Bài dịch từ nguồn: Ellen Engelstad  - Against Meritocracy
Đặt ra thuật ngữ “meritocracy”, nhà xã hội học Michael Young muốn cảnh báo sự nguy hiểm của ý tưởng cho rằng chúng ta cần có cạnh tranh để chứng tỏ tài năng và công sức lao động của mình. Một xã hội quân bình thực chất nên đảm bảo tất cả mọi người được sống với phẩm giá – bất kể cách thức đo lường mức độ xứng đáng của chúng ta là gì đi chăng nữa.
(Ryoji Iwata / Unsplash)
Meritocracy – Chế độ trọng dụng nhân tài hay nhân tài trị nghĩa là,
những ai có năng lực nhất nên thống trị và nên nỗ lực vươn tới vị trị cao nhất, bất kể hoàn cảnh xuất thân.
Nhiều người thấy khẳng định đầu tiên có lý, khẳng định thứ hai thì hiển nhiên công bằng. Thế giới thì phức tạp, và trong vô vàn các khu vực, từ phòng xử án đến buồng lái máy bay, người ta không chỉ mong muốn có được, mà còn rất cần đến chuyên môn. Nếu thực sự chúng ta muốn tìm ra tài năng tốt nhất, chắc hẳn sẽ cần phải đảm bảo ai cũng có được cơ hội như nhau để chứng minh giá trị của mình?
Với nỗ lực khơi nguồn thành phần ưu tú trong xã hội, nhiều người tự do chủ nghĩa liberals truyền bá tư tưởng về bình đẳng cơ hội. Tất cả trẻ em phải được đi học ở trường tốt, được chăm sóc sức khỏe, tiếp xúc với hình mẫu lành mạnh. Nhờ vậy năng khiếu tiềm ẩn của các em mới có thể được phát hiện và hỗ trợ. Điều này không nằm ngoài ý tưởng về Giấc mơ Mỹ - làm việc   cần mẫn để chạm tới thành công – mặc dù phần lao động chân tay đã bị giáng cấp khi nét nghĩa của “làm việc cần mẫn” dần chuyển trọng tâm vào “tài năng”, do bẩm sinh hay do quá trình tự trau dồi.
Nhưng meritocracy vốn dĩ không hàm ý một điều tốt đẹp: cụm từ này được nhà xã hội học Michael Young đặt ra và sử dụng nhằm chỉ trích các chính phủ từ bỏ mục tiêu xây dựng bình đẳng thực chất. Việc quay trở lại với cuốn sách của ông, The Rise of the Meritocracy giúp chúng ta hiểu thêm tại sao khái niệm “bình đẳng cơ hội” đã bào mòn giá trị của sự bình đẳng – và tại sao quyền có được cuộc sống đàng hoàng không nên phụ thuộc vào thứ được cho là “tài năng” của chúng ta.

You Had One Job

Là thành viên của Đảng Lao động nước Anh, Young tham gia viết nên Let Us Face the Future, bản tuyên ngôn giúp đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1945. Chính phủ mới được bầu sẽ đóng vai trò quan trọng để tiến tới thành lập ra nhà nước phúc lợi. Nhưng Young nhận thấy chính quyền của Clement Attlee đang dần từ bỏ hai ý tưởng chân giá trị của lao động và bình đẳng cho tất cả, để chuyển sang một khái niệm là bình đẳng cơ hội. Ngay trong năm 1944, kì thi “eleven-plus” đã được đưa vào nhằm xác định loại trường trung học (độ tuổi từ khoảng 11) mà học sinh nên theo học, thường sẽ định hình lộ trình trong đời cho các em. Cũng vào thời điểm đó, các phân tích về sự mở rộng của “tầng lớp quản lý” đã báo trước thời đại mới của những chuyên gia cũng như hệ thống thang bậc xã hội dựa trên năng lực về thông tin.
Năm 1958, Young bắt đầu viết một câu chuyện khoa học viễn tưởng về xã hội phản địa đàng dystopia, nhìn về hiện tại của ông từ điểm nhìn năm 2033.
Người dẫn chuyện là một nhà xã hội học, theo dõi sự phát triển của một trật tự xã hội mới, từ khoảng những năm 1870. Nhân vật kể về việc giới quý tộc và những đặc quyền truyền đời kèm theo nó đã dần đến chỗ suy tàn nhờ nỗ lực của phong trào lao động. Nhưng sau chiến thắng của giai cấp cần lao vào giữa thế kỉ 20 (tức là khoảng thời gian Young sống), thành quả bình đẳng này đã dần tiêu biến và bị thay thế bởi hình thức phân chia giai cấp mới. Giờ đây, đứng đầu không còn là những người sinh ra trong giàu có và nghiễm nhiên thừa hưởng vị trí trên cùng (như trước kia). Thay vào đó là những bộ óc thông minh – những người mà với năng lực trí tuệ, xứng đáng nắm quyền cai trị. Thế nhưng, đã xuất hiện một làn sóng đình công và bạo loạn chống lại hệ thống này, dấy lên bởi những người được gọi là dân túy populists. Vấn đề đã được nhân vật nhà xã hội học đưa ra bàn luận vào thời điểm 2033.
Cách tạo khung câu chuyện có nét tương đồng với tiểu thuyết 1984 của George Orwell. Và cũng giống như việc Orwell đã sáng tạo những thuật ngữ mà sau trở thành ngôn từ thông dụng, như Newspeak hay Big Brother, Young đưa ra từ mới meritocracy - chế độ nhân tài trị, cấu tạo từ merito (từ tiếng Latin meritus, xứng đáng) và krati (từ tiếng Hy Lạp, kratein quản trị). Sự khác biệt lớn (giữa 1984The Rise of Meritocracy) nằm ở cách người ta sử dụng những từ ngữ mới này. Mối liên quan giữa phe đối lập chính trị và mô hình thế giới của 1984 rõ ràng được Orwell dùng để thể hiện hàm ý chê bai. Trong khi đó, những người dân chủ xã hội và chính trị gia tự do chủ nghĩa lại đón nhận chế độ nhân tài trị như thể đó là ý tưởng hay. Có thực sự đọc tác phẩm của Young ta mới nhìn ra khía cạnh tiêu cực của nó (mà tác giả vốn cố gắng truyền tải).
Trong xã hội mà Young miêu tả, ai cũng sẽ phải trải qua những bài kiểm tra trí tuệ trong suốt cuộc đời – vì thế, bạn sẽ luôn có khả năng tiến lên trên nấc thang xã hội, kể cả khi sự ưu tú của bạn bộc lộ muộn, miễn là bài kiểm tra cho thấy điều đó. Nhưng, bạn sẽ không có quyền phàn nàn về mức lương thấp hay địa vị thấp nếu bài kiểm tra cho thấy, bạn không đủ thông minh – đơn giản đó là nơi chốn dành cho bạn. Đây không phải là thứ xã hội mà người lao động mong mỏi có được khi họ chiến đấu để có được giáo dục tốt hơn hay để xóa bỏ thứ hệ thống ban phát đặc quyền đặc lợi nghiễm nhiên. Nhưng chiến thắng của họ đã bị tước đoạt khỏi họ và bị đẩy đi theo chiều hướng khác hẳn, khi những người được gọi là các Fabian nắm lấy quyền lực trong phong trào công nhân. Điều này đã thực sự diễn ra trong lịch sử. Quay trở lại vào thực tế lịch sử, năm 1884, Hội Fabian được thành lập với tư cách là tổ chức xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu của tổ chức này không chỉ là bình đẳng mà còn là “một trật tự xã hội mới, được xây dựng trên cơ sở năng lực con người, được tạo ra từ trong lòng xã hội cũ đầy hỗn độn vô tổ chức”. Hay còn được gọi là,
một chế độ nhân tài trị.
“Cách biệt trong thu nhập thậm chí còn lớn hơn trước, vậy mà xung đột lại giảm đáng kể,” nhà xã hội học trong truyện đã viết như thế vào năm 2033. Một phần lí do là vì giờ đây của cải và những lợi ích dành đến cho những người lành nghề và tài giỏi được nhìn nhận là công bằng - họ đã làm việc để có được chúng, chứ không nhờ thừa kế.
Một phần nữa, những khác biệt mới giữa giàu và nghèo bộc lộ dưới dạng lợi ích mà người giàu được hưởng thay vì chỉ phản ánh trong mức tiền lương cao hơn. Song song với điều này, nghị viện mới được bầu ra trở nên suy yếu, nhường chỗ cho “kĩ thuật viên”, các quan chức có nền tảng chuyên môn quản trị nhà nước. Đảng Lao động và các công đoàn, theo thời gian, đã dần đồng thuận với sự nhượng bộ này.
Tuy nhiên, một nhóm nhỏ dân chúng vẫn kiên định với nguyên tắc về bình đẳng, trên cả hai phương diện thu nhập và sức ảnh hưởng: một nhóm được biết đến với tên gọi dân túypopulists”. Những lãnh đạo nữ đóng vai trò đặc biệt nổi trội trong cuộc nổi dậy: bởi, ngay cả những phụ nữ thông minh đã có được địa vị cao cũng vẫn là nạn nhân trong chế độ phụ quyền. Trong trật tự xã hội được cho là hài hòa này, họ vẫn chịu áp lực to lớn phải nuôi dạy những đứa con “thông minh” của chính mình, không thể giao con cho những người hầu “ngu dốt” chăm lo thay được. Do vậy, những người phụ nữ mới chỉ mới vừa bắt đầu sự nghiệp buộc phải từ bỏ mọi thứ họ đã làm ra và tập trung vào vai trò làm mẹ. Dẫu vậy, nhân vật nhà xã hội học của Young vẫn đi đến kết luận rằng, liên minh giữa những lãnh đạo thông minh, vì quyền nữ, và người lao động tả khuynh sẽ không đứng vững – vốn dĩ họ thuộc về những giai cấp với những mối quan tâm khác nhau.
Trong khi nhân vật tác giả nhận thức rõ rằng bản thân ông đang sống trong thời đại đầy rối ren, ông dự đoán rằng cuộc nổi loạn của nhóm dân túy hiện thời sẽ sớm bùng lên: xã hội đã quá cứng nhắc, gò bó, khó lòng thay đổi còn giai cấp lao động thiếu vắng lãnh đạo. Ông khép lại luận văn của mình với gợi ý rằng, hội nghị dân túy diễn ra vào năm tới tại Peterloo sẽ xác nhận những dự báo của ông. Ông cũng sẽ tham dự hội nghị với tư cách một người quan sát. Phần chú thích cuối của sách đã tiết lộ với độc giả rằng, ông đã lầm. Peterloo đã tạo nên một xáo trộn đến độ nhân vật tác giả đã thiệt mạng ở đó – và luận văn này đã được xuất bản khi ông không còn nữa.

Con Quái vật do Young tạo ra

Nhìn từ 2021, cuốn sách của Young thể hiện một năng lực nhìn xa phi thường. Ông dự đoán, việc xóa bỏ tầng lớp tinh hoa dựa trên quyền lực và tài sản thừa kế rồi sẽ lại sản sinh ra một tầng lớp tinh hoa kiểu mới. Cảm thức về quyền được hưởng ở họ thậm chí còn mạnh hơn tầng lớp tinh hoa cũ, vì họ tin họ “xứng đáng” với đặc quyền. Young cũng dự đoán trong những thập niên 1960 và 1970, chính trị cấp tiến sẽ lên cao – sẽ xuất hiện một “khoảnh khắc” lịch sử cho bước đột phá cánh tả. Nhưng thực tế là đã không hề có chiến thắng như vậy, xã hội trở nên chia rẽ hơn sau cuộc phản-cách mạng mang màu sắc tân-tự do neoliberalism, phúc lợi xã hội bao trùm đã bị bào mòn và bị thay thế bằng những giải pháp tư nhân hóa, lại càng khiến chia rẽ giai cấp tăng thêm.
Young đã thấy trước một loạt những hệ quả tiêu cực đến từ “giáo lí” nhân tài trị: phong trào công nhân rẽ hướng sang phải, sự gia tăng không ngừng về địa vị xã hội của tri thức và trí tuệ, bất bình đẳng leo thang, quỹ thời gian trở nên eo hẹp đối với những người phụ nữ vừa muốn học hành vừa muốn có con, và những đặc quyền tầng lớp sáng tạo được hưởng thậm chí còn vượt ra khỏi phạm vi hệ thống tiền lương. Young đưa ra dự đoán sau cùng: rồi sẽ đến lúc mọi người cảm thấy quá đủ với việc bị bảo là ngu ngốc, nào là sự bất bình đẳng thực ra giúp đem lại điều tốt nhất cho họ, và thế là họ sẽ tập trung về các nhà dân túy. Nhưng có một điều Young đã không thấy trước. Đó là vai trò của hình tượng dystopia ông đã xây dựng trong suốt quá trình này. Trái ngược với ý định của ông (thế giới với nhân tài trị là tăm tối, là phản-địa đàng - ND), ý tưởng về nhân tài trị trên thực tế sẽ được đón nhận bởi chính trị gia khắp thế giới, bất kể khuynh hướng chính trị, bảo thủ hay dân chủ, và được nhìn nhận như một tầm nhìn tích cực mà xã hội nên tiến tới.
Ngoài đời thực, hai trong số những đại diện nổi tiếng của Hội Fabian, Tony Blair và Gordon Brown, đã đặt trọn niềm tin vào nhân tài trị. Với Blair, cơ hội bình đẳng cho tất cả - một chế độ nhân tài trị đích thực – là tầm nhìn lớn lao khi ông được bầu làm thủ tướng năm 1997. Tầm nhìn này được tóm gọn trong khẩu hiệu “giáo dục, giáo dục, giáo dục.” Chuyện này khiến Young vô cùng thất vọng. Trong bài viết nêu quan điểm vào năm 2001 với nhan đề Down with meritocracy ông bày tỏ nỗi thất vọng khi người ta diễn giải sai cuốn sách của mình. Ông xin Blair ngưng dùng từ “nhân tài trị”: “Khả năng cao là ngài thủ tướng chưa đọc cuốn sách, nhưng ông ấy nắm được nghĩa của từ ngữ mà không nhận ra những hiểm họa ông ấy đang cổ xúy.” Young cũng khẳng định thêm rằng, chẳng có gì sai khi mọi người được phép phát triển nhờ những gì họ đạt được; vấn đề chỉ phát sinh khi những người được gọi là người thông minh và giỏi giang hình thành một tầng lớp trên của riêng mình và đóng lại cánh cửa cho những người khác.
Như ông đã dự đoán, trớ trêu thay, giáo dục bậc cao đã trở thành định nghĩa quan trọng duy nhất cho thành công. Giáo dục bâc cao không chỉ hứa hẹn cuộc sống tốt đẹp cho những ai “thông minh” mà còn đóng dấu “thua cuộc” lên số đông, những người không theo học đại học. “Họ [tầng lớp lao động] có thể dễ dàng trở nên thoái chí khi bị những người thành công coi thường một cách đau đớn. Cuộc sống thật sự khó khăn khi bị đánh giá là không có tài năng, trong khi đó lại là thứ mà xã hội tôn sùng. Chưa từng có bao giờ mà tầng lớp dưới trong xã hội bị bỏ lại trong cảnh trần trụi đến thế”.
“They [the working class] can easily become demoralised by being looked down on so woundingly by people who have done well for themselves. It is hard indeed in a society that makes so much of merit to be judged as having none. No underclass has ever been left as morally naked as that,”

Expert Rule – Tri trị

Hầu hết những ai có đầu óc dân chủ đều nói họ muốn những đại diện do dân bầu có quyền quyết định hầu hết các vấn đề lớn trong xã hội. Sự cố vấn của những người có kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực, giả dụ như trợ giúp từ luật gia để soạn thảo luật mới, không phải là mối đe dọa đối với nền dân chủ. Đúng là lắng nghe những người có nhiều hiểu biết về một chủ đề là sáng suốt, nhưng những người xã hội chủ nghĩa socialist sẽ tranh luận rằng, kiến thức chuyên môn không phải chỉ thuộc về những người có bằng đại học. Rất nhiều kiến thức có mặt ở công xưởng hay hành lang bệnh viện.  Trong khi chúng ta có thể đồng ý rằng sẽ cần có sự phân công lao động ở chính phủ cũng như trong xã hội, thì trong vài thập kỉ gần đây, những lập luận kĩ trị ủng hộ “sự cai trị của chuyên gia” được củng cố vững chắc hơn nhiều.
Khả năng thay đổi trong kế hoạch hay hành động của các nhà nước ít nhiều chịu giới hạn từ các điều ước quốc tế, luật học gia tăng ảnh hưởng lên chính trị ngày một rõ rệt, các đảng không được chấp thuận để thi hành các chương trình của mình do họ vi phạm các luật lệ nằm ngoài không gian tạo lập quyết định có tính dân chủ. Hệ quả là, những khác biệt giữa Hữu và Tả giảm đáng kể và ở nhiều quốc gia, những người ủng hộ dân chủ xã hội và giới bảo thủ, vốn từng đối địch, nay lại hợp thành liên minh.
Cũng đúng thời điểm ấy, chủ nghĩa thực chứng positivism một lần nữa giành được chỗ đứng. Thực chứng luận nhìn vào tình trạng bế tắc và coi đây là một bài toán, có thể tính toán để ra đáp án “chính xác”, thay vì là một vấn đề tranh luận đòi hỏi những ý kiến trả lời khác nhau, tùy thuộc vào vị trí chính trị của người tham gia. Những cuộc xác minh dữ kiện được cho là trung lập và cuộc truy tìm “sự thật” đã dần tiếp quản những gì trước kia từng là khu vực dành cho thảo luận công cộng.

Di động xã hội

Tầng lớp tinh hoa của những người chuyên môn gắn bó chặt với chế độ nhân tài trị, vì họ tin nó sẽ đảm bảo cho tất cả mọi người một cơ hội để đạt tới vị trí trên cùng – và những ai giỏi nhất sẽ tới được nơi họ thuộc về. Nhưng họ vẫn lo ngại hệ thống nhân tài trị sẽ bị phá hoại bởi những người còn lưu luyến xã hội cũ – và vì thế họ nỗ lực để cải thiện nó. Những động thái như tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong thị trường lao động và giáo dục bậc cao, cùng với các biện pháp nhằm hạn chế sự phân biệt đối xử chủng tộc hay xu hướng tính dục đều là những chiến thắng góp phần càng khẳng định rõ tính chất của nhân tài trị, theo như nhà báo Chris Hayes.
Sự kiện một người đàn ông da đen trở thành tổng thống Hoa Kì (và một người phụ nữ gần làm được điều đó) đã cho thấy nhân tài trị đã phát triển và đi xa tới đâu trong những thập niên gần đây. Các nhà tự do cho rằng điều đó giúp truyền cảm hứng để những người khác làm điều tương tự. Quả thực, kì bầu cử của Barack Obama là một chiến thắng quan trọng và mang tính biểu tượng. Nhưng sự tập trung đổ dồn vào Obama và Hillary Clinton, thay vì vào thay đổi cấu trúc dành cho những nhóm cộng đồng lớn người da màu và phụ nữ cũng đã bộc lộ điểm yếu của chiến lược này.
Trong cuốn Listen, Liberal, Thomas Frank viết: “Hillary có xu hướng ngả về một phiên bản của phong trào nữ quyền đồng nghĩa với nhân tài trị ở chỗ nó gần như chỉ quan tâm đặc biệt đến sự đấu tranh của những người phụ nữ với nền tảng giáo dục cao trong việc đạt được những gì mà tài năng của họ có thể đem lại.” Thật vậy, Hillary Clinton ít quan tâm đến những điều tốt mang tính phổ quát mà Bernie Sanders nỗ lực hiện thực hóa, như nâng mức lương tối thiểu và nghỉ có lương do sinh con. Với ý tưởng thứ hai, Clinton khẳng định bà cũng ủng hộ, nhưng “không nghĩ rằng về mặt chính trị chúng ta có thể đạt được ngay lúc này.”
Trọng tâm của nhân tài trị không phải là giảm thiểu bất bình đẳng, mà là đảm bảo tất cả có cơ hội vươn tới hàng đầu. Một câu hỏi nữa được đặt ra. Trong chế độ nhân tài trị, những người giỏi nhất – các chuyên gia, người có chuyên môn – được nâng lên vị trí đầu, vì lợi ích của toàn thể. Nhưng ai sẽ quyết định kĩ năng nào sẽ được xã hội ban thưởng? Và chẳng phải những người vốn đã hưởng lợi từ nhân tài trị sẽ có ý muốn thưởng cho chính những kĩ năng bản thân họ sở hữu hay sao? Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy họ đang làm chính xác việc đó, trong đó rõ nhất là quyền lực gia tăng của nhóm này cùng với bất bình đẳng leo thang.
Giả sử tầng lớp tinh hoa đương quyền ra các quyết định trung lập, phi chính trị vì lợi ích cho toàn thể người dân, vậy tại sao chỉ riêng giới siêu giàu tại Mỹ hưởng lợi từ sự tăng trưởng năng suất trong xã hội kể từ những năm 1970? Nếu họ thực sự là “người phục vụ nhân dân” chăm lo cho lợi ích của tất cả mọi người, vậy bằng cách nào mà sự lãnh đạo của họ đã sinh ra tình huống tại phố Wall năm 2014, khi mà khoản tiền thưởng được phát tại đây lớn gấp đôi tiền lương toàn thời gian của toàn bộ người lao động đang làm công việc được trả mức lương tối thiểu tại Mỹ. Các con số không kịch tính đến vậy ở Na Uy nước tôi, hay các quốc gia có phong trào công đoàn hoạt động tích cực. Nhưng tại đây (Mỹ), các đảng phái, chủ doanh nghiệp và các chuyên gia cũng dẫn ra các chính sách thúc đẩy bất bình đẳng, ví dụ như cắt thuế cho người giàu và cắt giảm trợ cấp ốm đau, nhìn nhận những chính sách như thế là trung lập và “dựa trên nghiên cứu”.

Chúng ta không muốn một chế độ nhân tài trị “thực sự” đâu.

Giấc mơ về một tầng lớp tinh hoa với trình độ giáo dục cao nắm quyền quản trị xã hội đã tồn tại từ rất lâu trước khi có tác phẩm của Young. Ví dụ, Plato tin rằng dân chủ sẽ dẫn đến việc quyền lực dần rơi vào tay những người ngu dốt. Plato đề xuất xây dựng nên một nền độc tài do triết gia đứng đầu. Ngày nay, cử tri ở nhiều quốc gia đã bắt đầu kéo về phía những đại diện được gọi là dân túy như Donald Trump, Rodrigo Duterte, Marine Le Pen và Jair Bolsonaro. Hiện tượng này dẫn đến gia tăng câu hỏi xoanh quanh vấn đề liệu dân chủ có tiếp tục nên được goi là hình thức quản trị tốt nhất, hay đã đến lúc để đưa vào một “chế độ nhân tài trị đích thực”.
Điều này có nghĩa, chúng ta sẽ không chỉ trao quyền lực nhiều hơn cho quan chức và luật sư, mà cụ thể còn là để hạn chế dân chủ. Năm 2016, trong cuốn sách của mình, triết gia chủ nghĩa tự do Jason Brennan đã đưa ra ý tưởng này. Theo Brennen, trong các xã hội dân chủ, cử tri có rất ít nhận thức về các vấn đề chính trị và thường không có khả năng đảm bảo chính trị gia có trách nhiệm giải trình. Do đó, những cuộc bầu cử tự do không khác nào phương hại dân chúng. Thay vì như vậy, số phận của họ nên được giao cho một bộ phận tri trị epistocracy gồm những người giỏi và sáng suốt nhất chăm lo. Những ý tưởng này cũng đã được nêu lên trong những cuốn sách như Democracy for Realists (2016) hay The Myth of the Rational Voter (2007).
Khi tri thức ngày càng được tôn sùng, và thực chứng luận positivism quay trở lại, tiếp tục miêu tả chính trị là một khoa học nghiên cứu những câu trả lời đúng-sai, thì câu hỏi dành cho những nhà nhân tài trị trở thành: Liệu hầu hết mọi người có đủ kiến thức để đưa ra quyết định về “xã hội phức tạp của chúng ta”? Họ đã đọc chương trình bầu cử của các đảng tranh cử chưa – và nếu chưa, vì sao họ được phép quyết định vận mệnh của chúng ta?  Theo triết gia Morten Langfeldt Dahlback, nhân tài trị “không nhất thiết phải lấy đi phúc lợi của nhóm ít hiểu biết hơn” bởi “phần lớn cử tri [bỏ phiếu] dựa trên niềm tin của họ về cái tốt chung, và những người được giáo dục cao thường quan tâm về công lý xã hội hơn những nhóm còn lại.”
Góc nhìn này vô cùng nguy hiểm – nó cũng không dựa trên kinh nghiệm nào tồn tại trong lịch sử. Ngược lại, mỗi một lần một nhóm tinh hoa nắm quyền mà không bị giám sát bởi số đông dân chúng, bất bình đẳng gia tăng mạnh mẽ. Đó là lí do người dân Anh vào năm 1819 đã kéo về St Peter’s Field ở Manchester, đòi hỏi quyền phổ thống đầu phiếu và kết cục là thảm sát Peterloo. Đó cũng là lí do có Cách mạng Pháp và Cách mạng Nga, hay tất cả những trận chiến khác do quần chúng tiến hành chống lại tầng lớp tinh hoa đã thống trị họ. Những người thuộc tầng lớp này quả thực về mặt văn hóa, “được khai sáng” hơn phần lớn những người nổi dậy, nhưng chắc chắn họ không đem lại nhiều công lý xã hội hơn. Ngày nay, khi dân chúng tập trung quanh các lãnh đạo dân túy (từ dùng thường đi kèm sự khinh miệt) đó là bởi những người này này có vẻ thực sự coi trọng họ, và ít nhất là đã lên tiếng về vấn đề bất bình đẳng mà họ phải gánh chịu, thay vì gạt bỏ khả năng hành động. Nếu lời giải là tước đi quyền bầu cử của người dân, vì họ “không đủ thông tin” (hay “không đủ hiểu biết”), kết quả chắc chắn sẽ đầy kịch tính, nhưng sự bình đẳng sẽ không thể sinh ra từ đó.
Năm 1872, nhà vô trị anarchist Mikhail Bakunin đã cảnh báo về sự khao khát một nền nhân tài trị đích thực, một “triều đại của trí tuệ khoa học, và chế độ mang tính quý tộc, chuyên quyền, ngạo mạn và elitist  nhất trong tất cả các chế độ chính trị.” Theo ông, khi những người có học vấn cao hơn được toàn quyền thống trị nhờ những “khả năng ưu trội” hơn người khác, sẽ sinh ra một tầng lớp mới, một thang bậc xã hội mới của những nhà khoa học, các học giả, và thế giới sẽ bị chia ra: một số ít thống trị cậy vào tri thức và một bộ phận đông đảo thiếu hiểu biết”. Khi đó, “khốn thay đám đông những kẻ ngu dốt!” Đó chính là kết cục của chúng ta nếu tin theo lý luận của đám người quyền lực khi họ nói, họ ở vị trí đó vì họ “hiểu biết nhất”.
/