Hiện nay, các cuộc thi và  gameshow trên truyền hình đang phát triển vô cùng nhanh chóng về số  lượng, thế nên cũng xuất hiện rất nhiều “hạt sạn”, những điều quá lố và  những tình huống dở khóc dở cười. Bất chấp thực tế đó, gameshow vẫn được  sinh ra một cách đều đặn và ngày càng nhiều hơn, và đáng chú ý nhất  chính là nhiều gameshow, cuộc thi nhắm vào đối tượng là trẻ em.

Với các chương trình dành cho người lớn, do người lớn tham gia thì  tạm không bàn đến, vì dẫu sao người lớn cũng có ý thức riêng, thế giới  quan riêng họ. Mỗi người có lựa chọn riêng, tham gia gameshow vì điều  gì, mang đến giá trị gì cho khán giả và cho chính mình, họ cũng đều ý  thức được. Còn trẻ em thì sao?
Tôi từng theo dõi và thử đặt mình vào vị trí các bên: ban tổ chức,  khán giả, phụ huynh... nhưng không có góc nhìn nào thật sự thuyết phục  cả. Dù đã nhìn đến các mặt tích cực trước tiên, tôi vẫn luôn cảm thấy  các cuộc thi cho trẻ con là không nên.
Trong bài viết này tôi không chủ định bàn luận đúng sai khi cho con  trẻ tham gia thi thố, tham gia gameshow ở góc độ ban tổ chức, giám khảo,  phụ huynh hay khán giả mà tôi chỉ muốn chia sẻ một câu chuyện từ góc độ  một người từng là “thí sinh”.

Hồi  tôi còn nhỏ, lúc đó cũng có thi thố giữa trẻ con, nhưng chỉ đơn giản là  thi "bé khỏe, bé ngoan" (không phải bé đẹp nhé), thi kể chuyện, thi  hát... Mẹ tôi là cô giáo dạy mẫu giáo nên thường kể cho tôi rất nhiều  câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn. Tôi nghe dần cũng thuộc và kể lại  được khá nhiều, cha mẹ tôi rất vui và hãnh diện về điều đó.
Có một lần cơ quan có tổ chức tiệc, tôi không nhớ rõ là trung thu hay  quốc tế  thiếu nhi, cha mẹ bảo tôi chuẩn bị kể một câu chuyện cho các  cô chú nghe trong ngày đó. Tôi cũng chuẩn bị thuộc lòng, diễn tập mỗi  tối và cũng có một chút chờ mong. Thật ra phần lớn là vì thấy cha mẹ tôi  hào hứng, tôi muốn cha mẹ được vui lòng chứ tôi chưa hình dung được gì,  thậm chí còn thấy hơi khó chịu vì tôi không nghĩ được tại sao mình phải  kể chuyện cho những người lạ nghe. Họ đều là người lớn, đều biết các  câu chuyện rồi, sao còn muốn tôi kể? Tôi thấy chuyện mình làm như trò hề  mua vui cho người ta mà không thật sự cần thiết vậy. Có thể bạn không  tin, nhưng tôi thấy thế thật đấy, lúc đó tôi khoảng 4-5 tuổi.
Rồi đến ngày "biểu diễn", khi bước lên đứng trước mọi người tôi vẫn  rất nhớ bài và tự tin, tuy nhiên khi tôi nhìn sang cha mẹ, thấy ánh mắt  động viên và nghe những câu "kể đi con, kể đi con", rồi tôi nhìn quanh,  mọi người háo hức chờ "show" diễn. Tôi im lặng.
Lúc bấy giờ thái độ của khán giả có nghi ngờ, có động viên, cha mẹ  thì sốt ruột, họ biết rõ tôi có thể kể chuyện. Cuối cùng tôi không nói  tiếng nào, cũng không khóc, người ta đành hủy tiết mục đó đi. Cha tôi an  ủi “thôi không sao đâu con”. Từ đó cha mẹ tôi không lần nào bảo tôi kể  chuyện cho người khác nghe nữa.
Từ đó cho đến hôm nay tôi chưa từng giải thích với cha mẹ vì sao tôi  lại biểu hiện như vậy. Lúc nhỏ thì không biết phải nói sao, đến khi biết  cách nói thì lại không có dịp, không thấy cần thiết nữa.
Tôi không phải khờ hay nhát, lớp 1 tôi có thể đọc báo, lớn lên thì  thuyết trình, dẫn chương trình các thứ tôi đều làm qua. Cảm giác của tôi  hồi 4-5 tuổi chỉ là: tôi không thích mua vui cho người khác theo cách  này. Tôi biết họ cổ vũ tôi kể một câu chuyện mà họ đã biết chỉ vì tôi là  con nít!
Vậy đó, những chương trình gameshow, các cuộc thi ngày nay có thể đem  lại cho bọn trẻ điều gì, hoặc sẽ ảnh hưởng tốt xấu thế nào đến sự phát  triển của chúng, muốn có một kết quả chính xác phải cần đến sự phân tích  của chuyên gia thông qua nhiều số liệu thực tế và khoa học. Cá nhân tôi  cho rằng bất lợi nhiều hơn.
Trẻ em cần có sân chơi, cần được quan tâm, khơi gợi và bồi dưỡng tài  năng, nhưng đó không phải là trên sân khấu, nơi tạo ra quá nhiều áp lực,  kịch bản, hệ lụy từ danh tiếng...
Nhưng điều quan trọng nhất chính là: bọn trẻ có thật sự mong muốn hay không, hay đó chỉ là ý muốn của cha mẹ chúng?
Tôi mong các bậc cha mẹ đừng "nghĩ cho con" mà hãy "hiểu cho con" khi để con tham gia các hoạt động này.