Vì sao mấy cuốn sách của Nguyên Phong lại bị ghét?
Tôi nảy ra câu hỏi này sau khi lội cmt của hai bài viết trên page “Thần với chả thoại”: có rất nhiều cmt công kích Nguyên Phong và mấy cuốn sách của ông.
Tôi nảy ra câu hỏi này sau khi lội cmt của hai bài viết trên page “Thần với chả thoại”: có rất nhiều cmt công kích Nguyên Phong và mấy cuốn sách của ông. Tôi đi tìm lý do giải thích cho sự anti này.
Nguyên nhân 1: Nguyên Phong viết sách phóng tác nhưng ngay từ đầu lại không thừa nhận rằng ông đã phóng tác
Trên website của First News có thuật lại cơ duyên mà Nguyên Phong gặp được bản nguyên tác “Hành trình về phương Đông” của Baird T. Spalding và dịch nó ra tiếng Việt:
Riêng với quyển “Hành trình về phương Đông”, có lẽ quyển sách này đã “tự tìm” đến ông khi ông vào thư viện của trường, ngang khu sách tôn giáo thì thấy một quyển sách rơi trên lối đi. Ông nhặt lên, không nhìn xem đó là quyển gì. Đi một vòng quay lại, lại thấy cuốn sách kia rơi trên lối đi, ông nhặt lên và có nhìn xem tên quyển sách trước khi xếp nó vào giá. Đến khi mọi người đã vãn, ông đi lại khu sách cũ, lại thấy quyển sách kia nằm giữa ngay lối đi. Và cuối cùng ông mượn về, đọc một mạch, đọc lại rồi đọc lại. Sau đó, dịch quyển sách ấy ra tiếng Việt với tên: “Hành trình về phương Đông” như bạn đọc thấy hiện nay.
(Nguồn: https://firstnews.com.vn/vi/tac-pham/hanh-trinh-ve-phuong-dong-kho-nho-p1398.html)
Đối với tôi, câu chuyện một quyển sách “tự tìm” đến dịch giả đã kể ở trên là bịa. Tại sao vậy? Mời anh em đọc tiếp đoạn trích từ một bài viết của ông Nguyễn Văn Phước (CEO First News):
Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách có số phận khá ly kỳ. Trong phần tái bản mới có ghi: “Xuất bản lần đầu ở Ấn Độ năm 1924, “Hành trình về phương Đông” đã gây tranh cãi không chỉ ở nước Anh mà ngay cả ở Châu Âu và Mỹ. Sau đó, vì tự ái và sĩ diện, Chính phủ Anh cấm phát hành cuốn sách này ở Anh Quốc, rồi Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra, cuốn sách không còn được tái bản nữa và thất lạc”. Có người cho rằng, rất có thể, chính Nguyên Phong là tác giả của cuốn sách, đã viết phóng tác theo sự trải nghiệm tiềm thức của mình. Vì một lý do nào đó – ông đã không thừa nhận điều này – rất có thể khi phóng tác còn khá trẻ, mới 24 tuổi, bản chất khiêm nhường, không muốn để tên mình là tác giả mà mượn tên GS Baird T. Spalding và để mình là người dịch. Thế nên mới có sự “biến mất” bí ẩn của tác giả, NXB (đóng cửa) và ngay cả nguyên tác cũng không lưu lại ở bất cứ thư viện lớn nào trên thế giới. (Tôi hoàn toàn đồng cảm và chia sẻ với Giáo sư nếu điều lý giải này là đúng – vì trước đây, khi còn trẻ, khi dịch, biên tập sách, tôi thỉnh thoảng có đưa vào một số câu châm ngôn mình nghĩ ra khá độc đáo, hợp ngữ cảnh nhưng không dám để tên mà đều ghi: “- Khuyết danh”, xin bạn đọc lượng thứ).
Nghĩa là ban đầu, Nguyên Phong đã phóng tác nhưng không thừa nhận. Các độc giả không tìm ra bản nguyên tác nên dấy lên thắc mắc. Thế là sau đó, trong “phần tái bản mới”, các câu chuyện bên lề được bịa ra thêm để hợp lý hóa cho “bản dịch”, khiến người ta tin tưởng hơn: chính phủ Anh cấm lưu hành cuốn sách khiến nó tuyệt bản, NXB sách biến mất không dấu vết, một cuốn sách sự tìm đến dịch giả…
Sau khi đọc cuốn “Hành trình về phương Đông” của Nguyên Phong, nhiều người tưởng đó là một câu chuyện có thật được ghi lại bởi các nhà khoa học của hoàng gia Anh. Rồi sau đó họ phát hiện ra nó chỉ là một cuốn sách hư cấu được Nguyên Phong viết dựa trên một cuốn sách hư cấu khác, nhiều độc giả có cảm giác bị Nguyên Phong chơi khăm, dắt mũi.
Nguyên nhân 2: Nguyên Phong dẫn chứng thông tin sai lệch
Việc Nguyên Phong dẫn chứng thông tin sai đã bị bóc khá nhiều trên fb. Các bạn có thể vào fb tìm theo tag #giaidocnguyenphong để đọc loạt bài về chủ đề này của tác giả Pham Phuc.
Việc Nguyên Phong dẫn chứng thông tin sai thì tôi có 2 giải thiết:
- Ông rất tin tưởng vào trí nhớ của mình hoặc những câu chuyện ông đã đọc mà không double check (một sai sót rất kỳ lạ đối với một người làm khoa học).
- Ông cố ý bóp méo thông tin để khớp với những kết luận có sẵn của ông (việc này chắc chắn không được người có tinh thần khoa học ủng hộ, nhưng người theo hệ tâm linh có thể có ý kiến khác).
Không rõ giải thiết nào đúng.
Việc đòi hỏi những luận điểm khoa học trong một cuốn sách tâm linh thì hơi quá, nhưng sách tâm linh dẫn chứng thông tin sai lệch lại là vấn đề khác.
Nguyên nhân 3: Nguyên Phong kể chuyện quá giáo điều
Trong các tác phẩm phóng tác của Nguyên Phong, không thể thiếu vắng nhân vật nhà hiền triết, chính họ đã tạo ra một bầu trời đạo lý cho tác phẩm. Đặc điểm chung của kiểu nhân vật này là nói đạo lý rất nhiều. Nhưng nói đạo lý nhiều là đi ngược lại với nguyên tắc “Show, Don’t Tell” trong nghệ thuật Storytelling. Tôi không nói Nguyên Phong sai, nhưng cách viết của ông khiến diễn biến của câu chuyện thiếu tự nhiên, người đọc bị đứt mạch cảm xúc và bội thực đạo lý. Điển hình là cuốn Muôn kiếp nhân sinh (MKNS).
Cá nhân tôi không ngộ ra được điều gì mới sau khi đọc MKNS. Đạo lý trong cuốn sách này chẳng có gì mới mẻ: tu tâm dưỡng tính, gieo nhân gặt quả, đầu thai làm súc vật để trả nghiệp, báo ứng…
Cốt chuyện dù ly kỳ cỡ nào, đạo lý dù cao siêu tới đâu, nhưng nói đạo lý nhiều quá thì biến câu chuyện từ hay thành chán, rườm rà, lê thê... (hiện MKNS đã ra đến tập thứ 3 rồi, mỗi tập vài kiếp, không rõ bao nhiêu tập mới đủ muôn kiếp).
Tôi nhớ tới mấy câu của cụ Nguyễn Duy Cần:
Tiếng đàn hay là hay ở dư âm… Lời nói hay là lời nói vắn tắt mà hậu ý thâm trầm man mác…Voltaire cũng nói: “Cái mật pháp để làm cho dễ chán là nói tách bạch ra tất cả.”
Với cách kể chuyện ngồn ngộn đạo lý của Nguyên Phong trong MKNS, những người đã quen đọc văn của ông thì không phải là vấn đề lớn, nhưng đối với những người muốn thưởng thức một câu chuyện ly kỳ, cuốn hút (như quảng cáo) thì họ lại có cảm giác câu chuyện này dài dòng và giả tạo.
Nguyên nhân 4: Nguyên Phong nói đạo lý, kể chuyện nhân quả nhưng lại tham gia vào các dự án chế tạo vũ khí chiến tranh
Trong cuốn hồi ký “Một thời oan trái” của nhà văn Phan Lạc Tiếp (cựu sĩ quan VNCH) có một bài kể về cuộc gặp gỡ với dịch giả Nguyên Phong trên đất Mỹ. Trong bài “Một làn gió tinh khôi”, tác giả Phan Lạc Tiếp đã trích dẫn một đoạn của Paul Swortz viết về Nguyên Phong:
Vu joined Boeing in 1987 working as a senior computing analyst on CATIA systems supporting the development of the 777. He now works in sofware Engineering Research and Technology, leading company wide sofware improvement process and consulting in sofware engineering disciplines.(…) He was lead engineer on the Tomahawk cruise missile navigation system and was technical manager of avionic systems for the F-15 fighter and AH-64 Apache helicopter.
Tôi tạm dịch như sau:
Vũ gia nhập Boeing năm 1987 với tư cách là chuyên viên cấp cao phân tích máy tính trên hệ thống CATIA – hỗ trợ sự phát triển của Boeing 777. Hiện ông đang làm Nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ phần mềm, dẫn đầu quy trình cải tiến phần mềm và tư vấn trong lĩnh vực kỹ thuật phần mềm trên toàn công ty. (…) Ông là kỹ sư chính về hệ thống dẫn đường của tên lửa hành trình Tomahawk, và là giám đốc kỹ thuật của các hệ thống điện tử hàng không cho máy bay chiến đấu F-15 và AH-64 Trực thăng Apache.
Trang 10, báo Viên Giác số 222 (2017) có đăng toàn văn bài viết này. Anh em có thể xem tại link này:
Nguyên Phong đã làm kỹ sư cao cấp cho hãng Boeing trong hơn 20 năm, việc ông làm trong các dự án chế tạo tên lửa chiến tranh, máy bay chiến đấu không có gì là khó hiểu. Nhưng điều này lại mâu thuẫn với triết lý nhân quả mà ông muốn lan tỏa, khiến thông điệp trong các tác phẩm của ông trở nên sáo rỗng.
Nguyên nhân 5: Sự PR quá lố của nhà buôn sách
Đây là cảm nhận của cá nhân tôi. Kể từ khi cuốn MKNS tập 1 được xuất bản, nó đã được được PR, seeding, spam rất nhiều trên MXH. Dưới đây là một số nhận xét của những người nổi tiếng về MKNS:
Ai cũng nên đọc cuốn sách này! Thực sự đây là một cuốn sách gây mất ngủ. (Shark Hưng)
Đây là một cuốn sách đặc biệt có sức cuốn hút mà một khi đã cầm lên bạn phải đọc một mạch, không bỏ xuống được. Tôi khuyên các bạn nên đọc sách từ sớm kẻo sẽ thức đến sáng. (Nhà văn Trang Hạ)
Nếu chưa từng đọc “Muôn kiếp nhân sinh” thì bạn không phải là một fan của văn hoá đọc. (Nhà thơ Nguyễn Phong Việt)
Thậm chí sau đó, MKNS còn được quảng cáo là có phiên bản khổ nhỏ, bìa cứng, bìa da limited, tiếng Anh…
Ca ngợi một cuốn sách quá nhiều sẽ tạo ra kỳ vọng lớn cho người đọc. Nhưng như tôi đã trình bài ở nguyên nhân số 3, cách kể chuyện của Nguyên Phong gây mất hứng với những độc giả đang kỳ vọng một cuộc phiêu lưu ly kỳ, hấp dẫn, mới lạ (như quảng cáo). Khi khách hàng thất vọng với sản phẩm đã mua thì cảm giác như mình bị lừa, và họ có cảm xúc tiêu cực về sản phẩm ấy lẫn người tạo ra sản phẩm ấy.
Có một ông buôn sách lên bài chê độc giả nào không nhận ra sự vi diệu của MKNS. Đây là kiểu tư duy đặc trưng của "cái tôi tâm linh", thấy ai chê cuốn sách tâm linh mà họ thích thì họ "hạ cấp" người đó xuống bằng thứ văn mẫu: "do bạn thiếu trải nghiệm, chưa đủ yêu thương, chưa đủ trình độ, chưa đủ kết nối, chưa đủ tin tưởng, chưa đủ tuệ, ngộ tính kém... bla... bla". Đây chính là tấn công cá nhân. Việc họ tấn công cá nhân người khác đã thể hiện "trình độ tâm linh" của họ sau khi đọc cuốn sách. Tôi đã nghe vài người nói về bài viết ấy, nhưng tìm chưa ra, không rõ ông ấy đã xóa bài chưa.
Một số kiểu văn mẫu thường dùng để "chỉnh đốn" người nào dám chê sách tâm linh:
Bên cạnh sự PR quá lố dành cho cuốn sách, truyền thông VN cũng thổi phồng năng lực của Nguyên Phong như: giáo sư John Vũ nằm trong top 10 người sáng tạo nhất thế giới, giáo sư John Vũ đã viết trên 10.000 bài viết đăng trên blog science-techology. Tôi nghĩ mãi cũng không hiểu họ thêm thắt như thế để làm gì, trong khi Nguyên Phong vốn đã có một sự nghiệp rất đáng ngưỡng mộ rồi. Phàm cái gì quá lố dễ gây tác dụng ngược.
Trên đây là 5 kiến giải của tôi cho lý do vì sao có một nhóm người anti các tác phẩm của Nguyên Phong. Theo anh em, còn lý do nào khác không?
Cá nhân người viết bài này đang trăn trở với câu hỏi: Thứ đạo lý được xây dựng trên sự bịa đặt có giúp những người theo hệ tâm linh ngộ ra chân lý, đạt được sự thức tỉnh hay không? Hay là chỉ giúp nhà buôn sách kiếm được tiền, tác giả kiếm được fame, và người đọc được nâng "cái tôi tâm linh" lên một đẳng cấp mới?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất