Vào một ngày cuối hạ vô cùng đẹp trời, tôi nhận được tin nhắn từ người em đã rất lâu rồi không liên lạc với nội dung: “Em đang trong giai đoạn rất hoang mang về cuộc đời. Em thiếu định hướng, thiếu kĩ năng, thiếu luôn cả niềm vui và động lực. Em phải làm sao đây chị?”. Tôi rep: “Đọc vài cuốn sách đi em, kiểu gì em cũng tìm được câu trả lời.”
Thằng bé rep lại rất nhanh: “Em cảm ơn chị đã cho em lời khuyên, nhưng mà" …. (hình ảnh 3 chấm đang soạn tin nhắn). Đến đây tôi bắt đầu có linh cảm xấu. Dấu ba chấm + “nhưng” là một combo gây bất an cực mạnh cho những người chờ đợi tin nhắn. Và không để tôi phải lo lắng trong nghi ngờ, em ấy gửi cho tôi một tin, loạt những câu hỏi: “Em phải đọc sách gì vậy chị, em phải đọc sách trong bao lâu, đọc như thế nào thì hiệu quả, em nên mua sách cũ hay phải mua sách mới thì mới có cảm hứng để đọc?”. Em nó còn chốt hạ bằng câu hỏi khó hơn: “Em từng thử đọc sách rồi, đọc được 5p thì em lại buồn ngủ. Chị ơi, chị cho em biết lí do để phải đọc sách đi ạ + icon sầu đời, buồn thảm”
Tôi seen tin nhắn, chưa có ý định rep. Đứng trước sự hoang mang ấy, tôi không biết mình nên phản ứng thế nào cho hợp lí. Tỏ vẻ thấu hiểu, an ủi, động viên thì hình như hơi giả tạo và thảo mai, không phù hợp với tính cách của tôi lắm. Nhưng nói thẳng, nói thật, nói nặng lời thì lại sợ thằng bé tổn thương. Mà trả lời qua loa cho qua chuyện thì tôi cũng không muốn.
Vậy nên tôi phải viết ngay một bài bày tỏ quan điểm của bản thân về việc đọc sách. Hi vọng nếu sau này có em nào đó còn hỏi tôi về vấn đề này thì tôi có thể trả lời ngay lập tức bằng chính đường link của bài viết.
(Thế là mất tong một buổi chiều đẹp trời :((( )
Trước khi trả lời thì để tôi kể cho các bạn một câu chuyện tôi đọc hay nghe được ở đâu đó rất lâu rồi. Nội dung đại khái là:
Tại một ngôi chùa trên núi, một tiểu hòa thượng sau rất nhiều ngày chăm chỉ đọc sách đã hỏi sư phụ của mình rằng: “Thưa sư phụ, con đã cố gắng để đọc nhưng có những điều trong sách con vẫn không thể hiểu được. Còn những điều con hiểu thì khi con gấp sách lại con lại quên đi mất. Vậy đọc sách có lợi ích gì đâu ạ?” Vị sư phụ nhìn cậu mỉm cười, đứng dậy, đi lấy một chiếc giỏ đựng than trống không và nói: "Con hãy mang giỏ đựng than này ra ngoài sông và mang nước về giúp ta” Vị tiểu hòa thượng làm theo lời dặn, nhưng khi cậu quay về thì toàn bộ nước đều đã chảy ra hết. Sư phụ liền cười và nói: "Lần sau con cần đi nhanh hơn nữa". Rồi ông đưa lại cho cậu cái giỏ để đi lấy nước. Lần này, cậu chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ vẫn trống rỗng khi cậu về đến nơi. Tiểu hòa thượng nói với sư phụ: "Chúng ta không thể đựng nước trong cái giỏ này được, để con đi lấy cái xô đựng nước” Vị sư phụ liền nói: "Ta không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Con có thể làm được điều này, do con chưa cố gắng hết sức mà thôi". Vị sư phụ lại đưa cái giỏ và bảo cậu ra ngoài sông lấy nước lần nữa. Mặc dù tiểu hòa thượng biết điều đó là không thể nhưng vì không muốn cãi lời sư phụ, cậu cố chạy nhanh hết sức. Nhưng nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Tiểu hòa thượng nói: “Sư phụ nhìn này, thật là vô ích!". "Con nghĩ nó là vô ích sao, vậy con hãy thử nhìn lại chiếc giỏ đi", vị sư phụ nói. Tiểu hòa thượng liền nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và bẩn, nó lại trông sạch sẽ. "Đó là tất cả những gì xảy ra khi con đọc sách. Có thể con không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ làm thay đổi bên trong tâm hồn của con, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy".
Đây là câu chuyện đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều và nếu bạn giống như tôi đã tìm được câu trả lời cho riêng mình thì xin chúc mừng bạn có thể dừng việc đọc bài viết này tại đây. Còn nếu bạn cảm thấy chưa thỏa mãn thì chúng ta hãy cùng bàn luận sâu hơn về lí do vì sao chúng ta nên đọc sách.
Nếu bạn nghĩ đọc xong một cuốn sách có thể giúp bạn từ một con người bình thường trở thành một vị anh tài kiệt xuất thì tôi nghĩ bạn nên đi mua một tờ vé số vì xác suất bạn trúng giải chắc chắn còn cao hơn. Làm ơn hãy định nghĩa sách là một công cụ, nó không phải doping hay bánh mì trí nhớ của Doraemon giúp bạn “kích não” ngay lập tức đâu.
Mà nếu sách là công cụ thì người sử dụng sách phải có kĩ năng và tư duy thích hợp. Thử nghĩ xem cho bạn một cái cần câu xịn, mồi nhử xịn, nếu bạn không có kĩ năng, không có tư duy thì cá cũng sẽ không thèm đớp mồi, hoặc nó có đớp mồi thì đớp xong nó sẽ cười bạn rồi quay đuôi bỏ đi :)))
Bạn sẽ bảo là tôi khuyên muốn bắt đầu đọc sách thì cứ đọc thôi, sao giờ lại cần kĩ năng và tư duy. Bịp à ??!! Xin lỗi đã hơi vòng vo nhưng nếu bạn muốn đi lâu dài với sách và xem việc đọc là việc “gột rửa tâm hồn” mà có suy nghĩ ăn xổi, nhanh lẹ thì bạn với sách không thuộc về nhau.
Sách có nhiều loại lắm. Có sách để nghiên cứu học tập, có sách để giải trí, có sách kĩ năng, rồi sách đời sống, sách truyện, tùy cách phân loại chung, riêng của từng người, từng tiêu chuẩn. À có cả sách rác nữa. Ngắn gọn có thể phân loại là sách có giá trị và sách vô giá trị.
Mà sách cũng chỉ là sản phẩm do con người tạo ra, chưa kể rất nhiều cuốn sách mang dấu ấn cá nhân của tác giả, nên nó có tính chủ quan. Vì vậy, kĩ năng chọn lọc thông tin là rất cần thiết khi đọc. Đọc nhiều giúp chúng ta tiếp cận được nhiều chiều ý kiến, biết được thêm những góc nhìn khác nhau, đa dạng hóa thông tin hơn. Nếu chúng ta chỉ ỷ lại và tin tưởng quá mức vào những thông tin lệch lạc của một vài cuốn sách đưa ra thì xin chúc mừng bạn sẽ hiểu cảm giác vì sao mình áp dụng đúng cách phát âm của giáo viên Tiếng Anh dạy nhưng nói chuyện, Tây lại không hiểu mình nói cái gì :v
Trở lại với vấn đề vậy nên đọc cái gì, lời khuyên của tôi là hãy tập đọc trước. Đọc một tin tức gì đó trên báo điện tử, đọc về tình hình giá vàng nếu bạn có tiền để đầu tư vàng (tôi không có tiền nên tôi không có đọc :v), đọc những câu chuyện ngắn thú vị, đọc những bài chia sẻ về một lĩnh vực nào đó hay đọc bài viết tâm trạng thất tình của bạn bè trên newfeed,…. Đọc gì cũng được miễn là bạn thích. Tập cách dừng việc lướt quá nhanh vì vài tin vịt, clip nhảm mà hãy tìm một cái gì đó để bản thân phải ngẫm. À, bỏ bớt việc hóng drama đi nhá. Mấy bài phốt viết cũng dài lắm, tha hồ đọc nhưng đọc phốt tốn năng lượng lắm, ngồi load thông tin về phốt thì não cũng to ra đấy. Nhưng to phần nào thì tôi không biết vì chắc chắn không phải bán cầu não trái và càng không thể là bán cầu não phải.
Ngày trước tôi hay đọc thể loại sách self-help, vì nó dễ đọc, dễ hiểu. Mọi người vẫn hay tranh cãi hiệu quả mà dòng sách này mang lại khi rất nhiều người cho rằng sách self help sáo rỗng, chỉ là liều doping cho tinh thần, cổ xúy cho sự nỗ lực ảo. Cũng đúng một phần, chưa kể dòng sách này có rất nhiều sản phẩm cóp nhặt thông tin rồi xào xáo lại, kiểu bình mới rượu cũ, chả có mấy giá trị về nội dung. Những sản phẩm ấy mọc lên như nấm, sản xuất như mì ăn liền. Mẫu mã đẹp nhưng giá trị dinh dưỡng thấp. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều cuốn self help thú vị hoặc ít ra tôi thấy được sự thú vị trong dòng sách self help.
Sẽ có những người xem sách như là kim chỉ nam, có người xem sách như người thầy, có người xem sách như người bạn,… tùy cách mọi người nhận định sách thế nào tôi đều đồng ý, nhưng hãy luôn có thái độ tương tác với sách.
Khi có đọc được một nhận định hay ý kiến nào đó, tôi sẽ đặt ra một câu hỏi đó là nếu là mình thì mình có làm như vậy không? Giống như khi đọc sách về tình yêu, tôi sẽ luôn tò mò suy nghĩ khi yêu mình có như vậy không nhỉ? Và đôi khi tôi nhận ra lời sách viết cũng chỉ mang tính tương đối thôi, vì áp dụng xong cũng không tán đổ được crush. Điều sách mang lại chưa chắn quan trọng bằng việc chúng ta rút ra được điều gì từ câu hỏi đó. Tư duy phản biện sẽ được trau dồi nếu chúng ta biết cách nghi vấn hợp lí.
Chúng ta không phải là tiêu chuẩn, sách cũng không phải là tiêu chuẩn, số đông cũng không phải là tiêu chuẩn, số ít cũng không phải là tiêu chuẩn, vậy cái gì là tiêu chuẩn? Tôi cũng không biết. Vậy nên tôi vẫn phải suy nghĩ và phản biện hằng ngày với hi vọng mình tìm ra được cách sống tốt nhất.
Nếu không đọc sách thì có sao không? Câu trả lời đương nhiên là không. Giấy làm từ gỗ chứ có phải làm từ gạo đâu mà bạn lo. Không đọc sách không chết nhé nên không phải lo lắng. Cả đời không đọc sách cũng chẳng có vấn đề gì, có rất rất nhiều thú vui khác chúng ta có thể quan tâm và tìm hiểu. Chỉ là sách có sức hấp dẫn riêng mà nếu bạn lỡ thích thì khó bỏ. Mà yêu được sách thì bạn cũng rất gì và này nọ đấy :))) Thực ra tôi cũng lười lắm, cũng trì hoãn đọc sách rất rất nhiều lần rồi, nhưng tôi cũng đang tập đọc lại. Chán quá thì sẽ đọc ngôn tình để mộng mơ đôi chút, cần động lực thì thi thoảng đọc self help, cần kiến thức thì đọc sách liên quan chuyên ngành. Ngoài ra, tôi vẫn cố gắng duy trì việc đọc mỗi ngày, đọc tin tức, đọc mấy kiến thức hay ho, đôi khi đọc cả những thứ linh tinh mà đọc xong quên luôn.
Có bạn sẽ hỏi tiền đâu để mua sách vậy chị? Một câu hỏi ngớ ngẩn nhưng rất cần được giải ngố. Ừ thì chị biết tiền ở đâu thì chị cần gì ngồi đây giải đáp nữa. Thôi đùa đấy, cần tiền mua nhà, mua xe thì khó chứ tiền mua sách khó gì em. Giờ em mua sách cũ chắc tiền mua như cho, rẻ hơn một cái quần, một cái áo. Mà lâu lắm rồi chị cũng không mua sách, nhiều sách có ebook cứ google là đọc được, mà lười đọc thì cũng có audio book, vừa làm việc vừa nghe đọc sách, tiết kiệm thời gian. Chỉ đến đây rồi mà còn không biết làm gì thì thôi chị xin goodbye mà never see you again :v
Và đừng hỏi tôi là cần đọc gì, nên đọc cái gì hay chọn đọc cái gì. Cứ đọc đi, đọc một lần chưa hiểu đọc hai lần; đọc một cuốn chưa hiểu, đọc hai cuốn. Cứ đi là có đường, cứ đọc rồi sẽ biết. Hôm nay đọc phải rác phẩm mà không nhận ra, thì cứ đọc tiếp vài cuốn sách là sẽ tự hiểu vấn đề. Chứ giờ gu tôi là trai, gu bạn là gái, thử hỏi đổi gu được không? Nên mấy vấn đề này vẫn nên là tự mình tìm hiểu, tự mình khám phá. Nhưng chuẩn bị tinh thần sẵn đi nhé, có thể sẽ mất kha khá thời gian đấy. Tìm mãi không tìm được câu trả lời thì một là do chưa đủ, hai là do bạn kém, chứ tôi là tôi khuyên không sai đâu :v
Vậy chốt lại, vì sao phải cần đọc sách. Thứ nhất, đọc sách để tăng cường tri thức. Sách là một kho tàng kiến thức khủng lồ mà nếu biết khai thác thông minh thì bạn sẽ trở thành một con người có trí tuệ. Thứ hai, sách là một thú vui giải trí cực kì đặc biệt. Đa dạng thể loại, tùy mục đích sử dụng bạn sẽ có những sự lựa chọn khác nhau. Thứ ba, sách sẽ giúp bạn định hình cá tính của bản thân. Bạn đọc gì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con người bạn sau này. Tam quan của bạn cũng có thể vì đọc sách mà có sự thay đổi lớn, nhưng tôi chắc chắn đó là một sự thay đổi tích cực. Lí do cuối cùng cho việc đọc sách thì chính là giúp tư duy chúng ta mạch lạc và lưu loát hơn. Bạn càng đọc nhiều, khả năng ăn nói và viết lách của bạn càng được cải thiện. Đọc chính là cách nạp chữ vào đầu, viết và nói chính là kết quả đầu ra cho việc đấy.
Vậy nên nếu bạn còn nghi ngờ sức mạnh của việc đọc sách thì hãy tìm ngay một cuốn sách gần nhất để đọc, chỗ nào không hiểu thì note lại, rồi tìm thêm các nguồn để giải đáp thắc mắc ấy. Bạn phải thử, phải bắt đầu bạn mới hiểu được cách mọi thứ hoạt động. Còn bạn có bắt đầu hay không tôi không biết, cũng không quản, không quan tâm, vì công việc khuyên bảo của tôi đến đây xong rồi, hành động hay không là lựa chọn của bạn.
Nếu bạn nào đọc được đến đây thì tôi xin bày tỏ sự cảm kích sâu sắc. Ít nhất bạn còn đọc được đến đây, tức là bạn nghiêm túc muốn tìm một giải pháp. Bài này được viết khá là ngẫu hứng và tôi mong bạn sẽ nhận được một điều gì đó thông qua nó.
(Cre: ảnh Pinterest)
(Cre: ảnh Pinterest)