Bạn có thể vừa yêu vừa ghét một người không? Một bài viết nhân ngày Valentine.
Yêu và ghét là hai trạng thái cảm xúc đối lập nhau. Khi chúng ta yêu ai đó, chúng ta muốn họ phát triển. Khi chúng ta ghét ai đó, chúng ta mong họ vấp thật nhiều ổ gà trên đường đời. Nhưng xét về khía cạnh nào đó, cả hai cùng giống nhau ở điểm là đều cùng hướng về một đối tượng.
Nhưng liệu trong ta có thể cùng lúc tồn tại hai thứ cảm xúc đối lập nhau này không? The Persuaders có bài hát “Thin Line between Love & Hate”. Nếu bạn đã từng yêu, có thể bạn từng trải qua cảm giác ghét người bạn yêu nếu ở một trong năm trường hợp dưới đây.

1. Anh ta là kẻ đáng ghét vì không yêu bạn

Trường hợp rõ nhất khi bạn vừa yêu vừa ghét một người là lúc yêu đơn phương. Nếu bạn vô cùng tự ti thì khi tình yêu không được đáp lại, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào lòng tự trọng của bạn. Nếu bản thân bạn nghĩ mình cũng là người tốt tính, đáng được yêu thì có thể bạn sẽ thấy khó hiểu khi người bạn yêu lại không yêu bạn. Còn nếu bạn rất tự tin vào mình, bạn sẽ cho rằng chỉ người có vấn đề mới không đáp lại tình cảm của bạn.
Dù ở tình huống nào, bạn cũng đều hướng cảm xúc tiêu cực vào người bạn yêu đơn phương. Vì thế mà sinh ra cảm giác ghét họ.

2. Tình yêu cướp đi sự tự do của bạn

Bạn vẫn có thể ghét người bạn yêu ngay cả khi người đó đáp lại tình cảm của mình và cả hai đang trong mối quan hệ tốt đẹp. Đây là một trong những điều nghịch lý của tình yêu và các mối quan hệ tình cảm.
Có một thực tế là khi yêu, chúng ta dành thời gian bên nhau. Điều này cũng có nghĩa bạn phải từ bỏ một vài tự do cá nhân. Bạn gác lại sở thích của riêng mình và để ý đến mong muốn hoặc nhu cầu của đối phương. Bạn dành nhiều thời gian cho người kia để rồi có ít thời giờ để làm những việc mình muốn làm tại thời điểm đó.
Nếu bạn đã quen sống một mình vẫn ổn thì có thể trong thời gian đầu yêu nhau, bạn sẽ thấy không thoải mái khi phải “hy sinh” tự do cá nhân cho người khác. Sự không thoải mái ấy dần biến thành cảm giác ghét – dù ít hay nhiều.

3. Tình yêu khiến bạn dễ bị tổn thương

vi-sao-ta-ghet-nguoi-ta-yeu-1

Ảnh: Unsplash
Để có một mối quan hệ lành mạnh và lâu dài, bạn cần phải là chính mình. Điều này không phải lúc nào cũng tốt. Khi bước ra ngoài xã hội, bạn luôn đeo ít nhất một chiếc mặt nạ, cố gắng không thể hiện màu sắc thật của mình với mọi người tại nơi làm việc hay chỗ bạn ăn bánh canh mỗi sáng. Bạn làm vậy là để bảo vệ phần tâm hồn mong manh bên trong khỏi thế giới đầy rẫy những hiểm nguy này.
Nhưng bạn muốn để người mình yêu nhìn thấy con người thật của mình. Vì bạn mong họ yêu là yêu chính con người ấy chứ không phải hình ảnh bạn tạo dựng ngoài xã hội. Nhưng điều đó cũng có nghĩa bạn trở nên dễ bị tổn thương hơn. Khi trong dáng vẻ trần trụi, khả năng phòng bị của chúng ta gần như bằng không. Chỉ một lời nói vô tình, một cử chỉ vô ý của người ấy cũng đủ làm ta đau nhói. Sự tổn thương này có thể biến thành thù hận vào một lúc nào đó.

4. Bạn khó chịu khi sống cùng con người thật của người ấy

Ý này song hành với điều trên. Trong một mối quan hệ, không chỉ bạn mà cả người kia cũng phải cởi mở thể hiện con người thật của mình. Bạn sẽ thấy cả những thói quen xấu và hành vi khiến bạn khó chịu từ đối phương. Một số nét tính cách có thể khiến bạn muốn phát điên nhưng không đủ để bạn ghét họ hoàn toàn.
Mớ cảm xúc lẫn lộn này có thể dẫn đến một mối quan hệ như tàu lượn siêu tốc. Hai bạn vừa cãi nhau tơi bời thì giây sau đã làm tình hùng hục.

5. Kỳ vọng của bạn về người ấy quá cao

Nếu bạn có tình cảm mãnh liệt với ai đó, những cảm xúc này có thể quay ngoắt 180 độ nếu có điều gì khiến những cảm xúc ấy sụp đổ.
Lý do có thể vì kỳ vọng của bạn quá cao. Khi bạn yêu ai đó, bạn đặt nhiều kỳ vọng ở họ. Bất cứ khi nào họ làm bạn thất vọng, hạt mầm của sự “ghét” càng được tưới tắm trong lòng bạn. Cũng giống như một bức tượng vàng tuyệt đẹp về người yêu đã bị nứt. Vết nứt có thể nhỏ thôi nhưng nó làm mất đi giá trị của bức tượng khá nhiều.

Lằn ranh mỏng manh giữa yêu và ghét

vi-sao-ta-ghet-nguoi-ta-yeu-2
Ảnh: Unsplash
Trên thực tế, ca khúc “Thin Line between Love & Hate” của The Persuaders không hát về việc yêu và ghét một người cùng lúc mà là về tình yêu chuyển thành thù hận. Điều này không chỉ xảy ra trong các bài hát nổi tiếng hay những bộ drama dài tập. Khoa học cũng đã chứng minh yêu có thể chuyển thành ghét chỉ trong vài phút.
Hai giáo sư Zeki và Romaya trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2008 đã tìm hiểu cách bộ não xử lý hai cảm xúc yêu và ghét. Họ cho các tình nguyện viên xem hình ảnh khuôn mặt của những người họ yêu và ghét. Kết quả cho thấy, một số vùng não giống nhau đã được kích hoạt trong cả hai trường hợp. Một trong những khu vực đó là insula – thùy đảo, nằm sâu dưới lớp vỏ não ở thùy thái dương. Thùy đảo quyết định cường độ của một cảm xúc và mức độ liên kết giữa chúng ta với cái chúng ta nhận thức (trong trường này là con người). Thùy đảo không xác định cảm xúc là tích cực hay tiêu cực.
Do đó, yêu và ghét dường như đều tham gia vào quá trình xử lý thần kinh của thứ mà đôi khi được gọi là “hiệu ứng kích thích cảm xúc” (the arousal effect of emotion). Trong khoa học, kích thích bao gồm cả cảm giác tích cực và tiêu cực. Bất kỳ cảm xúc nào có tác dụng kích thích cao đèu có thể nhanh chóng chuyển từ tích cực (yêu) sang tiêu cực (ghét).
Lằn ranh mỏng manh này khiến tâm trạng chúng ta như đi tàu lượn siêu tốc. Hết lên đỉnh sung sướng của tình yêu rồi lại xuống dốc trầm trọng vì sự ghét. Việc này cũng củng cố thêm một điều: cái gọi là tình yêu mãnh liệt sẽ tồn tại lâu dài hoặc mãi mãi gần như là điều ảo tưởng. Bởi nó có thể biến thành thù hận nhanh đến chóng mặt như thế nào.
.Ngưn.
Freelance Writer | Blogger
Blog dành cho trẻ trên 16 tuổi (mà trẻ nào biết yêu rồi cũng nên xem vì tương lai con em chúng ta): It's Real Love ❤️