Trả lời bởi Hoang Nghiem (严黄), Quân dục hòa, Tất bị chiến
Nhà Lê (1428-1789) về cơ bản chính là “thời đại hoàng kim” của Việt Nam; là kỉ nguyên thịnh vượng nhất của một nền văn minh với 5000 năm lịch sử.
Thật vậy, trong suốt 360 năm các vị vua Lê cai trị đại “Nam quốc” của họ,  đế quốc này đã có thể chuyển mình từ một cấu trúc xã hội Phật giáo bị bỏ bê và phi tập trung biểu hiện bởi chính sách phong kiến và vô trật tự, thành một cường quốc Nho giáo tập quyền và hùng mạnh đủ khả năng can thiệp vào công việc của cộng đồng quốc tế.
Lãnh thổ nhà Hậu Lê vào lúc lớn nhất dưới thời hoàng đế Lê Thánh Tông từ năm 1460 đến năm 1497, đạt khoảng 371500 km vuông (màu tím là vương quốc Champa chư hầu, màu đỏ nhạt là phần lãnh thổ người Việt tạm thời kiểm soát từ 1478 đến 1480):
Kỉ nguyên hoàng kim được định hình không chỉ bởi số lượng lớn những đỉnh cao đạt được trong các lĩnh vực kinh tế, kĩ thuật, nghệ thuật, kiến trúc và khoa học, mà còn bởi sự bảo toàn vĩnh viễn nền độc lập của người Việt khỏi sự cai trị người Hán kể từ đó về sau.  
Thậm chí, giờ đây câu chuyện đã diễn biến ngược lại, người Việt đã bắt đầu nhanh chóng mở rộng lãnh thổ của mình đến mức mà khi triều đại này cáo chung vào năm 1788, lãnh thổ của nhà Lê gần như đã rộng bằng phần lãnh thổ ngày nay nằm trong biên giới nước Việt Nam hiện đại (1945-nay).
Phòng thủ tốt về địa lí, thịnh vượng cực độ về kinh tế, kiên định về văn hóa (mỉa mai thay nhờ có ảnh hưởng Trung Hoa), ổn định về chính trị nhờ một bộ máy quan liêu Nho giáo rộng lớn, hữu hiệu và chất lượng cao, Việt Nam dưới thời Lê trên đỉnh cao của mình không những nổi lên như là thế lực độc tôn ở cả Đông Nam Á, mà còn là một quốc gia có máu mặt đứng thứ 2 ở Viễn Đông, chỉ sau “Trung Quốc”.
Chính nhờ những lí do nêu trên cùng một số khác nữa mà cho đến ngày nay nhiều người vẫn xem thời Lê là thời đại hoàng kim của Việt Nam, một lập luận được củng cố hơn nữa bởi sự thật là nó chính là triều đại quân chủ cầm quyền lâu nhất trong lịch sử văn minh Việt Nam.

Cảnh báo: Câu trả lời dài đang chờ đợi bạn với 13200 từ, một cái “TL;DR” được đính kèm ở gần cuối, trong phần “Tóm tắt kết luận”.
Mục lục để dễ theo dõi:
Chương I: “Thăng”: Đánh đuổi người Hán cai trị, mở đầu Thời đại hoàng kim
Chương II: “Ninh”: Cải cách và sửa chữa một quốc gia hỗn độn
Chương III: “Đỉnh”: Thành tựu của xã hội dân sự thời Lê 
 Chương IV: “Trương”: Những chiến dịch của người Việt, và cuộc Nam tiến gian khổ
Tóm tắt kết luận (và TL;DR)
Tư liệu
Chương I: “Thăng”: Đánh đuổi người Hán cai trị, mở đầu Thời đại hoàng kim
Nhận thấy triều đại nhà Trần (1225-1400) đang trong cơn hấp hối, vị quan dưới trướng gia tộc cai trị cùng tên, Hồ Quý Li, nổi dậy chống lại triều đình, qua đó lật đổ nhà Trần, lập ra triều đại mới của chính mình để vĩnh viễn thay thế nhà Trần.
Nhưng không may cho triều đại mới xưng đế, mọi thứ không hề diễn ra suôn sẻ. Những tàn dư cuối cùng của hoàng tộc cũ không chịu “bước điềm nhiên vào giấc ngủ vĩnh hằng”, thay vào đó lại bắt đầu huy động sự ủng hộ của quần chúng bất mãn vốn vẫn thừa nhận tính chính danh của nhà Trần trong khi phủ nhận nhà Hồ.
Để đập tan những sự kháng cự sau cùng nào đối với quyền lực của mình, Hồ Quý Li gửi sứ giả đến phương Bắc, Thiên triều - nhà Minh (1368-1644), để đề nghị người đứng đầu thiên hạ - Hoàng đế Vĩnh Lạc công nhận tính chính danh của nhà Hồ. Triều đình Trung Hoa, vốn từng có mối quan hệ mật thiết với nhà Trần trước đó, và không hề hay biết cuộc cướp ngôi phản nghịch của nhà Hồ, đã miễn cưỡng chấp thuận đề nghị của nhà Hồ vì lầm tưởng rằng toàn bộ thành viên gia tộc Trần đều đã chết.
Tranh vẽ Hồ Quý Li, hoàng đế đầu tiên của nhà Hồ và kẻ đại nghịch cướp ngôi nhà Trần:
Tuy vậy tình thế này không kéo dài lâu. Trần Thiêm Bình, một kẻ cơ hội, chạy sang kinh đô Nam Kinh của nhà Minh năm 1404, không chỉ mạo xưng là hoàng tử nhà Trần, Bình còn nói rằng họ Hồ đã bất chính đuổi dòng họ y khỏi vị thế chính đáng trên đỉnh xã hội Việt Nam, một vấn đề mà y khăng khăng rằng “Thiên tử” phải dứt khoát định đoạt.
Hoàng đế Vĩnh Lạc đồng ý, nhưng chỉ hành động dữ dội để phế bỏ triều Hồ, nhất quyết đòi nhà Hồ lập tức trao trả ngai vàng cho nhà Trần nhưng từ chối hành động quân sự bởi cha của ông [ND: Minh Thái Tổ - Chu Nguyên Chương] đã căn dặn rằng Trung Hoa không bao giờ được xâm lược Việt Nam bởi họ đã cố gắng làm điều đó quá nhiều lần trong suốt 469 năm kể từ khi Việt Nam được giải phóng khỏi ách cai trị của Trung Hoa.
Tuy vậy, hiện trạng đó đã không thể kéo dài vĩnh viễn, nhất là khi nhà Hồ, bề ngoài tuân theo mệnh lệnh của Vĩnh Lạc, nhưng sau lưng lại hành quyết tàn bạo một người tùy tùng Trung Hoa đang phò tá cả sứ thần nhà minh và hoàng tử nhà Trần. Và không chỉ có vậy, để làm tồi tệ hơn nữa mối quan hệ đang ngày càng xấu đi giữa Trung Hoa và Việt Nam, họ Hồ đi xa hơn một bước nữa và thậm chí bắt đầu trêu ngươi Vĩnh Lạc Đế với việc quấy nhiễu biên giới phía Nam của Trung Quốc.
Tranh vẽ hoàng đế Vĩnh Lạc, người đồng cấp Trung Hoa của Hồ Quý Li (Li đã thoái vị nhường ngôi cho con trai mình chỉ sau một năm nắm quyền, nhưng vẫn là cố vấn cho vị hoàng đế mới):

Hành động đó bị nhà họ Chu xem là đê tiện, và đủ để bảo đảm cho hành động quân sự của Vĩnh Lạc Đế chống lại kẻ cướp ngôi Hồ Quý Li. Và qua đó tự nhiên châm ngòi cuộc xâm lược Đại Ngu của quân Minh. 215000 lính nhà Minh được gởi về phương Nam, và chỉ trong có một năm, toàn bộ Việt Nam lại một lần nữa nằm dưới sự chiếm đóng của Trung Hoa như nó đã từng từ năm 204 TCN tới năm 938 SCN.
Hẳn là Việt Nam đã từng chịu sự cai trị của Trung Hoa rồi, và trong khi các cuộc xâm lược chẳng bao giờ tốt đẹp gì, bất kể thời kì hay địa điểm, nhà Minh đã đưa cả “thống trị” và “sỉ nhục” lên một tầm cao mới. Thật vậy, dù nhiều người Việt Nam ngày nay thường khẳng định điều ngược lại, Việt Nam dưới các sự xâm chiếm của các triều đại khét tiếng Hán và Đường (206 TCN - 220 SCN và 618 - 907 SCN) trên thực tế đều khá thanh bình và thịnh vượng,  cả theo cách hiểu tương đối lẫn tuyệt đối.
Ít nhất thì cơ sở hạ tầng mới (chẳng hạn như đường xá và cầu cống) đã được xây dựng thêm mỗi năm, và ít ra xã hội Việt Nam đã nằm trong nhóm thịnh vượng và tiến bộ nhất trên toàn thế giới dưới sự cai trị “nhân từ” của các triều đại này, vốn khuyến khích và thiết lập hệ thống giáo dục và sự ổn định. Ví dụ như thành phố Hà Nội [Tống Bình] dưới thời Đường đã trở nên thịnh vượng đến mức nhiều thương nhân Ả Rập tìm kiếm cơ hội làm ăn với Trung Hoa đôi lúc thả neo ở thành phố cảng này thay vì đối thủ giàu có hơn của nó, Quảng Châu.
Tuy nhiên, điều tương tự không hề xảy ra dưới trướng quân Minh tàn bạo, bởi sự tương phản rõ rệt. Chỉ trong 21 năm ngắn ngủi, bọn Minh hồ hóa đã thành công trong việc đem lại nhiều khổ đau và bất hạnh cho người Việt Nam hơn so với tất cả những gì các triều đại trước đó đã từng nỗ lực thực hiện trong suốt một giai đoạn kéo dài cả 1000 năm. Trong một nỗ lực nhằm đồng hóa vĩnh viễn Việt Nam vào Trung Hoa như một tỉnh thường trực dưới cái  tên “An Nam”, tức “phương Nam thanh bình”, quân Minh không ngơi nghỉ dù chỉ một giây trong lúc tàn nhẫn tìm cách thủ tiêu mọi khái niệm cuối cùng còn sót lại về một bản sắc chung của người Việt.
Một bản đồ đế chế Minh ở đỉnh cao thời Vĩnh Lạc từ năm 1407-1428với tổng diện tích đất liền 6,5 triệu km vuông, thể hiện rõ ràng An Nam dưới sự kiểm soát của nó ở phía Nam:

Trí thức Việt Nam là mục tiêu đầu tiên và trên hết, theo sắc lệnh của Minh Thành Tổ:
“Khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, kinh Phật, đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Thiên triều dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót.”
-Minh Thành Tổ, Tháng 7 năm 1406
Hậu quả trực tiếp là lịch sử kéo dài hơn 400 năm của nước Việt độc lập bị quân Minh đầy dã tâm hủy diệt triệt để và vĩnh viễn. May thay, không phải văn tự nào của người Việt cũng bị đốt, một số đủ may mắn đã được đem vào Trung nguyên để lưu trữ, tuy nhiên thành thật mà nói thì đó chỉ là trường hợp may mắn nhất. Còn về phần còn lại, những người sống sót qua cuộc xâm lược mô tả là “sách vở cả nước thành một đống tro tàn.”
Ngày qua ngày, quyển này qua quyển khác, không cần biết tầm quan trọng của nó về văn hóa và xã hội đối với dân tộc Việt Nam, sách vở đã bị bừa bãi tận diệt, không nghĩ ngợi, không thương xót.
Số lượng sách vở của người Nam bị đốt nhiều đến mức một viên quan người Việt của Trung Quốc, mặc dù hiển nhiên không thể trực tiếp phê phán nhà Minh, đã than thở về tác hại của cuộc hủy diệt văn hóa đó như sau trong cuốn hồi kí “Nam Ông Mộng lục”, xuất bản nhiều năm sau cuộc xâm lược:
“Người xưa, lời nói , việc làm, ghi chép, có nhiều điều khả thủ, nhưng qua cơn binh lửa, sách vở cháy sạch, thành ra bị mất mát không được nghe lại, chẳng đáng tiếc lắm sao ? Nghĩ tới điều này, [tôi bèn] tìm ghi việc cũ, thất lạc gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai” 
- Chính nghị Đại phu, Tư Trị doãn, Công bộ Tả Thị lang, Giao Nam Lê Trừng Mạnh Nguyên đề tựa.
Không chút thương tiếc, và không một tài liệu cơ bản nhất nào tồn tại từ những năm tháng phồn thịnh dưới thời Lí - Trần được buông tha. Thậm chí cho đến ngày hôm nay, giới chuyên gia hiện đại biết rất ít về khoảng thời gian 400 năm giữa buổi đầu dựng nền độc lập và “Bắc thuộc lần 4 (1407-1428)”. Đặc biệt, kiến thức về tập quán trong ăn mặc trước cuộc xâm lược của giặc Minh dao động từ rất ít đến không có gì tùy thuộc vào chủ đề tìm hiểu.
Và không chỉ có vậy, để “xát muối vào vết thương” hơn nữa, giặc Minh còn lùng bắt và cưỡng bức nguồn nhân lực tốt nhất của An Nam trong nhiều lĩnh vực, từ kiến trúc cho đến quân sự và thi ca, di chuyển trong khổ cực về phương Bắc để giúp Trung Quốc xây dựng lại đất nước đã bị hủy hoại bởi sự tàn bạo của đế quốc Nguyên - Mông (1279 - 1368).  
Tử Cấm Thành Bắc Kinh trong bức ảnh dưới đây đã được xây dựng với sự góp sức của kiến trúc sư người Việt Nguyễn An (阮安), người đóng vai trò trưởng công trình sư của nó:

Suốt nhiều năm trời, sự tàn bạo nêu trên là chuyện thường ngày ở tỉnh An Nam của Trung Quốc. Trong khi công dân Trung Quốc ngày càng thịnh vượng, người Việt Nam phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, bị tra tấn và áp bức ngoài ngoài sức tưởng tượng, và không bao giờ chấm dứt, tinh thần Việt Nam cuối cùng cũng bị nghiền nát. Mọi thứ đều thuận lợi cho Trung Quốc, vận mệnh của Việt Nam giờ đây gắn liền với Trung Hoa, hoặc ít nhất thì nó có vẻ là như vậy vào lúc bấy giờ.
Tuy vậy, trong mọi tình huống nơi mà đa số ủng hộ một khuynh hướng nào đó thì cũng sẽ có những người chống lại nó, và lãnh thổ bị chiếm đóng An Nam cũng không phải ngoại lệ.
Khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đấu tranh cho một nước Việt độc lập nhanh chóng bùng lên khắp tỉnh cực Nam của nước Minh ngay từ năm 1418, chỉ sau 11 năm dưới sự thống trị của thiên triều. Lập luận rằng người Việt không mang căn tính nô lệ, mà ngược lại là một dân tộc độc lập với quốc gia riêng nằm trên xứ sở của chính mình, họ đã chiến đấu quả cảm cho tự do của Việt Nam.
Nhưng làm sao để họ đạt được giấc mơ của mình khi mà không có lấy một nỗ lực cộng tác nào được triển khai để chống lại sức mạnh của quân giặc? Thật vậy, nghĩa quân bị chia thành nhiều nhóm nhỏ, và lúc bấy giờ không có ai lãnh đạo được tất cả. Phân tán và chia rẽ, nền tự chủ của Việt Nam vẫn chỉ là một giấc mơ, đối mặt với không chỉ sự tàn bạo mà còn có cả sự tĩnh lặng dưới quyền nhà Minh. May thay, bàn tay của tạo hóa và số phận đã quyết định điều ngược lại và nhanh chóng ban cho nghĩa quân sự trợ giúp mà họ hoàn toàn xứng đáng có được.
Trong số những người bị bắt mang về Trung Hoa trong cuộc xâm lược của giặc Minh, có một người đàn ông vô cùng đặc biệt, người mà quân Minh nóng lòng muốn có được. Trong khi bị áp giải đến biên giới thiên triều, đứa con trai đau khổ của ông đã theo ông trong suốt chặng đường, khóc lóc cầu xin ông ở lại vì gia đình, bởi cậu còn quá nhỏ tuổi để một mình chăm sóc tất cả.
Người cha, dù xúc động đến đâu, đã không hề thể hiện ra một chút yếu đuối trước mặt kẻ thù đang di lí mình dù chỉ trong một giây, thay vào đó, ông chỉ trả lời một lần duy nhất. Ông khuyên con mình rằng nếu cậu vẫn thật sự muốn báo thù trước những tai họa ập lên đầu gia đình mình, thì người thanh niên sẽ phải hoàn toàn quên đi cha mình, và thay vào đó tìm cách giải phóng đất nước, qua đó khôi phục tự do cho dân tộc Việt Nam từ bàn tay tàn độc của giặc Minh.
Quân Minh chuẩn bị cho chiến trận:

Kết quả là, khi người con trai sắp trưởng thành hoàn toàn thành một người đàn ông, nhớ lời dặn của cha năm xưa, ông biết rằng mình chỉ có thể chọn một con đường: Cách mạng. Quay trở lại với câu chuyện ban đầu của chúng ta, về những cuộc nổi dậy của người Việt, trong đó vẫn còn nhiều phe phái đối nghịch. Người đàn ông trong câu chuyện này hiển nhiên không ai khác chính là Nguyễn Trãi, một trí thức xuất chúng về tư duy chiến lược.
Ông biết bằng cách nào mình có thể đánh đuổi giặc Minh, nhưng không nắm trong tay nguồn lực để thực hiện điều đó. Về cơ bản, người ta nói ông “có trí tuệ, nhưng không có sức mạnh” đi kèm. Theo lẽ tự nhiên, đây là một vấn đề đòi hỏi sự xử lí nhanh chóng, và Nguyễn Trải nhận thức được điều đó. Phiêu bạt khắp An Nam, cuối cùng ông tình cờ gặp một tù trưởng giàu có tên là Lê Lợi, người cũng tình cờ là một lãnh đạo nghĩa quân trong vùng rừng núi miền Tây Thanh Hóa, một tỉnh ven biển ở vùng Bắc Trung Bộ của nước Việt Nam hiện đại.
Lê Lợi có nguồn lực quân sự để chiến thắng một cuộc chiến, nhưng lại không có ai làm chiến lược gia cho mình, điều ngược lại lại đúng với Nguyễn Trãi như đã nêu ở trên, theo lẽ tự nhiên, hai người mau chóng trở thành chiến hữu thân thiết và đồng thời là bạn tốt của nhau. Họ quyết tâm đánh đuổi giặc Minh tàn bạo, và qua đó vĩnh viễn phục hồi nền tự chủ của Việt Nam. Tuy nhiên hai người cũng thống nhất rằng để làm được điều đó, trước tiên cần phải chấm dứt sự thù địch giữa nội bộ người Việt với nhau.
Những người đứng đầu một cuộc cách mạng phải đoàn kết với nhau, đây là thực tế phổ biến. Và đó may mắn thay lại là một vấn đề mà Nguyễn Trãi tin rằng mình có giải pháp.
Tranh vẽ Nguyễn Trãi (vào những ngày tháng cuối đời), tổng mưu sĩ của nghĩa quân Việt Nam:

Kế hoạch của Nguyễn Trãi rất đơn giản, nắm rõ khái niệm “chân mệnh thiên tử” quyết định tính chính danh của một nhà cai trị dựa trên sự định đoạt của ông trời, ông đã sai lính viết lên lá cây tám chữ:
“Lê Lợi vi quân, bách tính vi thần”
Rồi ông hạ lệnh thả lá xuống một con sông gần đó để nước sông đưa lá xuống hạ lưu, hi vọng rằng bằng cách đó, các làng mạc và thành trì nằm dọc theo con sông sẽ nhặt được những chiếc lá, đọc được thông điệp khắc trên đó, và cuối cùng, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, họ sẽ diễn giải nó như ý trời rằng Lê Lợi là người lãnh đạo chính đáng duy nhất của công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, và vì vậy là vị hoàng đế hợp pháp của nước Việt độc lập trong tương lai.  
Diệu kế của Nguyễn Trãi đã thành công, chẳng bao lâu sau, mọi lực lượng người Việt đã tập hợp dưới một ngọn cờ. Với sức mạnh của Lê Lợi cùng sự khôn ngoan của Nguyễn Trãi kết hợp với nhau, một sức mạnh càng được tăng cường thêm bởi tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, cuối cùng thì sự tàn bạo của giặc Minh cũng phải chấm dứt. Người Việt sẽ không bao giờ để quân xâm lược phương Bắc thống trị quốc gia độc lập được định phận rành rành trong sách trời của họ, với ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng, và trên hết là một nền văn hiến riêng.
Người Hán giờ đây có hai lựa chọn, hoặc là rút khỏi đất nước này trong êm thuận, hoặc là phải ra đi dưới lưỡi gươm của người Việt Nam. Trong mắt nhân dân Việt Nam, không phải hoàng đế nhà Minh mà chính Lê Lợi mới thật sự là “Thiên tử”, và vì vậy cuộc đấu tranh này là hoàn toàn vị nghĩa. Không còn nghi ngờ gì nữa, vận mệnh của nước Việt chính là nó sẽ thành một quốc gia độc lập, tự chủ, chứ không phải một đất nước mang thân phận nô lệ và bị áp bức.
Tranh vẽ Lê Lợi, một hào trưởng giàu có và là lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh:

Cái chết là số phận của tất cả những kẻ dám chống lại người Việt. Đó chính xác là những gì đã xảy ra trong 10 năm của phong trào được biết đến ngày nay với tên gọi “Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428)”
Dưới sự chỉ huy của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, người Việt đã có thể tổ chức những cuộc tấn công bất thình lình chống lại kẻ thù trên khắp An Nam. Khi quân chính quy nhà Minh được tổ chức tốt hơn và áp đảo lực lượng của Lê Lợi, người Việt ban đầu lui về tiến hành chiến tranh du kích trong một giai đoạn khoảng 2-3 năm để tránh ưu thế của kẻ địch trên chiến trường.
Đường tiếp tế bị gián đoạn bởi người Việt liên tục phục kích và tấn công quân giặc mỗi khi có dịp, rồi sau đó lại nhanh chóng biến mất như cách họ xuất hiện. Quân nổi dậy thường xuyên áp dụng chiêu thức chiến tranh tâm lí để khai thác tối đa mọi điểm yếu của quân địch, qua đó đạt được nhiều thắng lợi to lớn cả trên chiến trường và trong lòng dân.  Chẳng hạn như trong một trường hợp, nghĩa quân rải truyền đơn lên án tội ác giặc Minh bạo ngược giày xéo quê hương họ vào doanh trại địch vào ban đêm.
Cuộc sống giữa thời buổi kháng chiến hỗn mang như vậy thường khá khó khăn. Ngựa và voi, cả hoang lẫn nhà, đều thường bị giết thịt nuôi quân, trong khi những nỗ lực ám sát Lê Lợi là nhiều vô số kể. Để làm mọi chuyện trầm trọng thêm, người Hán còn dùng thêm cả lính đánh thuê từ khu vực mà ngày nay là Lào, nhưng rồi người Việt vẫn thắng thế, và thắng thế đến mức độ mà đến năm 1427, đội quân chính quy nhà Minh đóng ở An Nam chỉ còn lại 1/10.
Tranh vẽ một trong những viên tướng quan trọng nhất của Lê Lợi: Lê Lai cưỡi chiến mã (Lê Lai đã giúp Lê Lợi và nghĩa quân thoát khỏi cuộc vây hãm của kẻ thù bằng cách mặc áo vàng của vua, đem theo một đội cảm tử quân đến trại giặc khiêu chiến, hi sinh sinh mạng của bản thân vì sự tồn vong của đại sự. Không có sự hi sinh của ông, Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn là một phần của Trung Quốc cho đến ngày hôm nay):

Tuy vậy, quân giặc vẫn mò đến. Mặc dù ban đầu Tuyên Đức Đế chủ trương dừng các chiến dịch ở An Nam, các hoạn quan bên cạnh đã khuyên ông làm điều ngược lại. Kết quả là một đội quân mới gồm 100000 người được gửi đến An Nam để dập tắt cuộc nổi dậy, trong một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng nhằm kiểm soát cuộc kháng chiến của người Việt. Tuy nhiên chiến dịch cuối cùng này cũng kết thúc trong thất bại khi viên tướng Liễu Thăng của nhà Minh đụng độ với quân Lam Sơn, để rồi phạm sai lầm chết người: chia đội quân của mình ra làm hai để đuổi theo quân Lam Sơn đang rút lui.
Nghĩa quân, vốn chỉ đang giả vờ rút lui, mau chóng tập hợp lại và tiêu diệt đội quân truy kích của Liễu Thăng. Trong khi đó phần còn lại của đội quân của họ Liễu bị dẫn dụ về hướng Đông Quan (Hà Nội), tại đó chúng lại hứng chịu thêm một loạt tổn thất nhân mạng với cái chết của đến 90000 người ở cuối chiến dịch. Trung Hoa đã chịu tổn thất quá nặng nề và chỉ còn chưa tới một năm nữa thôi, họ sẽ phải chấp nhận thất bại.
[Cảnh báo: đoạn này rất không chắc chắn về cứ liệu lịch sử, phần dịch chỉ phản ánh lời kể của tác giả, đọc có lí trí]
 Đến lúc này, cuộc xâm lược của giặc phương Bắc đã phải chấm dứt, và An Nam không bao giờ là một mối bận tâm nữa. Cuối cùng, sau nhiều năm chết chóc và hủy hoại, nền văn hiến Việt Nam đã không chịu khuất phục dù bị áp đảo ngay trên chính quê hương mình, rồi sau đó giành chiến thắng trước một đế chế Trung Quốc hùng mạnh. Từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây, sử dụng cả biện pháp chiến tranh tâm lí lẫn du kích, họ cuối cùng đã đạt được điều không thể, và cuối cùng đã chiến thắng giặc Minh hung tàn bạo ngược, giành lại tự do cho dân tộc mình.
Lẽ thường tình, lòng dân đã hoàn toàn ủng hộ việc Lê Lợi - lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa - lên ngôi Thái tổ, lập ra triều đại Lê của riêng mình. Lần đầu tiên giành được độc lập sau 21 năm, để đánh dấu những gì mà ông gọi là khởi đầu mới của nền văn hiến Việt Nam, cánh tay phải của tân hoàng đế, Nguyễn Trãi, đã viết ra bài thơ nổi tiếng “Bình Ngô Đại cáo” được trích dẫn dưới đây, nhằm bố cáo với toàn thể thiên hạ những nét khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc một lần cho mãi về sau: 
“ Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Cho nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,
Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi.”
- Nguyễn Trãi, Quan phục hầu, Nhập nội Hành khiển , Khai quốc công thần 
Và rồi thời đại hoàng kim của Việt Nam bắt đầu. Đã qua rồi những ngày tăm tối dưới ách ngoại xâm, giờ đây là lúc người Việt thắng thế. Đó là một kì tích không thể nào đạt được nếu không có sự hợp tác giữa trí tuệ sắc bén của Nguyễn Trãi và sức mạnh to lớn của Lê Lợi  
Cặp bài trùng Nguyễn Trãi (trái) và Lê Lợi (phải), bộ óc và cơ bắp của cuộc cách mạng: