Chắc đó giờ mấy bạn nghe qua từ điển Anh-Việt, Pháp-Việt , chớ chưa bao giờ nghe qua từ điển ba miền đúng không. Mình đặt câu hỏi này để đưa ra một vấn đề mà chỉ lờ mờ người nhận ra. Đó là tiếng miền nam hay miền trung đang bị bắc hóa.
Ngồi nghe mấy đứa bạn miền tây nói đạp phanh thay vì đạp thắng, mày lấy hộ tao thay vì mày lấy dùm tao, ăn cá viên chiên không nói đi nói ăn xiên bẩn ,... Đâu ai muốn phương ngữ của địa phương mình mai một , tệ hơn là còn bị áp đặt ngôn ngữ vùng khác vô.

1. Tại sao tiếng việt ở ba miền lại khác nhau?

Tụi mình nhìn lại lịch sử một chút. Việt Nam thời cổ đại ( *ở đây là nhà nước Văn Lang) mới chỉ tới khu vực đồng bằng bắc bộ và các tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh. Theo tiến trình nam tiến thì người việt mình cũng tới được tỉnh Quảng Trị vào thời nhà hậu Lê. Qua thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh thì các chúa Nguyễn Đàng Trong chỉ làm tiếp công cuộc Nam tiến của tổ tiên. Và họ kéo tới mũi Cà Mau như hiện tại.
Nhìn vào bản đồ Việt Nam các bạn sẽ thấy vị trí địa lý là khác biệt rất lớn giữa các miền với nhau. Nên nó cũng ảnh hưởng đến văn hóa, phong tục, tính cách, cách suy nghĩ và ngôn ngữ của từng vùng. Miền bắc với đa số là dân tộc Kinh, khu vực đồng bằng sông Hồng thì đúng với câu đất chật người đông cộng thêm kinh đô luôn luôn đặt tại miền bắc. Nên ngôn ngữ người bắc sẽ có gì đó văn chương hơn, cũng như trong các lúc nói chuyện họ nói có gì tính cạnh tranh, ganh đua, căng thẳng hơn.
Miền trung và miền nam là đất của ông cha thời mở cõi. Mở từ cái thời khai sơn lập địa, khỉ ho cò gáy. Đất đai trong đây đối với phần lớn dân miền bắc vô mở cõi sẽ là nguy hiểm, xa xôi hẻo lánh, tiềm ẩn nhiều mối nguy. Thiên nhiên ở trong đây ưu ái hơn. Với tất cả yếu tố trên có thể cho rằng ngôn ngữ ở đây có vẻ mang tính đùm bọc, đoàn kết nhau hơn ngoài bắc, và dịu dàng, thoải mái hơn.
Miền nam nói riêng và một phần miền trung được các nhà cai trị ''cưng'' nhiều hơn. Tại vì thiên nhiên, khí hậu ở đây đa dạng và dễ chịu hơn những nơi khác. Nên các bạn sẽ thấy ví dụ như người Pháp đã quy hoạch và phát triển lục tỉnh nam kỳ như thế nào. Bỏ qua lý do mà họ "tốt" như vậy thì miền nam được hưởng sấy khá nhiều từ khi họ rời đi.
Việc miền nam mọc lên những trung tâm thương mại nhờ một phần người Pháp họ tổ chức, quy hoạch dẫn đến việc nhiều sắc dân tới đây làm ăn buôn bán nhiều hơn. Yếu tố đó góp phần làm ngôn ngữ miền nam phần nào được phát triển. Các sắc dân đóng góp vào việc mở rộng vốn từ vựng cho tiếng miền nam như dân khmer, dân ba tàu (* ba tàu cũng phân ra tàu nào nữa: Triều Châu, Quảng, Phúc Kiến,...) hay những dân tỉnh lẻ khác quyết định vào nam. Còn chưa tính dân ngoại quốc như Mỹ hay Pháp nữa.

2. Tại sao người bắc lại muốn áp đặt ngôn ngữ của họ lên phần còn lại đất nước ?

Đơn giản là trụ sở bộ giáo dục và các cơ quan đầu não khác đặt tại Hà Nội nên sách giáo khoa xài trong miền nam là con lợn thay vì con heo.
Suốt phần lớn chiều dài lịch sử, kinh đô hay các cơ quan đầu não khác luôn đặt tại miền bắc. Chỉ nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn lại đặt ở Phú Xuân(Huế) thôi, mà tổng thời gian hai nhà trị vì đất nước ổn định nhất cộng lại cũng không biết có 10% với thời gian ấy khi ở Thăng Long. Các vua chúa thời ấy luôn muốn áp đặt những suy nghĩ, ngôn ngữ của mình vô ngôn ngữ chung toàn quốc.
Cái này là giả thuyết của mình thôi. Giả thuyết là Thăng Long đã là trung tâm kinh tế, thương mại, chính trị cũng như nghệ thuật của Việt Nam. Cái vấn đề khi ai là dân Thăng Long chắc thấy tự hào vì mấy điều đó, ai mà chẳng tự hào quê hương mình. Nên họ cho rằng mình hơn tất cả, tất cả phải ở kèo dưới với mình , giải thích vì sao họ thích áp đặt ngôn ngữ của mình lên toàn quốc. Ai ở Hà Nội chắc cũng hiểu cảm giác phân biệt cho dù mình nói giọng mấy tỉnh lẻ lân cận thôi. (*Mình không phân biệt vùng miền ở đây, thứ hai thực trạng ở ngoài đó có sao nói vậy.)

3.Tại sao mình lại bàn vấn đề này ?

Bản thân rất khó chịu khi thấy các bảng hiệu ngoài đường hay một thằng bạn dân miền nam mấy đời lại dùng từ ngữ miền bắc theo cách rất tự nhiên. Phải chi nó giỡn mình cũng không thèm đem nó ra nói nhưng nó là một hình ảnh nhỏ trong một vấn đề tổng thể. Mình không áp đặt là dân miền Nam là phải dùng từ gốc nam, dân miền bắc là dùng từ gốc bắc. Không sao, nhờ vậy nó tạo ra sự đa dạng trong ngôn ngữ.
Mình cho rằng người miền nam nên sử dụng các từ ngữ miền nam nhiều hơn, cốt là để họ không quên cái gốc của của mình. Để họ không quên tổ tiên của họ không phải là gốc bắc không mà cũng có thể gốc khmer sẵn trong đây hay là dân tàu từ thời Minh Hương. Nếu một dân tộc nào xa rời với thế hệ đi trước của họ quá nhiều hay không hiểu được tổ tiên nói gì thì coi như mất gốc. Mà một cái cây bứng gốc rồi thì còn gì phát triển nữa ?
Cái này lấy bên Trung Quốc thì sẽ hiểu hơn. Trong khi ở Đại Lục họ dùng bộ giản thể khác hoàn toàn với những gì trong suốt 5000 năm lịch sử ông cha họ để lại. Đám bên đó đưa mấy cái văn tự cổ từ thời nhà Thanh gần thời hiện đại nhất, chắc gì nó đọc được trừ khi nó có học thêm bộ phồn thể thôi.
Một dân tộc còn có gì quý giá hơn là ngôn ngữ ông cha họ để lại
Johann Gottfried von Herder
Bạn ra Huế du lich để bạn biết Huế nó khác với Sài Gòn hay Hà Nội ra sao. Ra đó mới phát hiện là dân Huế nói chuyện nghe dịu, nghe đẹp thiệt nhưng không hiểu gì hết. Ok lắm là khoảng 30% những gì họ nói (* Trải nghiệm cá nhân). Nhưng như vậy bạn về nhà rồi nói với mấy thằng bạn là dân Huế họ nói như vầy, như kia. Cho nên ngôn ngữ nó là cái idenity, là cái chứng minh bạn người miền này thay vì miền kia.
Ý cuối kết thúc phần ba hơi dài này là sự đa dạng, phong phú đem lại một lợi ích khá hay. Ví dụ có những từ trong miền nam chỉ một sự vật, sự việc nào đó mà cả ba miền đều thấy nó hay. Vậy là vốn từ vựng của các bạn được mở rộng thêm thôi. Có lợi khá nhiều cho dân chuyên văn.
Mình vẫn chỉ mới đề xuất ý tưởng cho một cuốn từ điển ba miền và đang coi các phản hồi về idea này ok không thôi. Tỉnh nào được coi là miền bắc thì nên sử dụng từ miền bắc, cũng như miền trung và nam. Còn mấy cái công văn, quy định cấp nhà nước thì cứ như hiện tại, dùng từ ngoài bắc, nhưng theo thời gian thì nên chấp nhận thay đổi từ ngữ để những công văn, văn bản đó dễ hiểu và dễ tiếp cận với đa số dân Việt Nam hơn. Dân Huế hay Cần Thơ không hiểu chủ tịch nước nói gì thì chịu khó lấy cuốn từ điển ba miền ra tra đỡ đi.
(Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả)