Nguồn ảnh: <a href="https://sloanreview.mit.edu/article/making-the-most-of-conflicting-advice-from-mentors/">LINK</a>
Nguồn ảnh: LINK
Đầu tiên, chúng mình cần thống nhất định nghĩa "lời khuyên" trong bài viết này nhé. Theo từ điển Cambridge, lời khuyên là "một ý kiến mà ai đó đưa cho bạn về những gì bạn nên làm hoặc hành động bạn nên thực hiện trong một tình huống cụ thể." Định nghĩa này chỉ ra rằng lời khuyên vẫn có thể là thông tin hữu ích, đặc biệt khi chúng ta bối rối, không biết phải làm gì trong một tình huống nào đó. Tuy vậy, trong thời đại ngập tràn thông tin, ở đâu bạn cũng nghe rất nhiều người khác nhau kêu bạn phải làm gì, nên làm gì. Đã đến lúc cần phải xem xét liệu lời khuyên có phải là điều tốt nhất cho bạn trong các tình huống cụ thể hay để đạt được mục tiêu cuộc sống không.
Có 2 lý do vì sao lời khuyên của người khác không phải điều tốt nhất dành cho bạn:

1. Người đưa ra lời khuyên không thể hiểu rõ hoàn cảnh của bạn

Trên đời, không có bất kỳ ai hoàn toàn hiểu một cách đầy đủ những gì bạn trải qua. Chẳng có ai sinh ra tại thời điểm, nơi chốn và tương tác với con người hay trải nghiệm trong môi trường y hệt bạn. Kể cả khi bạn hay họ đều có vẻ trải qua chung một vấn đề thì bạn và họ là hai cá thể riêng biệt với tính cách cá nhân không hoàn toàn trùng khớp nhau. Vì người cho lời khuyên không phải là bạn, họ không phải lúc nào cũng hiểu hết động cơ đằng sau những suy nghĩ, cảm xúc hay phản ứng của bạn. Họ cũng không thể nhìn thấu nội tâm bạn để cảm nhận được lý do vì sao bạn làm cái bạn đang làm; hay nỗi đau nào, nỗi sợ nào bạn đang trải qua để có thể hành xử như vậy trong một tình huống nhất định.
Chính lý do này, lời khuyên từ người khác thường không dựa trên nền tảng của sự thấu hiểu trọn vẹn con người của bạn. Điều này dẫn đến việc lời khuyên từ người khác khó để mà phù hợp nhất với bạn. Chắc hẳn bạn ít nhiều từng cảm thấy lấn cấn khi răm rắp làm theo lời khuyên của người khác mà không soi chiếu với bản thân? Soi chiếu nghĩa là xem thử lời khuyên đó có phù hợp với tính cách, hoàn cảnh của bạn hiện tại không? Soi chiếu là cân nhắc liệu có nhất thiết bạn phải giải quyết vấn đề bằng cách của họ hay còn cách nào phù hợp hơn?
Do đó, bạn hãy coi như lời khuyên là một nguồn tham khảo, một thông tin để bạn cân nhắc và xem xét rồi tự đưa ra giải pháp cho vấn đề của mình. Hãy nhớ, bạn có lựa chọn làm theo hoàn toàn lời khuyên của người khác, làm theo một phần hoặc không làm theo, quan trọng bạn đặt tâm thế rằng bạn chọn làm điều đó vì bạn thấy nó tốt và phù hợp với chính mình. Lời khuyên đó trở thành quyết định hành động của bạn, không đến từ người khác mà đến từ chính bản thân bạn.
Nguồn ảnh: <a href="https://www.bu.edu/articles/2023/are-diversity-equity-and-inclusion-initiatives-helping-workers/">LINK</a>
Nguồn ảnh: LINK

2. Người đưa lời khuyên thường dựa trên sự diễn dịch

Sự diễn dịch trong bài viết này có thể hiểu là "một lời giải thích hoặc một ý kiến về ý nghĩa của điều gì đó" (cũng theo từ điển Cambridge). Theo đó, lời khuyên cũng có thể hiểu là một dạng của sự diễn dịch. Vậy để biết vì sao lời khuyên không luôn luôn hữu ích, chúng ta cần trả lời câu hỏi sự diễn dịch của mỗi người đến từ đâu? Theo lý thuyết lược đồ (schema theory), chúng ta diễn dịch thế giới dựa trên lược đồ - đây là một cấu trúc tinh thần được hình thành dựa trên thông tin từ kinh nghiệm sống và sau đó được lưu trữ trong bộ nhớ (hay có thể hiểu là ký ức). Cần lưu ý thêm rằng lược đồ sẽ thay đổi theo thời gian khi những thông tin mới được tiếp nạp vào bộ nhớ, nó không cố định. Bạn có thể theo dõi hình ảnh sau đây để dễ hiểu hơn khái niệm này.
<i>Chúng ta hình thành lời khuyên dựa trên sự diễn dịch của tâm trí đối với sự vật - sự việc, tình huống cụ thể. Nguồn hình ảnh: <a href="https://www.themantic-education.com/ibpsych/2017/11/29/schema-theory-a-summary/">LINK</a></i>
Chúng ta hình thành lời khuyên dựa trên sự diễn dịch của tâm trí đối với sự vật - sự việc, tình huống cụ thể. Nguồn hình ảnh: LINK
Tóm gọn một cách đơn giản, khi ai đó đưa lời khuyên, rất nhiều khả năng là họ dựa trên lược đồ của bản thân mình. Điều này có thể hiểu là dựa trên thông tin họ tiếp nạp vào từ ký ức, trải nghiệm, sự học hỏi của người đó. Và đôi lúc, sự diễn dịch dựa trên quan điểm, góc nhìn của cá nhân không áp dụng được cho tất cả mọi người. Bạn hãy tưởng tượng bạn đang chơi với một người Mỹ - người được sinh ra và lớn lên trong một xã hội đề cao sự tự lập và không phụ thuộc vào cha mẹ khi đến tuổi trưởng thành. Khi bạn tìm kiếm lời khuyên của người bạn ấy về việc ra ở riêng, chắc hẳn, bạn người Mỹ khó để hiểu được một số những nỗi trăn trở, lo lắng của người Châu Á khi dọn ra ngoài ở riêng, bởi đối với bạn ấy dường như chuyện đó là điều hiển nhiên, sao phải suy nghĩ?
Chính vì lời khuyên là một dạng của sự diễn dịch của người khác, nên lời khuyên khó thực sự áp dụng được cho hoàn cảnh của bạn. Nói điều này không phải ý muốn chê lược đồ của người khác là không tốt, không ổn, chỉ là cái tính cá nhân và riêng tư của lược đồ làm cho lời khuyên không thực sự dựa trên thế giới quan riêng tư của chính bạn. Nhưng mà có điều này hay lắm nhé, trên đời này có rất nhiều lược đồ khác nhau, điều này có nghĩa là có rất nhiều quan điểm, góc nhìn và những phương án thú vị để giải quyết cho những vấn đề, nỗi trăn trở mà bạn đang loay hoay. Bạn cũng có một lược đồ rất riêng của mình đấy! Các cụ từng nói "thua keo này bày keo khác", nếu bạn cảm thấy mắc kẹt trong một vấn đề nào đó, hãy nhớ rằng có rất nhiều lựa chọn để bạn thử, và hãy cho mình được thử, bạn nhé.
Đến đây, chắc ít nhiều bạn cũng hiểu vì sao mình lập luận lời khuyên không phải lúc nào cũng tốt nhất cho bạn. Mình cũng không tuyệt đối hóa kiểu "đừng nghe lời người khác", bởi thật ra có rất nhiều lời khuyên hữu ích, đến từ động cơ muốn giúp đỡ, hỗ trợ cho bạn (ví dụ mình khi viết bài này chẳng hạn, haha, đùa nhạt thôi...). Nên ở phần cuối bài viết này, mình chia sẻ một số dấu hiệu để biết lời khuyên nào hữu ích và lời khuyên nào bạn nên bỏ ngoài tai.
<i>Người đưa lời khuyên thường dựa trên sự diễn dịch của cá nhân họ đối với thế giới, và do đó, lời khuyên chỉ dựa trên góc nhìn nhân sinh quan của người đó. Nguồn ảnh: <a href="https://www.themantic-education.com/ibpsych/2017/11/29/schema-theory-a-summary/">LINK</a></i>
Người đưa lời khuyên thường dựa trên sự diễn dịch của cá nhân họ đối với thế giới, và do đó, lời khuyên chỉ dựa trên góc nhìn nhân sinh quan của người đó. Nguồn ảnh: LINK

Vậy lời khuyên nào là hữu ích và lời khuyên nào nên bỏ ngoài tai?

Thật ra cũng hơi khó để rạch ròi, mình sẽ chia sẻ dưới góc độ là một người học và tìm hiểu tâm lý, dựa trên những hiểu biết của mình về sự cảm thông, thấu cảm trong giao tiếp để viết phần này:
- Lời khuyên hữu ích thường không có tính bắt ép, ép buộc hay có một mong đợi vô hình nào đó bạn phải làm theo. Bởi vì người đó hiểu rằng bạn là một cá thể độc lập và những gì họ khuyên là những trải nghiệm cá nhân. Do đó, lời khuyên họ đưa ra mang tính đề xuất, gợi mở những góc nhìn mới để bạn cân nhắc thêm.
- Lời khuyên hữu ích thường không hạ thấp, coi thường nhân phẩm, giá trị và đạo đức của bạn. Nếu những gì họ nói ra làm bạn cảm thấy bị phán xét, bị đụng chạm đến nhân cách, có lẽ lời khuyên này bạn cần bỏ ngoài tai cho nhẹ lòng.
- Lời khuyên hữu ích thường không dựa trên sự cay nghiệt, chua chát và trải nghiệm đau đớn. Để ví dụ cho bạn dễ hiểu nhé, bạn có thể không cần lời khuyên từ một người phụ nữ vừa mới bị phản bội, đang ly hôn và coi thường đàn ông. Thay vào đó, bạn hãy đặt lý do vì sao họ lại đưa ra lập luận, nhận định hoặc lời khuyên như vậy trước khi tiếp nhận nó nhé. Hoặc đơn giản hơn là khỏi nghe ngóng cho đỡ mệt đầu.
- Lời khuyên về những sinh hoạt cơ bản hoặc về xây dựng lối sống lành mạnh thường luôn hữu ích. Ví dụ như ăn đủ chất, ngủ đủ giờ và tập thể dục thường xuyên. Sự ép buộc đôi khi lại là ngoại lệ trong trường hợp này, mình từng phải giảm cân vì mỡ máu quá cao, cũng có sự ép buộc từ bạn bè và người thân thì mới kiên trì và có kỷ luật thép. Nên mình thấy những lời khuyên về điều cơ bản nhất như ăn-ngủ-nghỉ-sức khỏe thể chất-chăm sóc bản thân thì mình sẽ đón nhận lời khuyên đó.
Mình nghĩ một vài điều cơ bản như trên chắc cũng đủ để bạn biết cái gì cần tiếp nhận và cái gì không rồi. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thêm thông tin để biết cần làm gì tốt cho bản thân mình.