Vì sao người ta thường hoang mang và lo sợ khi thất nghiệp?
Nội dung bài viết gốc của mình tại đây . Người ta thường cảm thấy rất vui và tự do ngay sau khi nghỉ việc, nhất là khi quyết định...
Nội dung bài viết gốc của mình tại đây.
Người ta thường cảm thấy rất vui và tự do ngay sau khi nghỉ việc, nhất là khi quyết định đó là do mình đưa ra. Nhưng dù có chuẩn bị kỹ đến đâu, sau một thời gian ăn ngủ chán chê, thả sức với những chuyến du lịch xả stress dài ngày hay đắm mình trong những thú vui yêu thích thì sau một khoảng thời gian, nỗi lo lắng bất an bỗng sẽ từ đâu đó ập tới, làm cho bạn một phen chới với, chao đảo.
Tâm lý thường thấy sau thất nghiệp
Bạn sẽ bắt đầu đặt ra thật nhiều câu hỏi. Bạn nghĩ tới những viễn cảnh tồi tệ và những lời nói hoài nghi, hoang mang kiểu như:
– Có khi nào mình sẽ không tìm được việc không?
– Có khi nào mình sẽ phải thất nghiệp dài dài và chết đói vì không có tiền không nhỉ?
– Không biết sau một thời gian nghỉ làm rồi mình có làm được gì nữa không?
– Mình thật thất bại.
– Trong khi người khác đang xây dựng sự nghiệp vững vàng còn mình thì lại thất nghiệp.
– Bắt đầu công việc lại từ đầu, mình có làm được không?
– “Tôi sợ mình không còn tiền ăn, ở, không được đón nhận, bị xã hội đánh giá là thất bại và chính tôi phải công nhận rằng mình là một người thất bại.
…
Nỗi hoang mang, lo sợ và bất an sẽ sớm lớn dần lên trong bạn bởi những câu hỏi không đầu không cuối ấy. Và rồi bạn sẽ cuống quít tìm việc, rải hồ sơ ở khắp nơi để mong rằng mình sẽ sớm tìm thấy công việc mới, vì bạn đã sợ hãi với việc thất nghiệp lắm rồi. Có phải vậy không?
Vậy thì vì sao người ta thường hoang mang và lo sợ sau khi thất nghiệp?
Trên thang đo nhu cầu của Maslow có 5 loại nhu cầu cơ bản:
+ Nhu cầu sinh tồn – được đảm bảo về các đòi hỏi sinh lý (ăn, uống, ngủ, nghỉ).
+ Nhu cầu an toàn – tránh xa khỏi các mối nguy hiểm, được bảo vệ.
+ Nhu cầu tình cảm – kết nối với người khác.
+ Nhu cầu được tôn trọng, được ghi nhận, cảm thấy mình có giá trị với người khác.
+ Nhu cầu được tự thể hiện, sống trọn với năng lực của mình.
Sau khi nghỉ việc, những bất tiện mà bạn gặp phải liên quan tới mỗi nhu cầu trên đây đều là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy hoang mang và bất an.
Điều dễ thấy nhất là sau khi nghỉ việc, nếu không có sự chuẩn bị về mặt tài chính từ trước, bạn sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng khi không có nguồn thu nhập để chi trả cho tiền nhà, tiền ăn uống, sinh hoạt, tiền điện nước,… Đó là chưa kể nếu bạn đang phải chịu trách nhiệm trụ cột gia đình, chăm lo cho cha mẹ thì áp lực về tiền bạc sẽ còn khiến bạn cảm thấy nặng nề hơn nữa. Sẽ không hề ngạc nhiên khi bạn có thể cảm nhận được nỗi bất an xâm chiếm ngay khi vừa nghe thông tin nghỉ việc.
Đối với những người nghỉ việc chủ động, hầu hết họ đều tự chuẩn bị một chi phí vừa tầm để cho phép mình có một khoảng thời gian thư thả trước khi tìm công việc mới. Nhưng bạn cũng sẽ sớm nhận thấy nỗi bất an này khi số tiền đó dần vơi đi nhanh chóng, hoặc nhận ra mình tiêu tiền còn nhiều hơn cả lúc đi làm. Nỗi lo cơm áo gạo tiền sẽ khiến sớm thúc đẩy bạn tìm việc làm mới nhanh thôi.
Cũng không ít người chọn việc ở nhà trong những ngày thất nghiệp để giảm thiểu chi phí. Họ hạn chế những cuộc gặp gỡ, café, ăn uống, gặp mặt,… vì sợ tốn kém. Nhưng chính vì việc ở nhà khiến họ không có cơ hội giao thiệp với bên ngoài, không giao tiếp thường xuyên nên bạn thường sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Đó là khi nhu cầu số 2 và 3 không được đáp ứng đúng mức.
Trong số các nhu cầu kể trên, nhu cầu số 4 và 5 – hai nhu cầu trên đỉnh tháp chính là thứ khó tìm giải pháp thay thế nhất. Vì hơn cả tiền lương, điều một công ty, tổ chức cho chúng ta chính là sự ghi nhận năng lực, cơ hội giành được lòng tôn trọng và môi trường để bộc lộ khả năng của mình.
Nếu dư dả về vật chất nhưng về lâu về dài lại không tìm được nơi để khả năng của bạn được ghi nhận hay thể hiện giá trị, năng lực của mình thì điều này cũng khiến bạn trở nên hoang mang. Đó là lý do vì sao khi thất nghiệp, nhiều bạn trẻ thường trải nghiệm gap year bằng cách đi làm tình nguyện ở nhiều nơi. Đây vừa là cách để có thời gian suy ngẫm cho bản thân, vừa ghi nhận được giá trị của mình đối với cộng đồng. Hoặc bạn cũng có thể tự tạo một dự án cá nhân để thể hiện năng lực bản thân và đóng góp giá trị nào đó cho xã hội cũng rất tốt.
Chuẩn bị như thế nào để trải qua thời gian thất nghiệp ý nghĩa và cân bằng?
Sau 7 năm làm việc, mình quyết định sẽ dành khoảng thời gian tiếp theo để theo đuổi sự nghiệp freelancer. Thời gian này cũng giống như đang trải qua khoảng thời gian thất nghiệp vậy, nhưng bản thân mình có mục tiêu để cố gắng và tự điều chỉnh để cân bằng theo 5 nhu cầu căn bản của Maslow. Quả thực là cái áp lực về tài chính có khiến mình cảm thấy hoang mang, lo lắng nhiều nhưng một khi đã chấp nhận cái sự thật về khoảng thời gian đầu làm freelancer sẽ chưa có được tài chính ổn định và bắt đầu hướng sự tập trung để mở rộng khả năng, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới thì mình không còn lo lắng quá nhiều về điều đó nữa.
Qua trải nghiệm cá nhân, mình nghĩ rằng, trong thời gian “tạm thời” thất nghiệp, bạn có thể thực hiện những gợi ý dưới đây để có được một khoảng thời gian ý nghĩa nhé!
– Nghỉ ngơi xả hơi sau một khoảng thời gian làm việc vất vả.
– Dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và bạn bè. Một chuyến đi chơi/du lịch cùng nhau là điều cực thích hợp trong khoảng thời gian này đấy!
– Dành thời gian nhiều hơn cho bản thân (làm việc mình thích, rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, học yoga, tham gia một khóa thiền,…) và suy nghĩ, tìm hiểu xem bản thân mình thích gì, muốn làm công việc gì tiếp tới. Bạn cũng thế thử tham gia một khóa học nào đó mới mẻ như làm bánh, học nhạc cụ, ngoại ngữ mới, học vẽ,… xem sao.
– Nếu có thời gian nhiều hơn, bạn có thể trải nghiệm gap month/gap year của mình bằng cách làm tình nguyện viên tại các homestay/dự án địa phương/vườn nông nghiệp mà bạn thích hoặc tự tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho mình.
– Đặt mục tiêu học hỏi, bồi dưỡng về chuyên môn để thêm tự tin trước khi bắt đầu hành trình mới.
– Update CV, tìm kiếm công việc mới phù hợp, đi phỏng vấn và hồi hộp chờ đợi kết quả.
Mong rằng, với một mục tiêu rõ ràng và cân đối thời gian hiệu quả, bạn sẽ có một khoảng thời gian thất nghiệp đầy niềm vui, tràn đầy năng lượng và sẵn sàng 100% cho cánh cửa phía trước nhé!
Thu Hiền
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất