Vì sao nền truyền thông Việt nên loại bỏ mục tiêu "triệu view"? (Case nhỏ từ cuộc tranh cử của Donald Trump)
Chia sẻ từ một người làm truyền thông sạch đã ngấy tận cổ nạn truyền thông bẩn của nước nhà
Chia sẻ từ một người làm truyền thông sạch đang càng ngày càng chán nản với nền truyền thông nước nhà.
Nhiều like nhiều share chưa bao giờ đồng nghĩa với việc là nội dung tạo ra giá trị lớn.Thực tế, nhiều like, share và các dạng tương tác khác chỉ chứng tỏ một điều là cái level của nội dung ấy nó ngang với level đọc, hiểu và level quan tâm của nhiều người thôi.
Ví dụ: Bản báo cáo an sinh xã hội của các nhà khoa học sẽ giúp ích cho cộng đồng và chính sách phát triển xã hội hơn là những tràng cười từ một danh hài trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tầm tri thức để đọc và hiểu được các báo cáo khoa học ấy. Vì vậy, người ta chọn ủng hộ từ thiện cho các danh hài nhiều hơn thay vì tài trợ cho các nghiên cứu và thử nghiệm chính sách.
Trước khi bước sâu hơn, mình nghĩ là sẽ nên đi qua một vài khái niệm này trước.
2 Dạng khán giả: Chủ động và thụ động
Đầu tiên là khái niệm về 2 dạng khán giả: khán giả chủ động và khán giả thụ động. Khán giả chủ động là những người chủ động tìm đến nội dung của content creator và khán giả thụ động là những người vô tình nhìn thấy những nội dung của content creator.
Ví dụ: Những người chờ đến 19h tối hàng ngày để theo dõi LIVE Stream của doanh nhân Phương Hằng là những khán giả chủ động, còn những người vô tình được share, hoặc nhìn thấy các nội dung liên quan đến bà Phương Hằng trên newsfeed là những khán giả thụ động.
Qua đó có thể thấy rằng khán giả chủ động mới là “fan” thật sự của content creator còn khán giả thụ động tuy có quân số áp đảo nhưng lại không phải là những người đặt tâm trí thật sự đến nội dung.
Phân loại nội dung thông qua level tiếp nhận thông tin
Với 2 loại khán giả kể trên, ta sẽ đi sâu vào tiếp về level tiếp nhận thông tin của khán giả. Ta chia nội dung ra làm 3 yếu tố sau:
(A) Level cần có của khán giả để tiếp nhận thông tin của nội dung hay có thể gọi là level tiếp cận nội dung
(B) Khán giả nạp được hoặc đúc kết được thông tin gì từ nội dung?
(C) Khán giả cảm thấy thông minh hơn hay “ngu” đi vì nội dung?
Ví dụ
(A): Một bài viết phân tích kinh tế, thị trường chuyên sâu đòi hỏi người đọc cũng phải là một người đã quen thuộc với ngành kinh tế tài chính. Trong khi đó, một cuốn tiểu thuyết như Harry Potter chỉ yêu cầu người xem phải biết chữ là đã có thể đọc và hiểu nội dung trong truyện.
(B): Chẳng hạn như khán giả đọc một bài phân tích thị trường chứng khoán, họ sẽ “học” (learn) được một vài thông tin thị trường và có thể đem ra ứng dụng trong tương lai.
(C): Sau khi đã tiếp nhận thông tin từ (B) thì khán giả sẽ cảm giác như thế nào? Chẳng hạn khi bạn đọc được một bài chia sẻ kinh nghiệm của vĩ nhân, bạn sẽ cảm giác mình “thông minh” hơn một chút. Hoặc sau khi bạn học chủ nghĩa Mác-Lenin, bạn sẽ cảm thấy mình bị “lú” đi một chút.
Yếu tố nào tạo nên traffic?
Các yếu tố chính để tạo nên traffic cao chính là: Lượt tiếp cận, nội dung dễ tiếp nhận, dễ lan tỏa và tạo cảm xúc mãnh liệt cho người tiếp nhận nội dung.
Trong đó, lượt tiếp cận chủ yếu là đến từ sự lan tỏa hoặc phủ sóng của nội dung, yếu tố dễ tiếp nhận lại phụ thuộc vào yếu tố (A): “Level của khán giả” và (B): “Khán giả nạp được thông tin gì từ nội dung” đã nêu trên. Trong đó yếu tố dễ lan tỏa phụ thuộc vào yếu tố (C): “Cảm xúc của khán giả là gì? Có mạnh mẽ không?”
Quảng cáo chính là dạng nội dung phải thu hút nhiều traffic nhất. Do đó nó chỉ có yếu tố ấn tượng và chỉ đóng vai trò kích cầu cho khán giả tìm hiểu về sản phẩm chứ không thể cung cấp thông tin đa chiều hoặc sâu sắc về sản phẩm.
Mọi nội dung dễ lan tỏa đều hội tụ các yếu tố sau: Đơn giản, dễ hiểu (A), thông tin cốt lõi dễ ghi nhớ (B) và tạo được cảm xúc mạnh như yêu, ghét, buồn, vui... (C)
Đối với mình mà nói, traffic là một yếu tố quan trọng trong ngành truyền thông. Tuy nhiên, nếu đánh đổi mọi thứ chỉ để lấy traffic, ấy là đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải chấp nhận hạ level tri thức của nội dung xuống thấp hơn (A), tối giản các kết luận cốt lõi (B) và phải tạo ra cảm xúc thật mạnh (C).
Tuy nhiên, các vấn đề phức tạp không thể được diễn giải trọn vẹn bằng những điều đơn giản và các kết luận phức tạp cũng phải được dựa trên sự chứng minh, lập luận phức tạp. Điều cuối cùng, cảm xúc là yếu tố dễ tác động nhất nếu như ta điều hướng nội dung sao cho nó hướng khán giả đến cảm xúc ta mong muốn.
Để nói về vấn đề này, mình xin mượn case tranh cử tổng thống kinh điểm của ông Donald Trump để diễn giải điều này.
Donald Trump và nghệ thuật làm nội dung đúng level hiểu biết của khán giả
Donald Trump vào năm 2016 đã rất khôn ngoan khi ông nhắm đến đối tượng vận động là tầng lớp lao động Mỹ, tầng lớp chiếm tỉ lệ cao nhất quốc gia. Và đương nhiên (dù nhạy cảm), ta vẫn phải thừa nhận rằng đây là tầng lớp có trình độ tri thức thấp nhất.
Các ứng viên khác khi vận động đều hô hào những khẩu quyết hàn lâm, chuyên nghiệp như: "Chúng tôi sẽ tạo ra việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, chúng tôi sẽ phát triển ngoại giao hòa hợp, nhưng cũng cứng rắn với những kẻ xâm phạm quyền lợi nước Mỹ."
Bạn có thể thấy rằng dù văn phong chuyên nghiệp, nhưng lời kêu gọi này không nêu ra một giải pháp hay chỉ đích danh một nguyên do cụ thể nào đó cho một vấn đề nhức nhối là: Việc làm, tiền bạc và quyền lợi của nước Mỹ.
Trong khi đó, ông Trump lại có những tuyên bố đanh thép như sau:
- Tôi sẽ tạo ra việc làm cho các bạn.
- Lũ Mexico đang cướp đi công việc của các bạn.
- Tôi sẽ bắt Trung Quốc phải trả giá.
Trong đó, những tuyên bố của Trump đã nêu ra được các yếu tố sau:
Vấn đề: Nước Mỹ đang thiếu việc làm, người dân Mỹ thất nghiệp
Nguyên nhân: Do lũ Mexico lao động chui cướp việc làm của dân Mỹ
Giải pháp: Xây bức tường biên giới Mỹ - Mexico
Bạn có thể thấy, ở tuyên bố của Trump, ông chỉ đích danh những vấn đề cụ thể và cũng chỉ ra những đối tượng cụ thể hóa. Nói cách khác, ông Trump đã hạ level một vấn đề cực kỳ phức tạp là kinh tế, chính trị và đối ngoại trở thành một vấn đề cực kỳ đơn giản:
Vì "nắm" được vấn đề, nguyên nhân và giải pháp cụ thể, đương nhiên người dân sẽ ủng hộ ông Trump nhiệt thành hơn so với những thứ mà các ứng viên khác nêu ra.
Tuy nhiên, trên thực tế, những vấn đề về việc làm, ngoại giao, kinh tế nếu để giải thích ra cặn kẽ nguyên nhân và giải pháp, có lẽ phải tốn đến hàng chục, hàng trăm mẫu báo cáo phân tích mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Và chẳng một ứng viên nào có đủ thời gian để nói hết những điều đó trong 1 buổi vận động.
Tất nhiên vấn đề truyền thông kể trên chỉ là một trong nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của cựu tổng thống Trump. Là một con người hiểu chính trị, Donald Trump còn làm được nhiều thứ hơn thế để trở thành tổng thống Mỹ
Về ngành truyền thông và nội dung
Trong ngành truyền thông, việc quan trọng nhất không phải là tạo được một nội dung có hàng triệu lượt tương tác mà phải là xây dựng được hoặc tạo ra một giá trị nào đó tốt đẹp.
Các nội dung "triệu view" thường có độ yêu cầu về trình độ tri thức đọc hiểu rất thấp để có thể lan tỏa đến đại chúng dễ dàng hơn, và vì thế chúng không cần và cũng không thể diễn giải bằng quá nhiều điều phức tạp.
Việc theo đuổi các nội dung tương tác cao đồng nghĩa với việc ta đang cố "hạ level" của các nội dung ta sản xuất xuống để tiếp cận được với nhiều người hơn.
Ngành truyền thông Việt vốn thừa hưởng tư duy đấu tranh cực đoan, dắt mũi dư luận nên rất hiếm các doanh nghiệp truyền thông Việt hiện tại phóng được tầm mắt xa hơn những con số về traffic tương tác.
Một vấn đề nữa khiến ngành truyền thông Việt bị phủ sóng với tin bẩn là do tư duy ăn xổi đã ăn sâu trong máu người Việt đã dẫn đến nền truyền thông nước nhà thời gian hiện tại nát từ các công ty giải trí cho đến cả đài truyền hình quốc gia.
Đại chúng đang ngày một tiêu cực, nhân tài liên tục bỏ ra nước ngoài để làm khoa học... ấy là bởi những cống hiến của họ không được xem trọng và cũng không có được một nền tảng nào làm cầu nối cho họ với các nhà đầu tư. Các trang tin truyền thống thì chỉ quan tâm đến các bài bóc phốt và đối xử với các bài PR chỉ như một bài viết phủ kín web chứ cũng không có một hệ thống nền tảng rõ ràng để phục vụ cho việc PR chuẩn, sạch.
Kết: Bản chất của truyền thông là phải sạch. Tuy nhiên, vì nạn truyền thông bẩn nở rộ trong thời kỳ 4.0 hiện nay, người ta mới phải phân định lại đâu là truyền thông sạch và đâu là truyền thông bẩn.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất