Mình đã hòa giải với Mẹ như thế nào
Cho Mẹ Tám thân yêu Cho đứa trẻ bên trong mình Mẹ mình hái rau tự trồng đem bán “Càng lớn, chị nhận ra chị càng giống...
Cho Mẹ Tám thân yêu Cho đứa trẻ bên trong mình
Động lực giúp mình viết bài này phần lớn của nó đến từ việc sau vài lần gặp gỡ bạn bè , sau những cuộc nói chuyện sâu sắc thì mình nhận ra nhiều bạn bị mất kết nối với bố mẹ y như mình. Khi chúng mình gặp nhau, đa số chúng mình sâu sắc hơn thì nói chuyện yêu đương và công việc, ý nghĩa cuộc sống, còn hời hợt như nhiều bàn trà khác (mình tự nhận mình chả hời hợt) thì họ chụp ảnh tự sướng, nói chuyện áo quần, yêu đương và nói xấu sếp, đồng nghiệp. Nhưng tuyệt nhiên, hiếm ai nói về Gia đình. Ngoài ra, đó là tình cờ mình đọc được bài viết về gia đình rạn nứt và hòa giải trong gia đình (Link: https://psyche.co/guides/a-family-rift-is-locked-on-the-past-heres-how-to-move-forward), khá bất ngờ trước thông tin “30 Lessons for Living: Tried and True Advice from the Wisest Americans (2012), Pillemer asked the elderly about life lessons they valued most. ‘A surprising number … talked about family estrangements as the most disruptive [and] distressing’ events of all, he says.”
Nên mình nghĩ là, mình sẽ viết bài viết này. Để kể rằng, lúc này, mình tự tin đã hòa giải được với Mẹ. Yêu thương Mẹ mình để rồi luôn cảm thấy Mẹ và bà Ngoại luôn hiện diện bên trong mình mọi nơi, mọi lúc.
Cuộc sống gia đình mình từng không êm ấm. Ngoài những kỉ niệm vui chơi vô tư với đám bạn thì là nhiều ký ức việc ba mẹ bạo hành nhau nhiều lần, qua nhiều năm tháng tuổi thơ. Anh em mình hứng chịu sự khó tính và nóng nảy của bố mẹ qua những lần bị đánh phạt đòn, đứng phạt ngoài sân buổi tối, hoặc trừng phạt qua việc cấm được đi chơi khi mỗi lần hư hỏng, phạm sai lầm và đương nhiên là do cả ương bướng, cãi lại để phủ nhận sự sai. Nhưng mình vẫn yêu thương Mẹ và Bố rất nhiều, năm mình học lớp 3, bài văn viết mô tả Mẹ đã được điểm rất cao trong lớp và mình đem khoe Mẹ, tới giờ mình vẫn nhớ mang máng mình đã kể Mẹ mình sáng thức sớm, tối ngủ muộn để làm việc và chăm sóc gia đình như thế nào. Cuộc sống bấy giờ, mình vẫn thấy rất vui vẻ, hạnh phúc và êm đềm vì chắc hồi ấy mình vẫn là con nít.
Không thể giao tiếp với bố mẹ, mình từng sinh lòng căm thù, phẫn uất, bực bội về chuyện bố Mẹ ly hôn dẫn đến một loạt các thay đổi đời sống của mình vào năm lớp 5. Mình chuyển ra Bắc sống khi Bố Mẹ ly hôn, năm ấy mình 11 tuổi. Mình điên khùng, ấm ức, tủi thân khi bị Mẹ đánh đòn và bắt phải theo nề nếp giáo dục kiểu miền Bắc (từ năm lớp 6 đến năm thứ hai Đại học) khi mình thể hiện sự chống đối lại. Dĩ nhiên, trẻ em vốn là giai đoạn non nớt về kiến thức, sức khỏe và khả năng ra quyết định, thường thì chúng mình sẽ nhịn vì không thể phản kháng, theo đó là cảm giác bị bạo hành và áp chế cứ âm ỉ bên trong. Quá trình đó, khoảng 12 năm đã khiến mình không thể giao tiếp với Mẹ và tới tận bây giờ mình còn không thể nằm ngủ chung giường với Mẹ (cũng không rõ vì chưa có cơ hội thêm).
Chuyện gia đình sau đó có hàng loạt biến cố, sự kiện nhưng cuối mình cũng vẫn ở với Mẹ. Trong một căn nhà, chỉ có hai Mẹ Con.
Bằng cách nào đó, sau 4 năm học Đại học, những kiến thức học từ ngành Xã hội học và Công tác xã hội đã giúp mình có cái nhìn gần như toàn diện cho hoàn cảnh của chính mình và Mẹ. Mình thông cảm cho người Mẹ của mình, cũng trải qua nhiều cú sốc tâm lý, khó khăn khi một mình nuôi con, về Quê sống chịu nhiều dèm pha, cũng phải tập quen lại văn hóa Miền Bắc sau nhiều năm ở Miền Nam, nỗi cô đơn mệt mỏi khi phải làm kinh tế một mình, tâm sinh lý phụ nữ tiền mãn kinh thay đổi. . .Rồi mình hiểu cho mình tương tự như hiểu cho Mẹ.
Bấy giờ, mình rục rịch làm Quán Bà Tám Tour. Tuy vậy, sự tha thứ giúp mình thương Mẹ nhiều hơn. Bạn bè mình gặp mình hầu hết đều nói mỗi khi mình nói về Mẹ mình, họ thấy mình rất thương Mẹ, nói về Mẹ là chủ đề mình chả bao giờ chán. haha, mình lúc ấy thực sự đã tha thứ cho Mẹ rồi, để khi nhắc tới Mẹ mình chả có cảm giác buồn, đau khổ hay căm thù Mẹ chút nào. Nhưng khi ấy, nó chưa phải sự hoà giải, mới chỉ gọi là mình tha thứ cho người Mẹ tuyệt vời của mình thôi.
Khi nào mình nói chuyện được với Mẹ như một người bạn? Mẹ đã học cách cởi mở với mình sau nhiều năm mệt mỏi. Giờ đây, gánh nặng kinh tế nhẹ bớt khi mình đã xong Đại học và mình có thể tự kiếm tiền. Mẹ mình bước sang tuổi 50 và có nhiều bệnh tật tuổi già và các chủ quan về sức khỏe trước đó. Các chị gái của Mẹ mình cũng thương Mẹ do Mẹ là con út, giúp Mẹ nghe nhạc thiền, phật pháp giảng mỗi tối. Từ bỏ công việc buôn bán và làm nông dân, Mẹ mình trưởng thành và thông thái hơn rất nhiều. Mẹ ở cái tuổi 50 đã thay đổi bất ngờ. Có những tin nhắn Mẹ nhắn tin cho mình sến tới mức, mình vừa khóc vừa cười, 24 năm đời, chưa bao giờ Mẹ nhắn tin như thế cho mình cả.
Mẹ nói với mình trong những bữa cơm đầu khi mình về ở với Mẹ sau khi tốt nghiệp Đại học rằng: “Mẹ chỉ có một đứa con là mình, Mẹ rất muốn có thể nói chuyện được với mình.” Những bữa cơm, chan nước mắt, vì sau hơn 10 năm không nói chuyện hai Mẹ con đã có thể giao tiếp được thành ra nhiều cái nói ra nó rất xúc động.
Viết mấy dòng này, thực sự là nước mắt mình rơi tè le (ahuhu) vì Mẹ mình đã cởi nút thắt bằng những tâm tình như thế. Tới tận giờ, mình tin rằng Mẹ đã thay đổi nhờ bắt đầu làm Vườn và ra Đồng làm việc. Nhiều lúc, Mẹ nói chuyện rất thông thái khiến mình ồ òa trong lòng.
Mình cũng bắt đầu chia sẻ nhiều hơn khi Mẹ chia sẻ lại với mình, thậm chí có những ngày về thăm Mẹ như giờ. Mình dành cả buổi chỉ để nghe Mẹ nói chuyện chó, gà, vịt, lợn hoặc kể chuyện xa xưa ơi là xa xưa.
Nhờ hòa giải với Mẹ đôi phần, Mình đã và đang dần tha thứ với đứa bé bên trong mình. Để mình hiểu các trải nghiệm không tốt đẹp thời quá khứ (các trauma) đã ảnh hưởng rất nhiều đến lựa chọn bạn trai/người yêu của mình, đến hành vi nóng tính và bực bội sẽ bạo hành mất kiểm soát (nói to, vùng vằng, đập cửa,...), những hoang mang lo lắng của mình, sự nhạy cảm quá đáng và phòng thủ...cho tới những nề nếp trong sinh hoạt. Hay nói khác, hòa giải trong gia đình, giúp các thành viên hiểu họ hơn và hòa giải chính họ.
Thậm chí, mình còn tha thứ và hòa giải với Ba mình. Mình cũng rất thương Ba và hạnh phúc khi Ba có gia đình mới và mình còn có thêm các em nữa. Lâu lâu, Ba cũng chủ động gọi và hỏi thăm Mình. Dĩ nhiên, những lần như thế, mình đều khóc sau khi tắt máy vì bỗng nỗi buồn thoáng qua.
Giao tiếp thành công đã giúp sự hoà giải diễn ra, quá trình này giữa hai Mẹ Con mình khoảng 1 năm hơn nhưng đã có nhiều lợi ích vô cùng. Tuy nhiên, việc hòa giải chỉ có thể khi:
Các thành viên thực sự cùng mong muốn hòa giải. (Thú thực, khi quan sát chính mình, mình nghĩ rằng con cái luôn trong từng khúc ruột của Ba Mẹ, dù sao đi chăng nữa, kết nối tự nhiên đã có giữa những người ruột thịt). Không cớ gì phải Mẹ, người Cha mà cũng có thể là những người Con là người bắt đầu gỡ nút thắt.
Kiên nhẫn và bình tâm theo thời gian. 10-20 năm không phải ngắn ngủi, việc tha thứ, hòa giải mình cứ từ từ bình tĩnh và không nên vội vàng.
Dành thời gian quan sát hỗ trợ nhau. Thời điểm hiện tại, mình bắt đầu hiểu ra Mẹ mình cần dùng thuốc gì, sữa bổ sung gì, cần chế độ ăn uống ra sao…những cái mình chả để tâm. Còn phần Mẹ mình ngược lại bắt đầu ít phàn nàn và để mình thoải mái với các quyết định cá nhân khi Mẹ để ý mình không thoải mái khi phải làm gì mình không thích.
Có rất nhiều trường hợp giống mình ngoài kia, hoàn toàn có thể hòa giải được với gia đình.Và mình cũng đã thôi không ghen tị với những ai xưa giờ vẫn nói chuyện được với bố mẹ họ. Hihi. Nếu bạn cũng như mình, hãy tham khảo bài viết nãy mình có nhắc tới đầu bài nhé. Mình chúc, tất cả chúng ta, đều có một tổ ấm hạnh phúc để ra ngoài xã hội chúng ta cư xử, hành động có nhiều yêu thương bên trong.
Mình cũng còn con đường dài, để hòa giải với người Anh trai (anh trai nuôi từ bé) của mình nữa. Những mình lại rất lạc quan cho việc này.
Thảo,
Mùa Thu Hà Nội, 2020
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất