Hồi mới ra trường, có một đợt mình thất nghiệp tầm 14 ngày, mà mình phát điên đến mức chỉ cần vài ngày nữa không có job thì mình sẽ phải vào viện tâm thần. Sau này mình phát hiện ra, hóa ra chúng ta không phát điên vì thất nghiệp, chúng ta phát điên vì không có tiền :)
Mình ngừng xin tiền bố mẹ kể từ năm thứ 3 đại học, thế cho nên thật dễ hiểu khi mình phát điên vì thất nghiệp... Sau 2 năm làm việc không nghỉ, cuối cùng mình cũng có một tháng break cho riêng mình. Năm 2020 là 1 năm buồn chán đến đau lòng, và mình tin rất nhiều bạn cũng sẽ rơi vào tình trạng quá rảnh như mình, vậy chúng ta nên làm gì trong thời gian thất nghiệp bây giờ nhỉ?
Social Distancing - Susanna Rumiz 

1. Cân đối tình trạng tài chính. 

Nếu bạn không có nguồn thu nhập thứ 2, hay thu nhập dự phòng như chứng khoán, lãi suất ngân hàng, bán hàng online, thương mại điện tử, quảng cáo,... đây sẽ là thứ đầu tiên chúng ta nên quan tâm.
Thực tế chỉ ra rằng nếu chúng ta ở nhà quá lâu, thì chúng ta sẽ tiêu rất nhiều tiền vào những thứ không cần thiết trên mạng – như mình đã làm :< Thế nên:
- Trích ra 1 quỹ riêng cho các khoản buộc phải chi tiêu: Tiền nhà, tiền điện, tiền nước, phí dịch vụ, xe cộ...
- Nếu bạn có thể tự nấu ăn, hãy ra chợ mua thay vì đi siêu thị. Trường hợp đi siêu thị, hãy để ý các đợt sale thực phẩm tươi và mua theo lô bỏ tủ lạnh dần.
- Nếu bạn không thể tự nấu ăn, hãy đi ăn chực và rửa bát cho bạn bè của bạn :) =)) Còn không thì làm ơn xách đít lên và học nấu ăn nếu không muốn sạt nghiệp vì order và vào viện vì ăn thực phẩm không an toàn.
- Khoán chi tiêu cho các hoạt động giải trí và tụ tập như Cafe, Ăn nhậu, Xem phim,...
- Ngưng săn sale trên Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,... vì bạn sẽ chỉ thêm buồn phiền vì mua toàn đồ vớ vẩn thôi.
Ngoài ra năm nay, sẽ không ít các ông bố bà mẹ cũng sẽ gặp khó khăn về tài chính, đến mình là bố của 2 con mèo cái còn thấy mệt cơ mà :) Thế nên ngoài mấy khoản trên, sẽ còn phải tính toán tiền sinh hoạt, tiền học của con, tiền thuê nhà, tiền xăng xe đi lại,... Bạn cần phải tính toán để đủ sống tối thiểu 4 tháng – 1 khoảng thời gian có thể vừa đủ để tìm được một công việc vừa ý.
Đọc bớt sách trong nhà. Tranh: Marly Gallardo

Đọc thêm:

2. Đọc bớt sách trong nhà 

Đây là một trong những việc mà mình thấy có ích nhất trong đời mình suốt tháng ngày quá rảnh. Mình từng là đứa nghiện sách, mua nhiều mà đọc thì ít, thậm chí còn chả hết được. Thời gian qua mình lười đến mức phải tự set KPI đọc mỗi ngày 50 trang sách để giải quyết dần dần đống sách trong nhà. Và finally hết đc 6 quyển rồi đấy.
Nhờ thế mình cũng biết rằng, nên mua sách vì review của một người có uy tín, hoặc một người mình thấy hợp với mình, thay vì những quyển sách mà có nhiều rating ngon.
Hãy mua thêm 1 cái bút nhớ dòng, để quẹt vào những chỗ là ý chính của quyển sách, bởi đây chính là lúc xác định rằng bạn đã đọc một cách rất nghiêm túc và kỹ càng.
Đ*o có thời gian. Ảnh: Derya Durmaz Oluc

3. Làm cái gì đấy mà mình vẫn hay kêu rằng “Đ*o có thời gian” 

Thực tế thì chúng ta lúc đi làm full-time đều sẽ kêu không có thời gian, dù 99% chẳng ai nêu ra được rằng họ bận việc gì. Chúng ta chỉ thấy bận vì đi làm 8 tiếng, 2 tiếng đi lại trên đường quốc lộ, 1 tiếng để ăn uống, 1 tiếng cho tắm rửa và các việc cá nhân, và vài tiếng cho việc uể oải bấm điện thoại.
Thế nên bây giờ chẳng còn cái lý do gì để nói dối bản thân nữa, bắt tay vào làm thôi. Dưới đây là list những thứ mình đã làm:
- Mình viết khá nhiều, ít nhất là nhiều hơn so với những gì mình viết 1 năm qua cộng lại. Chỉ có điều mình store lại những gì mình viết thay vì đăng lên tràn lan. Chúng ta đăng lên để người khác đọc chứ đâu phải để spam đúng hem
- Mình ăn chơi ngủ đến chán thì thôi.
Rõ ràng việc ăn chơi ngủ là 1 việc rất cần thiết vì ai trong chúng ta cũng cần thở sau một quãng thời gian bị chèn ép. Thế nên hãy tự chiều bản thân mình một chút, ngủ nhiều một chút, ngủ sớm một chút, ăn nhiều một chút, chơi thêm 1 tí,... Cứ như vậy trong 1 tuần thì không sao cả, miễn là mình cảm thấy mình xứng đáng.
- Mình đọc nhiều hơn.--> Như phần 2, mình bôi vào để xấu hổ vì đã ko làm nhiều thứ thôi. =)))
Và đây là những gì nên làm nhưng mình chưa làm:
- Giữ nề nếp sinh hoạt để luôn thức dậy đúng giờ.
Thực tế mình đã luôn ngủ từ 4h sáng cho đến 2h chiều, và điều này chẳng vui gì cả, vì chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy đã lãng phí 1 buổi sáng có lẽ đã có thể làm được rất nhiều thứ.
- Học lại tiếng Trung
- Tập thể dục thường xuyên,...
Mình cho rằng đây là khoảng thời gian mà bạn mất đi cái lý do to lớn nhất, và có cơ hội thực sự nhìn nhận và đánh giá chính mình. Tại sao những người khác cũng có 24 tiếng, nhưng họ lại làm được nhiều thứ hơn để kịp nắm bắt khi cơ hội tới, còn chúng ta thì không?
Nói chung là chẳng có lý do nào thực sự tồn tại, chỉ là chúng ta quá lười biếng để cắt bớt thời gian giải trí và làm việc gì đó có ích hơn.
Kiếm job nhanh còn kịp các bạn ơi. :) - Tranh: Trim Possible

Đọc thêm:

4. Tìm việc mới trước khi chết đói

Thực tế có khá nhiều thứ chúng mình cần biết và làm trước khi thực sự bắt đầu tìm kiếm một công việc mới:

* Đánh giá lại năng lực bản thân và dựng cho mình một chiếc portfolio 

Thực tế thì không chỉ có Designer mới cần portfolio, nghề nào thì cũng cần cả, chỉ là hình thức khác nhau. Ví dụ:
Với Sales, portfolio hoàn hảo nhất là doanh số và tỉ lệ vượt KPI ở công ty cũ.
Với Kế toán, bạn có thể sẽ cần 1 reference từ sếp cũ
Với Nhân sự, kỹ năng Excel, những mối quan hệ bạn có và tận dụng được trong tuyển dụng, LinkedIn, Facebook phục vụ tuyển dụng,...
Với Marketer, hãy chọn ra những project bạn hào hứng nhất và những project bạn từng fail, hãy nói về chúng một cách thuyết phục
Với IT, không có gì quan trọng bằng sản phẩm bạn đã từng code và tính ứng dụng của nó.
...
Các nhân sự hay các sếp của các công ty hoàn toàn có khả năng check lại các thông tin này, nên đừng nói dối, hãy nói thật hay và hấp dẫn. Và nếu bạn không nghĩ rằng mình sẽ tìm được cách nói hay hơn, mình recommend bộ sách “Nghệ thuật truyền đạt” của Keiichi Sasaki. Link:
(Mình không nhận được hoa hồng từ việc share link bán sách nha mọi người, mình share vì mình thấy nó hay :)))

* Xác định mục tiêu lần tìm việc này 

Lần tìm việc này bạn quan tâm vấn đề nào nhất?
- Lương/Thu nhập?
- Cơ hội thăng tiến?
- Cơ hội học hỏi và tiếp cận các thử thách mới?
- Danh tiếng cho cá nhân?
Trên đây mình list ra 4 mong muốn phổ biến của một người tìm việc. Vậy vấn đề ở đây, đó là chúng ta phải sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng mục tiêu.
Ví dụ, với một người mong muốn: Cơ hội học hỏi – Top 1, danh tiếng – top 2, mức lương – 3, và cơ hội thăng tiến – 4, họ có thể sẽ phù hợp với các job ở công ty lớn. Bởi 1 công ty lớn hiển nhiên sẽ đem lại: Cơ hội nâng cao chuyên môn, kiến thức ngành, cách vận hành và quy trình vận hành trong công ty lớn,... Ngoài ra hiển nhiên 1 công ty với brand xịn sẽ đem lại cho bạn ít nhiều danh tiếng và lợi thế chi CV sau này.

* Xác định và chọn phân khúc công ty nhắm tới

Nghe hơi nặng mùi Marketing thì phải =)) Nhưng về cơ bản sau khi chọn được mục tiêu, bạn đã nghĩ tới phân khúc mình muốn ngắm tới rồi. Tuy nhiên cần để ý cả năng lực của bản thân để có thể chọn được phân khúc hợp lý nhất.
Mình chia ra các cách lựa chọn theo các kiểu đầu tư như sau:

1. Liều ăn nhiều

- Chọn các công ty lớn với tỉ lệ trúng tuyển thấp, nhưng lương chắc chắn cao và đãi ngộ ngon.
Ở phân khúc này, bạn cần xác định được năng lực của bạn có bao nhiêu % có thể trúng tuyển, và cần tìm hiểu rất rõ xem những công ty thế này quy trình tuyển chọn và thăng tiến cho nhân viên diễn ra ra sao. Ví dụ đối với Unilever, Nestle, Nielsen, để vào được những công ty này sẽ phải qua rất nhiều kì thi và phỏng vấn, và sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều ứng viên thuộc cấp “Elite” trên cả nước, chỉ chọn phân khúc này nếu bạn thực sự tự tin vào những gì bạn có và sẵn sàng sấp mặt với loạt thử thách không công mới.
Để nâng cao tỉ lệ trúng tuyển tại các công ty như này, chắc chắn bạn sẽ muốn tham gia vào các cuộc thi hay lấy một số chứng chỉ có giá trị cao trong ngành. Ví dụ đối với ngành Marketing, hãy cố gắng kiếm một cái giải hoặc lọt vào shortlist của các cuộc thi lớn như Young Marketers hay Young Lions. Đối với Tài chính, hãy học như trâu như bò để lấy CFA, và đối với những bạn học quản trị, hãy lấy GMAT, học Kế Toán hãy kiếm chiếc bằng ACCA xịn xịn...
Tuy nhiên như cái tên: Liều ăn nhiều. Nếu bạn thực sự kiếm được con job ở Nestle Unilever KPMG các kiểu, thì CV bạn sẽ xịn vô cùng luôn, và con job tới lương của bạn sẽ có thể tính bằng tiền đô rồi.

2. An toàn nhanh gọn 

- Một công ty vừa sức với bạn, một vị trí đúng chuyên môn của bạn, và một mức lương đúng khả năng của bạn.
Những công ty này sẽ thường match với khả năng hiện tại hơn, với khả năng trúng tuyển cao hơn nhiều so với phân khúc 1 bởi bản thân bạn đã match với những gì công ty đó cần. Ở đây bạn sẽ cần:
* Spot ra các từ khóa trong JD và ngành hàng của công ty.
* Chỉnh sửa lại CV để match nhất với các từ khóa đó.
* Nếu được, hãy tiếp cận trực tiếp với HR thông qua các kênh như LinkedIn, Zalo để đẩy nhanh quá trình tuyển dụng.
* Ứng tuyển qua trang tuyển dụng sẽ dễ được quan tâm hơn là qua email, bởi gửi email rất dễ bị lọt vào mail rác, còn các trang tuyển dụng thường sẽ có các bạn sales của trang tuyển dụng call sang nhắc HR check để tránh bị bỏ ngỏ.
Một option khác đó là các bạn có thể show off CV của mình trên các group hoặc LinkedIn để Headhunter tự tìm đến và đưa cho bạn các offer phù hợp.

3. Dễ chơi dễ trúng thưởng

- Một công ty nhỏ hoặc start-up với mức lương hơi thấp một chút, tỉ lệ trúng tuyển cao, và có rất nhiều cơ hội phát triển nếu ở lại lâu dài và cùng công ty phát triển.
Những công ty như thế này hiện tại khá nhiều, nhưng vào mùa Covid như năm nay thì khá ít và các bạn sẽ cần quan tâm rất nhiều đến chế độ, tình hình kinh doanh, và cả sếp của công ty đó. Dĩ nhiên với phân khúc này, hiển nhiên bạn đã vượt trội hơn mặt bằng chung vị trí họ yêu cầu, nên tỉ lệ trúng tuyển của bạn rất cao. Tuy nhiên lương của bạn sẽ thấp hơn so với kì vọng, bù lại bạn có rất nhiều cơ hội phát triển tại đây.
Khác với doanh nghiệp lớn chỉ tập trung vào chuyên môn, ở Start-up, bạn có cơ hội được phát triển rất nhiều kĩ năng bạn chưa hề tiếp xúc, và cũng có cơ hội thăng tiến vượt trội hơn vì khả năng tạo ra đột phá trong công việc cũng cao hơn.
Tuy nhiên nếu đã làm ở start-up, bạn có thể sẽ rất khó từ bỏ bởi nó năng động và đậm tính gia đình, đồng đội, hãy suy nghĩ thật kĩ. 

* Tìm kiếm thông tin tuyển dụng ở đâu? 

Mình phân ra 3 nhóm sau theo cấp bậc kinh nghiệm: 
- Tuyển dụng cấp Senior trở lên: VietnamWorks, CareerBuilder, ITJob, TopDev, AdJob.asia, LinkedIn.
- Tuyển dụng cấp Executive – 1-2 năm kinh nghiệm: CareerBuilder, JobsGO,...
- Tuyển dụng cho sinh viên mới ra trường/job thực tập: TopCV, JobsGO, Mywork, Timviecnhanh, Vieclam24h, Ybox, Glints
- Tuyển dụng theo chiến dịch/chương trình, cuộc thi: Ybox, TopCV
Ngoài ra bạn có thể tìm kiếm các group Zalo, Skype mà HR hay chia sẻ CV cho nhau, đây sẽ là vị trí lý tưởng để được call bởi 1000 HR trong 1 nốt nhạc 
Và cách phân thứ  2 – theo brand tuyển dụng 
- Các công ty quốc tếbrand to to từ cấp extreme: VietnamWorks, CareerBuilder, các trang tuyển dụng riêng của công ty (Bạn sẽ phải tự search theo brand), Ybox (Thường có các sự kiện Talent Management), LinkedIn Jobs, LinkedIn cá nhân của HR,...
Việc bạn cần làm là đi search theo công thức: “[Tên brand] + tuyển dụng, hoặc [Tên brand] + Hiring/Recruitment/Talent”. Đôi khi trang tuyển dụng sẽ nằm ở trên mục Menu đầu trang hoặc cuối trang chủ của brand. 
- Các công ty brand to vừa vừa: Vẫn là như trên, chỉ là không có các sự kiện Talent Management thui, và cũng ít xuất hiện ở các trang như Ybox hơn.
- Các công ty có brand từ to đến vừa: JobsGO, TopCV, và một số trang tuyển dụng của Siêu Việt Group.
Hiện tại hầu như các công ty đều đã có trang tuyển dụng riêng, bạn nên ưu tiên apply qua những trang tuyển dụng của công ty, bởi khi gửi CV, CV của bạn sẽ được đẩy thẳng về Database của HR tiện cho việc đọc và sắp xếp.

* Tận dụng quan hệ thì vẫn ngon hơn 

Thật ra có 1 cái fact là job được recommend thì thường sẽ ngon và dễ ăn hơn nhiều so với job tự mình bơi lội =)) Thế nên hãy đi tạo quan hệ nhiều 1 tí, nhất là với người trong ngành, và đặc biệt là Headhunt/Recruiter.
Năm 2020 sắp qua rồi, và năm 2021 sắp đến. Một năm tồi tệ sắp qua đi để chuẩn bị cho một năm tồi tệ mới, hãy lạc quan và sống sao cho cái năm nay nó tức vì không làm gì được mình nhé các anh chị em. Khủng hoảng chắc sẽ còn kéo dài ít thì cũng phải đến hết tháng 7 năm sau theo mình dự đoán, chúc chúng ta đủ can đảm để sống hạnh phúc.
#sidavl