Nếu bạn đã từng nói chuyện với ai đó đã kết hôn lâu năm, hẳn bạn sẽ hay được chia sẻ kinh nghiệm rằng "Hôn nhân khó khăn nhất là trong giai đoạn 3 năm đầu. Qua được quãng đó mà vẫn ở bên nhau thì coi như êm thấm". Tại sao lại như vậy? Đó là vì thường 3 năm đầu là 3 năm mà hai bạn đang phải chật vật thay đổi vì những sự khác biệt trong lối sống của nhau. Nếu không có những kĩ năng và nhận thức đúng đắn, rất có thể, cuộc hôn nhân của bạn thậm chí còn không kéo dài nổi 3 năm, và sẽ để lại rất nhiều tiếc nuối.
*** DISCLAIMER: Có một điều mà mình đã từng nói đi nói lại nhiều lần ở các bài viết của mình, rằng mình không hoàn hảo. Những kinh nghiệm có thể đúng với bản thân mình nhưng lại không đúng với bạn. Thậm chí có những kinh nghiệm mà tại thời điểm mình chia sẻ trên Vlog, mình nghĩ là nó đúng, nhưng sau đó, mình bị đời vả, và mình lại nhận ra nó không còn đúng nữa.  Và không phải lúc nào mình cũng có thể 24/7 làm theo lời khuyên của chính mình. Vẫn sẽ có lúc mình vô tâm, có lúc mình mất kiểm soát, có lúc mình không tinh tế. Mình chỉ có thể cố hết mức có thể để vừa trở thành người tốt, vừa trở thành người bạn đồng hành tốt nhất cho người mình yêu trong khoảng thời gian lâu nhất có thể. Có những lời khuyên mình rút ra từ những gì mình làm đúng, và cũng có những lời khuyên mình học được từ những lần mình thất bại hay đổ vỡ. Mình không dám nói rằng nếu bạn làm theo những lời khuyên của mình thì chắc chắn mối quan hệ tình cảm của bạn sẽ đẹp như mơ và hai bạn sẽ cùng bên nhau đầu bạc răng long. Mình thậm chí còn không dám chắc cuộc hôn nhân của mình có thể kéo dài mãi mãi nữa là hôn nhân của bạn.
Nói ra như vậy để khi đọc bài viết này cũng như tất cả các bài viết khác, các bạn hãy luôn có sẵn trong mình một tư duy đa chiều để cân nhắc kĩ về những lời chia sẻ trong bài viết. Nếu bạn thấy đúng, và bạn cảm thấy mình trở nên tốt hơn khi thử làm theo chúng, thì mình sẽ rất vui vì đã giúp được bạn. Nếu bạn thấy sai, hoặc bạn thấy “ôi giời anh có làm được như lời anh nói đâu mà còn dạy ai” thì thôi, bạn có thể tìm kiếm lời khuyên hay bài học ở các nơi uy tín hơn, và mình vẫn sẽ vui vẻ chấp nhận nhé. Vì hôn nhân là một chuyện trọng đại, nên trước khi bày tỏ những ý kiến, quan điểm của mình về lĩnh vực này, thì mình phải nhấn mạnh lại những điều trên, bởi nếu không, mình sợ rằng mình sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác mất :D

GÓC NHÌN VỀ HÔN NHÂN

Rồi, trước khi trả lời câu hỏi ở đầu bài viết thì mình muốn nói qua về cái nhìn về hôn nhân trước đã. Với mình thì hôn nhân là một cam kết rất rất lớn, lớn hơn rất nhiều lần so với chuyện yêu đương trai gái. Một khi hai bạn đã đồng ý bước vào một cuộc hôn nhân, nó sẽ giống như thể hai bạn cùng cam kết rằng hai người đã bị còng tay vào nhau và vứt chìa khóa đi. Dù chuyện gì có xảy ra đi nữa, tốt hay xấu gì thì hai bạn cũng sẽ vẫn phải ở bên nhau, không bao giờ cố phá cái còng ra. Khi mà hai bạn cùng có một tư tưởng như vậy khi kết hôn, và luôn cố gắng không đổi ý, thì trong suốt cuộc hôn nhân, mỗi khi có chuyện không hay xảy ra, hai người có thể buồn đau, có thể giận dữ, có thể nạt nộ nhau nhưng rồi vẫn sẽ muốn tìm cách tìm ra giải pháp làm hài lòng cả hai, bởi vì trong thâm tâm, hai người đã tự hứa với bản thân rằng không còn con đường nào khác. Nếu ngay từ đầu, chỉ cần 1 trong hai người có tư tưởng rằng, luôn có đường rút lui nếu cuộc hôn nhân này không diễn ra như mình mong đợi, thì có lẽ, chỉ cần vài va vấp, vài cãi vã trong cuộc sống là đủ để người ấy muốn chấm dứt cuộc hôn nhân ấy, mà để chấm dứt một mối quan hệ, chỉ cần một người làm điều đó là đủ, đúng không? Đây là lí do mà cá nhân mình thực sự không thích cái việc mà bố mẹ, đặc biệt là bố mẹ của cô dâu nói với con rằng “Nếu ở không hạnh phúc thì về đây bố mẹ nuôi, chả cần bố con thằng nào hết”. Mặc dù câu nói đó hay tư tưởng đó xuất phát từ lòng yêu thương, nhưng nó lại tạo tiền đề cho cô gái nghĩ tới đường thoát ra khỏi mối quan hệ ngay khi gặp những mâu thuẫn nhỏ nhất - những mâu thuẫn không thể tránh khỏi khi kết hôn. Tương tự, khi cãi nhau, tuyệt đối đừng nhắc tới sự lựa chọn đó (chia tay). Khi hai người lên tới đỉnh điểm của sự nóng giận, việc nói lời chia tay có thể khá phổ biến. Có thể là vì họ nghĩ rằng nói ra lời đó sẽ khiến người kia vì sợ mất mình mà xuống nước để níu giữ, hoặc đơn giản là vì không giữ được bình tĩnh, vì 1 sự cố nhỏ mà muốn vứt bỏ luôn mối quan hệ cho.... nhẹ đầu. Dù là vì lý do gì đi nữa, thì việc nói lời chia tay một cách dễ dàng luôn là tiền đề cho sự chấm dứt thật sự của mối quan hệ. Mình đã từng mắc phải lỗi này, và hậu quả không hề nhỏ chút nào. Vì vậy, hãy tránh làm những điều này nhé.
Nói tới đây chắc hẳn là sẽ có bạn hỏi “ơ thế lỡ cuộc hôn nhân toxic độc hại thì cứ ở lại làm gì để thêm khổ ra?”. Nếu bạn lỡ rơi vào một cuộc hôn nhân toxic, thì đó là vì bạn đã không biết cách chọn cho đúng người. Ngay cả khi bạn chọn lựa cẩn thận và chọn đúng người, cả hai bạn vẫn sẽ phải cố gắng rất nhiều để duy trì cuộc hôn nhân được bền vững. Thử hỏi bạn chọn sai người thì bạn sẽ rút ra khỏi mối quan hệ đó nhanh như thế nào? Vậy thì làm thế nào để chọn cho đúng người? Mình đã từng có hai bài viết về Chọn ChồngChọn Vợ trên spiderum, nhưng nếu để khái quát lại thì rõ ràng đầu tiên hai bạn phải yêu nhau đã. Tiếp tới hai bạn phải tìm hiểu nhau đủ nhiều để có thể tưởng tượng ra được một cuộc sống hôn nhân với người đó sẽ như thế nào, và hai bạn phải cảm thấy hài lòng với tưởng tượng đó. Thường thì cái tưởng tượng đó đẹp tới nỗi đủ để hai bạn vội vàng đi tới kết hôn, nhưng thực tế thì hẳn nhiên là khác với tưởng tượng. Và đây là lúc mình trả lời câu hỏi ở đầu bài viết. Nếu có 1 điều duy nhất bạn nên tìm kiếm ở người bạn sẽ kết hôn, đó là gì? Theo mình, đó chính là khả năng thương lượng. Mình biết nhiều bạn sẽ không thích cái từ "thương lượng" này, vì cho rằng nó tạo cảm giác mối quan hệ như một cuộc thương vụ mua bán vậy. Tuy nhiên thì mình không có từ nào tốt hơn, bởi từ đó với mình thể hiện chính xác những gì chúng ta nên làm trong hôn nhân. Ai có thì có thể để lại dưới phần bình luận nhé.
Tại sao mình lại nghĩ khả năng này lại quan trọng tới vậy? Hôn nhân thực sự rất khó. Nó khó ngay cả khi các bạn chưa có con. Khó là vì hai người dù có hợp nhau tới mấy đi chăng nữa, hai bạn vẫn luôn là 2 cá thể riêng biệt. Khi về sống chung 1 nhà, chắc chắn sẽ có RẤT nhiều điều trái chiều nhau giữa hai bạn, dù lớn dù nhỏ thì nó vẫn sẽ tạo ra những mâu thuẫn và tranh cãi. Chính vì vậy, nếu không có khả năng thương lượng từ cả hai người, thì cứ người này muốn điều A, người kia muốn điều B, không ai nhường ai, không ai chịu lùi bước, hoặc chỉ một người luôn lùi bước còn người kia luôn lấn tới, thì chả mấy chốc mà cuộc hôn nhân trở thành một cuộc chiến, và chả mấy chốc mà tình yêu trở thành sự thù ghét. Kĩ năng thương lượng, bên cạnh việc mỗi người đều biết hy sinh một phần bản thân để tìm ra con đường ở giữa mà hai người có thể cùng đi, thì còn bao gồm cả việc dám nói lên sự thật và biết đứng lên bảo vệ quan điểm của mình nữa. Không chỉ là bày tỏ rõ ràng và chân thật những gì bạn muốn, mà bạn còn phải bảo vệ giới hạn của bản thân mình, rằng “Anh/Em chỉ có thể nhân nhượng được tới đây thôi, không thể nhân nhượng hơn được nữa”. Nếu không có kĩ năng đó, bạn sẽ là người luôn bị lấn át trong mối quan hệ, dần dần sẽ sinh ra uất ức và mất đi lòng tôn trọng cho đối phương. 
Khả năng thương lượng này nghe thì có vẻ dễ thực hiện, nhất là khi hai bạn tự tin rằng hai bạn đều là người rất văn minh, tôn trọng lẫn nhau hay đều biết lắng nghe, nhưng thực ra nó rất khó, đặc biệt là trong những tình huống cần thương lượng. Mà các bạn biết những tình huống cần thương lượng là gì không? Là khi mâu thuẫn nổ ra, và hai bạn khó có thể giữ bình tĩnh như lúc bình thường được nữa.
Chúng ta đều biết là đàn ông là những cá thể mà bản tính vốn ghét bị kiểm soát. Họ luôn có sẵn trong mình bản năng độc lập, tự mình làm chủ chính mình, không muốn bị ai gò bó hay áp chế quy củ lên mình. Đây là lý do mà khi các bạn để ý quan sát thì từ cấp mầm cho tới cấp 3, thậm chí là cả đại học, đa phần các bạn gái đều có điểm số cao hơn các bạn nam, và sự khác biệt này cũng diễn ra ở nhiều nước khác trên thế giới.
Điều này là do các bé gái, hay khi lớn lên là các bạn nữ, họ thường tuân theo lời răn dạy của các thầy cô. Trên lớp thì họ chăm chỉ lắng nghe, ghi chép, bảo làm bài thì làm bài, bảo trật tự thì trật tự, trong khi các bạn trai thì nghịch ngợm hơn, lười làm bài hơn, và sẵn sàng chịu đứng góc lớp ngay cả khi biết là sẽ bị kiểm tra vở.
Điều này thì có liên quan gì tới việc thương lượng trong hôn nhân? Nó có liên quan là vì, khi mà người chồng làm điều gì đó khiến người vợ không hài lòng, ngay cả khi người vợ không đưa ra lời chê trách gì mà chỉ là 1 lời góp ý nhẹ nhàng thôi, ngay lập tức người chồng rất dễ cảm thấy đó là sự tấn công vào cái tôi, một sự gò ép, một quy củ, và rất có thể sẽ ngay lập tức phản kháng. Ngay cả chính mình đây, dù mình vốn rất tự tin rằng mình đã có kiến thức đó từ lâu và đã dành một thời gian dài để rèn luyện bản thân, mặc dù phải công nhận là đã tiến bộ hơn rất nhiều so với thời mình còn học cấp ba, nhưng vẫn có những khi mình không phải ở trạng thái minh mẫn nhất, bình tĩnh nhất, hay tỉnh táo nhất. Những lúc ấy mình có thể trở nên cáu bẳn với vợ vì những lý do nhỏ nhất như việc vợ mình muốn chỉ cho mình cách sắp xếp bát đũa vào máy rửa bát sao cho xếp được nhiều đồ nhất, hay như khi vợ mình muốn mình đi đổ rác ngay khi vừa về tới nhà. Mình lúc đó có thể sẽ nghĩ ra lý do gì đó để vịn cớ cho sự cáu bẳn của mình, có thể vẫn làm theo nhưng sẽ làu bàu, hoặc nặng hơn thì gân lên và không làm theo lời góp ý của vợ. Mới chỉ nghe kể thế thôi, hẳn là các bạn đang đọc bài cũng đã thấy bực bội, thậm chí là tức giận giùm cho vợ mình, đúng không? Thử tưởng tượng xem người trong cuộc sẽ cảm thấy thế nào.
Bên cạnh đó, khi muốn giải quyết mâu thuẫn nào đó, đồng ý rằng việc trao đổi rõ ràng với nhau là rất quan trọng, nhưng nhiều bạn nam, trong đó có cả mình, với bộ não vốn rất logic của đàn ông, có xu hướng biến cuộc trao đổi đó thành một cuộc….đàm đạo. Kiểu như trong việc vừa rồi, anh đã làm thế này, em đã làm thế này, anh sai ở đây, em sai ở đây, từ giờ chúng ta sẽ thống nhất là bọn mình sẽ thay đổi thế này v…v….. Thoạt nghe thì cảm giác đó là một cuộc trò chuyện rất công bằng và văn minh, nhưng thực tế thì lại có một biến số đặc biệt: đó là cảm giác. Khi hai bạn còn là người yêu, nhất là khi bạn trai lớn tuổi hơn bạn gái, một cuộc nói chuyện như vậy có thể làm bạn gái cảm thấy “Ôi anh ấy thật trưởng thành và văn minh. Mình học được nhiều từ anh ấy.” Nhưng khi hai bạn trở thành vợ chồng rồi, nếu lần nào có gì đó không vừa lòng bạn cũng phải nghe từ chồng một cuộc thuyết giáo như thể giữa thầy với trò, giữa sếp với nhân viên như vậy, thì cái cảm giác ngưỡng mộ kia lại không còn nữa. Một người vợ luôn muốn chồng mình dịu dàng âu yếm với mình, ngay cả khi có mâu thuẫn nổ ra, chứ không phải là bị bắt ngồi xuống và giảng giải logic.
Ngược lại, từ phía người vợ. Cũng đã nói ở trên, phụ nữ là những cá thể thường có xu hướng tránh né mâu thuẫn. Bản tính của họ vốn đã thế, văn hóa VN và cách dạy dỗ ở gia đình lẫn ở trường đều tuyên dương những đứa trẻ ngoan ngoãn biết nghe lời, và sẽ trừng phạt những đứa trẻ làm trái quy định. Như vậy thì dần dà, có rất nhiều cô gái ngoài kia sẽ không có thói quen dám đứng lên bảo vệ ý kiến của mình tới cùng. Ngay cả khi đó là một người vợ hiện đại và luôn nói ra những gì cô ấy muốn, tuy nhiên nếu vì một lý do nào đó người chồng không đáp ứng yêu cầu đó, thay vì kiên quyết bảo vệ nó và bắt người chồng phải tìm ra giải pháp chung mà cả hai cùng hài lòng, thì khả năng rất lớn là người vợ đó sẽ…. im lặng nhẫn nhịn và bỏ qua. Rất dễ nhận ra là cách xử lý đó khiến cho mâu thuẫn không được giải quyết triệt để. Phụ nữ có thể tạm bỏ qua cái cảm xúc tiêu cực ngay lúc đó và có thể vui vẻ trở lại bình thường, nhưng họ sẽ không bao giờ quên những mâu thuẫn đó. Nếu để tích tụ lâu ngày mà vẫn không được giải quyết, thì chỉ cần 1 2 năm, tình yêu ở cô ấy sẽ chết dần, và một ngày bất chợt, một sự kiện gì đó xảy ra làm giọt nước tràn ly, tất cả những mâu thuẫn kia ùa về có thể sẽ khiến cho người phụ nữ vỡ òa và tình yêu với chồng cũng trở nên chết hẳn. 

Bài học rút ra cho 2 bên

Về phía phụ nữ: thứ nhất, hãy cứ chuẩn bị tinh thần rằng rất có thể sẽ có ngày bất chợt, người đàn ông trưởng thành, tinh tế, điềm đạm, yêu vợ của bạn sẽ trở nên gắt gỏng với bạn chỉ vì bạn yêu cầu hay nhờ họ làm một việc rất nhỏ, hoặc nhắc nhở họ về một việc rất nhỏ. Những lúc như vậy, mình học được rằng các chị em chắc chắn sẽ cảm thấy bị tổn thương, cảm giác như kiểu mong muốn của mình không được tôn trọng, không được lắng nghe vậy, mặc dù về bản chất thì sự việc thực ra chả có gì là to tát. Tuy nhiên, cũng mong rằng các chị em có thể kìm nén những cảm xúc đó lại, và đừng vội cho rằng chồng bạn không tôn trọng bạn, nhất là nếu anh ấy vốn ít khi làm như vậy. Nào, khi nói về “ít khi”, thì các bạn phải thực sự nhìn về thực tế cả quá trình hôn nhân nhé.
Bộ não phụ nữ vốn có trí nhớ rất tốt, và bộ não con người nói chung lại thường dành sự tập trung vào những gì tiêu cực như một cơ chế sinh tồn. Vì vậy khi rơi vào những tình huống như vậy, rất có thể các chị em sẽ ngay lập tức nhớ lại tất cả 4 lần anh ấy đã từng làm giống vậy trước đây với mình trong cả quãng thời gian 4 năm sống chung, từ đó cảm xúc của lần thứ 5 kia dồn vào với 4 lần trước. Như vậy thì một việc bảo chồng đi đổ rác và bị gắt gỏng lại cũng rất dễ khiến các chị em quên hết quãng thời gian anh chồng tôn trọng và lắng nghe chị, chiều chuộng chị, yêu thương chị, và chỉ tập trung vào 5 lần chị bị gắt gỏng, khiến các chị chỉ muốn bỏ quách một người chồng không hề hoàn hảo y như chị vậy. Ở những tình huống như vậy, bên cạnh việc kìm nén và tin tưởng chồng mình, hãy lựa lúc khác để góp ý với chồng bạn về việc đổ rác đó cũng như cách anh ấy phản ứng đã làm bạn tổn thương thế nào. Nếu ngay từ đầu bạn đã chọn anh ấy vì anh ấy là người biết thương lượng, và bình thường anh ấy vốn rất tôn trọng và lắng nghe bạn, thì mình tin là anh ấy cũng sẽ làm tương tự khi anh ấy ở trạng thái bình tĩnh nhất, minh mẫn nhất.
Thứ hai, nếu các chị em thực sự muốn điều gì đó, hãy nói thẳng ra và bảo vệ nó tới cùng. Đàn ông bọn mình nhiều khi không phải là không tôn trọng hay lắng nghe đâu, mà nhiều khi các chị lại nói đúng vào lúc mà đầu óc bọn mình đang bận suy nghĩ việc khác nên không để ý mà quên mất. Hoặc ví như bạn nói điều đó vài ba lần, nhưng vì một lý do gì đó chồng bạn vẫn không đáp ứng nhu cầu của bạn, hãy hỏi anh ấy lý do, và nói chuyện với anh ấy rằng điều bạn muốn là điều rất quan trọng với bạn. Cái mình quan sát thấy khi phụ nữ đưa ra ý kiến là, hoặc là họ nói với lối nói quá nhẹ nhàng tạo cảm giác như thể là việc đó không quan trọng, làm cũng được không làm cũng được, hoặc đưa ra ý kiến như một câu hỏi thay vì là một lời yêu cầu. Mình phải thừa nhận rằng cánh đàn ông, tính cả mình, dù có cố gắng tinh tế, quan sát và lắng nghe người phụ nữ của mình tới đâu vẫn sẽ có lúc bị vô tâm. Nếu người vợ không làm nhu cầu của mình trở nên nghiêm túc và đáng chú ý thì đàn ông rất có thể sẽ không biết được là nhu cầu ấy lại nghiêm túc tới mức như vậy. Đôi khi cứ nói “Anh, em cần nói chuyện rất nghiêm túc về vấn đề ABC” là đủ. Nhưng đôi khi một cuộc cãi nhau lại là cần thiết. Cãi nhau trong hôn nhân không những là một điều không tránh khỏi, mà còn là một điều lành mạnh, miễn là nó làm hai người hiểu nhau hơn. 
Cái khó với cánh đàn ông trong những tình huống như vậy là cái cảm giác về CÔNG BẰNG trong bộ não của đàn ông là rất mạnh. Họ vốn logic mà, vì vậy mỗi khi phải thương lượng về một vấn đề gì đó, như một thói quen, họ sẽ khá là rạch ròi và rõ ràng về cái gì đúng, cái gì sai, họ cần thay đổi gì, họ muốn vợ họ thay đổi gì, vì với họ, cách tư duy như vậy dễ vào đầu nhất, dễ hiểu nhất. Chưa kể là, đàn ông vốn dĩ có cái tôi cao hơn phụ nữ. Vì vậy việc thấy được mình đúng trong tranh luận có thể khiến họ cảm thấy tốt về bản thân. Nhưng các anh em nên hiểu là, trong tình yêu nói chung và hôn nhân nói riêng, mình thắng tức là mình thua. Bài học này mình cũng đã phải trả giá thì mới có được. Đáng nhẽ ra không nên có thắng thua trong đó, mà chỉ nên có hai người yêu nhau cùng thẳng thắn, kiên nhẫn chỉ cho nhau cách để sống hòa thuận. Với cả, nếu phụ nữ cũng tư duy như đàn ông như vậy thì họ đâu còn là người phụ nữ mà bạn đem lòng yêu thương, đúng không?
Vì vậy, nếu bạn là người chồng và vợ bạn làm gì đó bạn không hài lòng, lời khuyên mình nhận được từ các chị, các mẹ của mình là, đừng nói ngay lúc đó. Đàn ông vốn có thể chất lớn hơn so với phụ nữ, vì vậy khi họ giận, dù có kìm chế tới mấy thì cũng có thể khiến người phụ nữ vô thức cảm thấy bị đe dọa, ngay cả khi cô ấy biết bạn sẽ không bao giờ dùng tới bạo lực. Hãy thực sự kìm chế cái không hài lòng ấy lại, nếu cảm thấy khó chịu quá thì kiếm cớ đi ra ngoài 1 lúc cho hạ hỏa, sau đó qua lại với cô ấy với tâm trạng bình thường. Rồi chờ ngày hôm sau, hoặc vài ngày sau, khi mà 2 người đang vui vẻ, hãy đưa ra góp ý của mình với một tông giọng yêu thương nhất, thậm chí có thể vừa ôm ấp nhau vừa nói. Khi bạn ở tâm trạng yêu thương, bạn cho vợ mình cảm giác an toàn khi đón nhận những góp ý đó, thì cô ấy sẽ cởi mở hơn, chịu tiếp thu góp ý của bạn hơn rất nhiều so với việc cứ ngồi xuống mắng xa xả hay đàm đạo. Nếu bạn làm cô ấy giận, rất dễ hiểu là cô ấy sẽ tỏ thái độ này kia, hay tỏ ra là không muốn lại gần bạn, không muốn nói chuyện với bạn, nhưng thực ra đó không hẳn là điều họ muốn. Những lúc như vậy, hãy gạt tạm cái tôi của mình sang một bên, và cứ chạy lại ôm lấy, âu yếm lấy, nếu ở xa thì cứ liên tục nhắn tin hỏi han đến bao giờ cô ấy chịu thua mới thôi. Sau khi cô ấy hết giận rồi, bình tĩnh lại rồi thì muốn giải quyết gì thì giải quyết nhé.
Thứ hai, ngay cả khi người chồng có liên tục nói với vợ rằng nếu không hài lòng gì hãy cứ nói ra, thì kiểu gì người vợ cũng vẫn sẽ có lúc nhịn, không nhịn 100% thì cũng có gì đó lấn cấn trong lòng mà không muốn nói hết ra, đặc biệt là nếu người vợ đã từng nói mong muốn của mình vài lần mà không được lắng nghe. Như đã nói, bản tính của phụ nữ là không thích trực diện đối mặt với mâu thuẫn. Họ ưu tiên sự êm ấm trong gia đình hơn. Khi anh em mà muốn cái gì, nói vài lần không được thì có thể sẽ sửng cồ lên. Nhưng phụ nữ mà rơi vào tình huống đó, họ thấy nói không được, họ... im luôn. Và im này là im kiểu chấp nhận hay im kiểu ấm ức thì chúng ta, cánh đàn ông sẽ không bao giờ biết được. Vì vậy, hãy cố gắng hết sức tập trung vào việc lắng nghe và để ý nhu cầu của các chị em hết mức có thể, chứ đừng chủ quan tin tưởng rằng vợ sẽ nói khi vợ muốn nhé.
Lời khuyên cuối cùng trong việc thương lượng này dành cho cả hai vợ chồng, đó là nhân bất thập toàn. Một sai lầm mình từng mắc phải trong hôn nhân là luôn cố gắng thương lượng, sửa đổi tất cả những gì mình thấy không hài lòng ở vợ ngay cả ở việc nhỏ nhất. Mình từng nghĩ rằng "à, cứ thấy gì không vừa ý thì phải nói ngay, giải quyết rõ ràng, và như vậy thì cả hai sẽ hiểu nhau hơn", và mình cũng luôn khuyến khích vợ mình làm như vậy. Nhưng thực tế nó không nên là như vậy. Bạn cứ thử nghĩ xem, mình sẽ phải sống chung nhà với một người suốt phần đời còn lại, mà người đó cứ hở tí là lại sửa này nói kia thì bạn có chịu được không? Ngay cả khi những góp ý được đưa ra với sự nhẹ nhàng nhất, tinh thần văn minh nhất có thể, thì bạn vẫn sẽ cảm thấy bị áp lực, gò bó và không còn dám thể hiện bản thân mình quá nhiều nữa. Và đó chính là thứ giết dần giết mòn tình yêu trong hôn nhân. Vì vậy, trong cuộc sống hôn nhân, sẽ có những việc lớn như việc đối nhân xử thế, trách nhiệm với gia đình, quan tâm chăm sóc người thân, cách cân đối chi tiêu v..v… thì cần được nói ra để đạt được sự đồng thuận và thấu hiểu. Còn tất cả những việc nhỏ nhặt khác, nếu bỏ qua được thì bỏ qua, và một khi đã bỏ qua thì phải vui vẻ chấp nhận nó, chứ không phải bỏ qua để rồi ấm ức trong lòng. (Và đương nhiên, nếu không thể bỏ qua được thì phải nói ra tới cùng nhé :D)
Lại phải nhấn mạnh lại, hôn nhân không hề dễ dàng. Các bạn sẽ phải cố gắng rất nhiều, hy sinh rất nhiều thì mới có thể giữ cho nó được êm đẹp và bền vững. Đừng vội bỏ cuộc quá sớm, cũng đừng vội bỏ cuộc khi vẫn chưa làm hết những gì mình có thể để bảo vệ cuộc hôn nhân.
Chúc các bạn may mắn với chuyện tình của mình ;)