Nguồn ảnh: Disney Wikia


Tôi cảm thấy như bị giam giữ, giam cầm
  • Tôi cảm thấy thất vọng cả khi có điều tốt đẹp đến
  • Tôi đã mất hứng thú với những thứ từng có ý nghĩa nhất
  • Tôi cảm thấy bồn chồn và không thể thư giãn
  • Tôi làm mọi thứ một cách từ từ
  • Ngủ quá ít, quá nhiều hoặc ngủ không ngon giấc
  • Tôi thấy khó tập trung khi đọc
  • Tương lai của tôi dường như vô vọng
  • Tôi cảm thấy khó có thể làm được ngay cả điều thường nhất
  • Tôi cảm thấy thất bại
  • Tôi cảm thấy buồn chán nản và không vui
  • Tất cả niềm vui và sự hưng phấn dường như đã biến mất khỏi cuộc sống tôi
  • Tôi cảm thấy trống rỗng muốn chết hơn là sống
  • Tôi cảm thấy mệt
  • Tôi tự hỏi làm thế nào tôi có thể tự tử
  • Tôi thấy khó để đưa ra quyết định
  • Tôi đã giảm cân hoặc tăng cân mà không cần ăn kiêng
Bài trắc nghiệm gồm 17 câu hỏi, và 5 mức độ: Chưa bao giờ, Thỉnh thoảng, Vừa phải, Khá nhiều, Hầu hết thời gian. Điểm từ 0 đến 5. Nếu trên 54 điểm là bạn bị Trầm cảm nặng. Còn dưới đó thì phân loại từ Không có nguy cơ bị trầm cảm đến Nguy cơ trầm cảm nhiều hay ít. Đây là một bài trắc nghiệm trên một fanpage Facebook mà một người bạn của tôi chia sẻ lại về tường.
Bạn tôi đang học ngành mỹ thuật, là một nghệ sĩ. Nhiều lúc làm công việc này đòi hỏi sự một mình rất nhiều, và cũng phải có thất vọng để thúc đẩy tới. Tính sơ sơ kiểu này thì cậu hơn 54 điểm, tức TRẦM CẢM NẶNG. Và sau đó, cậu cười trên status của mình:
“54 điểm rồi oh quao trầm cảm ròi oh no oh no 🙂
Cảm cảm c* chứ cảm =))))))))))
Càng làm người ta có suy nghĩ sai lệch về các bệnh tâm lí hơn nữa ..

Mấy bạn có biết về trí thông minh nội tại k? Có biết là bạn càng dành thời gian nói chuyện với inner-self thì bạn càng hiểu bản thân hơn nên bạn sẽ thấy hài lòng với mọi thứ hơn? Phải hiểu là cảm xúc tiêu cực không phải là cái gì đó tệ hại. Vì phải có tiêu cực thì bạn mới có động lực để đạt được những cái tích cực và mới biết quý nó.”
Nếu là tôi, cũng như các bạn khác học chung trường, chắc chắn cũng bị TRẦM CẢM NẶNG luôn. Vì khi bước vào trường, kèm áp lực học hành, thi cử, cũng như tập cách mất mát trong những mối quan hệ, chúng tôi ngày càng trầm tính hẳn.  Tôi cảm thấy nực cười với bài trắc nghiệm đó. Nhiều người bình luận còn bảo “tao nói nhiều chắc trầm cảm rồi”. Như cậu bạn của tôi có đề cập đến trí thông minh nội tại, việc hiểu bản thân thông qua việc tự đối thoại với bản thân mình, bài trắc nghiệm này hoàn toàn đưa cho người xem một cái nhìn không đúng về trầm cảm, cũng như cảm xúc tiêu cực, đồng thời tích cực.
Bài trắc nghiệm này không phải tự dưng mà có, và fanpage này cũng chỉ cóp nhặt thông tin từ một nguồn báo lá cải nào đó. Tuy nhiên, nó cũng xuất phát từ chính quan điểm của những người xung quanh chúng ta. Với những người thân thiết, việc chỉ cần nhìn thấy chúng ta khép mình, suy nghĩ tiêu cực thì câu đầu tiên mà ta nghe luôn là ‘Thôi đừng buồn nữa, cố lên, suy nghĩ tích cực lên. Hơi đâu buồn chi cho mệt.” “Trời, ổn không, đừng nghĩ dại dột nhen”. Lâu lâu là những câu đùa vui vui “Sao dạo này mày hay làm mọi thứ một mình thế? Tự kỷ à?” Hầu hết những người xung quanh ta luôn muốn điều tốt nhất đến với mình, nhưng lâu dần, những câu nói này trở thành gánh nặng. Trở nên vui vẻ càng nhanh càng tốt là điều thượng sách để mọi người không buồn khi nhìn thấy mình buồn nữa.
Khi bạn buồn, bạn thích xem phim gì nhất? Bạn có thích xem hài không? Bây giờ, chỉ cần mở kênh truyền hình Việt Nam lên vào buổi tối, chắc chắn sẽ có hàng tá chương trình thi hài để bạn chọn. Cứ đến Tết, lễ thì các phim hài lại cứ dịp lên ngôi. Bạn không thích phim hài và chương trình Việt Nam ư? Bạn có thể qua các kênh truyền hình Mỹ và các series phim hài dài tập luôn chờ đợi bạn. Nhìn những nghệ sĩ hài kịch và phim hài như vậy, liệu bạn có mong ước được như họ? Mang lại tiếng cười cho người khác, à hẳn cuộc sống họ hẳn sẽ tràn ngập hạnh phúc phải không?
Hồi năm nhất đại học, tôi đã từng đặt cho mình câu hỏi này. Khi nhìn thấy một người bạn cùng lớp mình có chỉ cần cất tiếng pha trò một chút là một tập thể cười theo, tôi đem lòng ghen tị. Nhưng khi tìm hiểu một lúc, hóa ra không phải như vậy. Nhiều khi đằng sau nụ cười có thể là một nỗi buồn nào mà họ phải gắng gượng. Cùng nhớ lại vào tháng 8 năm 2014, danh hài Robin Williams tự sát. Những bộ phim của Robin Williams đều mang lại tiếng cười sảng khoái, và khỏa lấp sự cô đơn trống trải cho người xem. Nhưng bản thân Robin không giải quyết được nỗi buồn của chính mình. Cuộc ly dị với hai người vợ và series hài của riêng mình bị ngừng phát sóng khiến Robin rơi vào hiện tượng trầm cảm nặng. Trong bài viết “Tại sao những người vui vẻ nhất lại thường là những người buồn bã nhất” trên Big Think, cho thấy những diễn viên hài có vấn đề về sức khỏe tinh thần trầm trọng hơn tất cả những người làm công việc khác.
Robin  Williams và nhân vật bà giúp việc Doubtfire trong bộ phim thiếu nhi "Mrs Doubtfire" làm nên tên tuổi của ông. Mrs Doubtfire thực chất là người đàn ông đã ly dị vợ, ông cố gắng cải trang thành người giúp việc về nhà vợ cũ để gặp các con mình. Đây là bộ phim thể hiện được nỗi buồn của ông.
“Những diễn viên hài coi hài kịch là một hình thức tự điều trị. Nhiều lúc họ nghĩ đến đó là trị liệu. Vấn đề là, ở trên sân khấu và trình diễn và thực hiện stand-up, nhưng đó không phải là trị liệu.  Đó chắc chắn mang tính trị liệu, nhưng không phải là trị liệu. Giống như khi bạn nghĩ nếu bạn thành công, bạn làm ra nhiều tiền, bạn được ngưỡng mộ, bạn được nhận ra ở góc phố nào đó, mọi vấn đề sẽ tan biến mất. Điều này không đúng, và chúng ta đã thấy ở Robin Williams, vấn đề của ông ấy không biến mất. Những rắc rối của bạn chỉ trở nên khác đi. Chúng sẽ trở thành mức độ stress khác nhau, mức độ trầm cảm khác nhau. Và toàn diện hơn hết, nếu bạn không đối đầu với sức khỏe tinh thần, những rắc rối sẽ không hề tan biến. “
Dr. Ildiko Tabori, nhà trị liệu hàng đầu cho những diễn viên hài ở Mỹ
(“Tại sao những người hài hước nhất lại thường là những người buồn bã nhất”, Big Think)
Như vậy, việc có niềm vui và việc niềm vui mang lại hạnh phúc là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Và đó cũng chính là bi kịch của nhân vật Joy trong bộ phim “Inside Out”. Vốn dĩ bộ phim thực sự được xây dựng để tôn vinh về tầm quan trọng của cảm xúc và điểm sáng cuối cùng chính là nhân vật Buồn bã, nhưng bộ phim cũng phản ánh về sự tôn vinh thái quá của chủ nghĩa tích cực. Và đó cũng chính là lý do ở đầu bài viết, tôi có đưa ra phần trắc nghiệm trên. 
Nếu như đánh giá thang trắc nghiệm như trên, chắc chắn Joy phải ở mức độ 0. Nhưng đó chỉ là ở phần đầu, trước khi Riley rời khỏi Minnesota. Bạn còn nhớ hình ảnh cô ấy lúc đó không? “Woo hoo, lại là một ngày làm việc tốt đẹp nữa”. Từng hoạt động ngô nghê, trượt múa trên sàn của Trung tâm điều khiển mỗi khi Riley làm được điều mới, hay thậm chí chơi cả dàn accordion khi thấy hòn đảo Ngô Nghê đang nhảy múa tưng bừng. Và ở đó, chỉ đó Riley và Joy. “Tôi mong khoảnh khắc này mãi mãi.’

Bi kịch thứ nhất của Joy: sự chiếm hữu trẻ con


Joy có thể nói ở khúc đầu chính là phiên bản trẻ con của Riley. Cách mỗi hòn đảo hoạt động kèm theo nhịp nhạc cũng phản ánh từng hoạt động và con người Joy. Nếu có gì khiến Riley cười phá lên, cô cũng cười phá lên và di chuyển quả cầu ký ức lõi. Nếu Riley lướt những đường khúc côn cầu êm ả (khi đó hòn đảo Khúc Côn Cầu cũng êm ả), thì Joy cũng đang cố lướt trên sàn của Trung Tâm Điều Khiển bằng đôi chân trần. Và chính tính cách con người của Joy cũng phản ánh nên cách Riley bộc lộ con người bên ngoài. Từng nét mặt, từng cử chỉ. 
Với Joy, khi đó cô chính là tâm điểm trong công việc ở Trung Tâm Điều Khiển. Mọi cảm xúc khác chỉ làm nền cho tất cả những hoạt động của Joy. Và đặc biệt là Sadness, “Tôi còn chả hiểu cô ấy đứng ở đây để làm cái gì”. Sadness như một kẻ quái dị, kẻ yếu thế. 
Không hiểu sao xuyên suốt giai đoạn này tôi lại ghét Joy. Kiểu như một kẻ chiếm hữu, cướp công, thể hiện và bắt nạt. Nhưng đó là một phần của sự trẻ con. Bạn có nhớ lúc Riley chuyển nhà và khi cô tâm sự với người bạn thân nhất của mình qua Skype, và khi thấy người bạn mình khoe người bạn mới, Riley đã vô cùng tức giận hay không? Khi còn bé, bạn chí ít cũng phải có một người bạn chơi cùng. Và khi người bạn đó nghỉ chơi, và chuyển sang chơi với người bạn khác, cảm giác của bạn khi đó như thế nào? Cảm giác như bị ai đó cướp đi một phần gì đó từ mình? Và cảm giác hụt hẫng khi sự chú ý vào mình không còn? Và dù Joy không thể hiện sự tức giận đó ra rõ ràng, nhưng bạn có thể dễ dàng thấy được qua cách nói chuyện, nó đầy sự bực bội, nhất là mỗi khi Sadness đang cố vào trung tâm điều khiển, để điều khiển cảm xúc buồn bã của Riley. Và cách các cảm xúc khác nhìn vào Joy, cái kiểu chịu đựng thôi để người ta tỏa sáng, sân khấu này là của mình ấy.

Bi kịch thứ hai của Joy: cố gắng gồng lên để giữ vị trí cho mình, cũng như trở nên hạnh phúc

"Việc của cậu là đứng trong vòng tròn này". Nguồn ảnh: rlidea.

Đọc thêm:

Cho đến khi Riley cùng gia đình chuyển đến San Francisco. Nhiệm vụ của Joy vẫn là cố gắng để tạo nên những hình ảnh tưởng tượng thật nhiều màu sắc trong tâm lý Riley. Nhưng khi đến nhà mới, Joy cũng bị suy sụp theo Riley trước cảnh tượng ảm đạm của căn nhà. Và hành động cố gắng tìm kiếm những ký ức lõi để chiếu lên màn hình chỉ là cách Joy gồng lên để chống chọi với một việc: Riley bây giờ đã khác, và những thay đổi sắp tới trong cuộc đời sẽ không còn đủ làm cô ấy vui tươi nữa. Sau đó, cách Joy bắt Sadness đứng ở một góc mà cô đã khoanh tròn là cách cô đang tìm cách chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi của mình: khi mỗi đêm Riley chỉ còn là ác mộng và cô không thể tìm cách nào để xua tan nỗi sợ của thân chủ bằng niềm vui. Mọi thứ lên cơn đỉnh điểm nhất vào buổi học đầu tiên của Riley. Những nỗi sợ về việc mất dần sân khấu ngày càng lớn dần dẫn đến cuộc giành giựt của Joy và Sadness, làm hỏng cả hệ thống. 

Bi kịch thứ ba của Joy: cố tỏ ra quá lạc quan và vì vậy không nhìn trực diện vào vấn đề và không lắng nghe được người khác

Trong bộ phim, Sadness được khắc họa là một cô gái ủ dột, thân hình ù lì, chậm chạp và mặc một chiếc áo len lỗi mốt. Khác biệt hẳn với những cảm xúc khác, Sadness có vẻ già dặn hơn rất nhiều với bạn bè cảm xúc. Còn Joy chả khác gì một cô bé con, điều đó thể hiện qua chiếc váy mà cô mặc trên người.
Khi cố gắng bước vào trong Kho lưu trữ trí nhớ, việc Joy làm là vẫn cố tỏ ra vui vẻ. Joy không hề ưa Sadness một chút nào, nhưng lúc này công việc của họ là làm sao phải sửa chữa nhà máy này lại. Đó là cách mà chúng ta đối xử với người khác khi còn bé: yêu ghét rõ ràng. Và chúng ta lại chứng kiến thêm một lần nữa sự gắng gượng của Joy trong việc tìm hiểu người khác, và chính sự tích cực này ngăn cản cô để thấu hiểu vấn đề.
Sadness: Chúng ta mất Đảo Ngô Nghê. Điều đó có nghĩa là cô ấy (Riley) có thể mất Đảo Tình Bạn, Đảo Hockey, và Đảo Thành Thật, và Đảo Gia Đình! Cậu có thể sửa chữa được, phải không Joy?
Joy: Tớ… Tớ không biết (Joy nói, Sadness thở dài trong sự tuyệt vọng). Nhưng chúng ta phải thử. Đi thôi nào
Hòn đảo tình bạn ngày càng sụp dần.
Sadness: Chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện được, huhuhuhu
Joy: Không, không, không, đừng chú trọng vào khối lượng của rắc rối cuộc sống, nhớ đến bộ phim hài hước có con chó chết không?
Mặt Sadness ủ dột.
Joy: Sadness, chúng ta không có thời gian cho chuyện này đâu
Cơn lốc đẩy đưa Joy và Sadness vào mê cung.
Joy: Chúng ta sẽ cứ mãi đi lòng vòng thôi! Chọn đường tắt đi
Sadness: Khoan đã! Joy, cậu có thể lạc trong đó đấy!
Joy: Suy nghĩ tích cực đi!
Sadness: Được rồi. Tớ lạc quan là cậu có thể lạc trong đó. Đó là Trí Nhớ Dài Hạn. Khu vực mênh mông bất tận đó có rất nhiều hàng lang và kệ. Tớ đọc được điều đó trong quyển hướng dẫn.
Joy đã quá vui vẻ, lạc quan đến mức ỷ y, và việc cô cố giúp Sadness liên tục để nghĩ đến những chuyện hài hước là cách cô che giấu đi nỗi bất an và vô định của chính mình. Sadness không hề có lỗi. Mọi rắc rối này khởi điểm từ Joy, từ nhu cầu ích kỷ của cô là niềm vui sẽ đồng nghĩa với hạnh phúc. Đến hơn nửa bộ phim, tất cả những gì bạn nhìn thấy chỉ là sự gượng ép bản thân của Joy. À, và hãy để ý chút xíu đến câu nói “Suy nghĩ tích cực đi!” . Chính câu nói này càng đẩy Joy vào ngõ cụt biến cô thành một kẻ tội nghiệp đáng thương. Và đây là cách bộ phim phản ánh về sự nhảm nhí của chủ nghĩa tích cực – một lối tư duy đã được thổi phồng ở phương Tây khá lâu và có xu hướng lan sang phương Đông, và cho ra những đứa trẻ thế hệ Z phát triển tâm hồn không hoàn thiện. 
“Tư duy tích cực từ lâu đã luôn được chiếm ngôi trong văn hoá Mỹ. Mặc dù sự lạc quan là một phần của sự thừa kế sinh học của chúng ta - khi chúng ta không hy vọng về tương lai, lo lắng và trầm cảm có thể dễ dàng chuyển biến thành những xu hướng tự tử - suy nghĩ tích cực và tâm lý học tích cực đã trở thành ngành công nghiệp hàng tỷ đô la, bắt đầu từ cuốn sách năm 1952 của Norman Vincent Peale, Sức mạnh của Tư duy Tích cực (The Power of Positive Thinking)
Trong khi quyển sách self-help đầu tiên, Self-Help, một cuốn sách năm 1855 của nhà cải cách chính trị người Scotland Samuel Smiles, là món quà (tribute) về  tầm quan trọng của thất bại, tiêu điểm của Peale hoàn toàn khác. Sau khi giới thiệu khái niệm "tư duy tích cực", ông đề cập đến một trạng thái lạc quan liên tục và vĩnh viễn. Ông đã bán được hơn 5 triệu bản khi sách vẫn nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của NY Times trong 186 tuần liên tiếp, kể cả khi bị gọi là "kẻ lừa đảo" và các học thuyết của ông bị thách thức về mặt lâm sàng.
Thông điệp của Peale thực sự trở nên quá quyến rũ đối với một nền văn hoá không hài lòng ngày càng tăng như Mỹ, khi mọi thứ không bao giờ là đủ. Thông điệp này đã được lặp lại trong năm 2006 khi một tác giả tương tự không rõ ràng xuất bản quyển The Secret, đưa lý thuyết suông (metaphysic) của tư tưởng tích cực lên tầm cao mới. Rhonda Byrne hứa hẹn rằng nếu bạn không sống đúng, bạn sẽ không nghĩ đúng, và điều này khiến cho độc giả cảm thấy tội lỗi nghiêm trọng -  mua các khoá học tiếp theo, sách, hội thảo và phần còn lại của danh mục được bơm quảng cáo đáng kinh ngạc theo tiếp đó.
Trong suốt thời gian đó, khoa học về sự lạc quan luôn ở trên mặt đất bấp bênh. Thực tế, tập trung vào những điều tồi tệ nhất có thể mang lại lợi ích về nhận thức và tình cảm hơn là mong muốn điều tốt nhất. Như Oliver Burkeman, nhà phê bình và nhà bình luận tâm lý học tích cực tại The Guardian, lập luận:
Đó là nỗ lực không mệt mỏi của chúng ta để cảm thấy hạnh phúc, hay để đạt được mục tiêu nhất định, đó chính xác là điều làm cho chúng ta đau khổ và tàn phá kế hoạch của chính mình. Và đó là sự truy quét thường trực của bản thân để loại bỏ hoặc bỏ qua sự thiếu tự tin tiêu cực, không ổn định, thất bại, buồn bã - thứ khiến chúng ta cảm thấy không an toàn, lo lắng, không chắc chắn hoặc không vui vẻ ở lúc đầu.
Burkeman cho rằng việc trải nghiệm đầy đủ những cảm xúc tiêu cực trui rèn bản thân trước những thực tế của sự tạm thời trong cuộc sống. "Con đường tiêu cực" dạy chúng ta học cách thưởng thức những khoảng thời gian không chắc chắn, trân trọng sự bất an, và, chung quan điểm với Samuel Smiles, liên tục học hỏi từ thất bại.”
("Why negative thinking has cognitive and emotional benefits", Derek Beres)
Sadness cũng có một phần khá cực đoan trong bộ phim, khi thể hiện từ ban đầu đến trước khi cứu được Riley là một sự nhàm chán và buồn bã. Chỉ đến khúc cuối, mối quan hệ giữa cô với Joy được hòa giải, Sadness mới thể hiện được sự vui vẻ của chính mình. Điều này cũng phản ánh về một khía cạnh hiện nay mà chúng ta đang thiếu, đó chính là sự nhanh nhẹn (agility) trong cảm xúc. Không chỉ Joy và Sadness mà các cảm xúc khác trong người Riley cũng thế, chỉ thể hiện được đúng khía cạnh cảm xúc của bản thân mình, và luôn tìm cách chèn ép những cảm xúc khác của mình lại.
“Vẻ đẹp của cuộc sống không thể tách rời với sự mỏng manh của nó. Chúng ta còn trẻ cho đến khi chúng ta không còn trẻ nữa. Chúng ta sải bước thật quyến rũ xuống những con phố cho đến một ngày nào đó chúng ta nhận ra rằng chúng ta không được ai thấy cả. Chúng ta cằn nhằn con mình và một ngày kia nhận ra rằng có một sự im lặng nơi mà đứa trẻ đó từng có, bây giờ chúng đang đi theo con đường của riêng mình trên cuộc đời. Chúng ta khỏe mạnh cho đến khi một chẩn đoán quật ngã chính mình.
Điều chắc chắn duy nhất là điều không chắc chắn, tuy nhiên chúng ta không hướng sự tổn thương này một cách thành công hay bền vững. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết rằng trầm cảm hiện nay là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật trên toàn cầu - vượt xa bệnh ung thư, và vượt xa bệnh tim. Và vào thời điểm phức tạp hơn, với sự thay đổi về công nghệ, chính trị và kinh tế chưa từng thấy, chúng ta đang chứng kiến con người ngày càng có xu hướng trở nên khóa chặt chính mình trong việc phản ứng một cách cứng nhắc với những cảm xúc.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta có thể nghiềm ngẫm một cách ám ảnh với những cảm xúc của chính mình. Bị mắc kẹt bên trong tâm trí. Hoặc bị cô lập bởi những news feed.  Mặt khác, chúng ta có thể nhấn chìm vào cảm xúc của chính mình, gạt cảm xúc sang một bên và cho phép chỉ được những cảm xúc được coi là chính đáng.”
“Nghiên cứu về ức chế cảm xúc cho thấy khi cảm xúc bị gạt sang một bên hoặc bỏ qua, cảm xúc sẽ trở nên lớn mạnh hơn. Các nhà tâm lý học đây là sự khuếch đại. Giống như bánh sô cô la ngon trong tủ lạnh - bạn càng cố phớt lờ nó đi...sự thèm khát càng dâng lên trong bạn nhiều hơn. Bạn có thể nghĩ rằng bạn đang kiểm soát những cảm xúc không mong muốn khi bạn phớt lờ chúng, nhưng trên thực tế chúng sẽ kiểm soát bạn. Nỗi đau nội tâm luôn xuất hiện. Luôn luôn. Và ai sẽ trả giá? Chúng ta. Con cái chúng ta, đồng nghiệp, cộng đồng chúng ta.”
Susan David, TEDWomen2017, "The gift and power of emotional courage"

Bi kịch thứ tư của Joy: gắng gượng suy nghĩ tích cực kể từ đó không lắng nghe được người khác

Khi Bing Bong bị hút đi chiếc tên lửa của mình, cậu cảm giác đau xiết như mất đi một phần thân thể. Những gì Joy làm cũng chỉ đơn giản là tìm mọi cách để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt, và cô nghĩ vui vẻ là liều thuốc đơn giản nhất để chữa lành nỗi đau. Chi tiết này lại càng nhấn mạnh một lần nữa về sự thất bại trong vấn đề giao tiếp giữa người với người hiện nay, cũng như việc chúng ta cố gắng gò ép cảm xúc của bản thân.
Bing Bong: Không! Không! Không! Anh không thể mang tên lửa của tôi đến bãi rác được! Riley và tôi sẽ đến Mặt Trăng[ ] Riley sẽ không hoàn thiện nếu không có tôi
Joy: Mọi thứ sẽ ổn thôi. Chúng ta có thể sửa chữa nó! Chúng ta chỉ cần đến Trung tâm Điều khiển. Hướng nào đến trạm xe lửa?
Bing Bong vẫn không khỏi bàng hoàng: Tôi đã lên một chuyến đi cho tất cả chúng ta
(Joy cố gắng thử một chiến thuật khác) Hey, ai bị chọc cù lét nào? Con quái vật cù lét đến đây…
Joy đã cố gắng thử mọi trò chọc cười cho Bing Bong để cậu ấy cười nhưng không được. Cho đến khi Sadness tới

Sadness: Tôi cảm thấy rất tiếc khi họ lấy chiếc tên lửa của anh đi. Họ lấy đi  thứ mà cậu rất yêu. Nó đã đi mãi mãi 
Joy: Sadness, đừng làm cậu ấy cảm thấy tồi tệ hơn.
Sadness: Tôi rất tiếc
Bing Bong: Đó là những gì tôi còn để lại cho Riley
Sadness: Tôi đoán Riley và cậu đã có cuộc phiêu lưu tuyệt vời
Cuộc trò chuyện dần làm thức tỉnh ký ức của Bing Bong, và Bing Bong gục đầu vào vai Sadness để khóc. Sadness cứ ôm lấy cậu cho đến khi cậu nín hẳn và cảm thấy ổn.
Đến khi Joy hỏi Sadness sao làm như vậy được, Sadness nói rằng: “Tớ không biết. Tớ thấy cậu ấy buồn, và tớ chỉ ngồi đó lắng nghe”

Bi kịch thứ năm của Joy: “Tất cả những gì tớ muốn chỉ là làm Riley hạnh phúc”

"Tất cả những gì tớ muốn làm là Riley hạnh phúc", giọt nước mắt của Joy là cao trào của bộ phim. Nguồn ảnh: Disney Wiki
Dù đã thấy được việc mình thất bại khi an ủi Bing Bong, nhưng Joy vẫn la mắng khi Sadness chạm vào quả cầu ký ức lõi. Khi đứng trước cảnh hòn đảo Gia Đình bị phá hủy, và các ký ức đang dần hóa đen và sắp biến mất, Joy đau đớn nhìn lại Sadness và nói rằng “Xin lỗi, Riley cần phải được hạnh phúc”. Bất chấp Sadness đã ngăn cản cô rằng con đường tắt đi sẽ nguy hiểm như thế nào, Joy vẫn lao vào. Và khi chiếc ống bung ra, hất Joy vào bãi trí nhớ cát bụi, Joy cố gắng giữ từng quả cầu ký ức lõi còn sót lại, Joy đã đến tận cùng của sự tuyệt vọng. Khi Bing Bong gần biến mất từng bộ phận trên cơ thể, cô dần ý thức mình sẽ bị lãng quên.
Nếu quan sát từ đầu đến cuối, những nỗi buồn của Sadness liên tục, kéo dài và có phần chậm nhịp, nhưng không có khúc nào quá cao trào thì nỗi buồn của Joy lại như một giọt nước tràn ly. “Tất cả những gì tớ muốn chỉ là làm Riley hạnh phúc.” Bình thường, Joy không bao giờ ngừng luôn tay luôn chân, và luôn nhảy múa. Nhưng đến lúc này, chúng ta nhìn thấy một Joy khuỵu ngã, đau đớn khi mọi nỗ lực đều tan biến. Nếu chấm lại cô gái với bài trắc nghiệm ở trên, chắc chắn Joy đạt điểm tối đa ở mức độ trầm cảm. Làm sao cô có thể mang được vui vẻ cho thân chủ của mình khi chính mình lâm vào sự cùng cực của nỗi buồn? Đến khi giọt nước mắt rơi vào ký ức có khả năng biến đổi. Và kỳ diệu thay, khi ký ức dần biến mất, nó dần chuyển từ màu vàng sang xanh, và ký ức sống lại. Và cô nghiệm ra về sự cân bằng của cảm xúc, trong vui có buồn, trong buồn có vui.

Vấn đề của Joy cũng là vấn đề ngộ nhận kinh điển ở bài trắc nghiệm ban đầu: cô nhầm lẫn giữa giá trị của niềm vui và hạnh phúc. Niềm vui có thể đến từ những khoảnh khắc rất ngắn và rồi sẽ chợt đi. Nhưng cảm giác hạnh phúc thì trường tồn. Bắt lấy niềm vui rất dễ, nhưng giữ lấy và lan tỏa niềm vui rất khó. Góc nhìn về hạnh phúc của phương Đông hơn hẳn phương Tây ở điều này.
 Tôi còn nhớ vẻ đẹp của vở chèo “Quan Âm Thị Kính” lúc học lớp 7. Thị Kính phải trải qua bao sự nhẫn nhục, đè nén và từ bi để cuối cùng trở thành Phật Bà Quan Âm. “Qua cơn bĩ cực, tới hồi thái lai” hay “Khổ tận cam lai”, khi trải qua hết những sự đau khổ cùng cực sẽ đến bến bờ hạnh phúc. Nhưng đó là điều mà bạn và tôi, không được dạy kỹ khi ngồi trên ghế nhà trường. Mà cũng đúng, vì vở chèo ấy chỉ nằm trong phần phụ của sách giáo khoa. Đó là vẻ đẹp của sự hạnh phúc trong nhận thức của người phương Đông. Người phương Đông luôn quan niệm trong âm có dương, trong dương có âm. Họ chậm rãi tận hưởng sự hạnh phúc từ những điều rất nhỏ và tĩnh lặng. Và đó là điều mà người phương Tây cần học từ những người phương Đông truyền thống.
                                                                                                                         Vĩnh Anh
Bài viết tham khảo một số tư liệu:
[1] "Hết tiền và trầm cảm khiến Robin Williams tự sát", Zing.vn
[2] "Why are our funniest people also the saddest", Ildiko Tabori, Big Think
[3] "Why negative thinking has cognitive and emotional benefits", Derek Beres, Big Think
[4] "The gift and power of emotional courage", Susan David, TEDWomen2017
[5] Inside Out screenplay