Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

Không phải là đi phượt vòng quanh thế giới, cũng chẳng phải là có một tình yêu đáng ngưỡng mộ. 25 tuổi, nếu chưa từng trải qua cảm giác thất nghiệp thì có lẽ bạn còn đang thiếu một trải nghiệm cần thiết của hành trình trưởng thành.
 25 tuổi – thời điểm tuyệt vời để… thất nghiệp
Vy xoay tách Lipton sữa nóng và luân phiên áp hai lòng bàn tay vào miệng cốc. Hôm nay là thứ Hai đầu tuần, nhưng cô lại đang ngồi giữa quán café quen thuộc, vào cái lúc mà những người bạn cùng lứa còn đang tất bật trong văn phòng, đi trên đường hay trải nghiệm những chuyến công tác dài ngày. Tuần trước, Vy vừa xin nghỉ việc. Bây giờ trong đầu cô gái 9X đầu đời chỉ có hai câu hỏi đan xen lẫn lộn: Ngày mai mình sẽ làm gì? Và, mình có thể giả vờ giấu gia đình về việc thất nghiệp được bao lâu?
Mị còn trẻ, Mị có quyền thất nghiệp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến quý 2 năm 2017, có khoảng 1,1 triệu người thất nghiệp tại Việt Nam, tức là tương đương khoảng 2,28% tổng số người trong độ tuổi lao động. (Đấy là số liệu thống kê, còn những gì số liệu không thống kê được thì không ai biết). Tức là rất có thể vào cái lúc Vy đang xoa đôi tay lạnh trên miệng tách trà nóng, có một vài trăm ngàn bạn trẻ ở lứa tuổi của cô cũng đang tự hỏi hôm nay “mình tới Trái Đất để làm gì”.
Có rất nhiều lý do để một người ở cái ngưỡng tuổi 25 rơi vào “hoàn cảnh” thất nghiệp. Thất nghiệp “bị động”, là khi bạn thiếu những kỹ năng thực tế cần thiết mà một công việc trên thị trường lao động đòi hỏi, nộp đơn vào đâu cũng bị nhà tuyển dụng từ chối. Hoặc trong trường hợp bạn vẫn còn đắn đo giữa những hướng đi nghề nghiệp, muốn có thời gian nghỉ ngơi sau nhiều năm đèn sách miệt mài; muốn nhảy việc hoặc dành thời gian ngồi không suy nghĩ về cuộc đời… thì có thể xem là thất nghiệp “chủ động”.
Nhưng dẫu bạn thất nghiệp theo kiểu nào, thì một điều rõ ràng không ai có thể phủ nhận được là tình trạng không có việc làm đem lại kha khá nhiều vấn đề đau đầu, nếu nó kéo dài quá lâu. Không có nguồn thu nhập thường xuyên để phục vụ những nhu cầu chi tiêu cá nhân, áp lực từ gia đình và bạn bè đồng trang lứa, sự rối bời và hoang mang trong chính bản thân… là những gánh nặng tâm trí hiện hữu ngay trước mắt. Sẽ ra sao nếu sáng ra vừa tỉnh dậy Newsfeed Facebook đã đập vào mắt hình ảnh đứa bạn thân đang vi vu những chuyến du lịch còn bạn nằm nhà, cháy túi? Làm thế nào để vượt qua được những lời khuyên chân thành nhưng không kém phần phiền toái của những bậc phụ huynh vốn không có ý niệm gì về “gap-year”, như kiểu “Mau ổn định công ăn việc làm để còn tính chuyện lâu dài đi con”?
Dù bạn chỉ đang bối rối một chút với tình trạng thất nghiệp hiện thời, hay đã trải qua khủng hoảng ¼ cuộc đời (quarter-life crisis), thì cũng hay nhớ một điều quan trọng rằng: 
Thất nghiệp chẳng phải tận thế, nó là một điều ai cũng từng (và nên) trải qua.
Nói cách khác thì thất nghiệp chính là một trải nghiệm tốt để chúng ta trưởng thành hơn, đặc biệt là đối với những người ở quanh ngưỡng tuổi 25. Đây là thời điểm bạn đã có một cái nhìn tương đối rõ về thế giới ngoài kia, có thể đã trải nghiệm các môi trường làm việc khác nhau một vài năm, đã biết tách mình ra khỏi những ảo vọng màu hồng của cái thời ngồi trên ghế nhà trường; nhưng vẫn còn đủ sức lực và sự can đảm để học hỏi những thứ hoàn toàn mới mẻ. 25 tuổi có lẽ là thời điểm… tốt nhất để thất nghiệp, khi mà rất có thể bạn vẫn chưa vướng bận với những trách nhiệm cơm áo gạo tiền quá nặng nề.
Thất nghiệp là lúc bạn phải đối diện với bản thân trong một hoàn cảnh yếu đuối nhất: lo âu, căng thẳng và nhiều phiền muộn. Là thời điểm trải qua cảm giác “vô dụng”, “ăn bám” và “chẳng là ai cả”.
Nhưng đây cũng chính là lúc bạn có khả năng vươn lên mạnh mẽ nhất. Thất nghiệp là khoảng thời gian hoàn hảo để bạn thực sự không-làm-gì-cả, quan sát cuộc sống xung quanh và nhìn sâu vào những mong muốn, mơ ước và tiềm năng của bản thân. Bạn hứng thú với điều gì? Những kỹ năng hiện tại của bạn có thể đáp ứng được bao nhiêu % công việc mơ ước? Hoặc, thậm chí là, bạn có biết chính xác thứ mình thích là gì không? Nếu không biết mình thích gì thì bước tiếp theo sẽ ra sao? 
Khi không-làm-gì-cả, những suy nghĩ trong bạn sẽ rành mạch và sáng tỏ hơn rất nhiều.
Làm thế nào để “sống sót” thành công qua giai đoạn thất nghiệp
Thất nghiệp cũng được, nhưng đừng thất nghiệp quá lâu 
Để “sống sót” thành công sau quãng thời gian thất nghiệp, điều bạn cần làm là đặt ra một kế hoạch rõ ràng cho hành trình sắp tới. Bạn có thể dành một thời gian nhất định để nghỉ ngơi và thư giãn đầu óc khỏi những áp lực, song nếu chìm đắm quá lâu vào việc suy nghĩ đơn thuần mà không đi kèm hành động gì cả, rất có thể bạn sẽ hoảng loạn tại một thời điểm không lâu sau đó.
Kế hoạch “sống sót” này nên bắt đầu bằng việc trả lời câu hỏi: Đâu là “deadline” cho quãng thời gian thất nghiệp này? 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm? Khoảng thời gian này được xác định dựa trên những yếu tố liên quan tới chính bản thân bạn, ví dụ như số tiền tiết kiệm hiện tại có thể giúp bạn tự chủ tài chính trong bao lâu. Bạn có thể sống tối giản, OK, nhưng chắc hẳn bạn cũng không muốn lệ thuộc vào người khác. 
Tiếp theo đó là việc xác định mục tiêu của quãng thời gian thất nghiệp. Ngoài một mục tiêu tưởng chừng như đương nhiên – tìm việc làm mới – thì nhiều khi khoảng thời gian tự do này sẽ được mọi người tận dụng để làm những việc họ thích mà cuộc sống công sở gò bó trước đây không cho phép, như là đi phượt một chuyến thật xa, hoặc đăng ký một khoá học ngắn ngày để nâng cao kỹ năng chuyên môn hoặc kỹ năng mềm, tham gia vào một hoạt động tình nguyện nào đó, đọc sách, hoặc chỉ đơn giản là nghĩ xem bạn muốn trở thành một người như thế nào trong cuộc đời này.
Để giúp cho những mục tiêu ấy trở thành hiện thực, hãy chuẩn bị một cuốn sổ tay. Bạn nên ghi rõ ràng những đầu việc mình cần làm trong một tuần, ví dụ như lên các trang việc làm tìm kiếm công việc, hay nghiên cứu các yêu cầu cần có của một ví trí đang tuyển. Xen lẫn đó là thời gian đi học, đi chơi, đi gặp gỡ bạn bè hoặc các mối quan hệ sẵn có – đây cũng chính là nguồn tài nguyên rất quý giá mà bạn nên tận dụng để tìm kiếm các cơ hội việc làm. Việc lên danh sách những đầu việc cần làm sẽ giúp bạn tránh rơi vào tình cảnh những ngày tháng lãng phí chỉ nhìn màn hình điện thoại, thở dài và oán trách cuộc đời bất công. Quan trọng hơn, việc giữ cho mình bận rộn và hoàn thành được các đầu việc trong checklist sẽ giúp bạn tránh khỏi suy nghĩ tiêu cực rằng mình “vô dụng". 
Khoa học của thất nghiệp: Quy mọi thứ về con số
Làm thế nào để lựa chọn được công việc phù hợp cũng là một vấn đề đau đầu với không ít bạn trẻ. Vui chút thôi, nhưng ngày xưa mình từng thi trượt vào một CLB sinh viên vì các anh chị khoá trên nói "em không phù hợp". Hỏi tại sao không phù hợp thì chẳng ai giải thích được. Nên Phù-Hợp là một mớ hỗn độn gì đó thực sự rất mơ hồ, và nhiệm vụ của bạn là hãy lượng hoá mọi thứ trong khả năng tốt nhất có thể. 
Nhưng trước khi đánh giá các công việc, hãy đánh giá chính bản thân bạn bằng việc liệt kê ra một danh sách các kỹ năng chuyên môn mà bạn đang nắm trong tay, hoặc có tiềm năng học hỏi tốt trên một thang điểm nhất định, ví dụ thang điểm 10. Giả sử, bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh telesales cho một trung tâm ngoại ngữ, khả năng ăn nói, thuyết phục người nghe của bạn ở mức 8/10; khả năng tìm kiếm thông tin khách hàng tiềm năng (trên mạng hoặc ngoài đời thực) của bạn ở mức 7/10, ngoại hình của bạn 6.5/10, như vậy trung bình là trên 7 điểm - khả năng cao là bạn cũng tương đối phù hợp với vị trí này. Những tiêu chí về mặt năng lực cá nhân cần phải càng cụ thể càng tốt, những thứ như "ham học hỏi" hay "chăm chỉ" dù nghe có vẻ tốt nhưng không giúp ích cho bạn nhiều lắm đâu - thậm chí là ngay cả khi đi phỏng vấn sau này. 
Ai cũng một thời trẻ dại, và thất nghiệp
Quy trình tương tự được lặp lại ở bước chọn công việc. Bạn nên cân nhắc những yếu tố khác nhau như cơ hội học hỏi kiến thức, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, khả năng thăng tiến... và chấm điểm các tiêu chí này, dựa trên ưu tiên nào là quan trọng nhất với bản thân bạn ở thời điểm này. Bạn đang muốn phát triển kỹ năng của bản thân để tiến tới tương lai xa hay chỉ đơn thuần là tìm kiếm một việc làm lương cao để giải quyết áp lực kinh tế trước mắt?
Cuối cùng thì điều quan trọng hơn cả vẫn là việc giữ được một tinh thần lạc quan và tránh xa cảm xúc tự ti. Dù bạn bị sa thải, thi tuyển mãi vẫn không chọn được công việc phù hợp hay chủ động nghỉ việc, thì bạn cũng cần dành thời gian nhìn nhận những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình một cách khách quan nhất. Đừng tự huyễn hoặc bản thân rằng “do mình đen thôi, đỏ quên đi”; nhưng cũng đừng né tránh mọi người, giày vò hay so sánh với những người khác. 
So sánh với chính mình hôm qua là đã đủ mệt rồi, nhỉ?
Nếu có thể vượt qua thời điểm khó khăn này, có lẽ bạn sẽ mạnh mẽ lên rất nhiều. Bạn có thể cần một công việc để nuôi sống bản thân ở tuổi 25, nhưng điều cần thiết hơn là bạn phải sống một cuộc đời đáng sống vài chục năm sau đó. 
Nếu bạn đã là một tay... thất nghiệp lão làng thì xin lỗi vì kinh nghiệm "thất nghiệp" của tôi vẫn chưa đủ uyên thâm. Tôi không khuyên ai thất nghiệp, nhưng nếu bạn cảm thấy cần phải bỏ ra một quãng thời gian “tạm nghỉ” để nhìn nhận mọi thứ thật thấu đáo, để trân trọng cuộc sống và thậm chí là từ bỏ thói quen nghĩ mình là vô địch vũ trụ, hãy cứ dũng cảm mà trải nghiệm thôi!  
Đọc thêm: