Chắc mọi người cũng nghe nhiều về lối sống tối giản (minimalism) rồi nhỉ. Cá nhân mình thừa nhận là chưa từng một đọc bài viết hay cuốn sách nào về chủ đề này từ trước tới nay. Mới gần đây mình có xem một bộ phim tài liệu nói về chủ đề này thôi.
Trước khi đi vào chủ đề chính mình muốn chia sẻ một chút. Với mình thì một bộ phim hay một cuốn sách chưa thể thay đổi một con người 180 độ được. Ví dụ nếu từ trước tới nay mình là người thích mua sắm đồ đạc thích hàng hiệu thì khi xem xong bộ phim tài liệu về lối sống tối giản thì mình không thể ngày mai quay sang sống tối giản ngay được, điều này đối với mình rất khó xảy ra. Mà để nói thẳng ra thì nếu mình là một người thích mua sắm đồ đạc, đồ hàng hiệu thì mình chả tìm đến kiểu dạng bộ phim này để xem rồi.
Trong trường hợp một bộ phim, một cuốn sách, một lời nói có thể làm thay đổi một phần con người của mình thì mình nghĩ đó chính là mảnh ghép thiếu còn lại trong bức tranh lớn, là một cú hích cần phải có để đạt yêu cầu mình sẽ thay đổi bản thân ngay sau đó.
Kiểu như mình cũng đang trong quá trình sống tích cực, sống đơn giản hơn, sống nhẹ nhàng hơn thì khả năng rất cao mình sẽ tìm đến bộ phim kiểu như vậy. Và bộ phim này kiểu như cùng một tông màu nhưng được in đậm hơn và mình cảm thấy phù hợp hiện tại thì mình áp dụng vào bản thân để thay đổi trở thành phiên bản mình mong muốn thôi.
Mình nói hơi lan man một chút nhưng ý của mình tóm gọn là bất kể lời khuyên, cuốn sách, podcast hay thậm chí cả bài viết này thì cũng không thể làm thay đổi bạn được nếu đó chưa phải là mảnh ghép cuối cùng mà bạn cần. Có thể đây vẫn là mảnh ghép nào đó nhưng chưa là mảnh ghép cuối cùng của bức tranh bạn đang lắp ghép, có thể 1 tuần, 1 tháng, 1 năm sau bạn sẽ hoàn thành được sự thay đổi mà bạn muốn (kiểu gì cũng thay đổi ý yên tâm :v).
Tất cả những gì mình thu nhận từ bên ngoài vào đều là một mảnh ghép định hình nên nhận thức của mình hay nói nghe cách khác là định hình nên quan điểm, thói quen, suy nghĩ, hành động, cách nhìn nhận của mình đối với thế giới bên ngoài.
Vậy tại sao bài viết này lại nói về lối sống tối giản? Mình chỉ đơn giản muốn kể lại quá trình mình dần dần nhận ra bản thân đã bỏ bớt nhiều thứ xung quanh, cho đến khi xem bộ phim tài liệu nói trên thì mình nghĩ bản thân dần dần trở thành người có lối sống tối giản (khái niệm hóa một cách hợp lý chứ trước mình có đâu biết là đang sống tối giản đâu haha :v).
Ban đầu mình nghĩ mình sẽ kể về quá khứ một lần và sau đó là đến những thay đổi cho tới thời điểm hiện tại. Nhưng nếu kể như thế sẽ khiến bạn bị rối và khó nắm bắt được những yếu tố mình muốn nêu bật ra, cho nên mình sẽ kể xen kẽ nguyên nhân vì sao mình chọn lối sống tối giản.
Lối sống tối giản ở đây mình sẽ không chỉ nói về vấn đề về đồ đạc mà còn bao gồm các vấn đề khác trong cuộc sống nữa. Mình bắt đầu nhé.

1. Tối giản về thông tin

Các bạn chắc cũng đã từng nghe sự so sánh về “con nhà người ta” đúng không? Dù bạn có làm tốt đến mức nào đi chăng nữa thì kiểu gì cũng có con nhà người ta giỏi hơn bạn. Đôi khi mình cũng ko biết là người đó có tồn tại không nữa, hay là bố mẹ chỉ bịa ra với mong muốn mình nhìn vào đó mà học tập mà cố gắng hơn thôi.
Không biết các bạn thế nào nhưng những cái đó ngày xưa ảnh hưởng tiêu cực với mình nhiều hơn là tích cực :)) Cứ mỗi khi TV đến cái đoạn tấm gương nghèo vượt khó là thôi rồi, 1 là chuyển kênh, 2 là chạy đi chỗ khác.
Sự ảnh hưởng này nó tiêu cực đến nỗi đi đâu mình cũng phải nhìn “người ta”. Ai cũng giỏi hơn mình, mình ngưỡng mộ, mình so sánh với bản thân. Sự tiêu cực này cứ kéo dài rất lâu luôn chứ không có dừng.
Lên đại học thì so sánh với các bạn học được trường nổi hơn mình, năng động hơn mình, bạn gái xinh hơn mình (à nhầm, ý mình bạn gái họ thì xinh xắn). Ra trường đi làm thì vẫn tiếp tục so sánh với bạn bè về công việc ngon hơn, chức vụ tốt hơn, lương thưởng cao hơn, đi đây đi đó nhiều hơn. Mình không chỉ so sánh với bạn bè mà so sánh với tất cả những người mình follow trên social media nữa.
Nếu nhìn về mặt tích cực, ừ thì họ giỏi thì mình cũng cố mà giỏi theo, cố chạy theo những ánh hào quang để từ đó mình cũng giỏi lên. Nhưng nếu nhìn về mặt tiêu cực thì bản thân mình cảm thấy cực kỳ áp lực và âu lo nếu không được như họ, vì chỉ đơn giản là họ bằng tuổi mình thì cái gì họ có mình cũng phải có bằng được. Đương nhiên người ta chả show cái hậu trường sân khấu cày sấp mặt ngày đêm kia đâu, đấy mới chính là cái mình chưa làm được như họ.
Những thông tin mà mình tiếp nhận trên social không chỉ dừng lại ở việc so sánh, mà còn xảy ra một tình trạng tiêu cực khác là tâm lý FOMO đó là mình sợ bỏ lỡ mất một thông tin gì đó quan trọng nếu mình không follow social, follow những người có tiếng trong ngành. Để rồi mình suốt ngày bị ngập ngụa trong một mớ thông tin kỹ thuật số mà bản thân chưa đủ tư duy phản biện thông tin đó có phù hợp với mình hay không..
Và điều mình đã làm là gì? Đó là không dùng điện thoại một thời gian (đây không phải là lời khuyên ha, mình đang chỉ kể lại thôi). Đợt đó chắc mình dừng khoảng tầm 2 tháng nhưng rồi cũng quay lại (vì công việc mình là marketing nên không thể không quay lại tại đợt đó chỉ dùng acc clone hoy), nhưng cái mình nhận ra được ở đây đó là trong 2 tháng đó mình cảm thấy rất thoải mái, làm việc rất năng suất và không còn nghĩ nhiều hay so sánh như trước nữa.
Cái nữa mình thấy đó là nếu mình đã bỏ lỡ cái gì đó thì hiện tại nó cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Với lại mình nghĩ là một sự kiện gì đó lớn xảy ra thì không cần lên social mình cũng biết được vì bạn bè hay đồng nghiệp bảo nhau thôi hehe :))
Và cái lần quay lại đó mình đã unfollow đi gần hết những thông tin gì không quan trọng đối với mình trên social, chỉ còn giữ lại rất ít nhưng nơi mình cảm thấy thực sự có giá trị đối với bản thân.
Mình không bảo là follow social không tốt mà ý mình muốn nhấn mạnh: đây là cách mình nhận thông tin một cách bị động. Mặc dù mình unfollow như vậy nhưng mình vẫn chủ động nghiên cứu, chủ động tìm tòi, phân tích học hỏi thêm, chủ động tham gia các khóa học.
Thông tin là thứ quan trọng nhất trong việc tối giản của mình. Thông tin mình nhận vào mỗi ngày sẽ khiến mình bị lạc trôi và suy nghĩ rất rất nhiều mà chả vì cái gì, bởi vì mình biết khả năng phòng thủ của mình trước thông tin nạp vào là rất yếu (kiểu mình nhận được thông tin gì cũng phải phân tích này nọ kia ý). Bây giờ mình mà follow lại hàng trăm trang, hàng nghìn người thì kiểu gì cũng bị dính tâm lý FOMO và tâm lý so sánh tiếp mà coi. Cho nên bản thân mình chọn cách lùi về sau vài bước :)) Cập nhật thông tin chậm cũng ko sao, tối cổ cũng không sao, bản thân mình cảm thấy rất thoải mái và phê chữ ê kéo dài :))

2. Tối giản về đồ đạc

Mình sinh ra trong một gia đình bình thường đơn giản và mẹ mình là một người luôn thích giữ đồ cũ. Mỗi lần dọn dẹp là mình không hiểu sao mẹ vẫn còn giữ rất nhiều thứ: thậm chí là nhiều bài điểm 0 của mình hồi tiểu học. Cho nên rất rất nhiều đồ chất đống mình nhìn rất rất khó chịu :v Hồi đó chả hiểu tại sao mình khó chịu.
Lên đại học thì cảm giác ham muốn trỗi dậy, mình muốn sở hữu nhiều thứ (đồ đạc trong nhà, quần áo,...) chỉ tiếc là không có tiền thôi, có là mua tiêu sài cho sướng. Kiểu như nghiện mua sắm ý mặc dù mua về dùng vài hôm lại để đó nhưng vẫn muốn mua. Nó như một vòng luẩn quẩn là cứ có gì hay lại kiếm tiền mua. Chưa bao giờ mình dừng lại hỏi những đồ mình mua thật sự có giúp ích được gì cho mình được hay không.
Hồi xưa thì không thích mẹ giữ đồ giờ mình cũng y chang như vậy. Nhưng cái tính khó chịu khi nhiều đồ đạc vẫn còn đó chỉ là nó không lớn hơn sức mua của mình tại thời điểm đó hì hì.
Cho tới khi … lần chuyển nhà đầu tiên vào năm 4. Đó là mệt vch :)) Không hiểu sao một cái nhà trọ bé xíu xiu lại chất lên được cả 1 cái xe tải mini được nữa. Ok. Lần đầu tiên mình nghĩ đồ mình nhiều vậy, biết thế thôi chứ không nghĩ nhiều. Sau khi chuyển trọ thì mình vẫn sắm thêm vài đồ nữa :))
Lần thứ 2 là sau đó 1 năm, mình phải chuyển qua ở tạm 1 phòng trọ khác (mình ở tạm vì sau đó mình muốn chuyển tới nơi khác nữa). Vì mình nghĩ ở đây tạm 2 tháng thì không cần bung đồ ra làm gì.
Đến lúc này một sự thay đổi lớn đến với mình. Đó là các bạn biết không, trong vòng 2 tháng ở tạm đó do mình không mở hết đồ ra mà chỉ dùng những đồ cần thiết. Mình vẫn đi làm, ăn, ngủ, nghỉ bình thường nhưng cái mình nhận ra đó là mình chỉ dùng chưa đến 20% số lượng đồ đạc của mình. Tức là có hơn 80% đồ còn lại hoàn toàn không có giá trị gì đối với cuộc sống của mình.
Và khi mình nhận ra điều đó mình quyết định luôn là 80% đồ còn lại mình sẽ bán đi, cho đi :)) Cuối cùng phòng trọ mình nhìn rất gọn gàng, sướng mắt. Và có 2 điều đặc biệt mình nhận được đó là:
+ Tâm trí mình như được giải tỏa và sáng tạo hơn khi không bị gò bó trong một không gian chật hẹp
+ Và mình không còn hứng thú mua thêm bất kỳ đồ đạc nào nữa. Kiểu mình đã ra khỏi được vòng lặp sở hữu đồ đạc và kiếm tiền mua sắm :)) Sướng.
Trước kia thì cố kiếm tiền để cố sở hữu một thứ gì đó :)) Giờ kiếm tiền là để đầu tư vào bản thân, vào tương lai thôi hehe.
Và chắc chắn rồi, dọn dẹp hay chuyển nhà cũng tiện và nhanh hơn nhiều.

3. Tối giản về mối quan hệ

Chắc các bạn đã từng nghe câu “bạn là trung bình 5 người bạn thân thiết nhất”. Mình đồng ý nhưng thật ra mình cũng không có đến 5 người bạn thân nhất đâu, điều này hơi xa xỉ đối với 1 đứa con trai haha. Nhưng mà tựu chung là gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
Sự cả nể là cái mà mình luôn luôn mắc phải kể từ khi lên đại học cho đến khi đi làm. Ai cũng làm quen, ai cũng kết bạn, ai nhờ việc gì cũng ok, đi ăn, đi chơi, đi phượt, đi quẩy, đi nhậu ok hết. Đồng ý một chuyện rằng ai cũng có tuổi trẻ. Tuổi trẻ là để trải nghiệm, mình đồng ý nhưng không có nghĩa là lúc nào mình cũng trẻ :v Ai rồi cũng lớn thôi. Và bạn có đồng ý với mình rằng dù là chuyện tốt hay chuyện không tốt diễn ra thường xuyên nó đều sẽ định hình nên con người mình không.
Học cách nói “không” là một điều không đơn giản, nói không đồng nghĩa với mất bạn, nói không đồng nghĩa với việc người khác không hài lòng. Mình tạm thời bỏ qua chuyện học cách đối nhân xử thế để nói “không” làm hài lòng đối phương nha. Chuyện này khó, không phải cứ nói là làm được.
Mình phải thừa nhận một điều rằng người đi cùng mình đến cuối cùng vẫn chỉ là mình thôi. Sẽ luôn phải cố gắng dặn lòng là nghe theo lời nói của bản thân dù biết rất khó, nhưng cuộc sống mà :)) làm sao có thể làm hài lòng được với tất cả mọi người được.
Mình chỉ cần những người hiểu mình đi cùng mình thôi, không cần phải cố gắng tỏ ra thành một người khác không phải là mình để người khác chơi cùng cả. Gồng mình chả được lâu đâu mà còn có hại cho sức khỏe tinh thần nữa.
Mình đã từng từ chối rất nhiều và mình biết họ không vui nhưng biết làm sao được vì mình biết mình không thích làm những chuyện mình không muốn. Mình đã mất nhiều mối quan hệ chứ, giờ chỉ còn số rất ít những người cùng quan điểm sống mình muốn nói chuyện và chia sẻ với họ thôi, và mình nghĩ chả cần nhiều, 2 đã là số nhiều rồi hehe. Ý mình ở đây là những mối quan hệ thân thiết chứ đối tác, đồng nghiệp, bạn bè hỗ trợ công việc vẫn còn rất nhiều.
Các mối quan hệ xung quanh rất nhẹ nhàng chill chill mà chả cần phải nghĩ xem họ có đang nghĩ tốt hay nghĩ xấu về mình, hay mình cần phải thể hiện gì với họ cả :)) Yên tâm mình làm gì khác cái là những đứa bạn mình biết hết à.

4. Tối giản về công việc

Trước kia mình làm rất nhiều việc cùng một lúc, rất nhiều todo list hàng ngày. Kiểu như mình là người tự trói mình luôn. Thời điểm đấy không việc gì ra hồn vì mình không tập trung được vào việc gì cả. Cứ làm cái này chưa xong là chuyển sang cái kia, quay lại thì lại quên cái ban đầu.
Tất cả các đầu mục công việc cứ đè lên nhau nối tiếp đuôi từ ngày này qua ngày khác tưởng chừng như không có điểm dừng. Cho đến khi dừng thì đó là những lúc nghỉ việc :)) Nghe có vẻ buồn cười nhỉ. Tức là không làm việc là không còn bị rối nữa, ừ chuyện đó là đương nhiên mà.
Mình bị như thế này phải 2 năm đầu khi mới ra trường luôn. Ngày nào cũng lao như con thiêu thân vào công việc. Kiểu cảm giác mình là con người làm việc năng suất và nhiều việc nhưng kết quả cái được cái không.
Vào lần nghỉ việc thứ 3 thì lúc đó mình mới có thời gian dừng để nghĩ lại những gì mình đã làm trong thời gian qua. May mắn là thời điểm này mình có một cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”, cuốn sách này chủ yếu nói về cuộc sống thôi nhưng mình có dùng nó để đối chiếu lại những gì mình đã trải qua. Rồi tự bản thân mình nhận ra là mình không phải là một kiểu người làm nhiều việc cùng một lúc (multi tasking) và mình đang cố gắng chạy nhanh nhất có thể như kiểu có ai đó đuổi phía sau vậy.
Tại thời điểm đó mình cảm thấy vậy nhưng mình vẫn chưa biết nó thật sự có thể cải thiện được tình trạng làm việc của mình hay không. Mình thử điều này với công việc tiếp theo. Thì mình chỉ ưu tiên làm một việc trong một khoảng thời gian nhất định thôi và có cho mình kế hoạch cụ thể, dù mình biết là thời gian đầu mình làm rất chậm có thể sẽ miss các công việc khác, cho nên mình đã ưu tiên làm việc quan trọng trước, những việc khác sẽ lùi sau nếu không còn thời gian nữa thì đẩy qua ngày tiếp theo.
Điều này khiến cho mình tập trung hơn, làm cẩn thận hơn (mặc dù chậm hơn nhưng hiệu quả hơn). Mình biết bản thân mình bây giờ không còn bị chính mình đẩy đi nữa. Kiểu trước kia khi bắt đầu làm việc như bị rối loạn tâm lý vậy :)) Giờ mình sẽ chỉ làm việc vừa sức, mình biết giới hạn mình ở đâu, chỉ đẩy lên mức giới hạn thôi, rồi dần dần giới hạn ấy sẽ nới rộng ra, mình không cần phải liên tục phá vỡ giới hạn làm gì vì mình biết rồi sẽ có ngày nó bị gãy luôn nếu mình tiếp tục. Mà mình nghĩ cũng chả cần phá giới hạn đâu :)) Với cái ý chí cầu tiến thì cuộc sống nó sẽ tự vả vào mặt mình để phá vỡ giới hạn à haha
Rồi mình dần nhận ra được mình cần phải đảm bảo tốt sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần thì làm việc mới tốt được. Và để làm được điều này không còn cách nào khác là phải quản lý tốt được công việc.
Việc quản lý công việc mình cũng đơn giản lắm, không cần màu mè dùng những công cụ để tối ưu công việc nữa, mình chỉ đơn giản dùng Excel hoặc note thôi. Quan điểm của mình là tập trung làm điều quan trọng. Không còn nhiều file loạn trên màn hình hay trên drive nữa. Mình gần như xóa hết tất cả để vào 1 thư mục cho gọn và đỡ rối mắt.
Kiểu quản lý công việc cũng như mình tối ưu lại đồ đạc trong căn nhà của mình vậy. Cái gì mình cần sử dụng thì giữ lại cái gì làm phân tâm thì bỏ nó đi.

5. Tối giản về mục tiêu

Cũng giống như công việc trước kia vậy. Mình đặt ra bản thân mình rất nhiều mục tiêu tại cùng một thời điểm do bị tâm lý hay so sánh với người khác.
Vẫn lại câu chuyện cũ, tự làm cho mình áp lực bằng chính những mục tiêu mà chưa biết nó có thật sự là điều bản thân mình muốn hay không, hay là cái xã hội nó muốn mình vậy (sợ hãi các thứ).
Nào là đặt mục tiêu 5 năm, 10 năm, 15 năm chứng chỉ này kia, mức lương này nọ, chức vụ phải thế này phải thế nọ, phải đi gặp, làm quen người này người kia, cơ 6 múi các kiểu. Và đương nhiên đời không bao giờ như mơ, chả có cái gì dễ dàng đạt được cả. Mục tiêu từ năm này qua năm khác đều mang tính không thực tế.
Việc đặt mục tiêu là cực kỳ tốt nhưng để nó khiến cho mình bị áp lực thì hoàn toàn tiêu cực. Vì mục tiêu mà không làm mình hứng thú, thì nó không còn là mục tiêu đáng để mình đạt được nữa.
Sau một thời gian dài như vậy và mình đã dần dần biết buông bỏ bớt mục tiêu (đồng thời cũng nhờ những thứ tối giản phía trên). Dần dần nhìn vào bên trong bản thân xem thật sự mình muốn gì.
Bây giờ mình đặt rất ít mục tiêu và xa nhất chắc là 3 tháng (có thể sau này mình sẽ có khả năng để đặt xa hơn nữa). Mình không còn nhìn quá xa là 5 năm, 10 năm nữa. Nhưng mình vẫn định hình rõ ràng mình muốn đi trên con đường như thế nào, để từ đó mình đặt mục tiêu 3 tháng sao cho phù hợp cho cả công việc lẫn đời sống cá nhân.
Mình biết mình đang đi đúng con đường mình muốn (xã hội bảo là sai thì tính sau) cho nên cứ từ từ tùy theo sức mình mà đi không cần phải so sánh với ai cả, mình đi chậm cũng được chả sao cả vì mình đang rất enjoy những khoảnh khắc tại thời điểm hiện tại.
Quan điểm của mình là mục tiêu chả phải là đích đến, mà nó là những gì đang diễn ra trong một ngày của mình. Ý mình là nếu bản thân mình đang hài lòng với hiện tại thì cái gì đến nó sẽ đến thôi, mình không cần phải lo lắng quá đến tương lai làm gì.
Ở đây mình không muốn nói tới quan điểm chấp nhận hài lòng với thực tại, cái hài lòng của mình hiện tại nó là sự phát triển của bản thân mỗi ngày so với ngày hôm qua, sự hiệu quả trong công việc, sự chia sẻ trải nghiệm của mình đối với các bạn, sự truyền năng lượng tích cực tới mọi người.
Có thể trên đây là lối sống tối giản đối với mình thôi nhưng người khác họ lại cho là không phải vậy. Mình đồng ý. Quan điểm mình đưa ra chỉ là góc nhìn cá nhân, mình chưa bao giờ khẳng định mình luôn là tuyệt đối cả.
Nghe kể về quá khứ của mình thì mình cũng chỉ là một người bình thường thôi, tâm lý nhiều lúc không ổn định, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Nhưng mình không hề cảm thấy hối hận bất cứ những gì mình trải qua, vì có những cái đó thì mình mới nhận ra được điều tốt đẹp hơn chứ nhỉ :)) Như điều một người anh từng nói với mình: “Những điều trải qua của một người không có cái gì là phí cả”
Trên đây là những trải nghiệm và quan điểm cá nhân của mình hy vọng bạn có thêm góc nhìn nào đó về cuộc sống. Mỗi người một suy nghĩ, một quan điểm, một con đường khác nhau, không một ai giống ai cả. Đó chính là lý do cuộc sống nó luôn là biến số muôn vàn sắc màu.
Cảm ơn bạn đã đọc tới đây.
Chúc bạn một ngày tốt lành.
From Cường Dizi.

Facebook Page: https://www.facebook.com/CuongDigitalPage/