Khoan, đừng giận khi đọc title nhé, tớ không có ý “tự nhục” gì đâu. Nghĩ xem rác cũng có nhiều giá trị lắm, huống chi thùng rác thì luôn có giá trị - vì nó giữ gìn môi trường xung quanh. Hiển nhiên rồi!

Chúng mình là một cái thùng rác giá trị

Nhưng xin không bàn về môi trường, chuyện là rất nhiều lúc tớ cảm thấy bản thân giống một cái thùng rác của ai đó. Chắc cậu cũng đôi lần bị vậy đúng không? Nhớ lại xem có những người chỉ tìm đến chúng mình khi họ stress, mệt mỏi, hay tức giận. Họ kể liên tục về điều tiêu cực đã trải qua chỉ cần chúng ta reply tin nhắn. Họ chẳng đặt câu hỏi xem đối phương đã sẵn sàng nghe hay chưa, có vượt qua được “bãi rác” của chính bản thân không và liệu thứ năng lượng xám xịt ấy sẽ ảnh hưởng như thế nào? 
Từ việc to đến việc nhỏ, đã bao giờ cậu phải nghe đi nghe lại một câu chuyện tiêu cực từ những người thân thiết? Mỗi lần tình tiết có thể thay đổi đi chút ít, nhưng thái độ “đam mê” và “tâm huyết” của người kể vẫn y nguyên giống ban đầu. Cơ mà kỳ lạ, khi họ buồn thì như thế, nhưng khi vui thì cả thế giới này biết, có khi bọn mình biết sau cùng. Cứ vậy, chúng ta trở thành chiếc thùng rác chứa đựng nhiều điều khó chịu. Nhưng đến đây thì xin lưu ý cực mạnh, tớ và cậu cũng rất nhiều lần trở thành “họ” của những người xung quanh nhé! 
Thế bài học rút ra là hãy đừng để bản thân biến thành rác à? Hay thôi chẳng bao giờ làm cái thùng rác nữa? Không, tớ nghĩ chuyện tìm cách để trở thành một chiếc thùng rác hiệu quả và vào vai rác đúng lúc dễ dàng hơn nhiều.
Tớ chẳng nghĩ giống như Đen bảo bọn mình đang tiến hóa để cô đơn. Tớ vẫn tin vào chuyện chúng ta có sẵn trong người khả năng đồng cảm và khao khát kết nối nhất định. Thế nên, việc tớ đau chân không ngăn tớ nhắn tin hỏi thăm bạn đang đau lưng, cũng giống như tớ chưa sẵn sàng nghe nhưng cứ cảm thấy có lỗi sao sao đó nếu từ chối một câu chuyện nặng nề của người khác. Thậm chí đôi khi, tớ áp lực bản thân phải trở thành người lắng nghe cởi mở và có sức xoa dịu nữa. Hay như cô bạn tớ tự nhiên đọc được status buồn của đứa em họ liền nổi dậy thứ bản năng “thùng rác” - cảm thấy mình nên chia sẻ điều gì đó dù em chưa tìm tới bạn. 
Thấy không, xin đừng nghĩ thùng rác là thấp kém - nó hoàn toàn có ích, dù nhiều lúc làm bọn mình mệt mỏi mà thôi. Các cậu có bao lần đã xung phong làm thùng rác, chủ động lắng nghe và cảm thông? Có bao lần bị động thành thùng rác, phải băn khoăn rep sao cho mình vui còn đối phương thì vừa lòng? Chắc chắn là sẽ cực khó nếu chúng mình từ chối hoàn toàn chuyện làm một chiếc thùng rác (vì bản năng đã sẵn tố chất rồi). Càng vô lý hơn nếu bắt loài người đừng trở thành rác bởi cái góc khuất xấu xa trong chúng ta ấy mà, rất cần thỉnh thoảng được đem ra gội rửa phơi phóng dưới ánh nắng mặt trời. Gạt nó đi có khi còn sinh bệnh. 
Chung-minh-la-thung-rac-chua-dieu-tieu-cuc-tu-nhung-nguoi-xung-quanh
Chung-minh-la-thung-rac-chua-dieu-tieu-cuc-tu-nhung-nguoi-xung-quanh

Vậy làm thế nào để trở thành một chiếc thùng rác chuẩn?

Một chiếc thùng rác đã xinh lại không độc hại. Đây là các bước của tớ sau hàng trăm lần vừa chọn trở thành thùng rác - vừa bị đẩy vào vai thùng rác. 

Phân loại rác

Đúng vậy, nếu mình là một thùng rác đựng đồ có thể tái sử dụng thì tất nhiên đừng chứa như vỏ hoa quả hay thức ăn thừa. Thùng rác thì thật đấy, nhưng không phải loại rác nào cũng thích hợp. Có những kiểu người dù không muốn tổn thương cơ mà vẫn nên từ chối tiếp nhận câu chuyện của họ. Với tớ, đó là người đem đến cảm giác đang kỳ vọng cực cao vào cách tớ phản ứng. Ai cũng mong mỏi tìm được sự đồng cảm khi sẻ chia, nhưng nếu không đủ tỉnh táo để biết rằng người ngoài khác người trong cuộc, chúng ta cực kỳ dễ quy chụp đối phương. Ví dụ, bạn nói với cô ấy chia tay không có nghĩa là người yêu cũ tồi tệ, chỉ đơn giản vì hai người chẳng tốt hơn nếu tiếp tục cạnh nhau. Cô ấy nghe xong bật lại rằng vì bạn đâu hiểu chuyện tình này (hay tệ hơn là không có người yêu) nên mới phản ứng kiểu dửng dưng lý thuyết thế. Dù thân đến mấy nhưng khi gặp phải trường hợp này, tớ cũng xin phân loại vào ô mất lượt.

Xác định mục tiêu của rác và “gió chiều nào xuôi chiều đấy”

Hãy đoán xem hoặc thậm chí xác nhận xem đối phương đang tìm kiếm điều gì nếu không phải kỳ vọng bạn sẽ phản ứng y hệt cách họ muốn. Có đôi khi người khác chẳng cầu mong nhiều, họ chỉ cần được kể ra cho nhẹ nhõm. Lúc ấy, việc của chúng mình là lắng nghe, tưởng tượng và cảm thông mà thôi. Chẳng phải cố gắng hiểu, cố gắng khuyên giải hay an ủi gì. Cứ hiện diện như chiếc thùng rác “có giá” sạch sẽ thân thiện. Cũng đầy lúc, người ta tìm kiếm sự tư vấn trong những cuộc nói chuyện. Khi ấy, tớ hay chọn giữ góc nhìn của “phe thứ ba”, xác định xem mình có kiến thức hay trải nghiệm gì tương tự không và đưa ra quan điểm khách quan nhất có thể. Nghe không thì kệ bạn nhé. Bạn cần thì tôi mới nói, nói ra bạn còn cần nữa hay không lại tùy. Chứ chơi kiểu nói ra không như ý bạn, bạn quay về chỉ trích ngược tôi thì kỳ lắm à nha.

Sắp xếp lại thùng rác, đối chiếu lại với mình và “xả” rác nếu cần

Không biết các cậu thế nào nhưng khi chuyện gì đó qua đi, tối đến vắt tay lên trán tớ lại thấy nó hiện về. Gần đây tớ tập ghi nhớ cách phản ứng của bản thân trước các tình huống xem mình có dấu hiệu gì: tức giận thì cồn cào ở bụng và hai đùi, bị “quê” thì tắc nghẹn ở cổ họng, tủi thân thì ngồi “bó gối”. Rồi tớ đặt ra câu hỏi chuyện tương tự như thế này đã xảy ra chưa, nếu lặp lại có chọn hành xử giống vậy không? Trả lời xong hết thì xếp lại tất cả, thoát vai thùng rác rồi tạm quên đi thôi. Cũng đôi khi tớ chẳng tự xử lý được năng lượng tiêu cực và biến thành một kiểu rác khác để tìm kiếm sự giúp đỡ. Hèn ghê, xin lỗi những người xung quanh ngàn lần. Cơ mà may mắn thay vì chúng ta cũng có thùng rác của riêng mình nhỉ!
Hoc-cach-la-mot-chiec-thung-rac-tot-va-hieu-qua
Hoc-cach-la-mot-chiec-thung-rac-tot-va-hieu-qua

Vì sao cần là một chiếc thùng rác tốt?

Nếu cậu đang băn khoăn sao phải làm một thùng rác tốt thì câu trả lời của tớ là: Chúng mình chẳng thoát khỏi cái “sứ mệnh” ấy, nên thôi thà chọn cách nhẹ nhàng với bản thân mà vẫn có ích cho những người xung quanh. Tuần trước, một người kể đi kể lại với tớ chuyện anh khó chịu khi nhận feedback từ khách hàng. Tớ bảo anh có nghi ngờ sản phẩm của mình tệ không. Anh nói không vì vẫn nhiều ủng hộ, mà nếu có thì anh cũng chẳng sửa vì họ chê vào thứ “cha sinh mẹ đẻ” rồi, chẳng làm khác đi được. Rõ ràng anh biết mình sẽ làm gì tiếp, nhưng vẫn kể với tớ liên tục. Một hôm, tớ nói nếu vào em thì em sửa tất cả cái có thể, quyết toán và bye không hẹn ngày tái ngộ. Thế rồi vào ngày khác, anh nhắn tớ hay anh “chửi” lại khách rồi quit job nhở. Tự nhiên tớ nhận ra anh chỉ cần một chỗ để kể mỗi khi câu chuyện có thêm diễn tiến mới. Anh chẳng đòi hỏi gì ngoài nơi được nghe nên ngay cả lúc tớ nói y hệt điều anh muốn thì hôm sau anh vẫn sẽ kể. Tớ bảo anh ừ chửi khách cũng được, chẳng sao cả miễn khiến anh thoải mái. Tớ biết thừa anh sẽ chẳng làm thế, nhưng cũng may cho anh dạo này tớ cố thành chiếc thùng rác tốt, lại đúng vào đoạn đang cởi mở nên mới làm tàm tạm bổn phận vậy nha. Chứ bình thường có khi tớ biến thành một đống rác rồi quăng ngược lại vào anh mất rồi!
Tranh hôm nay của @shimazareii