Sử dụng Facebook như một người thông minh
Như đã thể hiện ở bài Victim Blaming , quan điểm của mình là thay vì cố chấp face-to-face với những vấn đề tạm thời chưa thể thay...
Như đã thể hiện ở bài Victim Blaming, quan điểm của mình là thay vì cố chấp face-to-face với những vấn đề tạm thời chưa thể thay đổi một sớm một chiều, chúng ta nên khôn ngoan dựa trên những gì mình có và môi trường cung cấp để tạo ra một phương án hiệu quả nhất để sinh tồn. Rồi lên kế sách thay đổi thế giới sau.
Sự phát triển của mạng xã hội khiến nhiều người khó chịu, tìm cách tự cách ly bản thân với phát minh này nhưng theo mình đó không phải cách hay nhất. Vì:
1. Bạn không thể xóa bỏ mạng xã hội.
2. Bạn không thể không dùng, và việc này ngày càng trở nên rõ ràng.
3. Lỗi không nằm ở mạng xã hội.
Việc tạo ra cung tên vốn để săn thú, nhưng sau này người ta lại dùng nó để bắn nhau. Tất nhiên yếu tố khách quan (cung tên) đã khiến yếu tố chủ quan (con người) tạo ra một thảm họa có mức độ nghiêm trọng hơn so với việc loài người đấm nhau. Nhưng vấn đề ở đây là, nếu người ta đã muốn đấm nhau, họ có thể đấm nhau đến chết.
Do đó, việc đổ lỗi hoàn toàn vào mạng xã hội vừa vô ích lại vừa ngu ngốc. Chúng ta nên dành thời gian đó để tạo ra một chiến lược mà ở đó ta là người sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý và hiệu quả nhất, làm chủ nó thay vì đăng một status đại loại rằng mạng xã hội đang ngày càng chi phối nhân loại.
Thôi không lằng nhằng nữa, vào thẳng vấn đề luôn nhé.
How To Use Facebook Like A Pro
I. Xây dựng Profile của bạn
Việc xây dựng một profile tử tế thể hiện sự tự tôn trọng của bạn đối với bản thân. Theo kinh nghiệm của mình thì rất rất rất ít những người hay ho sử dụng một profile trêu ngươi người khác, phần còn lại thường là những người tự xem mình là kẻ mờ nhạt nên quyết định tạo ra một profile đỡ đòn cho cái tôi của bản thân.
Không hoàn toàn đúng, nhưng những gì bạn lựa chọn thể hiện một phần tính cách và con người bạn.
Profile facebook cũng như một bản CV, như vẻ ngoài của bạn mỗi khi nhập tiệc. Nếu bạn có thể chỉn chu chăm chút cho những thứ mang tính đại diện khác, thì tại sao lại xem nhẹ việc xây dựng một profile tử tế. Nếu như LinkedIn vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, thì profile Facebook là một kênh mà mọi người vẫn thường nhìn vào để có một cái nhìn sơ khai và tổng quát về bạn, đôi khi người tuyển dụng cũng dùng hình thức này.
Hãy bắt đầu bằng những việc sau:
1. Một cái tên đàng hoàng
Không bàn thêm về những người thích trò đặt tên kí tự đặc biệt, hay dài loằng ngoằng như chiếu chỉ, hay kiểu không hiển thị,... đó là sở thích quái dị của một nhóm người.
Mình thường không đánh giá cao những người sử dụng tên của một nhân vật nổi tiếng nào đó, một cụm từ nào đó,...
Hãy đặt tên là tên.
2. Avatar và ảnh bìa tử tế
Đại đa số avatar facebook hiện nay là nhân vật truyện tranh, chó mèo, cỏ cây hoa lá, người nổi tiếng,... Theo kinh nghiệm quan sát của mình những người này thường bao gồm nhiều điểm chung như: trang cá nhân hoặc là không có gì, hoặc là một đống những stt và bài share cách nhau vài tiếng; comment hoặc là vô nghĩa hoặc là cực kì vô nghĩa nhưng vẫn nghĩ là mình đang nói ra những điều có ý nghĩa; hay xuất hiện ở các drama...
Rất ít trường hợp cá biệt.
Mình sẽ gợi ý một số tiêu chuẩn về avatar:
- Nên là bạn.
- Nhưng đừng là ảnh selfie.
- Có điều kiện thì nên là ảnh chụp từ máy ảnh.
- Là một bức ảnh mà bạn thấy bạn tuyệt nhất, hoặc ít nhất là thể hiện chính xác nhất con người bạn.
Ảnh bìa thì chỉ cần là một thứ gì đó bạn nghĩ là thú vị và hay ho, nhưng phải là một hình ảnh có độ phân giải cao.
Đọc thêm:
3. Những điều hiển thị trên trang cá nhân
Cung cấp thông tin cá nhân cụ thể trên mạng xã hội thì lợi bất cập hại. Thế nên mình khuyên các bạn không nên public những điều sau (theo thứ tự ưu tiên giấu đi giảm dần): Nơi ở, quê quán, trường học, công ty,...
Mình thường giấu đi tất tần tật. trang cá nhân chỉ hiển thị ngày tham gia facebook và số người theo dõi. Nhưng đôi khi bạn cần khoe ra, tùy theo mục đích.
Nếu như bạn muốn gây ấn tượng với người khác, nên khoe ra những điều sau:
- Ngôi trường bạn đang theo học là một ngôi trường danh tiếng
- Bạn từng/đang làm ở NGO hay NPO nào đó tốt đẹp
- Bạn từng/đang làm ở một công ty nào đó mà bạn tự hào
- Hoặc một công việc hay ho nào đó
Những điều này sẽ giống như những điều bạn ghi ở CV, rất dễ gây được ấn tượng và thiện cảm ở người khác.
4. Quan trọng nhưng lại ở cuối: mục đích của trang cá nhân của bạn
Có nhiều người sử dụng Facebook chỉ để kết bạn với bạn bè người thân, nhiều người khác để xây dựng network rộng hơn, nhiều người khác chỉ là clone để có thể thoải mái tự do nói ra những điều họ muốn (một cách hèn nhát, ple).
Nếu như bạn sử dụng Facebook để kết nối với bạn bè người thân là chính thì: Đừng quá khác so với chính bạn bên ngoài. Vì bạn là bạn.
Mình từng gặp những người ở ngoài thì một đằng, lên mạng xã hội thì lại một nẻo, thật sự bối rối và đáng sợ.
Nếu như bạn sử dụng Facebook để xây dựng network thì hãy chia sẻ những điều mà bạn quan tâm để kết nối với đúng những người cùng tần số. Bên cạnh đó thì nên xây dựng một profile deep và nghiêm túc một tí để tránh việc mọi người đánh giá sai về bạn chỉ vì những điều bạn thể hiện trên mạng xã hội.
Còn nếu bạn là clone hay một profile để tiếp cận với công chúng theo cách bạn muốn (như Hoang Bach Nguyen hay Mạnh Tuấn,...) thì việc này không quan trọng lắm.
5. Tổng kết
Việc sử dụng một profile tử tế mà ở đó có tên và avatar là chính bạn khiến bạn bắt đầu nghiêm túc hơn về những gì bạn chia sẻ và những điều bạn comment.
Nếu bạn nghĩ bản thân không có một ngoại hình ưa nhìn và sợ mọi người đánh giá thì lúc đó chính bản thân bạn đang tự hạ thấp giá trị của mình. Sự tự ti bắt nguồn từ bên trong, lo sợ người khác nghĩ gì về mình chỉ là sự phóng chiếu của chính bạn. Đây là lúc để bạn thay đổi bản thân đó!
Chia sẻ vui một tí, mỗi lúc mình ngồi viết CV là mỗi lúc mình nhìn lại bản thân đang có gì và chưa có gì, mình thường phải đối mặt với rất nhiều cảm xúc lẫn lộn. Mình nghĩ khi bạn bắt đầu ngồi xây dựng profile Facebook cũng sẽ có cảm giác như vậy. Đó là khi bạn biết bản thân có gì và chưa có gì, nhìn lại một cuộc đời dài hơi đã qua và nhận ra rằng thật ra chính mình cũng chẳng có gì sất.
Và đây là lúc bạn có động lực để hành động.
Nếu cảm thấy bản thân chưa có nhiều điều hay ho? Hãy học. Nhận ra trễ còn hơn là không bao giờ.
Nếu bạn cảm thấy CV cũng như lịch sử học tập, làm việc của mình quá nhàm chán và trống trải? Hãy lên kế hoạch để lấp đầy nó. Bên ngoài có khoảng vài triệu thứ hay ho đang trôi nổi, chỉ có bạn là đang đóng cửa nằm phòng lướt Facebook thôi. Mọi hành trình đều bắt đầu từ bước đầu tiên.
Nói dông dài thế để kết luận một điều là: Hãy có một profile hay ho theo cách của bạn. Nếu nó chưa hay ho như bạn mong muốn? Hãy làm nó trở nên như thế.
Muốn test xem profile của bạn có chuẩn chưa? Gửi friendrequest tới một người bạn nghĩ là "thuộc thế giới khác", nếu họ accept thì tức là bạn đã thành công.
II. Xây dựng Newsfeed của bạn
Đọc thêm:
Newsfeed hay còn gọi là bảng tin, tức là cái bạn vẫn hay lướt lướt.
Có một nguyên tắc cơ bản sau: Hãy tập cách chủ động tìm kiếm, đừng thụ động lướt những gì Mark trưng ra.
1. Quản lý bạn bè
Ngoài việc tự thân đi tìm kiếm và kết bạn với những người hay ho, mình thường accept những trường hợp sau:
- Bạn gái của mình :D Chọn Xem trước.
- Bạn thân (thường là hợp tính sẵn, tức là bọn này cũng dùng facebook rất khắt khe): Chọn Xem trước để cập nhật những điều ho ở tụi nó.
- Những người có profile thú vị.
- Những người có quen biết ở ngoài: Tùy trường hợp, nhưng đa phần sẽ accept và Bỏ theo dõi.
- Có inbox và nói lý do muốn kết bạn.
Còn lại thì không.
Việc quản lí chặt chẽ từ đầu sẽ giúp cho newsfeed của bạn không bị trở thành một mớ bòng bong vì: Bán hàng online, share give away, ăn chơi nhậu nhẹt tiệc tùng, rất rất nhiều quan điểm, rất rất nhiều lời tâm sự,...
2. Quản lý group
Nguyên tắc cơ bản như đã nói: chủ động tìm kiếm thông tin. Vì thế, hãy cứ gia nhập nhiều group, nhưng đừng theo dõi quá nhiều trong số đó. Mình phân ra một số nhóm group sau:
a) Những khu chợ đông người nhưng chẳng mua được gì
Ở đây thường tập hợp rất nhiều thành viên (vài trăm nghìn), nói về đủ thứ chuyện trên đời và cũng có rất nhiều thành phần.
Ví dụ: Không sợ chó, Dota2vn, Otofun, Voz, #HNBMG, Tinhte,...
Những group này đúng kiểu tạp nham, lúc nào cũng inh ỏi. Các bạn nên tham gia để mỗi dịp có drama có thể ghé qua xem dư luận đang nói gì và nghĩ gì, nhưng hãy bỏ theo dõi. Vì những gì mà các nhóm này mang lại hoàn toàn vô nghĩa: tin tức, quan điểm, những điều trigger cảm xúc của bạn,...
Nếu như nhiều người ghét kiểu "bà Tám", kiểu inh ỏi chợ búa ở bên ngoài thì nhiều người lại không nhận ra những group này cũng là một kiểu như vậy.
Thỉnh thoảng nên ghé xem xã hội đang trông ra sao thôi, đừng follow.
b) Những khu chợ đúng nghĩa
Có nhiều group buôn bán trên Facebook, về đủ loại mặt hàng: chợ sách, chợ máy ảnh, chợ quần áo nước hoa, chợ phụ kiện điện tử, chợ bán chữ (copywriter), chợ việc làm, chợ tổng hợp,...
Đây là những nơi bạn nên gia nhập khi có nhu cầu, xong rồi thì nên rời hoặc bỏ theo dõi. Việc newsfeed lúc nào cũng có tin tức mua này bán nọ thường hại nhiều hơn lợi.
Có một group là Những người đàn ông thông minh (nghe tên chuối vãi) mình đánh giá tương đối cao vì có nhiều deal ngon và mặt hàng đa dạng.
Những group về việc làm như: Internship - Career Opportunities (HCMC), KÊNH THÔNG TIN CƠ HỘI CỦA TÔI CỦA BẠN (My Your Opportunities)...
Nhắc nhở các bạn là mua bán trên Facebook nên tham khảo trước những người có kinh nghiệm, check legit để tránh trường hợp bị scam hoặc mua phải hàng đểu.
Điều quan trọng phải nhắc lại nhiều lần: Chủ động tìm kiếm.
c) Khu vui chơi của tầng lớp tiểu tư sản
Đây thường là những group có phần hơi extreme và content cũng kén người đọc. Chưa kể thường kèm theo là QTV khá gắt.
Có thể kể đến: Vietnam Physics, LM - The Guild of Modern Visual Culture, International Vietnamese Academics Network,...
Nên theo dõi vì lượng bài đăng cũng ít và thường là chất lượng.
d) Đặc khu của những sở thích
Có thể là các group Nhiếp ảnh, Sách, Phim, Truyện tranh, Game, Bet, Ngôn ngữ, Thú cưng, Phím cơ, Đồ chơi...
Về nhiếp ảnh có thể kể đến: Aphoto, Blend n Retouch, Film Photo Club, Fuji X Series Vietnam, Canon,... Nên theo dõi những group này vì content mang tính tập trung cao, chỉ toàn ảnh là ảnh, nhẹ nhàng, không mệt óc.
Sách có thể kể đến: Hội yêu sách, Cộng đồng đọc sách tinh hoa,... (những group sách thường tạo cho mình những ấn tượng xấu)
Phim có: Phê phim,...
...
Những group như thế này bạn nên theo dõi, nhất là với những group được quản lý tốt.
e) Highly Recommended
Một số group mình theo dõi thường xuyên: Quora Việt Nam, Reddit Việt Nam, Science2vn, J2TEAM Community
Tuy không hẳn 100% nhưng đây là những nơi mình nghĩ là tốt nhất trên facebook riêng về mảng kiến thức đại chúng và giải trí, member cũng khá ok. Tóm gọn thì đây là những nơi sẽ có gì đó bạn đến và mang về được.
...
3. Quản lý Fanpage
Tỉ lệ của mình: 3 giải trí, 7 kiến thức.
Về kiến thức, mình cạch mặt những trang kiểu "Có thể bạn chưa/đã biết", "IFact",... nói chung cứ trang nào nhiều like thì thường là vớ vẩn.
Những trang về tri thức thì content càng chất lượng thì thời gian ra mắt bài đăng càng dài.
Một số có thể kể đến: Vương Quốc Bảy Bủm, Zeal, Trạm Đọc, Spiderum, Phòng Chống Nạn Xào Nấu Sử, Monster Box, Đại Việt Cổ Phong, Quora Việt Nam, Reddit Reporter, Tâm lý học tội phạm, 10 Sự thật thú vị...
Bên cạnh đó là những trang tin tức (ít thôi): Sputnik, BBC, VTV,...
Mình đặc biệt rất rất thích những page có artwork đẹp, nhạc hay hay ảnh đẹp, thường là của nước ngoài. Nhưng số này trên Facebook có vẻ hạn chế hơn so với các mạng xã hội khác.
Còn lại thì về mảng giải trí mình cũng né né những trang chửi người làm vui hay content hướng về đại chúng mà có xu hướng theo dõi những trang hay có memes hoặc video chất lượng.
Và một số rất ít những fanpage khá đặc biệt mình sẽ ích kỉ và không chia sẻ ở đây.
Về phần này, mong mọi người giúp bổ sung ở dưới comment với nhé.
4. Tổng kết
Như đã nói về nguyên tắc: Hãy chủ động tìm kiếm, đừng lướt.
Hãy chỉ để những thứ có ích xuất hiện khi chúng ta lướt, còn thứ chúng ta cần biết trong ngắn hạn (drama, tin tức, nhu cầu) thì nên chủ động tìm.
Có một câu nói rất hay đó là:
"Bạn không thể trở nên thơm tho nếu sống trong một bãi rác"
Một trong những cách để bảo vệ newsfeed là: Hãy dùng tab ẩn danh khi làm việc-mà-ai-cũng-biết-là-việc-gì-đấy, đừng click link lung tung, đừng thử các ứng dụng test IQ, đoán tính cách...
Nếu quá khó khăn, hãy tạo một trang cá nhân mới và xây lại từ đầu.
*Một vài mẹo nhỏ:J2Team có một extension (tiện ích trên Chrome) giúp bạn quản lý Facebook tốt hơn. Tiện ích này có thể giúp bạn ẩn việc đã xem, đang nhập hay thậm chí là ẩn online. Bên cạnh đó, một số chức năng thú vị như hiển thị giờ online Facebook hay đóng băng newsfeed có thể giúp bạn hạn chế bớt việc lãng phí thời gian lướt lướt vô bổ.
III. Tổng kết lớn
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của mình, các bạn chỉ nên tham khảo. Chúng ta không cần phải giống nhau, vì sự đa dạng tạo nên thế giới. Tuy nhiên có một số nguyên tắc cơ bản mình đúc kết được và mình chắc chắn rằng nó sẽ mang lại lợi ích, thế nên hãy xem xét.
Không quan trọng bạn làm gì, quan trọng bạn có đang hiểu việc mình đang làm hay không. Thế nên bài này không dành cho những người cố tình build một trang cá nhân nhằm một mục đích nào đó, mà dành cho những người vô tư chưa biết cách xây dựng profile cho mình.
Hãy biến Facebook nói riêng và những mạng xã hội khác nói chung trở thành một công cụ đắc lực phục vụ cho bạn, chứ đừng làm nô lệ. Nắm bắt đặc điểm của từng loại mạng xã hội, của người dùng mạng xã hội đó từ đó rút ra cách sử dụng hợp lý và khôn ngoan nhất. Vì bạn đâu thể không sử dụng chúng ;)
Khi xây dựng profile cá nhân, hãy nghiêm túc, khoe ra thứ cần khoe và giấu đi một phần sao cho bạn vừa được tôn trọng lại được người khác cảm thấy tò mò thích thú. Điều này được thể hiện ra ở thông tin của bạn, điều bạn đăng/chia sẻ. Tất nhiên nó còn phụ thuộc nhiều vào nhóm người bạn muốn gây ấn tượng. Bạn không cần phải trở thành ai đó, nhưng bạn cần trở thành phiên bản tốt nhất của chính bạn.
Khi xây dựng newsfeed, hãy chọn lọc thật kĩ để đỡ tốn thời gian, cảm xúc với những kiểu tin tức vô thưởng vô phạt, tránh những nơi khiến bạn lao đầu vào những cuộc tranh cãi vô bổ chẳng đi tới đâu. Hãy xây dựng một newsfeed mà bạn có thể học mỗi ngày. Không chỉ bó gọn trong kiến thức, mà còn rộng ra về sở thích, đam mê hay sự quan tâm của chính bạn.
Những điều mọi người khoe ra ở Facebook thường là kết quả cuối cùng. Tức là dù đó là một niềm hạnh phúc hay một nỗi đau thì ta cũng chỉ thấy được một lát cắt chứ không phải toàn thể. Cuộc đời không hề tốt đẹp, nhưng cũng chẳng u ám đến thế. Thế nên mình khuyên các bạn nên bỏ theo dõi những người bạn suốt ngày khoe khoang hoặc kể lể hoặc chia sẻ những thứ tiêu cực.
Nhưng cũng đừng loanh quanh trong khu biệt thự cao cấp mình vừa hướng dẫn các bạn build. Thỉnh thoảng cũng phải ghé qua những "xã hội thu nhỏ" để xem mọi thứ đang thật sự vận động như thế nào, tránh trường hợp tiếp xúc với quá nhiều điều tốt đẹp đến khi gặp chuyện lại bị shock và mất hết niềm tin vào cuộc sống. Khi bạn ở quá lâu trong vòng an toàn của mình, bạn giống một đứa trẻ được bảo bọc kĩ càng và cuộc chơi lớn thường không dành cho trẻ em.
Có một lưu ý quan trọng khác: Hãy chừa chỗ cho sự trái chiều. Nếu bạn là người ủng hộ LGBT, hãy theo dõi những người/nhóm người phản đối. Nếu bạn theo phe Đỏ, thì nên gia nhập một vài tổ chức của phe Vàng. Việc luôn chọn ra những nội dung hợp ý mình khiến bạn trở thành một chú bé ngốc nghếch bị chi phối bởi quan điểm của người khác. Bạn sẽ cho rằng những điều bạn nghĩ là đúng chỉ vì lúc nào cũng thấy có những luồng quan điểm ủng hộ, nhưng sự thật chưa chắc đã như thế. Hãy chừa chỗ cho sự khác biệt, cho những quan điểm trái chiều. Bạn không cần phải thoải mái tiếp nhận nó, nhưng cũng đừng trốn tránh.
Và điều cuối cùng: đừng tưởng tượng, hãy thực hiện.
*Tít để câu view là chính
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất