Trong đa số phim tình cảm hoặc tiểu thuyết diễm tình, tình yêu được vẽ nên bằng gam màu nồng nàn, cuồng nhiệt, lãng mạn dù trải qua bao nhiêu năm tháng. Chúng ta say sưa đọc và ôm ấp giấc mộng mình sẽ có được một tình yêu như thế. Để rồi đời quật cho một phát. Bạn gặp một người, cả hai rơi vào lưới tình, yêu đắm yêu say, tưởng như không thể sống thiếu nhau thì bỗng một ngày, người ấy đối xử lạnh nhạt với bạn, chẳng còn được như ban đầu.
Bạn tự hỏi vì sao nhiều người trong giai đoạn đầu yêu nhau thì nồng cháy nhưng lại nhanh chóng thấy chán, tình cảm dần tiêu tan? Vì sao tình yêu lại biến đổi theo thời gian? Và làm thế nào để giữ sự cuồng nhiệt ban đầu luôn tồn tại trong suốt quãng đường bên nhau?
Nói chung, chúng ta đang bị bọn hormone đánh lừa :D.

3 giai đoạn trong tình yêu

Trong cuốn “Principia Amoris: The New Science of Love”, tác giả John Gottman cho rằng tình yêu được chia thành ba giai đoạn tự nhiên như sau:

Giai đoạn 1: Rơi vào lưới tình

Đây còn được gọi là giai đoạn “trăng mật”, nằm ở thời gian đầu yêu nhau. Ở giai đoạn này, hai người sẽ có những biểu hiện cả về mặt thể chất (đỏ mặt, tim đánh trống om sòm, người run rẩy dù mới chớm nắm tay nhau) lẫn tâm lý (hưng phấn, ám ảnh, luôn tưởng tượng đến mất ngủ, hưng phấn tình dục và cả nỗi sợ bị từ chối).
Dưới đây là một phần của những hormone có ảnh hưởng lớn đến giai đoạn “trăng mật”:
+ Phenyleteylamine (PEA): một dạng amphetamine tự nhiên mà cơ thể chúng ta sản xuất và được gọi là “phân tử của tình yêu”.
+ Pheromone: được sản xuất từ ​​DHEA, tạo ra cảm giác hạnh phúc và thoải mái không sao diễn tả được.
+ Oxytocin: còn được gọi là “hormone âu yếm” (the cuddle hormone). Nó “buộc” chúng ta phải rút ngắn khoảng cách với nhau và khi chúng ta cảm thấy gần gũi (với bất kỳ ai), chúng ta tiết ra nó. Oxytocin được tiết ra bởi tuyến yên sau, nó cũng kích thích tiết ra hormone dopamine, estrogen, LHRH và vasopressin.
Nguồn: @milkformycoconut
Nguồn: @milkformycoconut

Giai đoạn 2: Xây dựng niềm tin

Những câu hỏi lớn xuất hiện trong giai đoạn này là:
“Anh sẽ ở đó vì em chứ?”
“Anh có thể tin tưởng em không?”
“Em có thể dựa vào anh khi cả thế giới quay lưng chứ?”
Những câu hỏi này là cơ sở của mọi xung đột mà đa số các cặp mới cưới gặp phải. Câu trả lời cho những câu hỏi này cũng là cơ sở để hình thành nên kiểu gắn bó an toàn hoặc không an toàn trong mối quan hệ.
Tình yêu trong giai đoạn 2 trở nên bị nhấn chìm bởi sự thất vọng, bực tức, buồn bã và giận dữ. Phần lớn các cuộc cãi vã trong một mối quan hệ xảy ra ở hai năm đầu tiên.
Như vậy, sự thành bại của giai đoạn 2 dựa vào cách tranh luận của các cặp vợ chồng. Nếu tỷ lệ giữa tích cực và tiêu cực vượt quá 5:1 trong các cuộc xung đột, họ có khả năng ở bên nhau lâu dài. Tỷ lệ 5:1 ở đây nghĩa là cứ 5 lời nhận xét tích cực thì có 1 lời chỉ trích tiêu cực. Ngược lại, nếu số lời tiêu cực nhiều gấp 5 tích cực, khả năng cao mối quan hệ ấy sẽ kết thúc tại đây.

Giai đoạn 3: Xây dựng sự cam kết và lòng chung thủy

Giai đoạn 3 của tình yêu mới là lúc xây dựng sự cam kết và lòng chung thủy thực sự. Giai đoạn này chia thành hai chiều hướng. Một là hai người trân trọng nhau, nuôi dưỡng lòng biết ơn với những gì mình có với đối phương. Hai là hai người luôn chất chứa sự oán giận vì những gì họ cho là còn thiếu.
Như vậy, giai đoạn 3 khiến tình yêu hoặc là sâu đậm hơn và kéo dài đến suốt đời hoặc là nuôi dưỡng sự phản bội và đi đến kết thúc.

Khi “tấm màn che” của hormone tan biến, mối quan hệ mới thực sự bắt đầu

Như đã giải thích ở trên, thời gian đầu yêu nhau, chúng ta thường yêu đắm yêu say yêu cuồng yêu nhiệt là vì có sự tác động của các hormone. Chính chúng cũng làm “che mắt” chúng ta, khiến khả năng phán đoán của người trong cuộc kém đi, không nhận ra những “red flag” mà họ chắc chắn sẽ đối mặt trong giai đoạn 2 của tình yêu.
Khi giai đoạn trăng mật kết thúc, “tấm màn che” của hormone tan biến, bạn buộc phải nhìn vào bản chất của mối quan hệ và giải quyết các vấn đề sắp xảy ra. Đây còn được gọi là thời điểm mà mối quan hệ chuyển từ ảo tưởng sang thực tế. Giai đoạn trăng mật kéo dài bao lâu là tùy thuộc vào từng đôi, có thể từ sáu tháng cho đến vài năm.
Không chỉ thời gian mới khiến tấm màn che biến mất. Các sự kiện trong cuộc sống như có con cũng làm ảnh hưởng đến hormone. Đối với nhiều người, tình dục dừng lại ở thời điểm có con. Họ chuyển sang làm cha mẹ hơn là bạn tình.

Giai đoạn cuồng nhiệt ban đầu sẽ chết đi và chẳng thể quay trở lại

Nguồn: @muhammedsalah_
Nguồn: @muhammedsalah_
Tất cả chúng ta cần chấp nhận sự thật là: sẽ chẳng có cách nào hồi phục và duy trì cái cảm giác đam mê và khao khát ở giai đoạn trăng mật.
Vậy làm thế nào chúng ta vượt qua 2 giai đoạn còn lại của tình yêu để đi lâu dài bên nhau?
Điều đầu tiên bạn cần làm là chấp nhận rằng mối quan hệ của mình rồi sẽ thay đổi và ham muốn tình dục sẽ dao động lên xuống. Điều này giúp bạn và người ấy giảm bớt áp lực cho nhau và cùng tìm cách bẻ sự thay đổi ấy theo chiều hướng tốt hơn.
Tiếp theo, khi mối quan hệ tiến vào giai đoạn 2, hai bạn cần học cách giao tiếp mỗi khi có mâu thuẫn để đi đến sự hòa hợp. John Gottman gợi ý một mô hình giao tiếp có tên “ATTUNE” gồm 6 quy trình:
+ A (Awareness): Nhận thức nỗi đau của người ấy
+ T (Tolerance): Khoan dung với bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào từ người ấy
+ T (Turning Toward): Hướng đến nhu cầu của người ấy
+ U (Understand): Cố gắng hiểu người ấy
+ N (Non-defensive): Lắng nghe nhưng không phải để phòng thủ
+ E (Empathy): Cuối cùng là đồng cảm với người ấy.
Ở giai đoạn 3, theo John Gottman, một yếu tố quan trọng để xây dựng sự cam kết và lòng chung thủy chính là thước đo sự công bằng. Nghĩa là quyền lực được phân bổ công bằng trong một mối quan hệ. Kiểu như em nấu ăn thì anh rửa chén, em thức chạy deadline thì anh trông con hộ, em mệt mỏi vì đến mùa dâu thì anh làm việc nhà giúp, vân vân và mây mây. Ta khó thiết lập sự cam kết và lòng chung thủy lâu dài nếu mối quan hệ ấy có sự bất cân xứng về quyền lực hoặc sự phân bổ quyền lực khiến ít nhất một người cảm thấy không công bằng.
Ngoài ra, để duy trì sự đam mê với nhau (dù không bằng giai đoạn trăng mật), bạn nên giữ tò mò về nhau. Hãy luôn tò mò về người cùng nhà và tự hỏi làm thế nào để bạn biết người ấy rõ hơn. Việc tìm ra sở thích chung và sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống cũng mang hai bạn đến gần nhau hơn.
Điều quan trọng là dù giai đoạn trăng mật đã qua đi, chúng ta vẫn cần tiếp tục nỗ lực cho mối quan hệ. Và đặc biệt là hãy quản lý tốt mọi mâu thuẫn để nó không tạo thành sự oán giận theo năm tháng.
Tham khảo thông tin từ: The Gottman InstituteABC Every Day.
.Ngưn.