Image result for the vietnam war thich quang duc

1.

Tôi sinh năm 1993. Vào năm 1993, Mỹ quyết định không cản trở Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho Việt Nam vay vốn. Một số doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lên kế hoạch đặt văn phòng tại Việt Nam, bởi vào cuối năm trước đó, luật đã cho phép họ làm như vậy. Tổng thống Pháp trở thành vị lãnh đạo phương Tây đầu tiên đặt chân tới Hà Nội kể từ năm 1975. Thủ tướng Võ Văn Kiệt viếng thăm châu Âu, nơi hứa hẹn sẽ dành cho Việt Nam nhiều viện trợ. Phó thủ tướng Phan Văn Khải tới Washington vào tháng 10. Quan hệ với Mỹ có nhiều tiến triển. Chỉ 2 năm nữa thôi, hai quốc gia sẽ bình thường hóa quan hệ với nhau. Đích thân chủ tịch nước Lê Đức Anh đã mời ông John Kerry đi thăm Thành cổ Hà Nội và công trình ngầm dưới Lăng Hồ Chí Minh để chứng minh rằng, Việt Nam không giam giữ bất cứ tù binh Mỹ nào như đồn đại.
Và bởi vậy, có thế nói rằng, tôi, và những người cùng thế hệ với tôi, sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh chẳng liên quan gì tới chiến tranh. Chiến tranh là chuyện của lịch sử, là chuyện được kể lại, là chuyện của một ai đó khác, nhưng dường như không phải của tôi. Thánh Kinh của tôi không phải Chiến tranh và Hòa bình, Thánh Kinh của tôi là Rừng Nauy, là Kafka bên bờ biển. Ký ức về lịch sử của tôi gói gọn thế này: ngày 30/4 là một ngày nghỉ lễ, sau đó sẽ có ngày 1/5 và người ta sẽ được nghỉ gấp đôi, được nghỉ học thì đương nhiên ai cũng hân hoan cả, hân hoan không kém gì thống nhất đất nước ấy chứ, mà thống nhất đất nước đâu phải ai cũng hân hoan, nhưng nghỉ học thì cả trường không thấy ai buồn; chúng tôi cũng không kém cỏi đến mức như người già hay trách, chúng tôi vẫn biết những cột mốc quan trọng, ít ra cũng biết khoảng thời gian nào đang đánh nhau với ai, ai thắng ai thua, mọi người đều nói chúng tôi phải tự hào vì điều đấy. Cũng được thôi, việc tỏ ra tự hào cũng không hại gì đến bản thân tôi cả, vậy thì cứ tự hào.
Năm tôi thi đại học, đề bài có câu liên quan tới Việt Bắc của Tố Hữu. Tôi không biết gì về đời sống chính trị của cụ Tố Hữu, tôi đọc thơ của Tố Hữu cũng chẳng phải vì tôi quan tâm gì tới cộng sản, ví dụ như tới bây giờ tôi vẫn có thể thuộc lòng bài Việt Bắc chỉ vì tôi thấy bài thơ ấy hay thôi. Đọc lên thấy hay chứ không vì ý nghĩa sâu xa nào hết. Người ta thường dính dáng với lịch sử theo nhiều cách không mong đợi.
Image result for the vietnam war

Bố mẹ tôi lớn lên trong thời chiến. Ông bà tôi cũng có huân chương chiến đấu. Mặc dù thế, trong gia đình ít ai nhắc tới chiến tranh. Thi thoảng mẹ tôi cũng hồi tưởng lại thời đi sơ tán, rồi nói một câu mà không có một bậc phụ huynh nào không nói: “chúng mày bây giờ sướng làm sao hiểu được ngày xưa khổ thế nào.”, nghe thế thôi chứ tôi cũng không biết phải nói gì, mỗi thời một khác mà, đâu thể khổ mãi được, mọi người đều muốn sung sướng, thì bây giờ đang sung sướng đây, ít nhất bề ngoài là như thế, chẳng lẽ lại muốn quay về thời khổ sao? Tôi cũng không nghĩ bố mẹ tiếc gì thời xa xưa ấy. Bằng chứng là họ cũng nhanh chóng bắt kịp với thời đại, mẹ tôi chơi facebook nhiều hơn tôi, xem tivi nhiều hơn tôi, đi chơi nhiều hơn tôi. Thời đại ở  lại, con người tiến lên, cái gì đã qua đều đã qua. Con người về bản chất là thích hưởng thụ.
Ngay đến ông bà tôi cũng chẳng mấy khi kể chuyện chiến tranh cho con cháu, tôi không biết là vì ông bà không muốn làm phiền con cháu hay cũng chẳng thiết nhớ đến nữa. Chắc là vì không muốn làm phiền con cháu, tôi nhớ khi bà ngoại mất, điều khiến ông tôi được an ủi đó là: “Ít ra bà cũng sống lâu hơn cả cụ Hồ rồi.” Mặc dù gốc gác sinh ra trong một gia đình địa chủ bị tịch thu hết tài sản, ông tôi vẫn trung thành với cách mạng và vẫn luôn tin tưởng vào cụ Hồ của ông.
Image result for the vietnam war

Tôi không viết thay cho thế hệ nào cả, nhưng tôi nghĩ có rất nhiều người như tôi, mang một nỗi lo âu tiểu tư sản nhàn nhạt, xem phim lịch sử để giải khuây, cảm thấy chiến tranh là cái thứ vớ vẩn, có họa điên mới lao vào. Nhưng nếu như nó thực sự vớ vẩn, tại sao nó vẫn diễn ra? Chúng tôi đặt ra câu hỏi thế thôi, dù sao, bây giờ không có chiến tranh, hoặc chiến tranh đang ở đâu chứ không phải ở đây, và chừng nào chiến tranh chưa đánh đến cửa nhà thì chúng tôi vẫn có quyền chải chuốt cho những phù phiếm vu vơ của mình.

2.

Tôi từng đọc trong cuốn du ký Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, một tác phẩm du ký kinh điển của Paul Theroux, rằng, một người Ấn Độ bình thường chẳng hiểu gì về Ấn Độ, họ chẳng biết gì về tôn giáo hay đất nước của mình, họ còn chẳng hiểu về văn hóa lịch sử nước mình bằng người nước ngoài.
Thì đây, tôi chính là một người Việt Nam chẳng hiểu gì về đất nước Việt Nam. Tôi không biết bộ phim The Vietnam War kia có điều gì mới mẻ với mọi người không, với tôi thì có nhiều điều mới.
Image may contain: 17 people, text

Bộ phim bắt đầu bằng đoạn nhạc A hard rain’s a gonna fall của Bob Dylan. Tôi yêu Bob. Tôi nghe nhạc của Bob, xem phim về Bob, đọc sách của Bob, tôi viết về Bob. Nhưng suốt mấy năm qua, tôi sẽ nghe Bob Dylan như một cậu bé hát trong mưa, theo cách Murakami mô tả. Người ta nói “a hard rain” nhằm ám chỉ việc thả bom nguyên tử, tôi chỉ nghĩ nó là một trận mưa. Khi xem No direction home mà Martin Scorsese làm về Bob, tôi cũng thấy Bob nói đó không phải là bom nguyên tử, nó chỉ là mưa, một trận mưa rất lớn. Rồi bộ phim 18 tiếng kết thúc bằng Let it be của The Beatles, thánh ca của cả một thế hệ sống trong thập kỷ huy hoàng nhất và điên cuồng nhất, một thập kỷ mà mọi thứ đều tựu thành và mọi thứ đều tan rã, nhưng tôi vẫn luôn nghe nó chỉ như bài hát chia tay của The Beatles, Paul viết bài hát ấy đâu phải về chiến tranh hay bao động, mà vì Paul năm đó đã không níu kéo được các thành viên còn lại của The Beatles, thế thôi. Tôi luôn phù phiếm như thế đấy.
Tôi đã rúc trong xó cảm xúc của mình quá lâu cho đến khi bước ra ngoài và thấy thế giới rộng lớn và bất nhẫn hơn những gì mình tưởng tượng. Đúng, tôi chẳng liên quan gì tới chiến tranh, nhưng cái nơi tôi đang đứng ở đây, có thể chỉ vài chục năm trước, đã từng là một hố mìn, đã từng là một đống đổ nát, đã từng có ai máu me đầm đìa ngã xuống, mặc dù chỉ là ở thì quá khứ nhưng tôi biết nó đã từng là vậy. Tôi có trách nhiệm phải biết không? Không, vì người ta hoàn toàn có thể sống một cách thờ ơ, tôi đã sống rất nhiều năm thờ ơ và thấy có sao đâu, nhưng khi người ta biết, trời ơi, hiểu rằng đó là quá khứ thật đấy, nhưng nó cũng có thể là tương lai, mọi thứ trên đời đều rất mong manh và những đại họa không thích vờn đuổi, chúng cũng không bao giờ là một khách mời lịch sự gõ cửa, cho vào nhà mới dám bước vào, khi thích, chúng sẽ ập đến.
Image may contain: one or more people and outdoor

Hãy nhìn xem, những người lính, lính Mỹ, lính Bắc Việt, lính Nam Việt, Việt Cộng, khi bước ra chiến trường, họ cũng khác gì ai đâu nào, tôi cá rằng nhiều người cùng phù phiếm như tôi vậy. Họ còn trẻ mà, trẻ thì có quyền phù phiếm. Một người mang theo những cuốn sách của Hemingway, nhét vào hành lý, lên đường đi đánh Mỹ. Một người sinh ra ở vùng quê yên bình, cuộc đời nhàn nhã trôi qua, rồi chẳng thèm báo trước, người ta gửi thư gọi đi lính, lá thư để ở trên bàn, không cần bóc cũng biết nội dung, tối hôm ấy, anh và gia đình ăn cơm trong lặng lẽ, chẳng ai nói gì, mà có gì để nói. Bỗng nhiên họ thấy mình ở đó, mặc áo xanh, tay lăm lăm cây súng, dò dẫm từng bước trong rừng, có người ra lệnh họ giết đi, thế là họ giết, người khác bảo họ phải đốt nhà, thế là họ cũng đốt nhà, không hiểu tại sao phải đốt, trong nhà có gì đâu, chỉ có gạo, chỉ có đàn bà, người già, trẻ nhỏ, nhưng đó là lệnh, lệnh thì phải làm theo. Chúng ta đều nghĩ mình sẽ làm một điều gì đó có ích hơn là giết người, vậy mà đôi khi, giết người là điều duy nhất chúng ta làm được.

"Bao nhiêu lần ta tự lôi mình vào thế khó vì tự coi mình là phe chính nghĩa. Đôi khi tôi nghĩ nếu chúng ta đừng nghĩ như thế, ta đã dính vào ít chiến tranh hơn."

Chiến tranh luôn chỉ mang một bộ mặt, nghìn năm trước hay nghìn năm sau vẫn mang cái bộ mặt đó: sẽ có ít nhất 2 bên, nhưng thường là nhiều hơn, một số bên lộ diện, một số bên thì không, tất cả các bên đều cho rằng mình đại diện cho chính nghĩa, bên nào cũng có lí do, mọi lí do đều chính đáng, ai bảo công lý là một thằng đểu với quá nhiều lớp hóa trang. Chỉ có khoa học kỹ thuật ngày càng tân tiến, chỉ có phương tiện vũ khí khác đi, chỉ có kẻ thắng khác đi, kẻ thua khác đi, kẻ ngày hôm nay được ngợi ca là chính nghĩa, ngày hôm sau lại bị coi là phi nghĩa, chỉ có số người chết khác đi, danh tính những người chết khác đi, nhưng chiến tranh vẫn là chiến tranh y như vậy, có rất nhiều kiểu hòa bình nhưng chiến tranh chỉ có một kiểu duy nhất. Từ Tolstoy đến Hemingway, từ Tim O’brien đến Bảo Ninh,… bao nhiêu cuộc chiến tranh đã từng được kể nhưng có mấy cuộc thực sự khác nhau?
Và sẽ luôn có những lời hứa hẹn, rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn nếu ta chiến đấu, hãy nghĩ đến tương lai, sẽ luôn có cái gọi là “chủ nghĩa yêu nước”, sẽ luôn có người kêu gọi tất cả phải yêu tổ quốc của mình, rằng hy sinh cho tổ quốc là nghĩa vụ vinh quang. Đấy là nếu như Tổ quốc đó còn tồn tại. Còn nếu không, họ chẳng có nổi một nghĩa trang nữa. Mộ những người lính Nam Việt Nam bị xóa sổ. Không ai cho phép những người mẹ khóc cho những đứa con. Họ đã chết cho cái gì vậy?

“Theo một thăm dò ở Long An, 35% dân chúng sẵn sàng bỏ phiếu cho Thiệu, 20% ủng hộ Mặt trận giải phóng dân tộc, còn 45% ủng hộ bất kỳ lực lượng nào chống cả Việt Cộng lẫn chế độ Mỹ ủng hộ Sài Gòn.”. 

Không ai cần cộng sản hay tư bản, người ta cần sống, sống cho ra sống.

3.

Chiến tranh và Hòa bình: Chàng công tước Andrew bên rìa cái chết, nằm trên cao nguyên, máu chảy ra từ từ, hoàng đế Napoleon xuất hiện trước mặt chàng, ngẫu nhiên, vị hoàng đế mà chàng luôn coi như một vị anh hùng, thế mà lúc này, sao chàng thấy gã thật nhỏ bé, gã chẳng là gì so với bầu trời trên cao kia, chàng chỉ muốn một ai đó giúp cho chàng được sống, cái gã Napoleon thiển cận, dửng dưng, ngu ngốc kia hay ai cũng được.
Chuông nguyện hồn ai: Robert Jordan nghĩ, mình ghét phải rời bỏ cuộc đời, có thế thôi,  mình không muốn rời bỏ cái chốn ấy một chút nào. Rồi chàng nhìn lên trời, rất nhiều máy bay qua lại, của địch, của ta, dù là của ai, chúng cũng thật đẹp. Khi ấy, chàng biết mình chẳng còn được bao lâu nữa.
Nỗi buồn chiến tranh: Đi đánh nhau mà họ vẫn mang theo bộ bài, tiền đặt cược chỉ là thuốc lào, đá lửa, sợi hồng ma chứ tiền đâu mà cược, có khi chuẩn bị ra trận đến nơi rồi mà họ vẫn quây bên chiếu bài, mải miết đánh tiến lên. Có anh chiến sĩ nói đùa, tao chết chúng mày phải đốt cho tao bộ bài đấy nhá, nửa giờ sau anh ta chết thật. “Thành thật là tôi rất muốn sống. Đã sống gì đâu.”
Những thứ họ mang: Phải chỉ huy cả một binh đoàn, thế mà anh chỉ nhớ đến Martha, trong đầu lúc nào cũng hiện lên cái giây phút ấy, khi anh cùng nàng ngồi trong rạp, xem Bonnie and Clyde, anh chạm vào mắt cá chân của nàng, anh nghĩ lẽ ra lúc đó mình phải làm điều gì hơn thế. Anh chẳng cần vinh quang, cũng chẳng cần chiến thắng, anh chỉ không muốn phải đỏ mặt vì bị coi là đồ hèn hạ. Anh nghĩ đến những cánh chim tự do.
Image may contain: 3 people, people sitting, child and outdoor

Đó là sự thật về chiến tranh. Tôi không hiểu những người chê trách bộ phim The Vietnam war còn muốn thêm điều gì nữa. "Một câu chuyện chiến tranh thực sự không bao giờ là câu chuyện về chiến tranh. Nó kể về những ánh dương. Nó kể về cách bình minh trải mình trên dòng sông khi bạn phải băng qua đó, khi bạn phải hành quân trên những triền núi và làm những điều bạn sợ phải làm. Nó kể về tình yêu và ký ức.  Nó kể về nỗi đau. Nó kể về những người chị em gái không hồi âm và những người không bao giờ lắng nghe ta cả."

4.

Image result for the vietnam war protests

Trong suốt thời kỳ chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam, tướng William Westmoreland liên tục yêu cầu chính phủ Mỹ gửi thêm quân sang chiến trường Việt Nam. Tôi muốn có thêm 200.000 binh lính. Tôi cần thêm 207.000 binh lính. Tôi cần thêm 47.000 binh lính. Tôi cần thêm, hoặc là chuyển quân sang, hoặc là chúng ta chỉ còn cách ra bàn đàm phán.
Nhớ đến Lev Tolstoy trong một tác phẩm về trận đánh ở Sevastopol từng viết, rằng ông có một ý nghĩ kỳ quặc thế này, sẽ ra sao nếu thay vì tăng quân, các bên tham chiến đề nghị đối phương bỏ bớt đi một người lính của mình, mỗi bên cứ thế bỏ bớt đi một người, cho đến khi mỗi đạo quân chỉ còn một người lính duy nhất, thực tế có gì khác nhau giữa một người đánh nhau với một người và tám vạn người đánh nhau với tám vạn người? Không có điều gì logic hơn điều gì, thậm chí một chọi một còn nhân đạo hơn rất nhiều nữa. Tiếc thay con người không khôn ngoan như mình vẫn tưởng.
Quá khứ thì vẫn nên quên đi, nhưng đôi khi người ta đã quên quá nhiều.
Tôi nói về mình và không nói thay cho ai cả.
Hiền Trang