Trước đây mình từng đọc một số bài báo nói về việc Minh Mệnh chống tham nhũng, nhìn chung chỉ nói rất sơ lược, đại khái, không có nghiên cứu rõ ràng, không đưa ra được đánh giá toàn cảnh. Nên mình quyết định tự viết 1 bài ghiên cứu để làm rõ vấn đề.

A) Thống kê.
Các từ viết tắt: tr (trang), tk (thống kê).
Trước hết, chúng tôi xác định xác định tiêu chí để thống kê các vụ án và sự việc liên quan đến nạn tham nhũng theo:
- Định nghĩa trong từ điển tiếng Việt:
+) Biển thủ: Lấy cắp tài sản công mà mình có trách nhiệm coi giữ. ([7] tr 63)
+) Hối lộ: Đưa tiền cho người có quyền hành để nhờ làm việc có lợi cho mình, bằng hành vi lạm dụng chức vụ hoặc làm sai pháp luật. ([7] tr 459)
+) Tham nhũng: lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của. ([7] tr 910)
+) Tham ô: Lợi dụng quyền hạn hoặc chức trách để ăn cắp của công. ([7] tr 910)
- Định nghĩa trong Hoàng Việt luật lệ của nhà Nguyễn, với các mục:
+) Điều 230: Đạo nội phủ tài vật (Ăn cắp tài vật trong kho công). ([9] tr 46, 47)
+) Điều 233: Giám thủ tự đạo thương khố tiền lương (Người giám thủ tự đánh cắp tiền lương trong kho). ([9] tr 52, 53)
+) Điều 312: Quan lại thọ tài (Quan lại nhận tiền đút lót).([9] tr 99, 100)
 +) Điều 313: Tọa tang trí tội (Vì tiền tang phải tội).([9]tr 107, 108)
+) Điều 314: Sự hậu thọ tài (Công việc xử xong rồi mới nhận tiền đút lót). ([9]tr 110, 111)
 +)Điều 315: Quan lại thính hứa tài vật (Quan lại nghe theo người hứa hẹn cho tài vật). ([9]tr 111, 112)
+) Điều 316: Hữu sự dĩ tài thỉnh cầu (Nhân có việc đem của đến cầu xin).([9] tr 113, 114)
+) Điều 317: Tại quan cầu sách tá hóa nhân tài vật (Kẻ có việc quan yêu sách vay mượn tài vật của người khác).([9] tr 116, 117)
 +) Điều 318: Gia nhân cầu sách (Người nhà xin mượn).([9] tr 121)
+) Điều 319: Nhân công khao liễm (Nhân việc công bắt đóng góp). ([9]tr 122, 123)
+) Điều 320: Khắc lưu đạo tang (Giữ lại tang vật trộm cướp).([9] tr 125)
- Ngoài ra chúng tôi còn dựa vào luật nhắc tới trong phần bộ Hình của Hội điển nhà Nguyễn, cụ thể:
+) Thu thuế lương lấy mức hộc quá nhiều. ([14] tr 206, 207)
+) Người làm thuê ở kho làm man trá đồ cân đong của kho để bớt xén. ([14]tr 213)
+) Chi mạo số lương công. ([14]tr 213)
+) Ấn giấu man trá gia sản phải sung làm của công. ([14]tr 221, 222)
Phần thống kê dưới đây, chúng tôi liệt kê các sự việc liên quan tới vấn đề tham nhũng thời Minh Mệnh theo thứ tự thời gian.

Năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mệnh thứ nhất (1820).
1) Tháng 1 (tháng 2 dương lịch), Trấn thủ Cao Bằng là Nguyễn Bá Xuyến, Hiệp trấn Cao Bằng là Trần Văn Thái phạm tội nhũng lạm, bị bắt tra xét, tới năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Xuyến bị xử cách chức, Thái thì đã chết nên chỉ truy thu bằng sắc. ([16] tr 40)
2) Tháng 6 (tháng 7), ra chỉ dụ cấm người quản quân được bớt xén vật phẩm, tiền bạc của quân lính. ([16]tr 70, 71)
3) Tháng 9 (tháng 10), nhà vua nghe việc lại dịch từ Quảng Trị trở ra phần đông có thói bớt xén tiền tuất triều đình cấp cho nạn dân, liền ra dụ trách mắng, răn dạy. ([16] tr 92)
4) Tháng 9 (tháng 10), Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý tham lam trái phép, cấp dưới tố cáo hơn 10 tội, Tổng trấn Lê Văn Duyệt tham hặc lên, hạ lệnh bắt giam tra xét, truy ra Lý tham nhũng hơn 2 vạn quan. Tới tháng 5 năm 1821, kết tội tử hình, tịch biên gia sản sung công. ([16] tr 93, 134)
5) Tháng 11 (tháng 12), Trấn thủ Phiên An là Đào Quang Lý, bớt xén tiền công 9 vạn quan, bị tố cáo, triều đình bắt hạ ngục, vì có công lớn, nên miễn tội chết, tịch thu tang vật sung công. Tới tháng 3 năm 1824, được thả, bị giáng chức, cho đi phát vãng chuộc tội, Lý lập được công; tới tháng 8 năm 1825, cho làm Hiệu úy vệ cẩm y, nhưng sau đó cho về hưu sớm. ([16] tr 99, 100)
6) Tháng 11 (tháng 12),Trấn thủ Lạng Sơn là Nguyễn Văn Kiên mắc tội tham nhũng, bị bãi chức.([16] tr100)

 Năm Tân Tỵ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821).
7) Tháng 9 (tháng 10), Cai bạ Định Tường là Phan Văn Thịnh, mượn tiền công quỹ, nhận hối lộ, bị kết tội đồ (giam trong ngục) 5 năm. ([16]tr 155)

Năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822).
8) Tháng 3 (tháng 4), Thự tham tri bộ Lễ là Lê Duy Thanh có tội bị cách chức. Thanh trước làm Hiệp trấn Sơn Nam thượng, vì tham nhũng, việc phát giác, có người tố cáo lên, thành thần cũng tâu lên, giao cho tào Hình ở thành xét hỏi. Người nhà Thanh cùng ty thuộc ở trấn đều đã thú nhận, mà Thanh thì đã phải giải về Kinh trước. Tổng trấn Bắc Thành là Lê Chất đem tội trạng tâu lên. Vua hạ lệnh cất chức, giao xuống bộ Hình xét trị. Khi thành án, phát phối đi Quảng Bình làm việc chuộc tội.([16] tr197)
9) Tháng 3 (tháng 4), Cai bạ Quảng Trị là Nguyễn Cư Tuấn, sách nhiễu, nhận hối lộ 900 quan, bị xử lưu đồ (lưu đày khổ sai) 6 năm, truy thu nửa số tang vật đền cho dân. Sau, con của Tuấn là Cư Sĩ, đeo xích chịu khổ sai thay cha, Minh Mệnh thấy Tuấn là con công thần Nguyễn Cư Trinh, Sĩ là con có hiếu nên tha cho, đuổi Tuấn về quê. ([16] tr 200)
10) Tháng 11 (tháng 12), Lý trưởng ở Quảng Nam là Đặng Văn Diên bớt xén thóc gạo cứu đói cho nạn dân rồi bán lấy tiền, các quan Kinh phái lo việc phát chẩn tra ra, Diên bị xử chém. ([16] tr 243)
11) Tháng 11 (tháng 12), lính ở kho Kinh đô là Đặng Văn Khuê ăn bớt thóc xuất ra trong kho, xử tội chém. ([16]tr 245)
12) Tháng 12 (tháng 1 năm 1823), Cai đội Thị nội Bùi Văn Đệ ăn bớt thuốc súng, sai lính thị vệ hỗ tòng phục dịch riêng cho mình, việc phát giác, bị kết tội trảm giam hậu (giam cầm rồi xử chém) ([16] tr 249, 250)
13) Bắc thành tâu về việc viên thông lại sách nhiễu lấy tiền làm sổ của dân xã và viên ngũ trưởng sách nhiễu lấy tiền hành lý, đều bị xử tội trảm lập quyết. (Không rõ vào thời gian?) ([14] tr 489)
14) Cai đội coi cửa biển Đà Nẵng là Lê Văn Lễ tham nhũng hơn 4 lạng bạc, bộ Hình tâu lên. Bị xử đánh 100 trượng, cách chức, rút tên trong sổ, cấm bổ dụng. (Không rõ vào thời gian?) ([14] tr 489, 490)

Năm Quý Mùi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 4 (1823).
15) Tháng 1 (tháng 2), Đốc học Quảng Nam là Nguyễn Tiêm cho vay nặng lãi, việc phát giác, bị giáng chức, thăng bổ nơi khác ([16] tr 262)
16) Tháng 4 (tháng 5), Thư lại Nội vụ phủ là Lý Hữu Diệm ăn trộm 1 lạng vàng công, bị xử trảm bêu đầu ở chợ Đông. ([16]tr 274, 275)
17) Tháng 10 (tháng 11), Hiệp trấn Tuyên Quang là Phạm Tiến Lượng, hà khắc, nhũng lạm, việc phát giác, bị kết tội giảo giam hậu. ( Giam cầm rồi thắt cổ) ([16] tr 311)
18) Tháng 11 (thang 12), Tri huyện Tuy Viễn (Phú Yên) là Nguyễn Đức Hoa phạm tội tham tang, Lại bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Thận và Lễ bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng dâng sớ xin nhận tội, vì trước kia là người bảo cử Hoa, vua hạ dụ trách mắng và phạt lương bổng 6 tháng, không thấy ghi chép Hoa bị xử lý ra sao?. ([16] tr 315)
19) Tháng 11 (tháng 12 ), Cai bạ Bình Thuận là Trịnh Văn Thành, dung túng người nhà nhận hối lộ, bị cách chức, bắt đi phát vãng ở đạo Cam Lộ để chuộc tội. ([16] tr 321)
 20) Minh Mệnh biết được việc các thượng trà, tiểu sai, nội hầu và thị vệ, khi sai phái đi làm việc, thường có thói sách nhiễu, đòi hối lộ. Vì thế xuống dụ răn dạy, nghiêm cấm truyền bảo cho quan viên, nha lại mọi nơi. ([14] tr 490)

Năm Giáp Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 5 (1824).
21) Tháng 9 (Tháng 10), Trấn thủ Bình Thuận là Mai Gia Cương có tội bị miễn chức. Trước kia, Tri phủ Bình Thuận là Đinh Văn Phác sai người về Kinh tham hặc đích danh Lương về việc Lương quản trấn mà không để ý đến việc dân, gây ra dân tình lại tệ bảy điều, đại lược nói quan lại tham ô bóc lột, hình ngục chẳng xét, đồng lúa tổn hại khám báo không thực. Vua sai chép lời tham hặc đó đưa xuống đối chất, bắt trả lời, Lương không chối cãi được, bị cách chức bắt tra xét. Nay bộ Hình tâu lên xử Lương tội cách chức, phát đi đạo Cam Lộ chuộc tội, y án. ([16] tr377)

Năm Ất Dậu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825).
22) Tháng 1 (tháng 2), Trấn thủ Bình Hoà là Nguyễn Văn Lượng có tội bị miễn chức. Trước đây người Man nộp thuế ở hai nguồn Đồng Hương, Đồng Nãi vì cai quan là Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Toán, Nguyễn Văn Mão đã hà lạm sách nhiễu nên nổi dậy, giết và đánh bị thương lại dịch. Nguyễn Văn Lượng cùng Hiệp lý là Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Cửu Khánh nghe báo tin liền tập hợp binh và voi tâu xin tiến đánh. Minh Mệnh hạ lệnh cho Khánh ở lại giữ trấn thành, 2 người còn lại tiến trước, nhưng không được đánh dẹp bừa bãi, phải chọn người đến các sách Man dụ hàng họ trước. Rốt cuộc Lượng đánh mãi không có kết quả gì, bị giải chức bắt về kinh tra xét, cử Nguyễn Văn Quế làm Trấn thủ thay Lượng. Sau Quế chiêu dụ được dân nổi dậy, nhưng Hưng lại tâu man là mình cùng Lượng đã có công chiêu dụ, vua giận vì thói tranh công, liền hạ lệnh bắt cả Hưng và Khánh vào kinh tra xét. Rồi sai điều tra một lượt, kết quả, Lượng và Hưng bị xử phát đi sung quân ở các đồn bảo dọc biên giới Quảng Ngãi sau đổi thành phát đi Cam Lộ làm lính ; Khánh bị phát đi đạo Cam Lộ ra sức chuộc tội ; bọn Xuân, Toán và Mão đều bị tội sung quân. ([16] tr 112, 113, 124)

23) Tháng 6 (tháng 7), Trưởng chi đồn Uy Viễn, Gia Định, là Kiên Xác nhân lệnh đổi y phục, lừa nhận hối lộ 800 quan tiền của dân Phiên, bị Tổng trấn Lê Văn Duyệt biết được, Kiên Xác ngầm hối lộ Duyệt 1000 quan, bị Duyệt từ chối rồi tố giác hết lên, xin đem chém để răn đe, vua chuẩn y. ([16] tr 434)
24) Tháng 12 (tháng 1 năm 1826), Thuyền vận tải của triều đình từ Quảng Bình ra, có kẻ trộm lấy tiền công, rồi đục thuyền đắm, nói dối là gió lớn làm đắm. Tra ra, tất cả đều bị đem chém (không có ghi chép cụ thể số người bị chém), những viên cai quản bị giáng phạt bắt đền tang vật. ([16] tr 471)

Năm Bính Tuất, niên hiệu Minh Mệnh thứ 7 (1826).
25) Tháng 7 (tháng 8), trước ở ty Vũ Khố có mất trộm con voi bằng vàng, giám lâm Hoàng Văn Tâm ngờ cho khố lại là Trương Văn Tùng, xin giao cho bộ Hình tra hỏi. Tùng đành nhận liều. Chợt có người tố cáo kẻ trộm là Bùi Hữu Tuấn và Nguyễn Văn Thực. Nhưng Tuấn đã bỏ trốn, vua sai các khâm phái là Lương Tiến Tường, Hoàng Kim Xán, Lê Văn Hoan, Nguyễn Văn Lộc tra xét lại, thì quả Tùng bị oan, nhưng quan khâm phái cho là chưa bắt được Tuấn nên xin chưa vội giải oan cho Tùng, bị vua bác đi. Kết quả giám lâm Hoàng Văn Tâm bị giáng 2 cấp, cả 4 quan khâm phái bị cắt lương bổng 1 năm, Nguyễn Văn Thực xử giảo giam hậu. Trương Văn Tùng chịu đau đớn oan, lấy ở Hình bộ và Vũ Khố 10 lạng bạc cấp cho. ([16] tr521)
26) Tháng 7 (tháng 8), Phó sứ Thương bạc là Nguyễn Văn Thai, lợi dụng lệnh tha giảm thuế lệ cho thuyền buôn mà thu lạm thuế. Việc phát giác  bị bộ Hình bắt tra xét, các Thiêm sự là Đoàn Khiêm Quang, Trương Vân Loan, Nguyễn Công Hoán, Hà Thúc Đông lại nói Thai chỉ hiểu lầm lệnh ra chứ không cố tình tham nhũng, xin xử đánh 70 trượng là đủ. Minh Mệnh gạt lời bàn của các Thiêm sự, vì cho là có ý bênh can phạm. Rốt cuộc, Thai bị xử đánh trượng, cách chức, phát đi hiệu lực ở Bảo Hóa, trả lại tiền cho các nhà buôn. Đoàn Khiêm Quang và Trương Vân Loan đã bị thực giáng được miễn xử, Nguyễn Công Hoán và Hà Thúc Đông đều giáng 2 cấp. ([16] tr 521)
27) Tháng 8 (tháng 9), Cai đội Tuần bạc là Trần Văn Toản cùng Thương bạc ty Vũ Hữu Tần đến Đà Nẵng chọn mua hàng hoá của thương nhân Pháp, có nhiều sự tham lam, bị người buôn khinh rẻ. Việc đến tai vua. Vua giận vì làm mất quốc thể, Toản bị cách chức, phát làm lính vệ Tả hộ làm việc khổ sai, Tần bị đánh 100 hồng côn, đóng gông nặng 1 tháng, rồi cách chức, cũng bắt phát làm lính Tả hộ chịu khổ sai. ([16]tr 535)
28) Tháng 8 (tháng 9), nhà vua phát giác ra việc các chức dịch ở kho Kinh đô thường xuyên tham nhũng, bớt xén của công trong kho, nghĩ rằng ở kho Kinh đã thế thì kho ở Gia Định, Bắc thành và các địa phương còn tệ hơn, nên hạ lệnh cho quan lại phải trù tính và giám sát. Sau đó chuẩn y lời nghị rằng kho ở Bắc thành cứ tới khóa thanh tra 3 năm thì thay đổi các binh lính coi kho và chủ thủ, ở Gia Định thì bổ sung thêm lính coi kho từ dân địa phương, thường xuyên thanh tra nghiêm ngặt. ([16] tr 536)
29) Tháng 10 (tháng 11), lại dịch kho Kinh đô là Trần Công Trung đòi ăn tiền hối lộ, bị phát giác, kết tội xử chém ở chợ Đông, tòng phạm bị sung quân, các giám lâm, chủ thủ đều bị giáng chức. ([16] tr 543)

Năm Đinh Hợi, niên hiệu Minh Mạng thứ 8 (1827).
30) Tháng 2 (tháng 3), Cai đội kho Phú Nhuận ở Kinh đô là Nguyễn Văn Thắng, mài miệng bát đong bằng đồng để ăn bớt gạo thóc công. Giao cho bộ Hình trị tội, không thấy nói rõ là bị trị tội gì? ([16] tr 578)
31) Tháng 4 (tháng 5), sau khi dập tắt cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành, triều đình cử Kinh lược sứ Nguyễn Văn Hiếu, Hoàng Kim Xán về Nam Định an dân và thanh tra quan lại.
Cai án Nam Định là Phạm Thanh và Thư ký là Bùi Khắc Kham bị dân kiện về các việc gian tệ, tham nhũng, riêng Kham bị Kinh lược sứ điều tra ra việc lừa gạt dân rồi lấn chiếm 20 mẫu ruộng công cho tá canh của xã Mỹ Xá, khi bị tra xét, còn giảo biện cãi. Cả 2 sợ tội bỏ trốn, sau bắt lại được, bị kết tội chết, đem ra giữa chợ chém ngang lưng, bêu đầu, tài sản đem bán lấy tiền, phát chẩn cho dân nghèo. Cấp trên là Đỗ Văn Thịnh, Trần Chính Đức, Vũ Văn Khuê không biết cai quản nên đều bị cách lưu, mang tội làm việc. ([16] tr 603, 604; [2] tr 56, 57)
32) Tháng 4 (tháng 5), Tri phủ Kiến Xương (Nam Định) là Nguyễn Công Tuy bị Kinh lược sứ vạch tội tham tang, Đồng Tri phủ Ứng Hòa là Phan Thọ Vực, Tri huyện Đại An là Nguyễn Văn Nghiêm bị Kinh lược sứ tố cáo dung túng nha lại tham nhũng, Tuy bị khép tội tử hình, Nghiêm kết tội cách chức. Còn quan phủ huyện khác không xứng chức đều bãi. Những lại dịch ở Thừa ty hai trấn cùng ở phủ huyện thuộc tỉnh Nam Định bị kiện, bị bắt hỏi và trốn đi có hàng trăm người (Không ghi rõ con số cụ thể bao nhiêu) ([16]tr 604)
33) Tháng 5 (tháng 6), Minh Mệnh nghe đến việc nha lại và dân chúng ở Bắc thành đã dung túng các mối tệ lậu và tham nhũng đã lâu, liền xuống dụ răn dạy về việc giữ liêm chính, công bằng ở các sở như Hình tào, Hộ tào, Binh tào, Cục tạo tác hoặc ở các việc như thuế má, kiện tụng, trị an....([16]tr 615, 616, 617)
34) Tháng 5 (tháng 6), Chánh quản cơ thủy quân Gia Định là Nguyễn Văn Vân, áp tải thuyền chở tiền từ Huế đến Gia Định, nhận đút lót để cho các tiểu sai chở kèm gỗ lậu. Việc phát giác, bị giáng làm đội trưởng, 2 tiểu sai đồng phạm là Mai Đức Hiến, Nguyễn Văn Pháp bị đánh 100 trượng, phát vãng làm lính ở cơ Định man đạo Cam Lộ. ([16]tr 630)
35) Tháng 6 (tháng 7), Vệ úy vệ Phấn Võ là Lê Văn Giai, Cai Án Nghệ An là Nguyễn Huy Lệ, Án thủ châu Quy Hợp là Trần Văn Giá, sách nhiễu tiền dân Man Ba Động, bị Phan Văn Thúy điều tra tâu lên, đều bị cách chức, đem tang vật trả cho dân. ([16]tr 636)
36) Tháng 6 (tháng 7), Thự Hiệp trấn Vĩnh Thanh là Vũ Huy Đạt có tội phải miễn chức. Đạt tham tang, bị liêu thuộc tố cáo, thành thần Gia Định tham hặc lên, Đạt bị cách chức tra xét, tìm ra việc tham tang 130 lạng bạc, bị xử giảo giam hậu. ([16] tr639)
37) Tháng 6 (tháng 7), Chủ thủ kho Kinh đô là Đỗ Văn Tín, lấy trộm gạo trong kho, bị kết tội trảm giam hậu, quan bộ Hộ cai quản không nghiêm bị giáng chức ([16] tr 639)
38) Tháng 7 (tháng 8), Tri phủ Hà Hoa là Phan Nhật Tỉnh làm quan tham nhũng, bị dân kiện. Tỉnh dàn xếp với người kiện mình, dân lại bãi kiện, trấn thần Nghệ An tham hặc lên, Tỉnh bị cách chức tra xét. Cuối cùng, bị xử tội đồ, người kiện cũng bị đánh 80 trượng do khiếu kiện và bãi kiện tùy tiện. ([16] tr 645)
39) Tháng 8 (tháng 9), Cai cơ Thượng trà viện quân hàm Phó Vệ úy là Trần Hưng Hòa, bị phát hiện tham nhũng, đánh 100 trượng, cách chức, phát vãn đi đạo Cam Lộ chuộc tội, sau được thả. ([16] tr 664)
40) Tháng 9 (tháng 10), Thi thự huyện thừa Lễ Dương là Nguyễn Duy Hòa, ăn bớt tiền ân thưởng, việc phát giác, bị khép tội lưu. ([16] tr 670)
41) Tháng 10 (tháng 11), Minh Mệnh lại hạ lời dụ nghiêm răn về thói tệ của quan lại Bắc Thành, đại ý rằng trước đây các trấn Bắc Thành giặc cướp nổi nhiều phần đông vì quan lại không lo cho dân, chỉ lo tham tang đục khoét vơ vét cho đầy túi, tình tệ như thế đã rành rành, từ nay đều phải biết hối lỗi tự răn, giữ trong sạch, theo phép công, lo cho địa hạt được yên ổn. Nếu không thì sẽ có phép tắc nhà nước xử. ([16] tr 676)

Năm Mậu Tý, niên hiệu Minh Mệnh thứ  9 (1828).
 42) Tháng 4 (tháng 5), Thự Hữu thị lang bộ Công kiêm quản Nội vụ phủ là Lê Bá Tụ, mượn tiền công tiêu riêng, bị kết tội cách chức, đeo gông 1 tháng, hết hạn đánh 100 trượng, phát vãng làm lính. ([16] tr 729)
43) Tháng 5 (tháng 6), Tả Tham tri bộ Hộ lĩnh Hộ tào Bắc thành Trần Nhật Vĩnh bị tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt tham hặc, tố cáo khi Vĩnh còn tại chức ở Gia Định đã tham nhũng, lộng quyền, bức hại dân chúng nghiêm trọng, nhưng khi đó cấp dưới và dân chúng sợ oai, không dám lên tiếng. Nay Vĩnh vừa được chuyển ra Bắc thành 1 tháng, dân chúng đồng loạt gửi đơn kiện lên Lê Văn Duyệt, Vĩnh bị bắt hạ ngục, Lê Văn Duyệt cũng tự tham tấu mình vì dùng nhầm người, xin chịu tội, nhưng được vua bỏ qua, chỉ răn dạy mấy điều. Tới tháng 2 (tháng 3) năm 1829, Vĩnh bị kết tội nhũng lạm, vi phạm hơn 30 khoản, đem xử trảm lập quyết ở chợ Đông, mang thủ cấp về Gia Định bêu, tịch biên gia sản, tổng cộng được 128.000 quan tiền (12 vạn lạng bạc). ([16] tr 744, 745, 830)
44) Tháng 7 (tháng 8), Thư lại Hoàng Thiên Chiểu nhũng lạm quân lính ở đội Tiền nhị quân, bị xử sung quân, sau đó đổi thành trảm giam hậu. Vệ úy Tiền nhị quân Trần Văn Lộc không biết cai quản, giáng chức đổi đi nơi khác. Những người liên quan là Hồ Công Sự đánh 100 trượng, cách chức đóng gông 2 tháng; Lê Văn Lực đánh 100 trượng, cách chức đóng gông 1 tháng; hết hạn cả Lực và Sự bị phát vãng đi Cam Lộ chuộc tội; Bùi Văn Nghĩa đánh 80 trượng, giáng cấp xuống cửu phẩm; Nguyễn Văn Trọng giáng 1 cấp được lưu chức. ([16]tr 757; [13] tr 492)
45) Tháng 8 (tháng 9), Trấn thủ Thái Nguyên là Phan Văn Hài tham nhũng của quan võ dưới quyền và xử kiện thiên vị, bị giáng chức làm Quản cơ, sau đó bắt về hưu sớm. ([16] tr 758)
46) Tháng 8 (tháng 9), Đốc học Nam Định là Thái Doãn Tư dung túng người nhà đòi tiền học trò gần 700 quan, bị giáng chức, bắt đi phát vãng tại đạo Cam Lộ để chuộc tội, được 3 năm tha cho về làng ([16] tr 758)
47) Tháng 9 (tháng 10), Quản phủ Từ Sơn là Phan Văn Hiền nhận riêng tiền nghỉ việc của quân nhân và tự tiện đem thóc công cho vay để lấy lãi, Bắc Thành xử bắt tội đồ. Nhưng Minh Mệnh hạ dụ xuống cho bộ Hình, bắt xử trảm giam hậu để răn đe. ([16] tr 765, 766)
48) Tháng 9 (tháng 10), Lĩnh Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ dâng sớ tố cáo nạn cường hào ở Bắc thành, đại ý nói rằng cái hại của quan lại là 1, 2 phần 10, cái hại hào cường đến 8, 9 phần 10, gây hậu quả nghiêm trọng cho dân chúng. Cường hào kéo bè cánh, bóc lột nhũng nhiễu vô số, lũng đoạn đất công, ẩn lậu đinh điền, vơ vét cho đầy túi, bắt dân phục dịch riêng. Dân nghèo không kêu vào đâu được. Vậy để ngăn chặn, trước xin sửa luật cho nghiêm và bãi lệ thuê mướn ruộng đất công. Sớ giao xuống cho đình thần bàn, ý kiến đưa lên là sửa luật pháp nghiêm để trị cường hào thì nên, nhưng bãi lệ thuê mướn ruộng đất công thì chưa được, vì như vậy lại càng hại cho dân nghèo chưa có đất hơn. Vua theo lời bàn. ([16] tr 766)
49) Tháng 11 (tháng 12), Tri phủ Thiên Trường là Nguyễn Thường, mắc tội tham nhũng, bị xử giảo giam hậu, con là Huyễn xin chịu tội thay cho cha, vua không cho, rồi từ đó cấm hẳn việc thân nhân xin chịu tội thay. ([16]tr 786, 787)
50) Tháng 12 (tháng 1 năm 1830), Hiệp trấn Quảng Bình Trần Bá Kiên dung túng người nhà đòi hối lộ và xử án sai, việc phát giác, bị cách chức. ([16]tr 805)

Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 10 (1829).
51) Tháng 1 (tháng 2), Các quan giám tu, đốc tu, thừa tu coi việc đắp đê ở hạt Sơn Nam, Sơn Tây, Bắc Ninh, tiêu lạm tiền đắp đê, bị bắt bồi hoàn, chiếu luật tham tang mà xử. ([16] tr 817)
52) Tháng 1 (tháng 2), Trấn thủ Thanh Hoa là Lê Văn Hiếu, Hiệp trấn là Đoàn Viết Nguyên, nhân việc tỉnh cho đấu giá thuế cửa quan và bến đò, đều để người nhà nhận hối lộ và quà cảm tạ của người lĩnh thầu, việc phát giác, triều đình sai quan kinh phái xuống điều tra. Kết quả, Hiếu bị giáng chức, bắt đi hiệu lực ở Điện Hải; Nguyên cũng bị cách chức, bắt đi hiệu lực ở Nghệ An. ([16] tr 817)
53) Tháng 1 (tháng 2), Thượng thư bộ Lại là Trần Lợi Trinh trước kia tư túi nhận giữ hộ tài sản của can phạm Trần Nhật Vĩnh, đến khi Vĩnh bị truy ra án tham nhũng thì Trinh dâng sớ tự bày tỏ lên, làm như không biết gì, bị xử cách chức, nhưng tới lúc này Trinh đã mất, nên chỉ truy giáng từ Thượng Thư xuống Tham tri. Thượng thư bộ Hộ Lương Tiến Tường, cùng phạm tội như Trinh, nhưng mức độ nhẹ hơn, bị xử phạt (không nói rõ là hình phạt gì). ([16] tr 818)
54) Tháng 3 (tháng 4), Trấn thủ Phiên An là Phạm Văn Châu, Cai bạ là Nguyễn Bá Uông, Thiêm sự Hình bộ Quyền nhiếp hiệp trấn Phiên An là Ngô Đức Chính, đều là tòng phạm trong vụ tham nhũng của Trần Nhật Vĩnh, bị xử cách chức. ([16]tr 830)
55) Tháng 4 (tháng 5), Lĩnh Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ dâng sớ rằng : “Trước ở Nam Định lượng đo số ruộng bỏ không ở các xã huyện Giao Thuỷ mà chia lập làng ấp. Có dân xã Liêu Đông là Phạm Nguyên Trung đem 70 lạng bạc nhờ người theo hầu là Lê Đình Thọ kêu xin, lại có dân xã An Đạo là Ngô Huy Phác đem 90 lạng bạc đến nơi ngụ sở kêu xin, đã đem người và tang đến Nam Định giam giữ để đợi án”. Sớ giao xuống cho quan Bắc thành bàn, tâu lên rằng Trứ làm quá sự việc lên, cốt mua tiếng ngay thẳng, làm rác tai vua, xin giáng Trứ 3 cấp, kẻ đưa hối lộ đánh trượng rồi tha. Minh Mệnh gạt lời tâu, cho rằng Trứ làm vậy là ngay thẳng giữ nghiêm phép nước, cho miễn nghị, truyền chỉ trách mắng thành thần Bắc thành, kẻ đưa hối lộ xử theo đúng tội trong luật. ([16] tr 853, 854)
56) Tháng 5 (tháng 6), Thự Hữu Tham tri lĩnh Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ về Kinh phục mệnh, nhân tâu rằng lên việc: “Khi trước đo đạc số hoang ở Ninh Bình, có khu ruộng, đất hoang ở xã Bồng Hải, khi bắt đầu phái đạc thì trội ra hơn 720 mẫu, dân không chịu ký nhận. Lại phái đạc lại chỉ trội lên có hơn 300 mẫu, ấy đều là do tệ lại dịch hào cường thông đồng giấu bớt. Muốn cứu xét lại thì địa thế xứ ấy là rộng, không phải 1, 2 tháng mà làm xong được nên không dám lưu lại để làm. Nay xin sắc cho đạo thần đạc lại, lấy số ruộng trội chia lập làng ấp, để gây nghiệp cho dân nghèo, mà trị tội kẻ gian giấu”.
Sớ tâu xuống cho đình thần duyệt, tâu lên là đo đạc ruộng đất là đáng, nhưng chưa vội làm ngay, trước hết hãy họp đám cường hào lại, răn đe buộc chúng phải thú hết số ruộng ẩn lậu, biển thủ, nếu còn giấu thì sau đến lúc đo đạc mà tìm ra, trị tội nặng hơn 1 bậc. Vua cho là phải, sau đám cường hào thú ra đã biển thủ ruộng lậu hơn 630 mẫu, và số ruộng hoang đã khai khẩn mà lậu thuế hơn 400 mẫu. ([16] tr 857, 858)
57) Tháng 7 (tháng 8), Minh Mạng biết được thói tệ nhũng lại, làm việc tác trách của quan lại ở các địa phương, như bán cấp giấy đi đường, đòi tiền khi cấp giấy thông hành, đồn canh cửa biển bày vẽ nhiều việc để ngăn trở, muốn yêu sách lòng riêng, để công việc ứ đọng…nên dụ xuống cho bộ Lại phải thường có lời cảnh cáo răn đe. ([16]tr 877, 878)
58) Tháng 10 (tháng 11), Thự tả tham tri bộ Hộ là Lý Văn Phức, nhận hối lộ 100 lạng bạc của thương nhân, hứa sẽ đề đạt với bộ Hộ, cho họ được thắng thầu quyền trưng thuế cửa quan ở Bắc thành, bị kết tội giảo giam hậu, sau đó được tha, cho đi phát vãng hiệu lực đường biển. Hữu tham tri Thân Văn Quyền nhận quà sau khi làm xong việc, bị giáng chức; Thượng thư Lương Tiến Tường, tuy không biết việc, nhưng đã nhận quà hối lộ, vẫn bị giáng 2 cấp lưu ([16] tr 903)
59) Tháng 11 (tháng 12), bãi bỏ việc Gia Định mua ngà voi và đậu khấu cho triều đình. Trước đây, lợi dụng thu mua 2 sản vật này, các quan địa phương hoặc bắt ép bán rẻ, hoặc bày cách lấy không, nhân việc công làm việc tư, biếu người quyền quý. Các lại dịch nhân đó bậy bạ làm càn, lấy nặng thêm để bù hao, đến nỗi lái buôn và thương hộ oán thán. ([16] tr 917)
60) Bắc thành tâu lên việc Đội trưởng Bùi Hữu Quốc tham nhũng của lính dưới quyền, Minh Mệnh hạ lệnh xử trảm giam hậu, đồng phạm là Nguyễn Đức Trạch và Vũ Phú Chức đóng gông nặng 1 tháng, hết hạn đánh 100 trượng, giáng làm binh ở đội ngũ. (Không rõ thời gian?). ([13]tr 493)
Năm Canh Dần, niên hiệu Minh Mệnh thứ 11 (1830).
61) Tháng 2 (tháng 3), Hữu thị lang bộ Công là Lê Công Tường trước kia khi đi bán đường cho lái buôn Pháp đã nhận hối lộ, tráo đường hạng nhất xuống hạng 2, việc phát giác, bị cách chức, sau đó phạt đi hiệu lực ở Sở nội tạo.([17] tr 17)
62) Tháng 4 (tháng 5), Thự Lang trung Hình bộ Nhữ Bá Sĩ, Viên ngoại lang Hộ bộ Phạm Hà Xán khi đến Quảng Ngãi mua đường trắng, đã thông đồng với nha lại địa phương sách nhiễu tiền của dân và các hộ buôn đường, trấn thần Quảng Ngãi tham hặc lên, cả 2 bị xử giảo giam hậu. ([17]tr 46)

Năm Tân Mão, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831).
63) Tháng 1 (tháng 2), Khố lại vũ khố là Hoàng Hữu Nhẫn, ăn bớt son bạc, bị tội giảo, đem đến cửa Vũ khố thắt cổ, rồi chặt một bàn tay đem treo, bắt tất cả quan lại Vũ khố phải đến xem làm gương. Thứ phạm là Dương Trọng Túc phạt đóng gông nặng 2 tháng, hết hạn, đánh 100 hồng côn rồi phát làm lính thú ở Ai Lao. Đồng phạm nhưng không can dự là Tư vụ Lê Viết Triêm cùng năm người khác đều cách chức đóng gông nặng 1 tháng, hết hạn đánh 100 trượng, phát làm lính phủ Thừa Thiên. Giám lâm Trần Tử Vân, Viên ngoại lang Nguyễn Đăng Tín, Thị lang Hồ Hữu Thẩm không biết cai quản, lại tìm cách dấu tội, Vân và Tín bị cách chức, đóng gông nặng 1 tháng, hết hạn đánh 100 trượng, phát vãn đến đài Điện Hải; Thẩm vì già yếu lòa điếc nên chỉ bị cách chức đuổi về quê. ([17]tr 132, 133)
64) Tháng 3 (tháng 4), Trấn thủ Thanh Hoa là Hồ Văn Trương, Tham hiệp Nam Định là Nguyễn Văn Thắng, dung túng người nhà đầu cơ gỗ lim, lạm chi tiền công hơn 50.000 quan,  Thượng thư bộ Công Nguyễn Kim Bảng tra ra rồi tham hặc, cả 2 đều bị cách chức, bắt giam, niêm phong gia sản. Sau thì Trương bị xử giảo giam hậu,(nhưng sau chết trong tù), Thắng bị xử trảm giam hậu, đồng sự là Nguyên Hiệp trấn Tôn Thất Lương bị cách chức, đi phát vãn đài Trấn Hải chuộc tội. ([17] tr 155, 156)
65) Tháng 4 (tháng 5), Chủ thủ vũ khố Lê Công Dực cân thu kẽm, nộp thiếu tới 1000 cân, khi cho người cân lại thì lại thừa ra 500 cân, Dực bị xử cách chức, phát vãn đi làm lính đồn thú ở Ai Lao. ([17]tr 173)
66) Tháng 10 (tháng 11), Tư vụ nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên, ăn bớt nhựa thơm, bị xử chặt một tay đem treo, rồi cách chức. ([17]tr 245)
67) Tháng 11 (tháng 12), Thự Hiệp trấn Hà Tiên là Nguyễn Hựu Dự bị xử cách chức. Trước kia, ở trấn có thuyền người Thanh đến buôn lậu thuốc phiện, bị bắt được, khi tịch thu tài sản của phạm nhân thì trị giá tiền là 2 vạn quan, đến lúc nộp vào kho công chỉ có 3000. Việc phát giác, thành thần Gia Định tham hặc tố cáo Dự là người đã bớt xén, Dự bị bắt tra xét, kết quả đúng như lời tố cáo, Dự bị cách chức. ([17], tr249)

Năm Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mạng thứ 13 (1832).
68) Tháng 3 (tháng 4), lại dịch coi kho Sơn Tây là Đinh Văn Tăng do không yêu sách được lính cơ trong tỉnh đến lĩnh lương, nên khi cấp thóc gạo cho lính đã bớt xén, bị Tổng đốc Sơn Tây là Lê Đại Cương cho dò xét, bắt quả tang, Tăng bị xử trảm, rồi chặt bàn tay, ướp muối, treo vĩnh viễn ở cửa kho. ([17], tr 299)
69) Tháng 3 (tháng 4), Lại dịch coi kho Xích Đằng là Nguyễn Đình Hiển và Lê Văn Thanh ở Sơn Nam và Hải Dương, chủ xướng việc đẽo trũng hộc đong gạo để lạm thu, bị xử chém bêu đầu, đục 1 mảnh xương sọ, treo vĩnh viễn ở cửa kho làm gương. Những người liên quan còn lại đều lần lượt bị chém, giảo, xung quân, lưu có thứ bậc khác nhau (không ghi rõ con số bao nhiêu). Quan trấn 2 nơi đều bị giáng chức. ([17]tr 299)
70) Tháng 5 (tháng 6), Tham hiệp Hà Tiên là Trần Văn Đản, can vào vụ án nguyên Hiệp trấn Nguyễn Hựu Dự xâm phạm bớt xén tài sản của kẻ phạm tội năm 1831, bị cách chức. ([17] tr 313)
71) Tháng 5 (tháng 6), truy luận tội Khâm sai thống chế Nguyên bảo hộ Chân Lạp là Nguyễn Văn Thụy. Trước đây, Lê Văn Duyệt tham hặc khi Thụy còn nắm quyền bảo hộ Chân Lạp, đã sách nhiễu dân phiên trấn, bắt nộp gỗ quý, lại bắt phục dịch không công, cộng thêm với các tội trước đó đã biết như tự ý xây cất các công trình, ép thương hộ bán rẻ vật phẩm nhà nước thu mua để biển thủ, tham tang. Nay bộ Hình kết án rồi tâu lên, tuy Thụy đã chết, triều đình vẫn luận tội, truy giáng Thụy xuống ngũ phẩm, tước tập ấm của con cháu, bắt lấy gia sản đền lại cho dân trấn. ([17]tr 320)
72) Tháng 9 (tháng 10), Quyền tổng trấn Gia Định là Nguyễn Văn Quế (thay cho Lê Văn Duyệt mất tháng 8), tham hặc khi xét nhà con nuôi Lê Văn Duyệt là Lê Văn Yến, tìm thấy giấy tờ đóng ấn “Quốc gia tín bảo” và “Công đồng chi ấn” (là 2 loại ấn công của nhà nước, tư nhân không được phép chế và dùng); sau đó lại tìm thấy 1070 khối gỗ táu, gỗ dầu mà Lê Văn Duyệt trữ riêng. Minh Mệnh hạ lệnh ghi số gỗ vào sổ rồi tiến hành tra xét tổng thể. ([17]tr 371)
73) Tháng 9 (tháng 10), Quản phủ Lâm Thao là Phạm Nhữ Quá, coi việc sửa phủ thành, nhân đó yên sách đòi nhận hối lộ, lại ăn chặn tiền, gạo của phu dịch, bị xử tội đồ. ([17], tr 376)
74) Tháng 10 (tháng 11), Bố chính Quảng Bình là Nguyễn Công Thiện trong kỳ thu thuế bác bỏ chê bai thóc nộp thuế của dân, lại sai thuộc hạ bắt dân làm khế khoán để lấy lợi. Vua phái thự Đại lý Tự khanh Nguyễn Công Hoán và thự Lại khoa Cấp sự trung Ngô Dưỡng Hạo đi tra xét sự việc. Kết quả, Thiện bị xử cách chức, bắt đi phát vãng làm lính đồn trấn biên giới ở Quảng Ngãi. ([17] tr 404)
75) Tháng 10 (tháng 11), Tuần phủ Ninh Bình mới bổ nhiệm là Hoàng Công Tài, trước khi làm Bố chính ở Quảng Nam, lén lút đóng thuyền chế tín bài, làm nhiều điều trái phép. Đến khi có lệnh gọi vào Kinh, Tài lại cáo ốm xin nghỉ, để tẩu tán của riêng. Bấy giờ Ngự sử Lê Hữu Bản nhân đi chuyến sai, dò biết được thực trạng, về tâu.Vua sai Đô sát viện Tả phó đô ngự sử là Phan Bá Đạt, đem ty viên bộ Hình và lính trấn phủ mang cờ biển đi tra xét, gặp Tài ở giữa đường, kiểm soát hòm riêng, bắt được thuốc phiện lậu. Tài sợ tội, đâm đầu xuống sông định tự tử. Bá Đạt đem việc tâu lên. Vua ra lệnh lập tức cách chức bắt giam để xét hỏi, xử tội. Khi thành án, Tài bị tội trảm giam hậu. ([17]tr 409)
76) Tháng 11 (tháng 12), bộ Hình tâu lên tra xét về việc thiếu hụt 1 vạn hộ thóc gạo ở kho Kinh đô, vụ việc xảy ra năm 1829, liên đới đến hơn 200 người, đều đã bị bắt giam, nhưng tới nay vẫn chưa xử dứt điểm. Minh Mệnh hạ chỉ, lại dịch là Lê Văn Phiếm và Nguyễn Đột chủ xướng bán thóc gạo trong kho ra, có bằng chứng nhiều nhất, xử trảm lập quyết, bọn Đoàn Công Thiện 4 người, bị xử trảm giam hậu. Còn lại hoặc bị tội đồ, lưu, phạt trượng, đóng gông, cách chức hoặc tha bổng, con số cụ thể không rõ bao nhiêu. ([17] tr 424, 425)

Năm Quý Tỵ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 14 (1833).
77) Tháng 1(tháng 2), Bố chính Quảng Ngãi là Lưu Đình Luyện cùng thuộc hạ trong tỉnh nhận quà biếu của thương nhân nhà Thanh để giảm thuế thuyền buôn, tham tang 180 lạng bạc. Việc phát giác, Luyện bị giải chức chờ tra xét, triều đình phái Tả phó Đô ngự sử viện Đô sát là Hà Duy Phiên và Ngự sử Lê Bình Trung đến tra án. Đến tháng 4 (tháng 5) thì dâng án lên, Luyện bị xử tội đồ 5 năm. ([17] tr459)
78) Tháng 1 (tháng 2), Thị vệ Hoàng Văn Tường và Lê Quang Chúng, nhân đi công sai nhận ăn hối lộ của thương nhân Gia Định, rồi cầu xin việc hộ cho. Việc phát giác, Tường và Chúng đều bị xử tội giảo giam hậu. ([17]tr463)
79) Tháng 3 (tháng 4), Tổng đốc An Biên Nguyễn Văn Quế tham hặc việc năm 1832, thuộc hạ cũ của Lê Văn Duyệt là Vệ úy Hồ Văn Triệu, Phó vệ úy Nguyễn Văn Bột và Nguyễn Hữu Khôi (Lê Văn Khôi), dựa thế Lê Văn Duyệt, đem biền binh đi chặt gỗ quý, có kẻ tích riêng đem bán cho người Thanh, có kẻ đem đóng thuyền. Tất cả bị xử cách chức, giao cho Án Sát ty Phiên An tra xét. (Vụ án này chính là giọt nước làm tràn ly,  dẫn tới tháng 5 năm đó Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An khởi loạn) ([17] tr 491)
80) Tháng 3 (tháng 4), Tuần phủ Hưng Yên Nguyễn Đức Nhuận, trước kia dung túng người nhà sách nhiễu tài vật dân chúng, bị dân trong tỉnh kiện, vua hạ lệnh cách chức, giải vào kinh đợi xét. Tới tháng 7 (tháng 8), Hộ lý Tuần phủ Hưng Yên là Vũ Tuấn tham hặc Nhuận là khi đổng lý việc xây thành đã chi lạm tiền công 120.000 quan mà không biên vào sổ chi tiêu. Cộng cả 2 án lại, Nhuận bị kết tội trảm giam hậu, đồng phạm là Lãnh binh Trần Văn Tảo bị án tương tự, nhưng Nhuận đã chết trong tù, tuy vậy vẫn sai công bố rõ tội danh để răn đe. ([17]tr 491, tr 664)
81) Tháng 5 (tháng 6), Thự giám sát Ngự sử đạo Hải – Yên là Lê Đức Tiêm tâu lên việc ở Bắc kỳ quan địa phương mua các vật hạng, chỉ căn cứ vào số người trong sổ đinh mà bắt chia nhau cáng đáng, đến nỗi người không sản xuất, mặc dù vật giá cao, cũng phải mua, bọn hào lý, chức dịch nhân đó lại sách nhiễu khiến dân chúng khổ sở. Vua dụ xuống cho bộ Hộ, lệnh cho quan địa phương từ nay nhà nước thu mua sản vật gì, thì phải thu mua theo giá thị trường, mua tại các thương hộ, nghiệp hộ, nơi có sản vật, cấm chia vào dân, đồng thời nghiêm cấm, trị tội chức dịch hào lý sách nhiễu dân. ([17]tr 572, 573)
82) Tháng 7 (tháng 8), Kiến An công Đài sai Cai đội Lê Văn Quát ra Hà Nội mua ngựa, Quát đi tắt lên Cao Bằng giở trò yêu sách tiền bạc với dân, bị bắt lại, Tuần phủ Lạng – Bình là Hoàng Văn Quyền tấu lên. Quát bị xử tội chết, Kiến An công quản thuộc hạ không nghiêm, bị cắt lương bổng 1 năm. ([17] tr 645)
83) Tháng 7 (tháng 8), truy cách quan tước của Tổng đốc An – Biên là Nguyễn Văn Quế và Bố Chính Phiên An là Bạch Xuân Nguyên. Trước kia, Nguyên và Quế giữ quyền ở Gia Định và Phiên An, không biết lo công việc, gây lắm sự lôi thôi, tạo mầm loạn. Riêng Nguyên nắm Bố chính ty, chỉ biết đàn hặc bới móc người, còn bản thân mình thì mắc tội nhũng lạm, tham ô. Để đến nỗi Lê Văn Khôi nổi loạn mà không phòng được, tuy đều đã bị quân nổi dậy giết, nhưng vẫn sai truy cách quan tước để làm gương. ([17]tr 648, 649)
84) Tháng 9 (tháng 10), Thị vệ Nguyễn Văn Huyên bị tố giác, trước kia khi được cử đi tham gia dẹp loạn ở Gia Định, đã tự tiện lấy của phạm nhân 400 quan, lại mượn lính vệ Thần oai, sai đi bắt phạm nhân tìm tang vật. Huyên bị kết tội xử trảm lập quyết, bêu đầu răn đe. ([17]tr 779)

Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Minh Mạng thứ 15 (1834).
85) Tháng 2 (tháng 3), điều Tuần phủ Gia Định là Hà Duy Phiên về kinh bổ nhiệm. Trước kia, Phiên ở Gia Định cùng Tướng quân Tống Phước Lương và binh tướng bao vây Phiên An, chống cự với lực lượng nổi dậy của Lê Văn Khôi. Rồi có lời đồn là Phiên cùng quê với Khôi, từng có giao thiệp, đưa quà biếu và thư từ báo tin cho nhau, tiết lộ cả việc binh, Phiên liền dâng sớ trình bày, xin được minh xét giải oan.
 Minh Mệnh xuống dụ rằng đồn đại về Phiên là đồn nhảm, căn nguyên do trước đây Vệ úy Bảo thanh ở Phiên An là Đoàn Cảnh Thạc, thông đồng với người giữ kho tỉnh, ăn cắp của công. Hà Duy Phiên tham hặc việc đó, Thạc bị giải chức, bắt về kinh giao cho bộ Hình xử, rồi bị kết án phát vãng làm lính, nên có kẻ vì bị liên lụy, thù Phiên, mà phao tin đồn. Nhưng nay đã có lời phao như vậy, Phiên ở trong quân cũng thành ra khó xử, không tiện làm việc, nên điều về kinh, bổ nhiệm làm Tả tham tri bộ Lại. ([18] tr 70)
86) Tháng 3 (tháng 4), Tuần phủ Hà Tiên là Trịnh Đường bị cách chức, bắt tra xét. Trước kia, quân Xiêm tấn công Hà Tiên, Đường lấy trộm 1000 quan tiền công bỏ trốn, khi giành lại được tỉnh, thì khai bậy rằng số tiền đó quân Xiêm cướp đi, đến nay, Tham tán Hà Văn Khuê tham hặc. Khi bị tra xét, Đường thú nhận là đã tiêu mất 400 quan, còn lại bị biền binh vứt đi phi tang, Minh Mệnh cho là khai gian dối, kết tội xử giảo lập quyết; Án sát Hà Tiên là Đặng Văn Nguyên biết rõ việc nhưng không tố cáo, cộng với tội trước kia Nguyên tác trách để Hà Tiên thất thủ, rồi bỏ chạy cùng Đường, bị xử trảm giam hậu. ([18] tr 102, 103)
87) Tháng 5 (tháng 6), Hộ phủ tỉnh Quảng Yên là Vũ Tuấn trước đến tỉnh nhận chức, thấy các thuyền công mục nát hư hỏng, liền viết thư cho Tuần phủ Quảng Yên là Lê Đạo Quảng đòi hối lộ bằng súng và ngựa thì mới dìm sự việc đi, Án sát Vũ Văn Xuân biết việc Tuấn đòi của mà không tố cáo, Quảng tham hặc lên triều đình. Tuấn bị cách chức, phát vãng đi quân thứ Thái Nguyên chuộc tội, Xuân cũng bị cách chức; Quảng làm Tuần phủ mà để thuyền công hư hỏng, bị giáng 2 cấp, bắt lấy tiền riêng ra sửa chữa thuyền. ([18]tr 190)
88) Tháng 5 (tháng 6), Minh Mệnh đến Mộc thương (kho chứa gỗ), kiểm tra thấy số gỗ trong kho từ năm ngoái có 7900 khối mà tới nay chỉ còn 3700 khối, mất hơn một nửa, trong khi triều đình chưa có xây cất gì lớn, Minh Mệnh nghi là gỗ đã bị biển thủ, hạ lệnh cho bộ Hộ và Đô sát viện điều tra. Kết quả, tra ra việc biển thủ là thực, lại tham hặc lên Đốc công Trần Văn Hiệu và Quản mộc thương Hồ Văn Hạ, cả 2 đều bị cách chức. ([18] tr 200, 201)
89) Tháng 6 (tháng 7), Án sát Quảng Ngãi là Nguyễn Đức Hội bị miễn chức. Trước đây, Hội vốn có tư thù với Bố chính Quảng Ngãi là Lê Nguyên Trung, nhân có thuyền buôn nhà Thanh đến tỉnh, mang theo khí giới phòng cướp, khi Trung cho lính đến khám thì thuyền đã đi, nên cũng bỏ không xét hỏi nữa. Hội nhân đó dâng sớ tham hặc Trung tội thất trách, dung túng nha dịch để thuyền giặc thoát, Trung bị cách chức bắt tra xét. Triều đình cho khâm sai xuống điều tra, Trung bèn tố cáo lại Hội về các tội tham nhũng xấu xa. Kết quả, Hội vừa phạm tội vu cáo lại tham nhũng bị cách chức phát vãng đi Cam Lộ làm lính cơ Định Man; Trung vì tư thù kiện lại người hặc mình, lại làm việc thất trách, cũng cách chức cho theo bộ Lại sai phái để chuộc tội. ([18]tr215, 216)
90) Tháng 7 (tháng 8), Án sát Khánh Hòa là Lê Hựu tham ô, bị Ngự sử đạo là Lê Hữu Bác tham hặc, Hựu bị cách chức, đánh 100 trượng, bắt đi phát lưu. ([18], tr 280)

Năm Ất Mùi, niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (1835).
91) Tháng 1 (tháng 2), Tỉnh thần ở Hưng Yên tấu lên, nguyên Án sát Nguyễn Trữ trước kia phạm tội xử án sai, để trọng phạm lọt lưới, đã bị kết án phát vãng làm lính, nay lại bị dân kiện về việc dung túng tội phạm mưu làm việc riêng. Hạ lệnh bắt lại tra xét, Minh Mạng dụ xuống cho bộ Hình điều tra cả Thị lang Nội các là Thân Văn Quyền bởi Quyền trước kia ở triều đường nói đỡ cho Trữ (bởi thế nên đã bị cách chức, kết tội trảm giam hậu), có thể là đã ăn hối lộ của Trữ. Sau cùng, Trữ bị y án, kết tội phán vãng đi làm lính chịu khổ sai ở Cao Bằng, còn Quyền thì không điều tra được chứng cớ gì của việc thông đồng, nên miễn nghị (không xét đến nữa), tới tháng 5 (tháng 6), Quyền được thả, cho theo phái viên của triều đình làm việc chuộc tội. ([18] tr 487, 488)
92) Tháng 2 (tháng 3), người Chăm tại Bình Thuận do Katip Ja Thak Wa lãnh đạo nổi dậy chống lại triều đình nhà Nguyễn. Minh Mệnh hạ lệnh cách chức, bắt Giáo thụ quyền giữ ấn triện phủ là Vũ Đình Uyên, Tri phủ Ninh Thuận là Phạm Văn Lựu, Tri huyện Tuy Định là Nguyễn Văn Nhan, Tri huyện Tuy Phong là Hoàng Trọng Ý để tra xét xem có sự tham nhũng sách nhiễu dân Chăm khiến họ bất bình nổi dậy hay không? Cũng như có biết về việc thổ dân âm mưu gây sự hay không, tại sao im lặng để đến nỗi nổi biến. Sau khi dập tắt cuộc nổi dậy, thì Lựu bị Quyền lĩnh Tuần phủ Thuận – Khánh là Dương Văn Phong tra ra chuyện tham nhũng sách nhiễu dân Chăm, đem tham hặc lên, bị xử tử; những người còn lại không điều tra được gì nên chỉ cách chức, bắt lập công chuộc tội; sau cả 3 đều được khởi phục vào các chức cửu phẩm thư lại chờ hậu bổ. ([18] tr527, 528)
93) Tháng 3 (tháng 4), Phó vệ úy Tả vệ Quảng Trị là Nguyễn Xuân Cát, trước đây trú phòng Tuyên Quang, mượn cớ là tỉnh phái đi dò thám tình hình giặc, lẻn đến xã Phú An, dọa nạt lấy bạc lạng và ngựa của dân xã ấy. Bị Ngự sử Đặng Kim Giám điều tra, tham hặc tâu lên. Cát bị xử trảm giam hậu. ([18], tr 592)
94) Tháng 4 (tháng 5), tỉnh Gia Định quyên góp được số tiền 109.200 quan, giao xuống cho phủ huyện thì số tiền mất mát tới hơn 100.000 quan, bộ Hộ tham hặc sự việc, vua sai Ngự sử và Khâm sứ xuống điều tra. Kết quả tâu lên, các quan cấp dưới có kẻ khai man, đội tên để nhận ; có kẻ sai người lĩnh thay, tự tiêu riêng hết ; cũng có kẻ làm khó khăn cho người quyên, đòi ăn của lót, làm hao hụt đi. Các quan chức liên qua đều bị bắt tra xét, cuối cùng, Bố chính Hoàng Văn Đản vừa liên can, lại cộng với án riêng về tham ô trước đó, nên bị cách chức, khép tội lưu, bắt đi làm lính ở phủ Cam Lộ, Án sát Hoàng Văn Minh bị cách lưu, Tri phủ là Nguyễn Khắc Biểu cũng bị cách chức (không thấy nói rõ về số quan viên khác can án bị xử lý ra sao). ([18] tr 595, 596)
95) Tháng 4 (tháng 5), Quyền hộ Tuần phủ Thuận – Khánh là Dương Văn Phong tâu lên tình hình của Bình Thuận sau khi dập tắt nổi dậy. Nhân đó Minh Mệnh dụ xuống cho Phong, đại ý trước quan quân nhà Nguyễn khám xét gắt gao mà còn không phòng được thổ dân ngầm âm mưu gây loạn, triều đình đã miễn thuế má, nhưng chức dịch quan lại địa phương lại bóc lột, sách nhiễu, bắt tìm sản vật quý, khiến dân không chịu được mà bất bình sinh loạn, việc tệ hại rất nhiều, nhưng các phái viên và Án sát lại tâu bày dối trá, làm việc chả có hiệu quả gì, tội rất to. Liền lệnh cho Phong bắt 2 can phạm là Thự Thông chính phó sứ là Lê Nguyên Trung vốn lãnh quyền phái viên, cùng Nguyên Án sát Bình Thuận là Phan Phu, đã bị cách làm lính đi phát vãng chuộc tội, để giao cho bộ Hình xét xử. Nhưng Phu đã chết trước, Trung bị xử phát phối làm lính ở phủ Cam Lộ.([18] tr599, 600)
96) Tháng 6 (tháng 7), Bố chính Bắc Ninh là Nguyễn Đăng Giai, khi đưa các sản vật triều đình thu mua vào kinh, thường phái biền binh mang kèm các đồ biếu xén cho các quan trong kinh. Việc phát giác, Hữu tham tri bộ Hộ là Vũ Đức Khuê dâng sớ nhận lỗi vì đã nhận quà biếu. Cả Khuê và Giai đều bị giáng 2 cấp, Giai phải tự bỏ tiền trả công cho các biền binh được phái đi. ([18], tr 656)
97) Tháng 6 (táng 7), Tuần phủ Nam – Ngãi là Đỗ Khắc Thư, dung túng cho thuộc lại ở tỉnh tạ sự lấy quà cáp của dân. Việc phát giác, bị tội cách chức.([18], tr 689)
98) Tháng 7 (tháng 8), trước đây ở tỉnh Thanh Hoa phát giác được 1 vụ âm mưu nổi loạn của Phạm Văn Thăng, Án sát Thanh Hoa là Nguyễn Huy Chiểu ăn hối lộ của Thăng, tha cho phạm nhân tội tử, rồi lén thả đi. Tổng đốc Nguyễn Khả Bằng, Bố chính Lê Phúc Án biết việc nhưng không can thiệp, bị Khâm phái là Vương Hữu Quang tra ra rồi tham hặc. Chiểu bị cách chức rồi bắt giam tra xét, tới tháng 8, bị kết tội trảm giam hậu, Bằng bị xử sung quân, Án bị cách chức bắt làm lính. Hai can phạm là Quản phủ Thọ Xuân là Lê Phi Ba bị xử trảm và Quản phủ Thiệu Hóa là Nguyễn Đình Cộng bị phát phối sung quân. ([18], tr 737)
99) Tháng 10 (tháng 11), trước kia, binh lính trú phòng ở Hà Tiên đào được 140 lạng bạc, Tuần phủ Hà Tiên là Trần Chấn chiếm đoạt hết. Việc phát giác, Chấn bị xử giáng 4 cấp rồi đổi đi nơi khác, số bạc tang vật chia cho lính sở tại. ([18] tr 781)

Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836).
100) Tháng 1 (tháng 2), Tuần phủ Hưng Yên Hà Thúc Lương mật phái người dò xét được tình hình tệ hại của viên chức làm việc ở kho (hễ nộp 100 hộc thóc, thì mất 3 quan tiền ngoại lệ, lại phải cho người thử thóc và cầm ống gạt 1 quan tiền), Lương tâu xin đem bọn cai trưng và đề lĩnh cách chức, khép tội, trừng trị theo luật. Vua sai truyền Chỉ ban khen, thưởng 30 quan tiền cho thuộc binh đã phái đi. ([18] tr 860)
101) Tháng 2 (tháng 3), Bố chính Hà Nội là Trần Văn Trung trong thỉnh an sớ, có nói về việc các hạt Bắc kỳ mỗi khi có việc bắt lính, thu thuế, thì tỉnh sai lính đi các phủ huyện, phủ huyện phái lại viên và lính lệ cùng đến nhà tổng lý, đến đâu cũng dừng lại vài ngày ăn uống say sưa, không quan tâm việc được giao, chỉ cốt sách nhiễu tiền của. Sau ấy, lý dịch nhân đó thu tiền đóng góp, người dân không hiểu nên đều làm theo. Xin vua nghiêm cấm. Minh Mệnh dụ cho Cơ mật viện hạ thông dụ xuống toàn quốc, nghiêm cấm tệ này.([18]tr 876, 877)
102) Tháng 3 (tháng 4), Minh Mệnh hạ lệnh tháng 5 sẽ tuần du Quảng Nam, tháng 6 tuần du Quảng Trị. Hộ lý Tuần phủ Nam – Ngãi là Phan Thanh Giản trong Thỉnh an sớ dâng lên ngầm có ý can vua không nên xuất hành, vì lúc đó đúng vụ cày, sợ nếu xa giá đến dân phải phục dịch, lỡ mất việc nông. Minh Mệnh ngờ Giản tấu báo sai sự thực nên ra lệnh tra xét, kết quả báo lên là dân chúng đều mong vua tới, lại điều tra ra công việc trong tỉnh bê trễ, quan lại có nạn tham nhũng tràn lan. Giản bị giáng chức, vẫn tiếp tục tuần du, không thấy ghi chép về việc xử lý quan chức tham nhũng ở tỉnh. ([18], tr 908, 909, 910)
103) Tháng 5 (tháng 6), Nam kỳ Kinh lược sứ là Trương Minh Giảng và Trương Đăng Quế, khi đi thanh tra, xét được việc lại viên Định Tường là Tống Hữu Tài nhân việc đưa ra quy thức đạc điền mới, giở trò sách nhiễu tiền của dân, liền bắt lại rồi xử trảm. Việc tâu lên, vua khen là biết giữ nghiêm phép nước. ([18], tr 934)
104) Tháng 5 (tháng 6), Thủ ngự thủ sở Tái An thuộc Vĩnh Long là Lê Văn Nhậm, ăn hối lộ tha cho lái buôn gạo lậu người Thanh, bị cách chức bắt giao cho bộ Hình trị tội. ([18], tr 935)
105) Tháng 5 (tháng 6), Hữu thông phán Ty bố chính Sơn Tây là Nguyễn Xuân Dụ, gian tham giảo quyệt, tài sản có tới hàng ngàn, Tổng đốc Lê Văn Đức dò được, sai điều tra, Dụ sợ tội, tự sát. Gia sản của Dụ sau đó bị đem bán, lấy tiền phát chẩn cho dân nghèo. ([18] tr 938)
106) Tháng 6 (tháng 7), Hưng Yên có lại viên mắc tội tham tang, bị cách chức, nhưng sau cải tên đổi họ, lại đi làm việc tiếp, bị Ngự sử đạo tham hặc việc này lên trên. Triều đình kết tội lại viên kia nặng thêm 1 bậc, đánh 100 trượng, xử tội đồ. ([18] tr 957, 958)
107) Tháng 6 (tháng 7), Lãnh binh Hà Tiên là Hoàng Văn Lý cưỡng ép lấy con gái nhà dân trong hạt, lại ức hiếp lấy tiền của dân. Kinh lược sứ Nam Kỳ Trương Đăng Quế và Trương Minh Giảng tra xét, Lý nhận tội, bị Kinh lược sứ thu sắc bằng, cách chức, bắt giam, tấu lên đề nghị xử giảo giam hậu, được chuẩn y. ([18] tr 966, 967)
108) Tháng 6 (tháng 7), Minh Mệnh hạ thông dụ xuống các địa phương răn dạy, ngăn cấm tệ nhũng lại của quan viên, đại lược rằng các quan kinh, doãn, đốc, phủ, bố, án các tỉnh cần chú tâm làm việc, không được mượn tay nha lại, lại phải dụ cho dân trong tỉnh rằng nếu có việc phải tới thẳng trình các quan, không được qua nha lại trung gian lo lót. ([18] tr 968)
109) Tháng 7 (tháng 8), Giám thủ ty Từ Tê là Tôn Thất Đa trộm đồ thờ tự ở Thái Miếu, bị tước họ Tôn Thất, bắt cải sang họ mẹ là Trần, phái viên đi điều tra lại phát hiện ra nhiều đồ thờ tự ở Thái Miếu là vàng giả, đồ thật bị các thủ hộ biển thủ đánh tráo. Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực vì thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, xử miễn chức, giáng làm thuộc viên bộ Lễ. ([18], tr 980, 981)
110) Tháng 8 (tháng 9), Bố chính Hải Dương là Nguyễn Hữu Khuê, trong tập thỉnh an sớ dâng lên có nói rằng ở Bắc kỳ lâu nay thiếu thuế, lính trốn là do lý trưởng nhũng lạm gây ra, nên đề nghị từ nay cho khảo xét mỗi năm 1 lần,  để xác định hay dở mà thưởng phạt, mới trừ được tham nhũng. Vua giao cho các bộ bàn, bộ Hộ tâu lên là không nên nghe theo, vì vốn đã có quy định khảo xét 3 năm 1 lần rồi, mà lý trưởng trong cả nước rất nhiều, nay nếu rút ngắn lại còn 1 năm, thì sẽ sinh ra phiền hà tốn kém. Vua chuẩn y. ([18], tr 999 – 1000)
111) Tháng 9 (tháng 10), Thự Bố chính Quảng Bình là Lê Đăng Doanh trong tập Thỉnh an sớ có nói việc do triều đình mua than gỗ nhiều, giá cao, nên các hương chức, tổng lý bổ dân bắt đóng tiền, rồi mua than gỗ giá cao hơn đem nộp, từ đó kiếm lời mà chấm mút chia chác. Minh Mệnh hạ chỉ từ sau, nếu triều đình thu mua sản vật gì, sẽ sai phái viên đi, không cần ủy cho địa phương nữa. ([18], tr 1014)

Năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 (1837). 
112) Tháng 7 (tháng 8), bộ Hình tâu việc Thí sai Chánh Đội trưởng Đội 1 cơ Trung là Lê Văn Trực khi đến Trấn Tây thành đã nhận hối lộ của người Phiên, bị Án sát sứ tra được, tham tấu. Trực bị đánh 100 trượng, cách chức, bắt đi phát vãng làm lính ở phủ Hải An, tang vật hối lộ chỉ có 12 lạng bạc, không cần sung công, ban cho Thổ binh các cơ. ([2], tr 67, 68)
113)  Tháng 8 (tháng 9), Quản phủ Trấn Định tỉnh Nghệ An là Phạm Văn Thuyên, tham ngược bừa bãi, thổ dân ở 2 huyện Cam Cát, Cam Môn thuộc hạt đều chịu khổ, họ bèn trốn đi, cầu cứu quân Man ở Khung Giang kéo tới vây bức phủ thành. Thuyên sợ hãi, cấp báo lên trên, đến khi quân Man rút đi, Thuyên đang đêm ra đốt trại lính bên ngoài phủ thành, vờ như đã đánh tan, khiến địch chạy. Sau phái viên của tỉnh xuống tra xét, Thuyên phải nhận tội, Minh Mệnh hạ lệnh giải Thuyên đến địa phương chém đầu, nêu rõ tội trạng cho bớt lòng căm phẫn của dân, thổ dân khi ấy dần dần lại trở về. Vua chuẩn cho tạm hoãn thuế lệ năm ấy. ([19] tr151)
114) Tháng 11 (tháng 12), Thị lang Vũ khố Nguyễn Văn Toán bị cách chức, trước kia Toán làm chức Thương trường, biết việc các chủ thủ và lại viên bớt xén 2000 phương gạo trong kho nhưng không tâu báo, nay việc phát giác, bị cách chức, bắt đi phát vãng ở đồn điền. ([19]tr 192)
115) Tháng 12 (tháng 1 năm 1838), Án sát Khánh Hòa là Nguyễn Bá Thân dung túng thuộc viên nhũng lại, việc phát giác, bị cách chức. ([19] tr 232)

Năm Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838).
116) Tháng 4 (tháng 5), Thợ may chánh ty sở đốc công phủ Nội vụ là Lê Văn Tâm may áo của vua, xét ra có ăn bớt, phạm tội bất kính, bị xử giảo giam hậu, sai thông dụ cho các thợ thuyền, từ nay nên coi đó làm răn, phàm hết thảy đồ vật may ra, nếu dụng tình trộm bớt, thì bắt tội chết không tha.([19], tr302)
117) Tháng 4 (tháng 5), Bố chính Hà Tiên hộ lý tuần phủ là Lê Văn Trung, Án sát Phạm Ngọc Quang bị tội miễn chức. Trước đây, Trung và Quang tham hặc Nguyên án phủ Quảng Biên là Trương Sùng Hy làm việc tư tình nhận hối lộ, buông tha quân giặc, gây nên việc biến, đến khi quan quân đuổi bắt, lại ngầm dặn phiên mục gặp giặc đừng bắt, liền bị bắt tra xét. Sùng Hy liền tham hặc tố cáo ngược cả Trung và Quang đã buôn lậu đậu khấu, chứa giấu tội phạm trốn là Nguyễn Tòng Chính (nguyên là Tri phủ Lạc Hoá trước can tội nhũng tệ, án xử giảo hậu, nhưng trốn đi, Trung cùng quen biết, nhận là người nhà, Quang cũng ngầm tiếp tế cho), lại tha cho vợ tội phạm, quan thành Trấn Tây đem việc ấy tâu lên, cả 2 phải giải chức tra xét. Triều đình cho quan Khâm sai xuống, điều tra được rõ sự việc. Kết quả, Trung và Quang đều bị xử giảo giam hậu, Nguyễn Tòng Chính xử giảo lập quyết, Sùng Hy bị xử chém bêu đầu, tịch thu hết tài sản, vợ con phát đi làm tôi tớ thành Trấn Tây. ([19], tr309, 310)
118) Tháng 5 (tháng 6), Tuần phủ An Giang kiêm Tham tán Trấn Tây là Dương Văn Phong bị Tuần phủ Thuận Khánh là Tôn Thất Lương tham hặc, tố cáo trước kia Phong ở Bình Thuận đã nhận hối lộ 100 lạng bạc để tha cho thuyền buôn lậu, vua hạ chỉ bắt Phong đối chất, Phong đều chối. Liền giao án xuống cho bộ Hình tra xét, tra ra việc nhận hối lộ đều là do vợ lẽ và gia nhân nhà Phong làm riêng, khi việc vỡ lở thì đã đem tiền trả lại, Phong không hề biết. Vợ lẽ và gia nhân đều bị xử đánh trượng, Phong tuy không can dự nhưng thân là quan to mà không biết quản chuyện nhà, để người nhà phạm pháp sau lưng, bị xử cách lưu. ([19], tr 334, 335)
119) Tháng 12 (tháng 1 năm 1839), Bố chính Sơn Tây là Lê Đức Tiệm cho người thầu khoán thu nộp thuế lệ đòi tiền bạc, tham tang 700 lạng bạc, bị cấp dưới tố cáo, Tổng đốc Nguyễn Công Hoán liền tham hặc Tiệm. Tiệm cũng viết sớ thanh minh, tố cáo lại cả Hoán, Minh Mệnh bác bỏ tấu của Tiệm vì cho trong sớ viết toàn điều vô bằng cớ. Tiệm bị kết tội giảo giam hậu. ([19] tr 420, 421)

Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839).
120) Tháng 5 (tháng 6), triều đình triệu những phái viên Khoa đạo là Lê Chân, Vũ Phạm Khải về Kinh cung chức. Các khoa đạo được phái đi Bắc Kỳ xét hỏi trích ra những tệ tham nhũng của quan lại các tỉnh và Tổng lý các phủ huyện tham hặc tâu lên, phần nhiều được đúng sự thực, đều thưởng gia một cấp. ([19] tr 509)
121) Tháng 11 (tháng 12), Án sát Bình Định là Vũ Thế Trường dung túng người nhà nhận hối lộ hơn 100 lạng bạc, Thự Tổng đốc là Tôn Thất Lương biết được liền tham hặc lên, Trường bị giải chức bắt tra xét, liền cho người về Kinh kêu oan, nói là Lương vì hiềm khích mà vu cáo mình. Minh Mệnh sai Thượng thư bộ Lại là Lê Đăng Doanh lĩnh quyền Khâm sai xuống tận tỉnh đốc thúc điều tra mới làm rõ được tội trạng. Trường bị xử phát lưu, đi an trí ở Nghệ An, Bố chính Bình Định là Phạm Huy Diệu cũng liên can đến vụ án, bị kết tội tham tang rồi xử cách chức. ([19] tr 600)

Năm Giáp Tý, niên hiệu Minh Mệnh thứ 21 (1840).
122) Tháng 2 (tháng 3), đầu bếp phủ Thường Tín công Cự là Lê Văn Thiện cậy thế chủ ép bán cho mình hàng rẻ ngoài chợ, việc bị quan khoa đạo là Đặng Quốc Long tham hặc. Thiện bị treo sống 3 ngày tại chợ Nam Thọ, sau đó phát đi sung quân ở Côn Lôn. Thường Tín công bị phạt 6 tháng lương, truy thu 500 quan tiền phát cho dân nghèo. ([19], tr 656, 657)
123) Tháng 2 (tháng 3), sai quan viên trong ngoài trích phát kẻ nhũng lại và bày tỏ lỗi. Minh Mệnh lại dụ xuống răn dạy về đức thanh liêm cho quan lại. Sau đó, Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên là Nguyễn Công Hoán, Án sát Sơn Tây là Vũ Vĩnh đều dâng sớ thú thực việc có nhận quà biếu, xin chịu tội. Vua thấy chuyện nhận lễ vật tặng biếu, chưa tới nỗi là ăn của hối lộ, lại đã biết tự nhận lỗi nên thứ cho, xuống chỉ trách mắng, sai sung công các thứ quà biếu. ([19], tr 657, 658)
124) Tháng 4 (tháng 5), các Khoa đạo là Đặng Quốc Lang, Lê Tập, Nguyễn Thế Trị, Lê Khắc Nhượng xét ra thuộc lại phủ Thừa Thiên, hoặc nhân việc điền thế lính, hoặc nhân việc làm sổ chấp bằng, làm khó dễ để yêu sách, có nhiều tình tệ. Đã giao cho bộ Hình xét hỏi thuộc thực. Vua ban khen thưởng cho mỗi người gia một cấp và 5 lạng bạc.([19], tr 688)
125) Tháng 6 (tháng 7), Tổng đốc An – Hà kiêm Trấn Tây Tướng quân là Trương Minh Giảng, Binh bộ thị lang kiêm Hiệp tán Trấn Tây là Cao Hữu Dực theo dụ trích phát nhũng lại, dâng sớ tự bày lỗi của mình, nói  Giảng khi mới đến Trấn Tây chót có nhận lấy tiền chè lá về việc thuỷ lợi của tỉnh An Giang, tuỳ việc chi tiêu việc công. Dực khi làm Bố chính ở Hà Tĩnh cũng có lấy riêng tiền chè lá về cửa quan, bến tuần để chi dùng. Vua nể tình khoan miễn cho cả 2 vì chưa phải là tham ô của công gây hậu quả nghiêm trọng. Lại dụ xuống cho bộ Hộ xét hỏi các tỉnh có cửa quan bến tuần, thuỷ lợi, đấu giá phát mại, có tỉnh nào cũng nhận tiền chè lá quà biếu ngoài của các nhà buôn không?. Cuối cùng 5 tỉnh Thanh Hoa, Bắc Ninh, Phú Yên, Cao Bằng, Hải Dương thú thực là không thu tiền chè lá ngoại lệ, nhưng có nhận quà của nhà buôn đưa biếu, Minh Mệnh truyền chỉ quở trách, phạt lương tỉnh thần 5 tỉnh trong 9 tháng, bắt giao lại tiền chè lá quà biếu vào của công. ([19] tr 741)  
126) Tháng 11 (tháng 12), Kinh phái Lại khoa Chưởng ấn là Trần Văn Triện tham hặc về việc Trấn Tây Thành lâu nay có nổi dậy, phần nhiều là do các viện Thượng ty cai trị trái pháp, dân và lính Kinh còn cậy thế lấn áp nhũng nhiễu dân Phiên. Lại tố cáo đích danh Tri phủ Hải Tây là Vũ Hạnh và Tri huyện Trung Hà là Lê Bá Hùng tham nhũng, cướp đoạt con gái nhà dân. Cả 2 bị cách chức, bắt giam, rồi phát vãng đi Trấn Tây làm lính. ([19] tr 851)

Tạm tổng kết lại, nói là tạm thời vì chúng tôi trên ghi chép của tài liệu, nhưng một số ghi chép lại không rõ ràng, có thể ước lượng:
  • Có tổng cộng 126 sự việc liên quan tới vấn đề tham nhũng.
  • Tổng số người liên quan tới các vụ án tham nhũng là 381 người, với 181 người được ghi lại danh tính và hình thức xử lý, trong 181 trường hợp này:
    +) 56 người bị án tử hình
    +) 27 người bị cách chức vĩnh viễn cấm bổ nhiệm
    +) 57 người bị cách chức cho phát vãng đi làm việc khác
    +) 19 người bị giáng cấp
    +) 8 người bị cắt hoặc trừ lương bổng
    +) 5 người bị xử đồ
    +) 2 người bị đánh trượng, 4 người không bị xử lý gì, 3 trường hợp không thấy ghi rõ việc bị xử lý ra sao.
  • Trong 181 trường hợp có 63 cá nhân là kinh quan (quan lại làm việc tại kinh đô) chiếm 34,8%; 118 là quan ngoại nhiệm (quan lại làm việc tại các tỉnh). Điều này cho thấy việc tham nhũng tại các địa phương phổ biến và thường xuyên hơn tại kinh đô, vì ở kinh đô “dưới chân thiên tử”, các cơ quan trung ương tập trung nhiều, chịu sự giám sát gắt gao hơn.
  • Vụ án tham nhũng nghiêm trọng nhất thời Minh Mệnh là án của Trần Nhật Vĩnh, tham nhũng 12 vạn lạng bạc, cùng nhiều tội danh khác.
  • Một số vụ án tham nhũng lại khiến người viết phải đặt ra thắc mắc như tk 72 và 79, liên quan đến Lê Văn Duyệt và các thuộc hạ, chưa rõ ở đây độ xác thực cao đến đâu, hay là có một động cơ chính trị ở đằng sau. Vì như ta đã biết, Minh Mệnh vốn không ưa Lê Văn Duyệt, sau sự kiện loạn Phiên An năm 1833, các ghi chép trong sử sách của nhà Nguyễn lại càng có xu hướng thiếu công bằng lẫn thiện cảm với Lê Văn Duyệt cũng như những gì liên quan tới ông.
  • Một ghi nhận khác, là Minh Mệnh rất nghiêm khắc với án tham nhũng liên quan tới các kho tàng, có 14 án, 21 thủ phạm, chỉ có 4 trường hợp bị cách, đồ, lưu, còn lại 16 trường hợp đều bị xử tử (1 trường hợp không thấy có ghi chép bản án cuối cùng), chiếm 28,6% số trường hợp bị tử hình vì tham nhũng thời Minh Mệnh (16/56); ngoài việc bị tử hình thì thủ phạm sau đó còn bị trừng phạt rất hà khắc như chặt tay, đục xương sọ treo vĩnh viễn, bêu đầu...
  • Vụ án tham nhũng có số người liên can đông nhất và bị tử hình nhiều nhất, cũng là một vụ án tham nhũng kho tàng (tk 76), hơn 200 người bị tình nghi, đều bị bắt giam tra xét, kéo dài 1 năm, sử sách chỉ ghi đích danh 6 người bị tử hình, số người bị tử hình và kết án khác trong vụ án này còn rất nhiều, nhưng không được thống kê cụ thể.
  • Chỉ có 3 trường hợp các tôn thất nhà Nguyễn liên can tới vụ án tham nhũng là số 82, 109 và 122; nhưng 2 trong số đó là liên can gián tiếp, chỉ bị phạt lương bổng, 1 trường hợp của Tôn Thất Đa biển thủ đồ thờ cúng thì bị tước bỏ họ hoàng tộc.
  • Về mặt chức vụ, phẩm hàm, dựa trên điển chế văn ([11] tr 20 – 26) và võ ([13] tr 23 – 30) trong Hội điển, cùng sách Từ điển chức quan Việt Nam, chúng tôi lập ra bảng phía dưới, thống kê này chỉ tính tới các chính phạm liên can trực tiếp của các vụ tham nhũng, những trường hợp như vì quản lý không nghiêm bị cách chức chứ không tham nhũng thì không được tính tới. Lưu ý, nhà Nguyễn có 2 cuộc cải cách quan chế lớn vào năm Gia Long thứ 3 (1804) và năm Minh Mạng thứ 8 (từ tháng 7 năm 1827) khiến phẩm hàm và chức có sự chênh lệch, bởi vậy cùng một chức vụ có lúc được chúng tôi xếp vào 2 phẩm hàm khác nhau, vd cùng chức Tri phủ nhưng theo quan chế năm 1804 là hàm Chánh lục, quan chế năm 1827 lại là hàm Tòng ngũ.




    Thống kê số chính phạm tham nhũng theo phẩm hàm và chức vụ

  • Dựa vào bảng trên thì quan lại tham nhũng, xét về số lượng theo phẩm hàm: chánh tam phẩm (32 người), chánh – tòng cửu phẩm (18 người), chánh tứ phẩm (18 người), tòng ngũ phẩm (14 người), tòng nhị phẩm (11 người), chánh lục phẩm (11 người), chánh ngũ phẩm (6 người), không có phẩm hàm (6 người), chánh nhị phẩm (5 người), tòng tam phẩm (5 người), tòng lục phẩm (2 người), tòng tứ phẩm (2 người), chánh bát phẩm (2 người), tòng thất phẩm (1 người), tòng bát phẩm (1 người).
  • Về mặt chức vụ, 4 chức chiếm số đông nhất là: Hiệp trấn (Bố chính) có 15 người, lại dịch – lại viên có 13 người, Tham hiệp (Án sát) có 11 người, Trấn thủ có 8 người.
  •  Các chức vụ Đốc Phủ - Bố Án địa phương, nắm đầu quyền tại các tỉnh trấn như Tổng đốc, Tuần phủ, Tham hiệp (Án sát), Hiệp trấn (Bố chính), Trấn thủ, có tỉ lệ tham nhũng rất cao, vượt hơn hẳn các chức vụ khác. Tổng cộng lại là 42 người.
  • Số quan lại văn giai tham nhũng vào thời Minh Mệnh nhiều hơn hẳn số quan lại thuộc võ giai (gần 70% là quan văn). Nhà Nguyễn như hầu hết các nhà nước quân chủ Đông Á đều chủ trương dùng văn trị, lấy văn quan kiềm chế võ tướng, các văn nhân là nòng cốt của hệ thống quan liêu và nắm phần lớn các chức vụ trong hệ thống hành chính.
    (Hết phần 1)


    Link phần 2:
    https://spiderum.com/bai-dang/Chong-tham-nhung-thoi-Hoang-de-Minh-Menh-1820-1841-thong-ke-va-phan-tich-phan-2-7gm


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1) Cơ Mật viện – Nội các triều Nguyễn, Khâm Định tiễu bình lưỡng kì nghịch phỉ phương lược chính biên (2009), Đà Nẵng, NXB Giáo dục, tập 1 - Khâm Định tiễu bình Bắc kì nghịch phỉ phương lược chính biên, quyển 1.
2) Cục văn thư và lưu trữ nhà nước - Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn (1802 – 1945), (2016), Nxb Đại học Sư phạm.
3) Dịch Trung Thiên, Luận anh hùng (2013), Vũ Ngọc Quỳnh dịch, Hà Nội, NXB Văn học.
4) Đặng Huy Trứ, Từ thụ yếu quy – Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người xưa (2002), Hà Nội, NXB Văn hóa thông tin.
5) Đặng Xuân Bảng, Sử học bị khảo,(1997), Hà Nội, NXB Văn hóa thông tin.
6) Đỗ Văn Ninh, Từ điển quan chức Việt Nam, (2002), Hà Nội, NXB Thanh niên.
7) Hoàng Phê – Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, (2000), Hà Nội – Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học.
8)  Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án (2001), Hà Nội, NXB Thanh niên.
9) Nguyễn Quang Thắng, Lược khảo Hoàng Việt luật lệ, (2002), Hà Nội, NXB Văn hóa thông tin.
10) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, (2005), Huế, NXB Thuận hóa, tập I.
11) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, (2005), Huế, NXB Thuận hóa, tập II.
12) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, (2005), Huế, NXB Thuận hóa, tập III.
13) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, (2005), Huế, NXB Thuận hóa, tập V.
14) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, (2005), Huế, NXB Thuận Hóa, tập VI.  
15) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, (2005), Huế, NXB Thuận hóa, tập VIII.
16) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo Dục; Chính biên, Đệ nhị kỷ, Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế Thực Lục, tập 2.
17) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo Dục; Chính biên, Đệ nhị kỷ, Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế Thực Lục, tập 3.
18) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo Dục; Chính biên, Đệ nhị kỷ, Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế Thực Lục, tập 4.
19) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo Dục; Chính biên, Đệ nhị kỷ, Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế Thực Lục, tập 5.
20) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên (2005), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 3.
21) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên (2005), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 8.
22) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên (2005), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 10.
23) Trần Hồng Nhung, Nạn cường hào ở làng xã đồng bằng Bắc bộ thế kỷ XIX: Thực trạng, nguyên nhân và hệ quả (2016), in trong Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 8/2016.
24) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (2005), TP Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
25) Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ - con người và di thảo (1988), TP Hồ Chí Minh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.