- Vớ vẩn, tôi có mồm tôi nói lúc nào chẳng được. Nói là quyền tự do của mỗi người cơ mà. Chẳng ai có quyền cấm được tôi nói.
- Hỏi thế cũng hỏi, thôi ông im mẹ mồm đi.
- Ông nói thế *éo ai nghe đâu. Cái này tự mình biết thôi.
- Ở công ty (ở cái nhà này) *éo ai cho em nói. Họ toàn chặn họng em, hoặc chẳng ai thèm quan tâm tới điều em nói, cứ như họ bị điếc hết cả lũ.
...
Bạn thấy mấy điều trên quen không? Đó chính là thứ mình muốn bàn tới trong bài viết này: "Khi nào bạn có quyền được nói?".
Đây cũng là 1 câu twist trong phim Avatar mà mình đặc biệt ấn tượng:
I am Omaticaya. I am one of you, and I have the right to speak.
Điều này đặc biệt ở chỗ: quyền được nói phụ thuộc vào ý trước đó: tôi là 1 người trong cộng đồng, tôi được mọi người công nhận, nên tôi có quyền được nói.
Vấn đề trong "quyền được nói" không nằm ở người nói, mà lại nằm ở người nghe. Tức là khi tôi nói thì mọi người phải nghe, phải suy nghĩ về điều tôi nói, chứ không phải bỏ ngoài tai. Tôi có quyền được nói hiểu theo nghĩa khác là: khi tôi nói thì mọi người phải nghe và tôn trọng lời nói của tôi. Ví dụ như:
- Khi giáo viên nói thì cả lớp phải im lặng và lắng nghe.
- Khi giáo viên gọi 1 học sinh đứng lên trả lời thì cô giáo cũng phải lắng nghe học sinh đó.
- Khi người chủ gia đình đang nói trong cuộc họp gia đình thì những người trong nhà phải nghe.
- Khi sếp đang nói trong cuộc họp thì nhân viên phải nghe.
- Khi bạn chưa được quyền nói thì có nói ra cũng không ai nghe, hoặc họ sẽ ngắt lời bạn, chặn họng bạn và không ai bảo vệ bạn khi họ làm điều đó.
Tất nhiên mình không phủ nhận việc bạn có thể nói gì bạn muốn mà không quan tâm tới mọi người phản ứng ra sao, hoặc bạn nói cho chính bạn nghe. Đó là quyền tự do của bạn. Nhưng khi ấy bạn cũng chẳng quan tâm tới "quyền được nói". Bạn chỉ quan tâm tới nó khi người khác làm ảnh hưởng tới "quyền được nói" của bạn.
- Bạn nói chuyện riêng trong giờ học, giáo viên nhắc nhở bạn. Như thế họ có xâm phạm "quyền được nói" của bạn không? hay lúc ấy bạn chưa có quyền được nói?
- Trong cuộc họp công ty, khi đang nghe 1 đồng nghiệp trình bày thì bạn nảy ra 1 ý kiến liền nói ngay lập tức, cắt ngang phần trình bày của đồng nghiệp. Như thế bạn có "quyền được nói" không?
Bởi vậy, khi nói với người khác rằng: tôi có quyền được nói, bạn cần đảm bảo được:
- Lời nói của bạn không ảnh hưởng tới quyền được nói của người khác.
- Bạn muốn được người khác lắng nghe.
- Bạn đã cân nhắc ngôn từ, ý nghĩa trong lời nói của mình. Bạn đủ khả năng (năng lực) chịu trách nhiệm về những gì sắp nói ra (với các hệ quả của nó).
---
P/s: Hôm qua sếp tôi có 1 cuộc họp online, anh ta đã rất bực mình khi đang nói mà bị người khác chen vào. Bạn có thể nghĩ điều đó là giao tiếp kém, là không biết tôn trọng người khác, nhưng tại sao nó lại diễn ra trong cuộc họp? Có phải do hình thức họp online mới như thế? Tôi cho rằng vấn đề không phải ở hình thức cuộc họp, mà ở ý thức về quyền được nói chưa đúng. Đó cũng là lý do có bài viết này, để nhắc nhở bản thân tôi và mọi người rằng, chúng ta có quyền được nói, nhưng phải sử dụng quyền đó 1 cách đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm.
---
05/11/2021