Hôm qua mình trả lời comment của một bạn: “Anh rất hay để ý nhưng rất ít để tâm”. Bạn bảo mình viết một bài về câu này đi. Ừ cũng có lí.
Để ý và để tâm giống hay khác nhau? Hôm qua mình có nói thêm là có thể hình dung nó giống như sự khác biệt giữa hear và listen, see và watch vậy. Một cái là nghe vì không bị điếc, nghe một cách tự động, dù có muốn cũng không ngăn lại được (hear), còn một cái là chú ý lắng nghe (listen). See là thấy vì không mù, watch là chăm chú nhìn một thứ gì đó (TV, phim..)
“Để ý” có thể có cả hai chế độ là tự động (automatic) hoặc chủ động (manual). Tự động thì giống như hear và see vậy, khi mình gặp qua, tiếp xúc qua hoặc trải qua một điều gì đó, trong đầu mình sẽ tự động ghi nhớ những điều khiến mình cảm thấy ấn tượng, có thể lúc đó mình cũng không biết là mình đã để ý điều đó, đến thời điểm khác tự nhiên nhớ lại. Chế độ chủ động của “để ý” rất lợi hại và có thể luyện tập để nâng cao dần. Khả năng để ý chủ động là khi mình để cho tâm trí tập trung cao độ kèm theo chủ động ghi nhớ và phân tích một điều gì đó. Tùy vào tâm tính và thể chất, trí não riêng của từng người mà khả năng để ý này cao hay thấp, với những đối tượng khác nhau thì lực ghi nhớ và phân tích cũng khác nhau. Điều này thể hiện ở việc đứa này học giỏi hơn đứa khác (mức độ chăm chỉ như nhau), hoặc cùng một đứa nhưng học môn này nhanh hơn, giỏi hơn các môn khác..
Để tâm là khi mình để cho một điều gì đó tác động đến tình cảm, cảm xúc của mình, hay nói đơn giản là mình để nó xâm chiếm tâm trí, đi vào trong tim mình. Thường thì người ta không thể chủ động được trong việc để tâm này, đặc biệt là với người hay việc mà họ ghét. Người thương thấy vậy mà bỏ dễ hơn.

Khi đến một nơi xa lạ hoặc gặp một người lạ, người để ý sẽ nhanh chóng quan sát, ghi nhớ, phân tích mọi thông tin và những suy đoán liên quan. Nếu thấy không có gì đặc biệt đáng chú ý, họ sẽ không để tâm những thứ mới lạ đó tác động đến cảm xúc của mình nhiều nữa, chỉ bình đạm như thường. Trái lại một người khác có thể quá hào hứng hoặc hồi hộp mà bị thu hút hoàn toàn bởi người mới, cảnh mới đến độ chẳng để ý đến điều gì, họ không chỉ “để tâm” mà tâm trí hoàn toàn bị dẫn dắt và chiếm lĩnh.
Khả năng “để ý” cũng tạo nên sự khác biệt đối với việc đọc sách hay tìm hiểu thông tin. Cùng đọc một quyển sách giống nhau nhưng một người có thể rút ra 20 điều ghi nhớ, người khác cho dù thuộc lòng cũng chỉ ấn tượng đôi ba điều và sẽ nhanh chóng quên đi hoặc không hề vận dụng.
Nếu để ý mọi lúc mọi nơi, ta có thể học tiếng Anh trên bản tin, khi chơi games hoặc cả khi đang đi trên đường; cập nhật kiến thức xã hội từ tất cả những nguồn mà ta tiếp xúc… Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian tra cứu và học hỏi, vì gọi là “để ý” thì sẽ rất khó quên.
Khả năng này có thể luyện tập và phát triển. Trước hết cần dọn sạch tâm trí. Như các bài trước mình đã nói qua: tâm trí người bình thường sẽ có rất nhiều suy tưởng miên man liên tục xuất hiện để khiến mình mất tập trung. Nhiều khi ta nhìn mà không thấy, nghe mà không nhớ là do tâm trí đang bị dẫn dắt theo một điều gì đó trong đầu. Việc dọn dẹp này có thể làm mọi lúc, mọi nơi. Cứ khi nào “thấy” mình đang chạy theo suy nghĩ hay cảm xúc trong đầu thì dừng lại, chiếm lại quyền chủ động để tập trung (để ý) vào thứ mình muốn. Đó là cách tăng trưởng khả năng “để ý”.
Nếu như để ý là việc chủ động đưa thứ gì đó vào trong tâm trí mình, giống như việc in lên giấy, thì đối với việc để tâm mình lại phải chủ động ngăn chặn để không cho cảm xúc không mong muốn in vào tâm trí mình. Yêu thương một ai đó thì không nói, nhưng oán ghét, thù hận hoặc bị hấp dẫn thì rất nên kiểm soát vì nếu không sẽ đánh mất bản thân và làm ra nhiều thứ tai hại, hoặc chẳng làm được gì. Từ chuyện đơn giản như ai đó đánh giá mình một câu, mình buồn bực mấy ngày, mỗi khi gặp lại người đó là khó chịu cho đến ấn tượng xấu hay “cuồng” một người nào, những điều này một người làm chủ được tâm trí sẽ không rơi vào bị động.
Cũng giống như cách thực hành việc “để ý”, khi tâm trí mình sạch sẽ, trống trải, dần dần khả năng kiểm soát của mình đủ mạnh, mình có thể quyết định xem thứ gì được phép xuất hiện ở đây, thứ gì thì không. Điều này không quá khó, chỉ cần thường xuyên luyện tập, mỗi phút mỗi giây thôi. Việc luyện tập này khi có chút thành tựu thì nó sẽ trở thành một cơ chế tự động, không cần lúc nào cũng phải khó chịu vì những suy nghĩ lung tung trong đầu nữa.

Khi thành công kiểm soát tâm trí thì mình có thể để ý đến mọi thứ và không để tâm điều gì cả.

Việc kiểm soát tâm trí này giống như phát quang bụi rậm, dọn rác vậy. Khi thành công thì tâm mình như một vùng bằng phẳng, sạch đẹp giữa một khu rừng rậm của nội tâm. Lúc này những cảm xúc và suy nghĩ không mong muốn sẽ không thể xuất hiện trong tâm mình nữa.
Sau đó chính là việc buông bỏ khả năng kiểm soát đó. Không cần kiểm soát nữa. Mở cửa tự do cho mọi thứ đến và đi. Khi đó chuyện vui cũng không khiến mình phát cuồng, chuyện buồn cũng không khiến mình thê thảm, chuyện bực bội không khiến mình phát điên.. Mình nhận ra tụi nó có đến đây và biết là nó chỉ đi ngang qua thôi. Ở giai đoạn này, dù mình mở cửa thoải mái nhưng mấy thứ bậy bạ cũng ít khi dám xuất hiện lắm, giống như nơi sạch sẽ thì sẽ ít có côn trùng vậy.
Mình có thể bỏ qua bước “kiểm soát” mà trực tiếp “thả rông” không? Theo mình thì không. Điều này có thể hình dung hai người cùng đứng dưới chân núi, nhưng một người đã leo lên đỉnh núi còn một người chưa leo lên bao giờ. Cùng đứng đó nhưng cảm nhận và mọi thứ đều hoàn toàn khác nhau. Phải qua bước kiểm soát thì tâm trí mình mới đủ mạnh để bình thản với việc thả rông.
Như vậy có phải biến mình thành một cái máy đầy lý trí, không cảm tình không? Không, mình chỉ không để tâm những thứ không đáng, thứ gì mình để tâm thì sẽ thật sự nghiêm túc, bình tĩnh, sâu sắc, đúng mực và an toàn.
Đó là để ý mà không để tâm.
27.02.2020