóm dạy mọi người cách nói ra những khó khăn trong đời, và tôi tin việc tự bộc lộ bản thân trong trường hợp nêu trên đã làm tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm và bản thân người nói, là tôi.
Tự bộc bạch cũng là một cách tốt với những người tham gia có vẻ hướng nội. Người phụ nữ xác định màu sắc tượng trưng cho bản thân là màu hồng vừa đề cập ở trên trước đó khá e ngại về việc chia sẻ về màu sắc, điều đó ngầm định cô ấy là người hướng nội. Nhưng với sự khuyến khích của chuyên viên tham vấn tâm lý và các thành viên trong nhóm đó, cô ấy bắt đầu mạnh dạn chia sẻ và thể hiện bản thân hơn.
Bước 4: Giúp người tham gia điều chỉnh câu chuyện của họ
Sau khi khám phá những ý nghĩa tiêu cực về các mảng màu sắc, chuyên viên tham vấn có thể hỏi các thành viên khác trong nhóm người tham gia buổi trao đổi thể hiện suy nghĩ của họ về những ý nghĩa tích cực liên quan đến chính những mảng màu sắc vừa đề cập. Ví dụ, họ có thể hỏi: Bây giờ anh có thể nhận thức được sự tiêu cực liên quan đến những mảng màu mà anh liên kết với bản thân mình, vậy anh nghĩ sao về những ý nghĩa tích cực của chúng ứng với chính anh? Cách làm này là một hình thức tái cấu trúc nhận thức, giúp những người tham gia điều chỉnh và thay đổi suy nghĩ về những điều họ cho là tiêu cực về màu sắc hay chính bản thân họ, cũng như đưa thêm những cái nhìn tích cực hơn về những mảng màu đã được gán với kha khá ý nghĩa tiêu cực.
Chuyên viên tham vấn tâm lý có thể yêu cầu người tham gia của mình thay thế những từ thể hiện ý nghĩa tiêu cực về màu sắc bằng những từ mang ý nghĩa trái ngược. Để giúp người tham gia hiểu hơn, chuyên viên tham vấn tâm lý có thể đưa ra ví dụ, như màu xanh lam thường được gán với nỗi buồn, và việc người tham gia cần làm là tìm từ có sắc thái ngược với nó như niềm vui và hy vọng. Tiếp theo, chuyên viên tham vấn tâm lý có thể yêu cầu mỗi người tham gia sử dụng những từ trái nghĩa đó để xem xét lại cách họ nhìn nhận cuộc sống hay công việc của họ trong hiện tại và cách họ muốn được nhìn nhận trong tương lai.
Quay trở lại với người phụ nữ gắn bản thân với màu hồng, cô ấy sử dụng từ vị tha để điều chỉnh cách cô ấy nhìn nhận bản thân mình và những gì xảy ra với cuộc hôn nhân của mình. Điều này cho phép cô ấy nhìn thấy sức mạnh của mình giữa biết bao bộn bề trong cuộc hôn nhân của cô ấy, tạo dựng khả năng tự nhận thức và giúp cô ấy hiểu rằng sức mạnh của chính mình nằm ở lòng vị tha. Cô ấy cũng chia sẻ rằng cô ấy sẽ sử dụng sức mạnh vị tha này để điều chỉnh cảm xúc của mình trong những thời điểm khó khăn trong cuộc sống bằng cách hành xử nhẹ nhàng, tử tế với bản thân. Cô cho rằng việc hạn chế tự phê bình sẽ xây dựng lòng tự trọng cũng như các mối quan hệ và kỹ năng giao tiếp của cô ấy.
Trong bước này, chuyên viên tham vấn có thể sử dụng nhiều kỹ thuật và phương thức khác nhau ngoài kỹ thuật điều chỉnh hành vi nhận thức. Trên thực tế, đây là thời điểm vàng để sử dụng kỹ thuật câu hỏi thần kỳ (miracle question techique) từ liệu pháp tập trung vào giải pháp. Ví dụ, chuyên viên tham vấn tâm lý có thẻ nói: Cầu vồng đại diện cho nhiều điều trong xã hội và nghệ thuật Tây phương, chẳng hạn như hy vọng, phép màu và dấu hiệu của những điêu tích cực. Nếu xét như vậy, màu sắc đại diện cho bạn sẽ mang lại cho bạn phép màu gì và tại sao? Phép màu đó sẽ thay đổi ý nghĩa tiêu cực của màu sắc mà bạn vừa đề cập như thế nào? Cách tiếp cận này tập trung vào giải pháp bằng cách giúp người tham gia viết lại câu chuyện của họ, khiến nó trở thành một sự thay thế tích cực cho kỹ thuật điều chỉnh hành vi nhận thức, giúp điều chỉnh lại câu chuyện của họ hiệu quả hơn.
Một phương pháp tiếp cận chánh niệm Cách tiếp cận sáng tạo này nhằm viết lại câu chuyện của một người theo cách đem lại nguồn cảm hứng và sự hứng khởi vì nó có thể kích hoạt sự tò mò và khám phá bản thân và thế giới của người lớn như thể họ là những đứa trẻ, đồng thời giải tỏa căng thẳng và kỳ vọng của mọi người về một ngành tâm lý học rập khuôn. Câu hỏi đơn giản về những màu sắc phản ánh đúng nhất bản thân giúp người tham gia bày tỏ cảm xúc và tầm nhìn của mình, từ đó chia nhỏ và phân tích thông tin thành các danh mục nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Và vì thế, chuyên viên tham vấn tâm lý có thể dễ dàng kết hợp phương pháp chánh niệm trong suốt quá trình tham vấn tâm lý theo nhóm.
Câu hỏi này cũng khiến nhiều người phải dừng lại và suy ngẫm trước khi trả lời, như thể họ sẽ phải đắm vào thế giới tưởng tượng của riêng mình. Sự phụ thuộc vào hình ảnh tinh thần có sự tương đòng với sự phụ thuộc vào hình ảnh trị liệu có hướng dẫn, một kỹ thuật thư giãn gắn liền với chánh niệm. Việc hỏi màu sắc nào phản ánh bản thân họ thay vì chỉ hỏi màu yêu thích của họ yêu cầu người tham gia sử dụng các giác quan và trí tưởng tượng để khơi gợi cảm giác liên quan đến các màu sắc và xem xét mảng màu nào có liên quan chặt chẽ nhất với bản thân.
Những người tham gia nhóm trị liệu của chúng tôi bắt đầu cảm thấy bình yên và thư giãn ngay khi câu hỏi được đặt ra, trùng khớp với cách tiếp cận chánh niệm của sự hiện diện trọn vẹn. Khi nói về màu sắc đại diện cho mình, những người tham gia đã góp phần tạo nên cảm giác thân thuộc được tạo ra bởi sự ấm áp, thân thiện và hiểu biết về vấn đề này. Những người khác vẫn tiếp tục làm việc với lời gợi đó trong hiện tại, hoàn toàn đắm chìm trong những trải nghiệm của chính họ và của những người bên cạnh về cách màu sắc đại diện được phơi bày.
Trong suốt liệu pháp tâm lý này, chuyên viên tham vấn tâm lý dành không gian cho việc lắng nghe có chánh niệm. Họ phải lắng nghe thật tập trung và đặt các câu hỏi mở để cho phép mọi người thể hiện tính bản thân họ thông qua màu sắc, đồng thời đạt được những kiến thức rõ ràng và đúng đắn. Và các chuyên viên tham vấn cũng cần chú ý đến giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, nhất là hơi thở và các biểu hiện cơ thể của mỗi cá nhân. Các chuyên viên tham vấn tâm lý nên ghi lại các nhận xét của người tham gia và kịp thời ngăn chặn một cách khéo léo những lời nói tiêu cực của người tham gia.
Lắng nghe chánh niệm hiệu quả sẽ tạo ra bầu không khí giao tiếp tập thể, sẽ dẫn lối mọi người tham gia viết lại câu chuyện của mình từ quá trình tự xem xét lại của bản thân và chia sẻ của tập thể. Vẫn là người phụ nữ xác định màu hồng là màu đại diện cho bản thân, cô ấy giao tiếp bằng cả ngôn ngữ và cử chỉ rằng màu hồng khiến cô ấy khó chịu, và người khác giúp cô ấy nhìn ra vẻ đẹp trong màu hồng của mình và kết nối nó với lòng trắc ẩn. Sau đó, cô ấy có thể tự phản ánh và xem xét lại câu chuyện của mình.
Bởi các thành viên trong một nhóm sẽ đều có những cái nhìn của riêng họ về màu sắc cũng như cách lý giải chúng, điều đó tại nên sự phong phú, đa dạng của nhóm trong việc truyền tải các nhận thức về màu sắc và góp phần viết lại câu chuyện của mỗi người theo những góc nhìn đa dạng hơn. Mỗi người tham gia thể hiện sự hiểu biết về văn hóa bằng cách lắng nghe và suy ngẫm về mối quan hệ của người khác với các màu sắc và chỉ ra cách người kia viết nên câu chuyện có gì giống và khác với cách của họ. Điều này tạo ra sự gắn kết tập thể và ghi nhận góc nhìn của nhau, cũng như gắn bó với nhau. Kết quả của sự giao tiếp tập thể này là một ý thức chung về văn hóa được xây dựng, và một cộng đồng chung cùng sẻ chia được hình thành khi các cá nahan bộc bạch những kinh nghiệm thông qua màu sắc trong khi vẫn tôn trọng bản sắc cá nhân và nền văn hóa độc đáo của nhau.
Kết luận
Việc chọn màu sắc đại diện cho mỗi người và lý giải các thuộc tính mà nó được gán cho, cũng như việc thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của người tham gia về những màu sắc đó và bản thân mình trở thành tài liệu phong phú để sử dụng trong quá trình trị liệu. Yêu cầu người tham gia trả lời câu hỏi tương đối an toàn về màu sắc phản ánh bản thân sẽ gợi ra nhiều loại phản ứng tâm lý để rồi đưa đến sự tự nhận thức của họ. Có thể nói, việc chia sẻ về màu sắc có những cách kỳ diệu để cải thiện không khí và chất lượng cuộc trò chuyện cho nhóm và các cá nhân trong nhóm đó. Và thật ra chúng ta thường không nhận ra cách màu sắc ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm giác và nhận thức của chúng ta. Hoạt động viết lại câu chuyện của mỗi người bằng cách xem xét lại các tương tác của chúng ta với màu sắc từ góc độ văn hóa, cá nhân và sinh học có thể dạy cho chúng ta điều gì đó về bản thân mà chính chúng ta còn không nhận thức được.