Các bí mật của "tiểu tam" mà không một ai nói cho bạn biết, hoặc, đơn giản hơn, bạn chưa từng cho họ cơ hội để nói. 
Lời nói đầu
Bình thường khi viết bài, thì mình không hay có thói quen viết lời tựa, hay lời nói đầu gì đó, tuy nhiên, bài viết này là một bài viết chọn chủ đề tương đối "nhạy cảm": Việc xuất hiện một người-thứ-ba (bài viết này gọi là tiểu tam) trong một mối quan hệ vợ chồng. Trong phạm vi bài viết này, mình cũng mặc định luôn tình huống là "tiểu tam" biết được người đàn ông ấy đã có gia đình, không phải vô thức rơi vào lưới tình của các thành phần chăn rau chuyên nghiệp nhé. Và những vấn đề được đề cập ở bài viết dưới đây KHÔNG thể hiện cho tất cả mọi câu chuyện về "tiểu tam" trên đời này. Sẽ có những người coi "tiểu tam" là nghề, mang lại thu nhập và nguồn sống cho họ, có những "tiểu tam" thì lại coi vợ bằng vung, ngang nhiên thách thức chính thất,... những trường hợp đó, không phải đối tượng trong bài viết này. 
Mình biết, những điều mình viết dưới đây sẽ động chạm đến quy chuẩn đạo đức chung của đại đa số xã hội, và nhìn chung người ta sẽ có thành kiến vô cùng mạnh. Vậy nên, trước khi bắt đầu, mình cảm thấy phải viết thêm vài lời. 
Nếu bạn cảm thấy câu chuyện này gây đau đớn hoặc tổn thương, hoặc khơi dậy trong mình một suy nghĩ tiêu cực, mình thật sự khuyên bạn có thể dừng lại ở đây. Còn nếu chọn đi tiếp, hãy thống nhất với nhau rằng, bạn sẽ đảm bảo nguyên tắc tối thiểu của giao tiếp: Tôn trọng đối phương. Làm ơn, đừng buông những bình luận khiếm nhã, bỏ bóng đá người, ám chỉ và công kích cá nhân người viết kiểu như: "Chắc mày làm tiểu tam rồi nên mới hiểu thế đúng không?", "tẩy trắng ghê đấy", đại loại vậy. 
Ngoài ra, trong bài viết này, mình sẽ phân tích khía cạnh, và nêu ra các vấn đề, KHÔNG nhằm mục đích thể hiện quan điểm ủng hộ hay phản đối. Hãy nhìn nhận bài viết với con mắt khách quan nhất, và chia sẻ những câu chuyện của bản thân, nếu có thể. Xin cảm ơn!

Được rồi, vì bạn đã đọc đến dòng này, nên mình sẽ kể các bạn nghe các bí mật của "tiểu tam" mà không một ai nói cho bạn biết, hoặc, đơn giản hơn, bạn chưa từng cho họ cơ hội để nói. 
1- Không phải "tiểu tam" nào cũng vì TIỀN
Có những người chấp nhận một mối quan hệ ngoài luồng, chấp nhận trở thành "tiểu tam" chỉ bởi vì 2 chữ: Tình yêu
Thật ra, cũng chẳng khó để hiểu lắm đâu, thật đấy. Rốt cục thì, nếu bỏ qua bối cảnh là người đàn ông (có thể) đã có vợ, và người phụ nữ (có thể) đã có chồng, thì về mặt bản chất, họ vẫn chỉ là 2 con-người, 2 cục nam châm trái dấu. Vì vậy, việc cảm thấy bị thu hút bởi một người khác giới là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Bạn gọi nó là một cơn cảm nắng cũng được, nghiêm trọng hơn, ngoại tình tư tưởng cũng được nốt. Điều này thật ra xảy ra khá thường xuyên, nếu ai trong một mối quan hệ dài ngày (mà còn kết hôn rồi nữa) thì chắc chắn đã từng trải qua. Thật ra thì nó cũng không gây ản hưởng gì quá nghiêm trọng, nếu người đó vẫn giữ mãi ở trong lòng, không nói ra, cũng chẳng thể hiện bất kì động thái nào khác. Như một cơn cảm nắng, chóng tới rồi cũng chóng qua mà thôi. 
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, chuyện lại chẳng đơn giản như thế. Thường thì đó là lúc, người đàn ông và người đàn bà hội tụ đủ các yếu tố: 
- Cùng một lúc, nảy sinh tình cảm dành cho nhau
- Có môi trường và điều kiện tiếp xúc đủ gần để không che giấu được thứ tình cảm đó (Vậy nên những câu chuyện ngoại tình thường được bắt đầu nảy sinh nơi công sở hoặc các mối quan hệ công việc, vì khi đó, người ta được tách bản thân mình tương đối với không gian của gia đình)
- Không đủ bản lĩnh để gạt bỏ ham muốn cá nhân, bảo vệ hạnh phúc gia đình (cái này thuộc phạm trù đạo đức của mỗi người, chúng ta sẽ không bàn sâu nhé)
Thì, việc 2 người họ tìm cách nào đó đến với nhau là thứ hệ quả tất yếu. Lúc đó, sự vụ lợi (về tài chính hay thăng tiến,...) không phải là thứ quyết định việc ngoại tình, mà đó là tình cảm, ừ, tình yêu. 
Những tình cảm kiểu này, nếu vì một nguyên nhân nào đó chủ quan hay khách quan mà hai người họ quyết định dừng lại, thì nó sẽ chỉ có thể kết thúc trên khía cạnh hình thức trước rất lâu khi thực sự hai người dứt tình được với nhau. Bạn biết vì sao không? Một thứ tình cảm phát sinh và nảy nở trong nghịch cảnh (luôn phải tìm cách che giấu trước mặt tất cả mọi người, bị bó hẹp về thời gian, không gian, thậm chí cách thức thể hiện cảm xúc, phải đấu tranh tư tưởng với con người đạo đức trong chính bản thân mình, vượt qua cảm giác tội lỗi, không chỉ với bạn đời của người kia mà còn với cả những đứa trẻ vô tội của họ nữa,...) thường thì sẽ nồng nhiệt hơn, mạnh mẽ hơn nhiều lần. Giống như kiểu ăn vụng thì thường ngon hơn bữa chính ấy, và cái hương vị lúc ăn vụng cũng sẽ đậm sâu hơn rất nhiều so với những bữa cơm hằng ngày.
2- "Tiểu tam" xuất hiện không để thay thế cho vị trí của chính thất
Nhiều chị em khi biết chồng mình "cặp bồ" ở bên ngoài thì thường có tâm lý so sánh, kiểu mặc cảm, mình có gì kém nó, hay tại mình xấu xí, xuống sắc, ăn mặc lôi thôi, không biết chiều chồng,... để chồng mình phải tìm đến người khác. Bạn ạ, nếu chỉ cần có thế, các ông chồng đã không phải tìm đến "tiểu tam" để rồi chấp nhận đối mặt nguy cơ tan nát gia đình rất cao để mà làm gì. Chỉ đơn giản là ra ngoài, tìm mối bóc bánh trả tiền (dĩ nhiên, nguồn rau phải sạch, đảm bảo vệ sinh và kín đáo) để giải quyết nhu cầu, thế là xong. 
Thật ra, người đàn ông khi có mối quan hệ ngoài luồng ấy mà, thường chẳng bao giờ họ đặt vợ mình và "tiểu tam" lên bàn cân như vậy đâu. Đối với họ thì, đơn giản thôi, mỗi người xuất hiện có một chức năng riêng trong cuộc đời của mình. Vợ là người ở nhà, chăm lo cơm ăn áo mặc, lo lắng nội ngoại con cái, là mái ấm để trở về. Còn "tiểu tam" xuất hiện để bù đắp cho họ những cái thứ mà họ không tìm được ở nhà (một người nghe và hiểu được các vấn đề trong công việc của họ, một nơi để họ có thể thể hiện sự yếu đuối của mình, không phải gồng lên làm trụ cột, hoặc một người cho họ cái cảm giác được là người đàn ông đúng nghĩa, để cho cô gái ấy dựa vào,...). Đối với họ, cả hai đều quan trọng và có giá trị như nhau, người chăm lo về thể chất, một người ve vuốt về tinh thần, bảo từ bỏ một trong hai luôn là bài toán khó khăn vô cùng. Vậy nên, nếu hỏi một người đàn ông đang ngoại tình, họ sẽ chọn ai nếu trong trường hợp buộc phải chọn, nhiều ông sẽ kiểu đực mặt ra 1 lúc, xong không biết phải chọn ai và làm gì đâu. Khi lao vào cuộc chơi mạo hiểm ấy, họ ưu tiên việc che giấu tốt nhất có thể "phòng nhì" của mình trước mặt vợ và những người xung quanh, để không bao giờ đặt mình vào trong tình thế "buộc phải chọn". 
Đôi khi, người vợ dù muốn cũng khó có thể đem lại thứ mà "tiểu tam" có thể đem lại cho chồng của mình. Trong cuộc sống hôn nhân, nhiều khi người ta đã kiếm tìm điều đó rồi nhưng rất tiếc là không thấy (hai vợ chồng làm khác ngành nhau, rất khó có thể tâm sự những khó khăn trong công việc của mình với bạn đời của mình trong những bữa cơm hoặc khi ôm nhau trước khi đi ngủ). Hoặc giả, có những thứ, người đàn ông tự họ không cho phép mình thể hiện gương mặt đó, khi ở nhà. Như kiểu, một người đàn ông ở trong gia đình, là trụ cột, là người gánh vác cho vợ mình, cho con mình, họ phải luôn mạnh mẽ, vững vàng, để vợ con họ dựa vào; lâu dần họ tự mặc định trong đầu rằng, có mệt mỏi hay yếu đuối cũng không được vác về nhà, không được thể hiện ra với vợ. Một ngày đẹp trời, người đàn ông ấy tìm được ở đâu đó, một người cho anh ta thể hiện cảm xúc ấy, được nhỏ bé lại, được than thở, được khóc lóc, được vỗ về, anh ta sẽ tìm đến họ như một liều thuốc tinh thần.
3- Không khí gia đình khi xuất hiện "tiểu tam"... sẽ yên bình hơn
Nghe thật là vô lý nhỉ, nhưng thực tế, ở điều kiện lý tưởng (bao gồm: người bạn đời không nghi ngờ gì về vợ hoặc chồng mình VÀ "tiểu tam" không có ý định can thiệp vào cuộc sống gia đình kia) thì điều này hoàn toàn có thể diễn ra. 
Bạn biết vì sao không? Mỗi ngày, vốn dĩ người ta gặp đủ thứ chuyện từ trên đường đến khi làm việc, với đồng nghiệp với sếp với nhân viên với người ngoài đường với shipper đủ cả,... Có tỉ thứ có thể tác động làm ảnh hưởng tới tâm trạng của một người trưởng thành, biến nó thành một đống hỗn độn, không lối ra. Lúc bình thường, người ta sẽ cười nói với những thứ chướng tai gai mắt đó, để rồi ôm một khối năng lượng tiêu cực về nhà. Nhưng "tiểu tam" xuất hiện, tự dưng trên trời đâu ra có một đứa tự nguyện trở thành cái thùng rác: xoa dịu đi vết hằn khó chịu trong lòng, giải quyết các bực dọc đang có trong công việc, vỗ về sự mệt mỏi khó chịu ở bên ngoài. Thế là khi trở về nhà, sẽ chẳng còn có cái cảnh đá thúng đụng nia, nhìn đâu cũng ngứa mắt,... vậy là, tự nhiên, mọi thứ sẽ bình yên, dễ chịu.
Một nguyên nhân nữa, khiến cho việc này hoàn toàn có thật, đó là, khi một người đã quyết định có một mối quan hệ ngoài luồng, đâu đó họ đã cảm thấy không hài lòng với cuộc sống hôn nhân của mình. Như một vết hằn trong tâm lý (sâu hoặc nông thì tuỳ thuộc vào hiện trạng quan hệ trong mỗi gia đình), nó không đủ lớn để làm đảo lộn cuộc sống, nhưng nó đủ rõ ràng để những lúc trong lòng cảm thấy không thoải mái, người ta đơn giản là chẳng muốn về nhà. Khi họ có người khác, nói đi cũng phải nói lại, dù gì thì họ cũng đang "yêu", thứ "Hormone tình yêu" oxytocin được bơm vào máu mỗi ngày khi họ gặp mặt, nói chuyện, nhắn tin, abcxyz với người kia sẽ giúp họ xoa dịu vết hằn tâm lý của mình. Vậy là, họ thoải mái hơn để chia sẻ khoảnh khắc trong gia đình với bạn đời, dễ dàng tha thứ cho nhau với những khuyết điểm nhỏ, hứng thú dành nhiều thời gian hơn cho con cái. 
4- Nguyên nhân là tình yêu, nhưng tội đồ cũng là tình yêu
Ở phần trên, mình đã nói đến điều-kiện-lý-tưởng, nhưng nó sẽ mãi chỉ là điều kiện lý tưởng, bởi đời thì không như là mơ, và mơ thì cũng rất là chua. 
Khi người ta yêu nhau về lâu về dài, sẽ chẳng thể chỉ dừng ở mức độ "yêu thì yêu có thế thôi" mà dần dà sẽ nảy sinh tâm lý chiếm hữu. Đó là khi, mọi thứ rắc rối bắt đầu. Khi lún sâu vào tình yêu, bạn sẽ hiểu một ngày nhắn vài tin là không đủ, phải anh yêu em, em yêu anh từ khi thức dậy đến lúc đi ngủ. Gọi điện nghe giọng nhau là không đủ, phải video call, phải gặp gỡ, hẹn hò, abcxyz,... Thi thoảng gặp nhau là không đủ, phải là mỗi ngày. Nhìn chung, khi yêu, người ta luôn muốn nhiều hơn, nhiều hơn nữa. 
Ở giai đoạn này, "tiểu tam" bắt đầu có xu hướng hành động "táo tợn" hơn. Bắt đầu kích động bằng lời nói: "nếu như được làm lại, anh có lấy em làm vợ không?"; rồi đến thể hiện sự chiếm hữu với đối phương: ghen tuông với chính thất, khó chịu ra mặt khi người kia nghe điện hay nói chuyện với bạn đời, vật vã khóc lóc khi họ ở bên gia đình,...; rồi thì bắt đầu kiểm soát nhưng thứ nhỏ nhặt, thể hiện vị trí của mình trong cuộc sống của người kia: bắt đổi tên trong điện thoại hay một vài hành động thể hiện rằng vì mình mà họ có thể đánh đổi (trốn làm đi chơi với em đi; nói dối vợ là có việc gấp ở công ty để đi ngay sang với em, em mệt ốm, em cần anh lúc này,...); sau đó thì từng mức câu chuyện và xử lý, mà sẽ có các kịch bản tiếp theo xảy ra khác nhau. 
Người đời nhìn vào, thì có thể nhanh chóng kết luận là lòng tham vô đáy, tham vọng không có điểm dừng này kia. Nhưng nếu đứng ở góc độ tình yêu, thì sự sở hữu nó hình thành theo một cách rất tự nhiên, khi tình cảm lớn hơn một mức độ nào đó, người ta CẦN và MUỐN có thêm sự hiện diện của nhau trong cuộc sống này. Nhiều người trong cuộc thực chất bản thân họ cũng chẳng hề muốn thể hiện sự sở hữu trong một mối quan hệ không chính thống như thế này. Nhưng, như đã nói, ngay từ đầu cả hai người đều là những người kém cỏi trong việc kiềm chế cảm xúc mà thứ tình cảm lại quá lớn, nên thường thì việc tiến triển theo các kịch bản nói trên gần như là khó tránh khỏi. Nhưng trong chuyện này, việc đó làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và "tài sản" hữu hình của người khác. Khi anh dành nhiều thời gian hơn bên "tiểu tam" thì có nghĩa là anh cắt giảm thời gian bên gia đình, bạn bè, người thân. Khi anh dành tiền để đi chơi, mua sắm, hẹn hò với "tiểu tam" thì phần tiền để mua quà cho vợ, mua đồ chơi cho con tự nhiên lại hao hụt đi chút ít,... Sự thể hiện càng nhiều, nguy cơ "bại lộ" ngày càng cao, và đến một ngày, mọi thứ vỏ bọc dù có đẹp đến đâu đi chăng nữa cũng sẽ vỡ toang ra, xấu xí vô cùng.
-----
Định viết thêm chút nữa, nhưng thôi, dừng lại ở số 4, số tử, cho những kết cục chắc chắn phải có của những mối (ngoại) tình kiểu này. Còn bạn, hãy thận trọng với những đánh giá và phát ngôn của mình, người ta cứ ngỡ người ta là người tốt, cho đến khi cuộc đời cho ta cơ hội làm người xấu.
Để kết thúc, mình tặng các bạn 2 bài hát vô cùng nổi tiếng, nói về nỗi đau của "tiểu tam". Đến lúc này, khi đọc xong bài viết của mình, có lẽ các sẽ hiểu được phần nào bối cảnh của nó:
Nhắc lại 1 lần nữa, mình welcome comment của các bạn, nhưng không tấn công người viết nhé! Thanks <3