Chương IV: “Trương”: Những chiến dịch của người Việt, và cuộc Nam tiến gian khổ
Chẳng mấy chốc, đế quốc Đại Việt trở nên lớn mạnh đến mức ngay cả các láng giềng của nó cùng vô cùng khiếp đảm, nhưng tất nhiên là không phải không có lí do. Các vương quốc Lan Xang (1354-1707), Champa (192-1832), Malacca (1400-1511), và thậm chí cả Trung Quốc, đều bắt đầu phàn nàn rằng bọn Đại Việt “gian ác” không kính trọng hay nể sợ bất cứ ai, trong khi hung hăng chặn họng bất cứ kẻ nào đủ ngu ngốc hoặc liều lĩnh để xâm phạm vào chủ quyền thiêng liêng của Đại Việt.
Một ví dụ cụ thể trước hết chính là nhà Lê dưới thời Hồng Đức lừng lẫy, do vua Lê Thánh Tông đứng đầu (đã giới thiệu qua ở chương 3), nỗi âu sầu của các nước lân bang. Ví dụ quan trọng nhất ở đây là vụ nhiều sứ giả Malacca đang trên đường trở về từ Trung Hoa năm 1469 bị quân đội Đại Việt mai phục và bắt giữ rồi sau đó bị bắt làm nô lệ hoặc bị thiến, hoặc cả hai. Đối với những người may mắn chỉ bị thiến, số phận của họ là phải làm một hoạn quan Việt Nam cho đến cuối đời.
Đó là sức mạnh của nhà Lê, rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn đối với sứ giả nước ngoài mà không chút mảy may lo sợ bị trả đũa. Và quả vậy, vương quốc Malacca “kém cỏi hơn” về cả quân sự lẫn nhân khẩu đã không thể làm gì để đáp trả. Câu chuyện trên cũng xảy đến với nhà Minh Trung Hoa khi mà những người đàn ông dũng cảm của họ cũng hứng chịu một số phận tương tự theo ghi chép chính thức của nhà Minh năm 1472.
Hiện trạng địa lí ở Đông Nam Á năm 1469, trước cuộc xâm lược Champa của Đại Việt và việc xâm chiếm tạm thời Lan Xang (Nguồn: World History Maps & Timelines):

Chẳng hạn, “Minh thực lục (明實錄) ghi nhận rằng chỉ có một vài người may mắn trốn được về thiên triều sau khi bị đắm thuyền và trôi dạt vào vùng biển Việt Nam. Hậu quả là họ bị ép phải phục vụ trong quân đội Đại Việt hoặc bị giết. Trong số những người cố gắng bỏ trốn, 100 người đã bị nhà Lê bắt lại và đem đi thiến.
Do đó, bộ Hộ của nhà Minh, vừa giận dữ vừa lo ngại rằng câu chuyện tương tự sẽ xảy đến đối với tất cả những thủy thủ trong tương lai, đã ra lệnh rằng không một người Hán nào, dù là dân thường hay quân sĩ được bén mảng đến gần bờ biển Đại Việt. Thực tế là người Việt thực hiện trò này với những người Hán lảng vảng gần biên giới thường xuyên đến mức cả mối quan hệ Việt-Hán trong thời Hồng Đức được đánh dấu bởi những vụ người Việt bắt bớ và cưỡng bức thiến người Hán trong bối cảnh Đại Việt đang hùng mạnh đến mức những vụ việc này không hề gây ra bất cứ hậu quả nào cho nhà Lê.
Thời Hồng Đức, đỉnh cao của sức mạnh Việt Nam, cũng chính là đỉnh cao của sự kiêu ngạo của người Việt. Thần dân của nhà Lê, tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của triều đại giờ đây không còn dè chừng bất cứ quốc gia nào khác. Trong đầu họ, Đại Việt đứng đầu, Đại Việt đứng trên tất cả. Không ai có thể đánh bại thiên triều mới này, và không ai có thể đem đến sự hủy diệt cho quốc gia hùng mạnh nhất thế giới này.
Và tất nhiên ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa ban đầu vô hại này đã nhanh chóng chuyển hóa thành một thái độ hung hăng và hiếu chiến chiếm lĩnh đầu óc của cả dân tộc. Với những điều kiện dẫn đến thái độ ngạo nghễ của quốc gia này, sẽ là vô lí nếu họ tiếp tục hài lòng với hòa bình. Trong bối cảnh đó, khi vua Champa là Bàn La Trà Toàn dại dột đánh úp Hóa Châu của Đại Việt, hoàng đế nhà Lê đã đảm bảo rằng đó sẽ là sai lầm cuối cùng của ông ta.
 Kiếm lưỡi cong dùng cho kị binh có nguồn gốc từ thời Lê (thế kỉ 18, tuy nhiên chúng đã không thay đổi bao nhiêu so với dưới thời Hồng Đức):

Đối với việc này, thái độ của người Việt là phẫn nộ vì chúng dám đe dọa thiên tử. Vì vậy, rất nhanh chóng, kế hoạch tác chiến đã được lập ra, các mục tiêu được đặt ra, quân đội được điều động, và trong năm then chốt 1470, chiến dịch vĩ đại nhất trong lịch sử Nam tiến 700 năm của người Việt bắt đầu. Gọi là “Nam tiến”, nghĩa là “mở rộng về phương Nam”, là bởi vì đó chính là những gì mà người Việt đã làm ngay từ thế kỉ 11, chỉ vài thập kỉ sau khi giành được độc lập, chống lại vương quốc Champa và các láng giềng của nó.
Tuy vậy, những nỗ lực đó chưa bao giờ tàn bạo hay đạt được mục đích trong một khoản thời gian ngắn như dưới chiến dịch của Lê Thánh Tông.
Trước khi đem quân đi đánh Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông sai sứ giả sang Bắc Kinh, kinh đô mới của nhà Minh, để không chỉ kể tội Chiêm Thành đánh úp biên giới, mò trộm trân châu và việc địa phương bị lấn cướp với vua nhà Minh, mà còn để cảnh báo trước rằng xung đột quân sự thường sẽ dẫn đến sự sụt giảm mạnh thương mại và vì vậy là nguồn thu thuế của bất cứ bên nào đủ xui xẻo có quan hệ kinh tế với hai quốc gia đang lâm trận.
Sau đó ngày mồng 6 tháng 11 âm lịch năm Canh Dần (tức ngày 28 tháng 11 năm 1470) vua Lê Thánh Tông hạ chiếu ban 24 điều quân lệnh cho các doanh các vệ, ra lệnh cho thái sư Đinh Liệt và thái bảo Lê Niệm làm Chinh Lỗ tướng quân, thống lĩnh quân thủy trong các vệ thuộc ba phủ Đông, Nam và Bắc 10 vạn quân xuất phát đi trước.
Ngày 16 vua Lê Thánh Tông thân hành đốc xuất 15 vạn thủy quân, hôm ấy trời mưa nhỏ, gió bấc. Tạ Khắc Hải có câu thơ rằng:
“Bách vạn sư đồ viễn khai hành,
Xao bồng vũ tác nhuận quân thanh.”
(Trăm vạn quân đi đánh cõi xa,
Mui thuyền mưa dội thấm quân ta)
Đến giữa tháng 12 âm lịch, quân Đại Việt vào đến đất Chiêm Thành. Sau đó Lê Thánh Tông cho quân luyện tập thuỷ chiến, ông còn cho người vẽ lại bản đồ nước Chiêm. Ngày mồng sáu tết quân Đại Việt bắt sống được viên quan lại giữ cửa quan của Chiêm Thành tên là Bồng Nga Sa. Lê Thánh Tông còn tự mình soạn ra cuốn Bình Chiêm sách sau đó cho dịch ra chữ Nôm rồi ban phát cho các doanh. Trong Bình Chiêm sách, nói có 10 lẽ tất thắng, có 3 việc đáng lo.
Một bộ súng hỏa mai, cung, súng ngắn, gươm, và giáo, một số đã từng được quân đội nhà Lê sử dụng hiệu quả trong chiến tranh với Chiêm Thành:

Ngày mồng 5 tháng 2 âm lịch (1471) Trà Toàn sai em đem 6 viên tướng và 50000 lính lẻn đến sát doanh trại quân Đại Việt nhằm giúp quân Chiêm có thêm thời gian để lên kế hoạch tác chiến.
Ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch Lê Thánh Tông bí mật sai Tả du kích tướng quân Lê Hi Cát, Hoàng Nhân Thiêm và Tiền phong tướng quân Lê Thế, Trịnh Văn Sái đem hơn 500 chiếc thuyền và 30.000 lính vượt biển, lẻn vào cửa biển Sa Kỳ lập dinh lũy, đặt đồn ải, để chặn đường về của quân Chiêm. Nhà vua còn bí mật sai viên tướng giữ quân bộ là Nguyễn Đức Trung đem quân lẻn đi vào chân núi mai phục.
Vua Lê Thánh Tông thân hành đem hơn 1000 chiếc thuyền và hàng trăm ngàn quân ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ thiên tử vừa đánh trống vừa hò reo tiến thẳng về đằng trước mặt.
Quân Chiêm thấy thế quân Đại Việt lớn, lại trông thấy ngự doanh thì tan vỡ, giày xéo lẫn nhau bỏ chạy về thành Chà Bàn. Khi đến núi Mạc Nô, quân Chiêm gặp toán quân của Hi Cát đã đón sẵn ở đó. Quân Chiêm cuống cuồng sợ hãi, chạy rẽ ngang trèo qua chân núi cao, xác người, ngựa và đồ quân bỏ lại đầy núi đầy đường. Lê Niệm và Ngô Hồng tung quân ra đánh, chém được một đại tướng và thu được rất nhiều chiến lợi phẩm.
Cuộc hành quân không ngừng nghỉ của quân Đại Việt về phương Nam được tiếp tục mà không gặp phải bất kì sự kháng cự nào. Đến ngày 27 tháng 2, thành Thị Nại vỡ, cửa ngõ ra biển Đông rơi vào tay người Việt, dập tắt mọi hi vọng chạy trốn bằng đường biển của người Chăm. Thất bại giờ đã ở trước mắt.
Ngày 28, 29, vua Lê dẫn quân tới vây thành Chà Bàn. Ngày 1 tháng 3, thành Chà Bàn thất thủ, 60 ngàn quân và dân Chiêm Thành bị giết và khoảng 30 ngàn người bị bắt làm nô lệ. Vua Chăm là Bàn La Trà Toàn cũng bị bắt sống giải về Thăng Long và chết trên đường đi.
Tàn tích Chăm trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay tại Mĩ Sơn (hãy chú ý vào những ảnh hưởng Ấn Độ về kiến trúc, bản sắc và ý thức hệ Bà La Môn của vương quốc này):

Vương quốc Chăm, từng một thời là ví dụ nổi bật về tầm ảnh hưởng và sức mạnh của văn minh Ấn Độ trên một lục địa bị tranh giành bởi một đại diện của nền văn minh Trung Hoa, không bao giờ có thể phục hồi được nữa. Nó vẫn sẽ tồn tại ở đó thêm vài trăm năm nữa cho đến khi bị nhà Nguyễn vĩnh viễn xóa tên khỏi bản đồ thế giới.
Một dân tộc kiêu hãnh và hùng mạnh giờ đây đã phải quỳ gối chỉ sau có 114 ngày trước sự tàn bạo không gì ngăn cản được của người Việt vốn không hề có khái niệm lùi bước hay do dự. Tất cả những kẻ chống đối đều ngay lập tức bị nghiền nát dưới bàn tay sắt của hoàng đế. Không có cơ hội nào cho người Chăm, toàn bộ quân đội của họ chỉ có 100,000 lính, tức là chỉ bằng 40% đội quân chinh phạt của Đại Việt. Dù sao thì đối với người Việt thì đây cũng là lợi ích của việc chiếm ưu thế về dân số.
Tuy vậy, sự kiện thành Chà Bàn thất thủ không hề đặt dấu chấm hết cho các nỗ lực kháng chiến chống người Việt trên lãnh thổ Champa hay các nỗ lực đồng hóa và bảo vệ phần lãnh thổ mới chiếm được của Đại Việt. Vua Lê đã ban hành chính sách phát triển kinh tế bằng cách đưa người Kinh vào định cư với số lượng lớn tại những vùng đất mới chiếm được này nhằm đem luật lệ của Đại Việt áp đặt lên bọn man di.
Các loại pháo và đạn dược tương ứng từ thời Lê, được người Việt sử dụng trong các chiến dịch những kẻ láng giềng “man di” của mình:

Đến lúc này, chế độ Đồn Điền (屯田) nổi tiếng từ Trung Hoa đã được người Việt tận dụng triệt để nhằm giữ chắc từng chút, từng chút một phần đất mới chiếm được. Thư viện Quốc hội Hoa Kì lại một lần nữa có nhiều điều để nói về chính sách thời chiến đặc biệt này của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh:
“Trong hệ thống này, các đồn điền quân sự được thành lập, ở đó binh lính và nông dân không có đất khai hoang, trồng lúa trên những vùng đất mới, lập làng xóm và hoạt động dưới dạng một lực lượng dân quân nhằm bảo vệ chúng [đồn điền]. Sau 3 năm, các làng này sẽ được nhập vào hệ thống hành chính của Đại Việt.
Một ngôi đình để cho dân làng hội họp được xây dựng, và những người tham gia xây dựng sẽ được chia đất công do nhà nước giao cho mỗi làng. Phần đất còn lại [sau khi chia xong] sẽ thuộc về nhà nước. Sau khi một khu vực được khai hoang và một ngôi làng được lập ra, quân lính sẽ di chuyển đi khai hoang thêm đất mới.”
Cũng giống như đối với các dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam, các hào trưởng địa phương (hoặc tù trưởng ở miền núi), được bổ nhiệm làm quan, điều này không chỉ nhằm vỗ yên họ, làm cho họ trở nên có lợi cho người Việt thay vì làm gánh nặng, mà còn để dập tắt bất cứ suy nghĩ phản nghịch chống lại Đại Việt nào.
Tập trung hóa quyền lực thường bị vô tác dụng trong các trường hợp này, ít nhất là vào lúc đầu đối với các phần lãnh thổ từng thuộc về người Chăm (nhưng là vĩnh viển đối với vùng cao nguyên), nhưng các vị quan “không mấy chính thống” này vẫn khá thành công trong việc giữ được phần lớn tôn ti trật tự của người Việt.
Tuy vậy, chưa đủ hài lòng với những gì đã có, Đại Việt mau chóng mở rộng về hướng Tây, xâm lược vương quốc Lan Xang của người Lào, vốn đến lúc bấy giờ đã giáp biên giới với Việt Nam được gần 100 năm. Tương tự, kinh đô Luang Prabang đã bị phế bỏ tương tự như trường hợp của thành Đồ Bàn trước đó, nhưng lần này, người Lào đã đẩy lùi được kẻ thù Việt Nam đã hoàn toàn suy kiệt, vốn chỉ có thể chiếm giữ vương quốc được khoảng 2 năm (từ 1478 đến 1480).

Bài dịch của Quan Le được đăng tại group Quora Việt Nam.