Ban đầu tôi định dùng từ "văn học" nhưng tự thấy những gì mình viết còn quá nông cạn để gọi là "văn học" nên dùng từ bình dân hơn là "viết lách".
Hồi cấp 1, cấp 2 học văn cô giáo hay dạy về cảm xúc chủ đạo, mạch cảm xúc của tác giả,.... mà nghe lùng bùng chẳng hiểu gì hết. Khi lớn hơn, bắt đầu viết lách trong thời gian rảnh, tôi mới lờ mờ hiểu được từ "cảm hứng" trong việc viết nó trông ra sao, nhìn như thế nào.
Vợ tôi hay nói: "Sao anh không viết nhiều hơn đi, anh nhiều văn lắm mà." Chắc tại do hồi yêu nhau tôi viết thư và gửi nhiều "chữ" cho cô ấy quá :D. Nhưng thật ra tôi không có nhiều văn đến thế, chẳng qua lúc đó có những lúc cảm xúc quá dạt dào, và do nó quá sâu sắc, tôi không thể giữ mãi trong lòng nên tôi chọn viết ra thành ngôn từ để bộc lộ nó, "xả" bớt cảm xúc ra ngoài. Bây giờ bảo tôi viết lại những gì hồi đó viết thì tôi xin từ chối. Bởi vì mặc dù tôi nhớ khoảnh khắc đó như in, nhưng cảm xúc lúc đó thì tôi dù cố đến mấy cũng không nhớ lại được 100%, nên việc viết lại cảm xúc đó là điều không thể.
Chỉ đơn giản là, tôi viết để thể hiện cảm xúc của mình, chứ tôi không hề là một người "nhiều văn" như vợ tôi nói.
Nhân đây thì tôi muốn nói về từ "cảm hứng" trong việc viết lách (của cá nhân tôi).
Tôi là người thích đọc, nên tôi có thể nhận biết được (mấy tác phẩm quá khó nhằn mà tôi chưa đủ trình để hiểu thì chịu), nhưng tôi có thể (không chắc chắn lắm) cảm nhận được văn học. Ví dụ như sau khi đọc một vài áng văn thì tôi cảm thấy thật sự "rung động" từ trong sâu thẳm tâm hồn. Ví dụ như đọc đoạn này của Hồ Dzếnh, tôi sẽ để ở dưới cho mọi người tự cảm nhận:
Rất bình dị, nhưng cũng rất tình.
Rất bình dị, nhưng cũng rất tình.
Xin lỗi mọi người nhưng tôi chưa đủ trình để miêu tả được cảm xúc của mình chính xác và tinh tế như nhà văn, tôi chỉ biết rằng đọc xong những áng văn này, tôi chỉ tự nhủ thầm trong đầu, "Sao lại có những áng văn đẹp đến thế, mộc mạc đến thế, tình đến thế được cơ chứ." Thế rồi cứ tấm tắc, xuýt xoa mãi không thôi.
Nói đến cảm hứng, chắc mọi người sẽ nghĩ đến những thứ đao to búa lớn, nhưng thật ra cảm hứng có thể đến rất đơn giản và tự nhiên. Có thể như đang đi dạo bỗng nhìn thấy một hành động, hay hình ảnh gì đó cũng trở thành một nguồn cảm hứng. Chẳng hạn như truyện ngắn lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (một truyện ngắn mà tôi rất thích), cảm hứng của tác giả (tôi đoán) có khi còn chẳng cần lên Sa Pa, có khi chỉ là thấy một người đang âm thầm cống hiến cho đất nước mà không được mọi người xung quanh để ý ngẫu nhiên nào đó cũng nên.
Ai chưa đọc thì nên đọc đi nhé.
Ai chưa đọc thì nên đọc đi nhé.
Giống như tôi viết bài này chỉ vì vợ tôi nói rằng: "Sao anh không viết đi, em thấy anh nhiều văn mà". Chính câu nói đó làm tôi ngồi xuống và viết. Cảm hứng theo tôi nghĩ chỉ là điều gì đó xảy ra khiến bạn đột nhiên muốn ngồi lại và kiếm một mảnh giấy để ghi lại ngay lúc đó. Thường thì cảm hứng thường xảy ra khi chúng ta có cảm xúc mãnh liệt nhất, thế nên nhiều nhà văn thuộc hàng kinh điển thường trải qua nhiều biến động cuộc sống lớn đến nỗi họ có thể viết ra những áng văn để đời ( Dostoevsky, Nietzsche,....). Cảm hứng và cảm xúc chỉ là điều kiện cần để viết ra những ca từ còn lưu danh hậu thế. Còn điều kiện đủ là gì thì tôi vẫn đang nghiên cứu :D.
Một ý nhỏ nữa, theo tôi được biết, những nhà thơ/nhà văn vĩ đại thường có một "nàng thơ" của riêng mình. Những nhà văn thường lấy một hình mẫu lí tưởng về người phụ nữ (kể cả trong tưởng tượng) để làm nguồn cảm hứng cho bản thân. Đây chính là người chỉ cần nghĩ đến thôi là những nhà văn kia đã có một nguồn cảm hứng tuôn trào, có thể về tình yêu, về cuộc đời,.. nàng giống như kim chỉ nam dẫn lối cho ngòi bút của nhà thơ/nhà văn để viết nên những áng thơ văn bất hủ.
Nàng thơ ở thời kì Phục Hưng.
Nàng thơ ở thời kì Phục Hưng.
Tôi cũng bắt chước họ, tôi cũng có nàng thơ của mình (là ai chắc không cần phải nói, nếu là người khác thì nàng thơ của tôi sẵn sàng cho tôi sang kiếp sau luôn không chừng). Nhưng công nhận là những lúc ở cạnh nàng là tôi luôn có nhiều cảm xúc nhất, đôi khi chỉ nghĩ về nàng là tôi đã có ý tưởng viết cho mình rồi. Tỉ như hôm nay cũng nhờ một câu nói của nàng mà tôi mới ngồi viết tới giờ. Còn tính ra từ trước đến giờ những gì tôi viết cho nàng có thể đóng thành một tập sách mỏng rồi cũng nên.
Đôi lúc chỉ cần có cảm hứng, và trong đầu không hề có ý tưởng gì, nhưng kì lạ là, chỉ cần ngồi xuống bắt đầu viết là ý tưởng tuôn ra như suối, viết mà cảm giác như không phải mình viết. Là do ngòi bút nó tự đi theo cảm xúc của mình chứ không phải do mình suy nghĩ nặn ra từng từ từng từ.
Nhưng, tôi không muốn việc viết của mình lại phụ thuộc vào cảm hứng như vậy. Bởi lẽ cảm hứng là cảm xúc, mà cảm xúc thì nhất thời, lúc có lúc không. Tức là vẫn còn hơi giống sở thích l. Tôi muốn biến việc viết giống như việc thở, không thở là khỏi sống, đắm chìm vào việc viết chứ không chỉ đơn giản là một sở thích. Chắc chắn muốn làm như vậy thì phải chăm chỉ viết hơn và biết "ép" mình viết. Giờ thì tôi chưa đạt đến cảnh giới đó, chắc vẫn cần phải tu luyện thêm một thời gian nữa. Phải trui rèn thói quen viết hàng ngày, biến nó thành hơi thở, thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Tôi vốn là fan của mấy bài viết dài (20-30 phút đọc) và tôi rất hay tìm những bài như thế ở trên Spiderum đọc, bởi những bài viết đó chi tiết, lập luận, cách hành văn rất hay. Tôi vẫn muốn viết thêm nhưng giờ thì dù đã ngồi 2 tiếng viết bài này mà vẫn chỉ dừng lại ở 6 phút đọc. Chắc phải gác lại ước mơ đó đã, vào núi tu luyện thêm nữa mới mong ra được những bài chất lượng như vậy.
Thôi, tôi đi tu luyện tiếp đây. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc những suy nghĩ linh tinh tôi viết.