Trong thế giới vội vàng ngày nay, sẽ thật tuyệt biết bao nếu chúng ta có thể sống chậm lại, tận hưởng từng giây phút, rũ bỏ áp lực, dành nhiều thời gian hơn cho những điều thực sự có ý nghĩa.
Lagom (phát âm là /lah-gom/, la đọc như chữ a trong từ “far” và gom đọc như chữ om trong từ “from”) có thể coi là lý giải cho một đất nước Thụy Điển hạnh phúc, mức sống cao, khỏe mạnh và luôn tìm được sự cân bằng trong cuộc sống. 

Lagom - mảnh ghép lớn trong văn hóa Thụy Điển.

Lagom có nghĩa là “không quá ít, không quá nhiều, vừa đủ”. Nó gói gọn toàn bộ triết lý sống của người dân nơi đây: rằng mọi người nên có đủ thôi, đừng quá nhiều. Người ta thường cho rằng Lagom xuất hiện từ thời Viking. Chuyện kể rằng vào thời kỳ này, một bát hay một sừng rượu mead sẽ được mọi người truyền đi một vòng quanh đội, mỗi người chỉ nhấp một ngụm vừa đủ cho mình và đủ cho những người xung quanh. 
Ngày nay lagom thường được được liên hệ với văn hóa và hệ tư tưởng xã hội Thụy Điển về công bằng và bình đẳng. Người Thụy Điển có thể tuyệt đối độc lập, nhưng đồng thời, họ cũng nổi tiếng bởi cách hợp sức cho lợi ích tập thể. Chỉ lấy đúng “một phần vừa đủ” là bước hướng tới một tập thể mà ở đó, không ai tư hữu quá nhiều và không ai bị thiếu thốn.
Triết lý ấy làm tôi nhớ tới bộ phim: “Hố sâu đói khát”. Trong phim, các tù nhân bị nhốt vào một nhà tù có rất nhiều tầng, nhưng mỗi tầng chỉ có một phòng và 2 người ở trong phòng đó. Hàng ngày thức ăn sẽ được chuyển từ tầng cao nhất xuống thấp dần, người tầng trên ăn xong thì người tầng dưới mới tới lượt ăn. Có một sự thật mà các tù nhân không hề biết đó là thức ăn được cung cấp đủ cho tất cả mọi người, và chính vì lòng tham của những người tầng trên mà người tầng dưới chẳng còn gì sót lại, họ tranh giành nhau, chém giết và thậm chí ăn thịt lẫn nhau để được sống sót. Nó có thể coi là sự mô phỏng hoàn hảo cho xã hội ngoài kia của chúng ta, khi có những người sở hữu quá nhiều và ngược lại có người chẳng còn gì cả.
Lagom được ứng dụng tại mọi mặt trong đời sống người Thụy Điển, từ làm việc, ăn uống, trang trí nhà cửa… Tại văn phòng, những nhân viên làm việc chăm chỉ nhưng vẫn không làm tổn hại đến các mảnh ghép khác của cuộc sống. Thay vì lao vào làm việc hùng hục 60h một tuần để rồi bị stress, lagom khuyến khích mọi người hãy cân bằng cuộc sống của mình. 
Đối với người Thụy Điển, Lagom là một lối sống, một thói quen trong tâm trí. Lagom ẩn chứa một tư duy sâu bên trong về sự chấp nhận và hài lòng, dạy cho chúng ta những bài học quý giá về cách sống một cuộc đời hạnh phúc.
 

Lagom - chìa khóa của một xã hội hạnh phúc

Các tiêu chí được sử dụng để đo lường mức độ hạnh phúc bao gồm GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, sức khỏe, sự tự do lựa chọn cuộc sống, sự hào phóng và mức độ tham nhũng. Tất nhiên, hạnh phúc bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự giàu có, sức khỏe và địa vị chính trị của một quốc gia, nhưng hai tiêu chí ngoại lệ - hỗ trợ xã hội và sự hào phóng - giải thích tại sao một số quốc gia nghèo hơn đạt điểm cao trên thang hạnh phúc.
Hai yếu tố này cũng giải thích cách các quốc gia Bắc Âu tiếp tục giữ lợi thế so với các quốc gia phát triển đồng đều khác. Trái ngược hoàn toàn với Anh và Mỹ, nơi khả năng cạnh tranh giữa các cá nhân được ca ngợi và khuyến khích, văn hóa Bắc Âu rất coi trọng nỗ lực tập thể. Trên thực tế, Scandinavian Law Of Jante còn đi xa đến mức khắc họa tiêu cực và chỉ trích thành công và thành tích của cá nhân là không xứng đáng và không phù hợp.  Sự phô trương công khai về chủ nghĩa ích kỷ hoặc chủ nghĩa ngoại tình được coi là thô tục và ghê tởm.
Văn hóa thành tích tập thể này tạo nên một mạng lưới hỗ trợ xã hội, sự tin tưởng lẫn nhau và chia sẻ các nguồn lực. Mọi người tập trung vào tư duy win-win, trái ngược với thái độ thắng-thua phổ biến ở các nền văn hóa khác.
Thắng-thua có nghĩa là để một người thành công thì người khác phải thất bại. Tâm lý này cho rằng có sự khan hiếm về tài nguyên và phải tranh nhau để kẻ chiến thắng lên ngôi. Lý luận này có mối quan hệ chặt chẽ với thuyết tiến hóa (sự tồn tại của những người khỏe mạnh nhất), và được duy trì trong nhiều hệ thống trường học phương Tây thông qua các đường cong phân phối (để một học sinh đạt điểm A, học sinh khác phải đạt điểm F) và thông qua thể thao (để đội của chúng tôi thắng, đội khác phải thua).
Khi một người tiếp cận cuộc sống bằng “tâm lý khan hiếm”, họ không sẵn sàng chia sẻ nguồn lực của mình, họ thầm khó chịu trước thành công của người khác, lo lắng khi ai đó đạt được thành tích đồng nghĩa với việc họ sẽ chịu thiệt thòi. Đối với những người này, cảm giác giá trị của họ nằm ở cách họ so sánh mình với những người, thay vì cách họ thể hiện phù hợp với tiềm năng cá nhân của họ. 
“Tâm lý dồi dào” mang đến một cái nhìn khác về chiến thắng. Nó giúp tránh xa sự phân đôi của mạnh và yếu, cho với lấy, thắng và thua. Nó cho thấy giá trị trong tổng tập thể lớn hơn các phần riêng lẻ. Nó không coi "cách của bạn so với cách của tôi", nó thấy một cách tốt hơn - tôn vinh tinh thần làm việc nhóm hiệu quả mang lại kết quả cùng có lợi cho tất cả những người tham gia.
Khi chúng ta loại bỏ nhu cầu cạnh tranh về tiền bạc, địa vị và giá trị - chiến thắng người khác để thăng hoa - thì mong muốn “sưu tầm” thành tích cũng sẽ giảm đi. Chúng ta không còn cần phải tô điểm cơ thể, nhà cửa và những cuộc trò chuyện bằng những món trang sức mang tên chiến thắng. Chúng ta trở nên hài lòng với việc có đủ, và đó là cách mà tôi hiểu về lagom. 

Đưa Lagom vào cuộc sống của bạn

Hãy tự hỏi mình, ‘thế nào là đủ đối với tôi?’. Câu trả lời sẽ khác nhau đối với từng người. Nhìn vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống của bạn, từ tài chính cho đến các mối quan hệ. Chúng như thế nào?  Bạn có đang cảm thấy đủ, quá nhiều hay quá ít không?Hãy nhìn xung quanh bạn - bạn có thể loại bỏ những gì, và tại sao điều đó lại giúp cuộc sống của bạn tốt hơn?  Bài tập này được sử dụng tốt nhất trong nhiều ngày và nhiều tuần.  Hãy tạo thói quen có ý thức để đặt câu hỏi về mục đích của tài sản của bạn và trở thành chuyên gia đưa ra quyết định về những gì bạn cần và không cần.  Cho đi những thứ không phục vụ mục đích nào trong cuộc sống của bạn nhưng điều đó có thể làm tăng giá trị cho người khác, hay đơn giản là tái sử dụng lại những món đồ đã cũ của mình.
Thực hành lagom vừa dễ nhưng cũng thật khó, và tôi biết những gì gợi ý bên trên sẽ chẳng thể đủ cho chúng ta áp dụng. Đối với tôi "biết đủ" là một hành trình khám phá bản thân, sẽ chẳng có ai có đủ trình độ để bảo bạn thế nào là đủ, điều đó nằm ở bạn, không ai có quyền phán xét. Tôi chỉ muốn kết thúc bài viết bằng một lời khuyên gửi tới bạn: “Cuộc sống có nhiều thứ hơn là những gì chúng ta sở hữu, và nếu không cẩn thận, một ngày nào đó chúng sẽ sở hữu lại chúng ta. Biết đủ không chỉ khiến bạn hạnh phúc mà bạn còn đang mang lại hạnh phúc cho những người kém may mắn hơn”.
Chúc bạn biết đủ!

Tham khảo:
Lagom - Biết đủ mới là tự do - Niki BrantmarkLagom: How The Swedish Philosophy For Living a Balanced, Happy Life Can Help You Live a Meaningful Life (https://medium.com/thrive-global/lagom-the-swedish-philosophy-for-living-a-happy-life-might-just-help-you-live-a-more-balanced-and-9bed612b4f7c)Lagom: A Practical Alternative to Minimalism? (https://medium.com/tommycestare/lagom-a-practical-alternative-to-minimalism-d11f8bfebb1)