Có buổi sáng nào thức giấc, bạn thấy mình đang thật sự sống, yêu, hạnh phúc, và tận hưởng một ngày mới thật đẹp đẽ mà lòng luôn tràn đầy hy vọng?
Suốt khoảng thời gian Đại học, cuộc sống của tôi quẩn quanh trong những chuỗi ngày học-công tác-đi làm,…chạy đuổi cùng thời gian. Những buổi sớm mai của tôi không bao giờ đến cùng hai từ ”thức giấc”, mà một đêm thức trắng để cố gắng hoàn thành mọi công việc dày đặc của ngày hôm trước. Những buổi sớm mai ngập ngụa stress, trầm cảm, cạn kiệt sức khỏe, và tình trạng quá tải luân phiên,… nhưng lại phải bắt đầu ngày mới ở trường hay ở chỗ làm khiêng cưỡng. Cái cảm giác rã rời và hoàn toàn không cam tâm bước ra khỏi nhà ấy nhiều lần đẩy tinh thần của tôi xuống âm điểm, rút cạn tinh thần và sự phấn chấn trong người tôi. Duy nhất ý nghĩ gắng gượng trong đầu đã kéo tôi lại, giữ trạng thái tỉnh táo nhất có thể để xử lý những vấn đề trong ngày. Từ sáng sớm đến tối mịt, tôi quay cuồng trong vội vã, rồi chầm chậm tan vào đêm…lầm lũi với những nỗi niềm của riêng mình. Hiểu rằng một ngày nữa lại trôi qua, mà tâm thái và tinh thần của mình như vẫn còn vương vấn ở giấc ngủ của đêm trước. Những cảnh báo khoa học về tác hại của việc thức khuya, và kết cục của những người thức khuya, tôi đều biết. Chỉ là sự hiểu biết không mang ý nghĩa là bạn sẽ làm đúng như vậy, vẫn có nhiều yếu tố khác tác động đến hành vi và thói quen của bạn, nhất là những thói quen có hại cho sức khỏe được lặp đi lặp lại thành phong cách.
Những người đã và đang làm việc cùng tôi đều cảnh báo tôi về việc thức khuya, thậm chí có những người đã từng giận tôi suốt nhiều tháng trời chỉ vì sự cố chấp không màng sức khỏe ấy. Mãi cho đến hai tháng gần đây, tình trạng này mới được cải thiện phần nào. Có rất nhiều nguyên nhân khiến tôi thay đổi giờ giấc, thói quen và tư duy trong vấn đề công việc và nghỉ ngơi. Ví dụ như việc hạn chế thức đêm. Không phải vì có quá nhiều thời gian rảnh hay không có việc gì để làm mới khiến tôi nghĩ đến việc lập lại giờ sinh hoạt theo đồng hồ sinh học. Đơn giản chỉ vì tôi nhận ra sức khỏe của mình đã sa sút rất nhiều so với khi 19 – 20 tuổi. Sau mỗi đêm thức làm việc, tôi bắt đầu có những dấu hiệu nóng sốt, đau bao tử, nôn ói, thậm chí tôi còn không đủ sức lực để thức dậy làm bất cứ việc gì. Tôi không dám nghĩ đến những đêm overnight ngồi dán mắt vào laptop chạy deadline ở quán cafe. Cũng không dám nghĩ đến việc thức liên tục 2-3 ngày liền để làm cho kịp mọi thứ rồi sau đó ngủ bù lại. Tôi thấy mình thật sự đứng ở cái dốc của sức khỏe, và nếu tôi không sực tỉnh, một ngày nào đó tôi sẽ hối hận.
Cho đến bây giờ, khi có chuyện gì gấp mà thời gian không đủ để tôi có thể vừa nghỉ ngơi tốt, vừa làm tốt, tôi sẽ thức để làm cho xong. Nhưng thật sự cơ thể không chịu nổi, và bản thân tôi cảm giác như mình phải trải qua rất nhiều đau đớn vì giấc ngủ sẽ chẳng bao giờ có thể được bù lại hay lấy lại. Tôi phải thay đổi, đó là điều ”phải thế chứ không khác được”. Từ khi học bơi lội, tôi luôn dành 2 giờ mỗi ngày để tập bơi, vận động hoặc ít nhất là đi bộ để thư giản đầu óc. Những ngày tập luyện đó, tôi học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân, rèn luyện thể lực để vượt qua mấy bệnh vặt khi trời đổi gió,…tôi thấy mình khỏe khoắn và bớt nổi nóng hơn hẳn. Thậm chí, thói quen này duy trì thường xuyên đến mức trời mưa gió, tôi vẫn xuống hồ bơi, vì cái câu cửa miệng ”không vận động thấy tay chân mỏi nhừ”.
woman standing on dock
Ảnh: Christopher Campbell
Ví như sáng hôm nay, tôi thức dậy từ 4h sáng và bắt đầu mở laptop lên check tin nhắn. Sau một hồi giải quyết mọi thứ, tôi phát hiện ra tâm trạng của mình đang rất tệ. Phải nói là từ khi nghỉ dịch tới giờ đây là lần đầu tiên tôi tức giận đến như vậy, cứ như bản chất con người nóng tính khi xưa đã trở về mà còn nóng nảy gấp trăm lần. Tôi đã nghĩ mấy tháng nay mình khống chế cảm xúc rất tốt, ít nổi giận, ít quát tháo,…nhưng hóa ra đó là do tôi chưa gặp vấn đề đẩy tâm trạng xuống cực điểm mà thôi. Vì không muốn bắt đầu một ngày đầu tuần với sự tiêu cực, tôi quyết định thay đồ, lên sân thượng để tập thể dục và lặng ngắm thành phố buổi sớm mai vận động ra sao. Thú thật thì 1 năm kể từ khi chuyển qua chỗ trọ mới, số lần lên sân thượng tập thể dục của tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân vì sao tôi không tận dụng khoảng sân mát mẻ cao ráo phía trên đó chính là vì những đêm thức khuya làm việc và cuộc sống bận rộn thường ngày. Sự hối hả đó khiến tôi không còn nghĩ đến những buổi sớm mai khỏe mạnh và thanh sạch ấy nữa. Tôi bỏ quên những âm thanh thân thuộc của cuộc sống, bỏ quên sức khỏe của chính mình, bỏ quên cách tận hưởng một ngày trôi qua với đầy đủ ý vị tươi mới của nó – một khoảng trời nơi mà tâm trí và hơi thở hòa làm một.
aerial photo of tennis court surrounded with trees
Ảnh: Ryan Searle
Trong giai đoạn dãn cách xã hội mùa Covid-19, tôi có những 3 tháng ở quê nhà, và đó cũng là khoảng thời gian hiếm hoi để tôi có thể tận hưởng những buổi sáng thức dậy thật chậm rãi và không lắng lo. Tôi chậm rãi tập thể dục, hít thở không khí trong lành và ăn sáng trước khi bắt đầu giờ học online. Lâu dần, việc dậy sớm trở thành một thói quen chứ không phải nhiệm vụ khiêng cưỡng. Đó phải là những buổi sớm mai sảng khoái, hồ hởi,…khiến ta muốn sống, muốn yêu và muốn làm những việc có ích. Khi quay trở lại Sài Gòn học tập, tôi bắt đầu chăm chỉ tập luyện thể chất thường xuyên hơn. Mỗi chiều tan học hay tan sở, tôi đều đi bơi trong khoảng 2 tiếng hoặc chạy bộ khoảng 45 phút trẹn con đường gần nhà. Thói quen này cực kỳ tốt cho những người dễ bị cảm sốt và bệnh vặt khi trời trái gió. Đến lúc cơ thể bắt đầu thích ứng với việc vận động và giải phóng năng lượng, tôi ít bệnh vặt hơn. Thậm chí khi có bệnh, tôi hồi phục nhanh hơn trước kia rất nhiều. Tất cả đều nhờ vài những ngày tập luyện chăm chỉ như thế.
Kể từ khi tự ý thức tập luyện, thái độ của tôi đối với các môn thể chất ở trường cũng thay đổi hẳn. Tôi đã không còn sơ bơi hay ám ảnh mỗi khi xuống nước nữa, cũng không còn cảm giác tiêu cực với những giảng viên dạy GDTC. Bơi lội luyện tôi thành một người kiên nhẫn, bình tĩnh và sống chậm rãi hơn. Hầu như từ khi luyện tập bộ môn này, tôi đã tự vượt qua rất nhiều giới hạn của bản thân mình: từ việc sợ nước, viêm xoang, chứng ù tai và nhức đầu khi xuống nước, cảm giác sợ hãi khi người chìm vào trong nước,…chúng ám ảnh tôi trong giấc ngủ và khiến mấy tuần tập bơi đầu tiên trở thành ác mộng. Nhưng nếu bơi mà tâm không tịnh, không tự điều chỉnh tâm lý thật tốt trước khi xuống nước, bạn khó lòng mà bơi được.
Ngay lúc này đây, khi đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đấu tranh nội tâm đó, tôi bơi được 25m đầu tiên, rồi 50m, và cuối cùng là mục tiêu 75m không ngừng nghỉ. Những thành quả nho nhỏ đó khiến tôi lấy lại cảm giác chinh phục những giới hạn của bản thân. Rồi từ cảm giác hân hoan và hạnh phúc tột độ đó, tôi có thêm động lực để tập thể dục chăm chỉ mỗi ngày…theo một tâm thái tự nhiên như nhiên và hướng đến sự trân trọng sức khỏe của bản thân. Tôi làm điều đó là vì tôi chứ không phải một ai khác. Tôi đã thật sự cảm nhận được tư vị hạnh phúc của những buổi sớm mai thức dậy sau khi ngủ đủ giấc, đến cả việc tập thể dục làm nóng cơ thể, ăn sáng đúng giờ, viết lách vài ba chuyện linh tinh hay đơn giản chỉ là đi học/đi làm sóm hơn bình thường một chút. Tôi thấy một ngày nữa đang bắt đầu. Thật đẹp đẽ ngay trước mắt mình. Với một tâm thái tốt, tôi lao vào công việc với sự hồ hởi và lòng nhiệt huyết dâng trào. Và chỉ khi bạn có được cảm giác theo đuổi đến cùng một việc gì đó, mỗi công việc bạn đang cố gắng đều sẽ cho bạn một kết quả tốt, rồi mang bạn đến một vị thế tốt hơn. Ngay lúc cảm giác ấy xuất hiện, bạn sẽ thấy trái tim mình đang sống-và đập những nhịp đập hạnh phúc.
group of people running on stadium
Ảnh: Steven Lelham
Theo chuyên trang Tâm lý học tội phạm có một khái niệm khá hay liên quan đến cảm giác vị thế tôi vừa nhắc đến: ”Chất dẫn truyền thần kinh quan trọng nhất liên quan đến địa vị xã hội là serotonin. Serotonin giúp điều chỉnh sự thèm ăn và ham muốn tình dục, cũng như tâm trạng của một người. Những người có mức serotonin thấp thường hay cáu kỉnh, hung hăng và trầm cảm, đó là lý do tại sao đôi khi họ được kê đơn thuốc chống trầm cảm nhằm tăng chất dẫn truyền thần kinh này.
Mức độ serotonin bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền và lối sống như căng thẳng, giấc ngủ và chế độ ăn uống. Nhưng một trong những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến lượng serotonin trong não bộ là liệu bạn có nghĩ rằng người khác xem bạn có địa vị cao hay không. Serotonin khiến ta khoan khoái, và bất cứ khi nào ta cảm thấy địa vị của mình tăng lên, serotonin tràn ngập não bộ của chúng ta, và chúng ta trở nên tự tin hơn, thoải mái, biết hợp tác và ủng hộ xã hội. Cảm giác tuyệt vời, kết nối đó khuyến khích chúng ta tìm kiếm thêm địa vị.”
Từ chuyện buổi sớm tập thể dục mà dẫn đến thuật ngữ serotonin, rồi còn cảm giác vị thế. Nhưng tin tôi đi, khi bạn đi qua hết những tháng ngày tồi tệ, rồi bạn thương xót cho chính mình, tự ngồi lại để suy ngẫm và chiêm nghiệm mọi thứ. Bạn sẽ chợt như sựt tỉnh ra từ cơn mê man, tìm lại trạng thái cân bằng của bản thân. Khi bạn sống một cuộc đời tốt đẹp và lành mạnh, tâm lý tích cực và hạn chế bị tác động từ những điều tiêu cực xung quanh,… tự dưng mọi thứ tốt đẹp và may mắn cũng sẽ đến với bạn. Giống tập ”Miếng dán hạnh phúc” của series Doraemon, khi Nobita hạnh phúc, miếng dán sẽ tự động chuyển cảm giác hạnh phúc thành năng lượng ấm áp lan tỏa đến mọi người. Nhưng ngược lại, khi Nobita buồn bã, thất vọng hoặc sợ hão, miếng dán sẽ sinh ra cảm giác lạnh lẽo cực đại, thậm chí có thể làm đóng băng chính mình. Tuy là phim đề tài dành cho trẻ em, nhưng xuyên suốt series Doraemon là những bài học về sự trung thực, quá trình giáo dục và phát triển nhận thức của trẻ em, sau đó là những thông điệp nhân văn được lồng ghép một cách khéo léo qua những món bảo bối thần kỳ và những chuyện khôi hài khi dùng chúng vô tội vạ.
S8] Doraemon Tập 415 - Miếng Dán Hạnh Phúc, Mẹ Và Trận Chiến Của ...
Ảnh: POPS Kids
Vài suy ngẫm từ những buổi sớm mai thức giấc và thấy cuộc đời tươi đẹp vẫn yên vị một góc an yên cho chính mình. Cạnh dòng đời tấp nập, chúng ta vẫn luôn có những lựa chọn được sống, yêu và hạnh phúc. Bắt đầu từ việc điều chỉnh tâm lý và rèn luyện sức khỏe của bản thân. Đó cũng là hai phạm trù Mindfulness (Chánh niệm) và Wellness (Sức khỏe thể chất). Ở bài viết sau, tôi sẽ dành nhiều thời gian phân tích sâu về hai khái niệm này, cũng là việc kể lại hành trình tìm lại sự cân bằng của chính mình.
Find me more on my personal blog: https://hoangthy.home.blog/


7