“Anh có thể sống cuộc đời mình theo hai cách. Một là tin rằng không có phép màu tồn tại. Hai là sống như thể mọi thứ đều là một phép màu.” (“There are two ways to live your life. One is as though nothing is a miracle. The other is as though everything is a miracle.”)
Einstein đã nói câu đó. Nhiều người đã nghe, đã ngẫm, cũng đã thử làm theo, nhưng có mấy người thật sự nhìn mọi thứ như một phép màu? Cũng chẳng ai sống như thể không bao giờ có phép màu trong cuộc sống. Những người thực tế, hay thực dụng nhất, những người vô thần nhất, tự tin vào bản thân nhất, vẫn có những lúc mong mỏi phép màu hay ít ra là may mắn sẽ mỉm cười, xuất hiện trong cuộc sống của mình.
Phép màu có thể là việc họ đợi gần đến hạn chót nộp bài mới vội vã viết vài trang và hi vọng sẽ đạt điểm cao; hoặc hi vọng giỏi tiếng Anh cấp tốc trong vài tháng; hi vọng giảm cân như ý mà không cần tập thể dục mỗi ngày; hi vọng có người yêu với những tiêu chuẩn như mơ còn bản thân thì chỉ cần “sống tốt” (ăn, ngủ và chơi tốt). Những phép màu đó tất nhiên cũng có đôi lần xuất hiện, trong phim chẳng hạn.
Không có phép màu nào, hay mọi thứ đều là một phép màu có vẻ trái ngược nhau, nhưng thật ra đều cùng một lẽ. Đó là một niềm tin kiên định và dồn hết tâm trí vào mục tiêu, không có chút nào sai lệch. Một bên là tin vào bản thân mình, một bên tin vào tạo hóa, yêu quý tự nhiên và tất cả những điều xảy đến trong đời. Hai hướng này dẫu khác nhau ở điểm xuất phát, nhưng tiến lên cao cũng sẽ gặp lại nhau: đó là sự an bình, làm chủ cuộc sống.
Khi có niềm tin trọn vẹn ở bản thân, người ta sẽ bắt đầu quan sát cuộc sống, thấy và công nhận có những phép màu thật sự đang hiện hữu xung quanh. Khi tin rằng tất cả mọi sự đều là phép màu, người ta sẽ nhận thức được vai trò, vị trí của bản thân và từ đó cố gắng đạt đến khả năng cao nhất của chính mình trong công việc và cuộc sống. Đó là sự cân bằng có thể đạt được từ một lựa chọn cực đoan.

Trạng thái cân bằng đó không thể nào có được nếu một người chọn bên này mà đặt mong muốn ở bên kia.

Nhiều người vẫn hay nói, và một số thì đem làm triết lý sống của bản thân, rằng chúng ta là duy nhất, và không cần phải so sánh bản thân với ai khác, chỉ cần tốt hơn chính mình hôm qua. Nhưng thực tế thì sao?
Chúng ta là duy nhất ư? Điều đó thì có gì mà hay ho? Ai mà chẳng là duy nhất?! Đáng buồn hơn là nhiều khi cái duy nhất của ta lại chẳng có gì hay. Tốt hơn chính mình của hôm qua ư? Nhưng hôm qua mình tệ quá, tốt hơn một chút thì vẫn là tệ thôi. Âm 10.000 cộng 1. Có ý nghĩa gì sao? Đó là lý do vì sao người ta bỏ cuộc.

Người ta không bế tắc vì những thất bại, họ bế tắc vì biết công thức thành công nhưng áp dụng không xong.

“Tốt hơn chính mình là được” thường chỉ là một câu tự an ủi đầy vô vọng, cũng có đôi khi là hi vọng, khi người ta tự thấy mình tốt hơn sau vài tháng, hoặc vài năm: năm nay tôi đọc nhiều hơn năm qua 5 quyển sách (năm qua tôi chẳng đọc quyển nào); tháng này tôi chạy bộ được 3 ngày, dù sao cũng tốt hơn tháng trước…
Rồi ai đó đến bảo họ rằng hãy thả lỏng đi, cứ vui chơi đi, đời có bao lâu mà hững hờ. You only live once! Thật sao? Ai nói bạn chỉ sống một lần? Anh thì nói “You only die once. You live everyday!”. Ta chỉ chết một lần, còn sống là mỗi ngày.
Thật buồn cho những ai bỏ qua những thay đổi nhỏ như “mỗi ngày” mà chỉ quan tâm đến những thứ to tát như “một lần”. Và người ta sống lây lất từng ngày, chờ đón một phép màu, một mốc thời gian nào đó xuất hiện “một lần” để thay đổi cuộc đời họ. Phép màu đôi khi cũng xảy ra, như việc trúng sổ xố, và xác suất xảy ra vẫn sẽ cao hơn nếu người ta mua vé số mỗi ngày.
Và điều gì xảy ra với những người trúng vé số, hay may mắn tìm được người yêu, tìm được công việc ngon lành, đậu vào trường đại học mơ ước…? Những phép màu đó là các liều thuốc an thần, tạm thời làm dịu đi cơn bất an bên trong họ. Đến một lúc nào đó, khi gặp phải trắc trở (điều mà họ chắc chắn sẽ gặp), và không còn may mắn hay phép màu ở bên. Mọi thứ sẽ sụp đổ.

“Tốt hơn chính mình của hôm qua” vẫn là một cách sống đúng và rất tốt, với điều kiện là “mỗi ngày”.

Hôm nay đọc nhiều hơn hôm qua vài trang sách, đi bộ nhiều hơn vài chục bước, giúp đỡ thêm một người, vẽ thêm một bức tranh, gặp thêm một người bạn mới… mỗi ngày đều có thứ gì đó tốt hơn. Tất cả những thay đổi tích cực đều sẽ có giá trị cực lớn nếu nó được gắn thêm thuộc tính “mỗi ngày”.
Nếu mỗi ngày ta đều tốt hơn, làm thêm được một điều mới mẻ, những thành công nho nhỏ đó sẽ là động lực, là tiền vốn để tạo nên những điều lớn lao hơn. 

Một ngày, một tuần, một tháng chưa có nhiều khác biệt, nhưng một năm, vài năm sẽ thay đổi cả một cuộc đời.

Nếu ta chán ngán hoặc không tin, chờ vào những thay đổi lớn, hoặc nghĩ rằng đời mình chỉ đến thế mà thôi, thì chục năm sau nhìn lại, thứ thay đổi nhiều nhất có lẽ là tuổi tác và sức khỏe của ta.
Nếu em muốn đạt được bất kỳ mục tiêu nào, cải thiện vấn đề gì trong cuộc sống, hãy cứ làm điều đó mỗi ngày.
15.11.2019