Sự toxic trong cách truyền thông văn hóa đọc và hệ quả của nó
Những cách truyền thông này không phản ánh toàn bộ bức tranh và bản chất việc đọc. Ai cũng có thể trở thành người đọc thông minh nếu biết cách, sẽ phát triển phong cách đọc phù hợp, mà không bị dựa vào hình mẫu "mê đọc sách" truyền thông dựng nên.
Điều thú vị nhất trong 3 năm vận hành kênh bookstagram @manh.di.viet.thue chính là quan điểm của mình về việc đọc luôn bị thách thức. Đó là hành trình thay đổi định kiến của bản thân, kiên định với quan điểm cá nhân trước làn sóng truyền thông văn hóa đọc, và phát triển suy nghĩ riêng về việc đọc.
Bài viết không chỉ trích cách truyền thông văn hóa đọc ở Việt Nam, mà phân tích một số trường hợp dưới góc độ content marketing, để thấy những cách truyền thông này không phản ánh toàn bộ bức tranh của việc đọc, cũng như bản chất của đọc sách. Ai cũng có thể trở thành người đọc thông minh nếu biết cách, sẽ yêu thích và tận hưởng lợi ích từ việc đọc. Cuối cùng, cậu có thể phát triển phong cách đọc phù hợp, mà không dựa vào những hình mẫu "mê đọc sách" mà truyền thông dựng nên.
Trước khi vào bài viết, mình có một câu hỏi. Các cậu biết bao nhiêu sự kiện trong số những sự kiện được liệt kê dưới đây?
- Trào lưu sách self-help du nhập vào Việt Nam, nổi bật nhất là Đắc Nhân Tâm, Tony Buổi Sáng, Trên đường băng...
- Trào lưu văn học mạng và tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc du nhập vào Việt Nam
- Dòng tiểu thuyết trộm mộ của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam
- Tủ sách Trung Nguyên Legend với sách "Quốc gia Khởi nghiệp" và "Khuyến học"
- First News - Trí Việt và bộ sách "Hạt giống tâm hồn"
Có lẽ thế hệ 8x, 9x sẽ quen thuộc hơn với những sự kiện trên và những chiến dịch truyền thông liên quan. Ở thời điểm đó, cứ mở ti vi lên là thấy thông tin về sách và văn hóa đọc. Những chiến dịch truyền thông đó đã ảnh hưởng tới cách nhìn nhận của mình về vấn đề đọc sách ở thời điểm hiện tại (mình tin là các cậu cũng vậy,). Cái tốt cũng có và cái không ổn cũng nhiều. Bài viết này sẽ đề cập tới 3 điều lớn nhất:
1. Tập trung quá nhiều vào danh tiếng của một cuốn sách, thay vì nhu cầu người đọc
Có lẽ cậu đã từng đọc một vài bài viết như thế này trên mạng:
"X cuốn sách tỷ phú Bill Gates khuyên đọc"
"Top X cuốn sách best seller hay nhất mọi thời đại nên đọc 1 lần"
"X cuốn sách đạt giải Nobel/Pulizer/xxx nhất định phải đọc"
Chà, nếu cậu cảm nhận được cái hay của những cuốn sách như vậy, thì chúc mừng. Nhưng, nếu cậu cảm thấy "sai sai" khi đọc chúng, cậu sẽ làm gì? Tự buộc tội bản thân vì không đủ khả năng để hiểu? Hay thở dài và nghĩ rằng "đọc sách không hợp với mình"?
Còn quá sớm để kết luận như vậy.
Best seller, Nobel, hay tận dụng tên tuổi của người nổi tiếng... là những danh xưng có ích cho nhà xuất bản, nhà phát hành sách, tác giả... hơn là người đọc. Đối với mình, từ góc độ của content marketing mà nói, những title trên thể hiện sự thiếu hiểu biết về độc giả, bởi chúng không đề cập lý do đọc sách, và càng không có lợi ích đi kèm khi đọc. Nói cách khác, chúng mắc phải sai lầm cơ bản trong tư duy làm content marketing - thay vì nói về thứ khách hàng cần, lại đi nói về thứ mình có.
Định hướng sai về định nghĩa "sách hay
Cách truyền thông này tạo ra cái hiểu rất sai về định nghĩa một cuốn sách hay. Đồng thời, định hướng người đọc chọn sách sai cách. Thay vì chọn sách theo mục đích họ muốn, họ chọn sách theo danh hiệu.
Đọc sách là phạm trù cá nhân, một cuốn sách đủ hay, đủ tốt sẽ rất khác nhau phụ thuộc vào trình độ đọc, nhu cầu đọc, thời điểm đọc của mỗi người. Và nếu người đọc có một nhu cầu rõ ràng, thì sách hay chưa chắc là best seller, Nobel Văn học hay được người nổi tiếng khuyên đọc.
Vậy cần truyền thông như thế nào?
Giữa năm 2023, để mở rộng hệ sinh thái của Manh Đi Viết Thuê, mình mở kênh TikTok. Trong quá trình tìm hiểu nền tảng, mình rất ấn tượng với cách các bạn BookToker giới thiệu sách. Các bạn làm video thể hiện rõ việc đứng từ góc nhìn của giới trẻ làm truyền thông sách. Nhìn chung, công thức sẽ như sau:
1 cuốn sách nhất định phải đọc khi [...]
--> Ví dụ: 1 cuốn sách nhất định phải đọc khi thất tình.
Là fan của [...], thì đọc gì?
--> Ví dụ: Là fan của trinh thám, bạn nhất định phải đọc "Bạch dạ hành"
Gợi ý sách giúp bạn [...]
--> Ví dụ: Gợi ý sách giúp bạn chữa lành tinh thần.
Mặc dù một vài tiêu đề nghe có vẻ hơi vô tri, nhưng chúng đều xuất phát từ những nhu cầu thật. Độc giả thật sự coi sách là một trong nhiều cách giải quyết vấn đề. Mặc dù mình biết Tiktok có nhiều cái hâm hâm, nhưng trên đó, số lượng bạn trẻ cần định hướng đọc sách nhiều hơn chúng ta nghĩ. Vì vậy, những content định hướng nhu cầu đọc sách như vậy là vô cùng quan trọng, ngoài việc đáp ứng cầu đọc, chúng còn mở rộng khái niệm sách hay vượt ra khỏi những danh hiệu bị đóng khung cho nó.
2. Nhấn mạnh vào việc đọc số lượng, bỏ qua đọc chất lượng
Giơ tay nếu cậu cũng từng thấy những điều này trên mạng:
"XX quốc gia đọc nhiều sách nhất thế giới, không có Việt Nam"
"Mỗi người Việt chỉ đọc 1, 2 cuốn sách một năm"
"Thử thách đọc 100 cuốn sách/năm"
"Thử thách 7days7books"
"Người Việt đọc sách bằng 1/5 người Nhật"
Hồi đầu nhìn thấy chúng, mình hơi nhột (vì mình đọc chậm và đọc ít) và hơi bực nữa. Những cách truyền thông trên làm mình cảm giác như một đứa con kém cỏi, luôn bị bố mẹ so sánh với "con nhà người ta". Mình không hiểu nổi, sao lại so sánh về số lượng sách đọc được giữa các quốc gia chứ, trong khi điều này phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - văn hóa. Thậm chí Nhật Bản có lợi thế hơn khi họ có sẵn hệ thống văn học dành cho nhiều lứa tuổi, được phân loại và có định nghĩa rõ ràng.
Gây hiểu sai về cách đọc sách
Mình không phủ nhận lợi ích của việc đọc nhiều sách nhưng cách truyền thông về đọc số lượng có chút vấn đề. Nếu làm không khéo, nó định hướng người đọc hiểu sai về thói quen đọc sách. Bởi thói quen đọc sách đúng không giới hạn ở số lượng sách cậu đọc, mà nằm ở việc cậu lĩnh hội bao nhiêu thứ từ sách và những điều trong sách đã tạo ra thay đổi gì cho cuộc đời cậu.
Khi nội dung "Mình không đọc nhiều sách đến vậy đâu" lên sóng trên @manh.di.viet.thue, mình nhận được câu chuyện của các bạn followers về trải nghiệm khi lấy số lượng làm mục tiêu đọc sách.
Nhìn chung, việc đọc sách ưu tiên số lượng gây ra những hậu quả sau:
[1] Tạo áp lực cho người đọc, buộc họ phải chạy theo con số đề ra một cách không cần thiết
[2] Ảnh hưởng tới chất lượng nội dung tiếp thu được từ sách
[3] Tạo ra tâm lý đọc hời hợt
Việc truyền thông về đọc số lượng không xấu nhưng nó cần được đặt trong bối cảnh rõ ràng hơn. Chúng cần phải trả lời những câu hỏi như: Bao nhiêu là nhiều? Lúc nào ưu tiên số lượng? Kết hợp mục tiêu số lượng với các mục tiêu đọc sách khác như thế nào?
Và khi trả lời được những câu hỏi đó, ta sẽ thấy tầm quan trọng của định hướng nội dung truyền thông văn hóa đọc mới - tập trung vào chất lượng đọc, đọc ít nhưng chất.
3. Bỏ qua những khó khăn của người đọc trong hành trình xây dựng thói quen đọc sách
Nếu truyền thông về văn hóa đọc có thể lan tỏa điều gì, chúng không nên hô hào chúng ta thực hiện reading challenge với 100 cuốn sách một năm, càng không nên rao giảng chúng ta phải đọc sách A, sách B. Điều chúng nên làm là giúp mọi người chiến thắng sự chán đọc, bởi so với vấn đề đọc gì, đọc bao nhiêu, thì "bắt đầu đọc" là việc khó khăn hơn cả. Đó là lý do vì sao nhiều người muốn đọc sách nhưng không phải ai cũng thực sự làm được.
Thử nhớ về một lần đọc sách ở trường của cậu. Trải nghiệm đó như thế nào? Thầy cô ném cho cậu một cuốn sách bất kỳ, yêu cầu đọc và trả lời/ đặt câu hỏi (nếu có câu hỏi). Sau đó, họ bỏ lại cậu với cuốn sách, cậu gần như không biết bắt đầu từ đâu, đọc xong cũng chưa chắc đã trả lời được câu hỏi, cũng không chắc mình có hiểu sách không. Có thể những trải nghiệm này không chính xác với tất cả mọi người, nhưng với mình thì là như vậy.
Khi chúng ta bắt đầu giao tiếp với thế giới bên ngoài, đọc là một trong những kỹ năng cơ bản nhất giúp con người thực hiện điều đó. Có lẽ vì thế mà kỹ năng này bị đánh giá thấp. Nhiều người lầm tưởng rằng việc đọc rất dễ, không cần dạy dỗ nhiều, chỉ cần biết chữ là đủ.
Vậy đọc (reading) nên được hiểu đúng như thế nào? Dưới đây là định nghĩa về Đọc mà mình tìm được. Về bài viết gốc, cậu có thể xem trong link này.
Reading is a process of constructing meaning by interacting with text; as individuals read, they use their prior knowledge along with clues from the text to construct meaning. Research indicates that effective or expert readers are strategic (Baker & Brown, 1984a, 1984b). This means that they have purposes for their reading and adjust their reading to each purpose and for each reading task. Strategic readers use a variety of strategies and skills as they construct meaning (Paris, Wasik, & Turner, 1991).
Mình xin dịch lại như sau:
Đọc là quá trình cấu trúc ý nghĩa thông qua việc tương tác với chữ viết, khi một người đọc, họ sẽ sử dụng kiến thức được tích lũy từ trước, kèm với đó là gợi ý trong văn bản họ đọc để xây dựng một lớp ý nghĩa nào đó. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người đọc hiệu quả hoặc có chuyên môn trong việc đọc là những người rất có chiến lược. Họ có mục tiêu rõ ràng cho việc đọc và gắn việc đọc với mục đích đó. Những người đọc có chiến lược sử dụng bộ chiến lược và kỹ năng khác nhau để cấu trúc ý nghĩa.
Như vậy, để vượt qua sự khó khăn của giai đoạn "bắt đầu đọc", chúng ta cần nhiều kỹ năng khác, ngoài việc biết chữ. Dưới đây là một vài kỹ năng như thế:
[1] Ứng xử khi gặp phải đoạn văn khó hiểu
[2] Nghiên cứu các tài liệu bên ngoài phạm vi cuốn sách đang đọc
[3] Đặt câu hỏi để tương tác với nội dung sách
[4] Sắp xếp tư duy đọc, lên chiến lược đọc mỗi khi gặp sách khó
Đó là những kỹ năng chỉ có thể thành thục thông qua đào tạo.
Điều đáng buồn là phần lớn các nhà truyền thông sách lại bỏ qua khía cạnh này, thay vào đó họ tập trung giới thiệu sách. Có rất ít bên tạo dạng nội dung định hướng cách đọc sách cho độc giả. Cũng khó trách họ trong vấn đề này, khi thị trường sách ngày càng cạnh tranh và áp lực kinh doanh ngày càng lớn. Tuy nhiên, đối với mình, việc phát triển tuyến nội dung liên quan tới cách đọc, song song với giới thiệu sách đơn thuần, là một nước đi có hiệu quả dài hạn. Một khi độc giả nắm trong tay bộ công cụ xử lý mọi cuốn sách, họ sẽ tự nguyện tìm đến nhiều sách hơn mà không cần quá nhiều công sức quảng cáo.
---
Xin chào, mình là Manh Đi Viết Thuê, mình viết về sách, văn hóa đọc và những quan điểm về cuộc sống. Mời mọi người ghé qua Instagram @manh.di.viet.thue để đọc thêm các nội dung về sách của mình nha.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất