Bước qua một năm mới, một cột mốc mới lại bắt đầu mở ra. Đi kèm với đó cũng là lúc chúng ta quyết định xây dựng những mục tiêu trong chặng đường 12 tháng sắp tới. Mục tiêu ở đây có thể là thiết lập những thói quen mới, cũng như là loại bỏ đi những hoạt động mà bạn cho là ''độc hại'' với bản thân. Giảm cân, ngừng hút thuốc, đọc sách, học kỹ năng mới, hàng loạt mục tiêu ''hào nhoáng'' được liệt kê.
Những ngày đầu, tuần đầu, hay những tháng đầu tiên, bạn thực hiện vô cùng quyết tâm và hăng say. Thế nhưng, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, mọi thứ liền quay lại theo lề lối cũ. Bạn dần chệch hướng với những kế hoạch để chinh phục mục tiêu của mình, thế nhưng mặc cho mọi thứ đang dần đi lệch, bạn cũng tặc lưỡi hiển nhiên cho qua và rồi lại nghĩ "Thôi kệ, để năm sau lại cố tiếp vậy".
Bạn có thấy vòng lặp này quen thuộc không? Đã bao nhiêu lần bạn bị vướng vào vòng xoáy như thế rồi?
Chúng ta có xu hướng đặt ra rất nhiều mục tiêu to lớn vào đầu năm. Tuy nhiên, chỉ mới bắt tay thực hiện được một khoảng thời gian thì mọi thứ lại không đi đến đâu, và rồi những mục tiêu ấy giờ đây chỉ là những dòng chữ được giấu kín trong một quyển sổ, mãi đến năm sau thì lại được lôi ra trở lại.
Thực tế, theo nghiên cứu trong một khảo sát, có đến hơn 90% những mục tiêu được đặt ra trong năm mới đều không thể thành hiện thực. Kết quả của một cuộc khảo sát 2000 người Mỹ vào năm 2020 cũng đã chỉ ra rằng đa phần những người đề ra mục tiêu đều từ bỏ sau 6 tuần bắt đầu và rồi những mục tiêu đó sẽ được chuyển sang bảng dự định của năm sau.
Vậy thì tại sao chúng ta lại dễ thất bại và nản lòng trên chặng đường chinh phục mục tiêu thế này?
<i>Photo by Estée Janssens on Unsplash</i>
Photo by Estée Janssens on Unsplash
Trước mắt hãy cùng lý giải tại sao đa phần chúng ta lại đặt rất nhiều mục tiêu vào năm mới. Thực tế thì chúng ta có thể thiết lập mục tiêu vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, thế nhưng phần lớn các mục tiêu quan trọng và mang tính vĩ mô đều được đề ra trong khoảng thời gian đặc biệt này.
Có thể thấy, năm mới là một thời điểm chuyển giao trọng đại, đây là lúc kết thúc một năm dài hoạt động. Thật tuyệt khi chúng ta có một điểm dừng để có thể đánh dấu những sự việc xảy ra sau một khoảng thời gian dài, đây là một cơ hội để chúng ta có thể được nhìn lại những thành tựu, những thăng trầm của năm trước và rồi thời điểm được nhìn nhận lại cũng là lúc chúng ta xây dựng nền tảng để thiết lập nên những mục tiêu mới.
Nếu như những dịp như sinh nhật chỉ là một cột mốc mang tính cá nhân thì thời điểm năm mới lại là thời điểm chuyển giao trọng đại không chỉ đối với mỗi riêng ta mà với tất cả mọi người trên thế giới. Vậy nên, thôi thúc được thiết lập mục tiêu để giống, hay thậm chí để vượt mặt người khác cũng từ đó trổi dậy mạnh mẽ hơn trong một số cá nhân.
Ngoài ra, việc kết thúc một năm dài và bước sang năm mới mang đến cho chúng ta cảm giác như được trút bỏ những lỗi lầm, những điều cũ, giống như được xóa một trang nháp, được làm lại và được phép bắt đầu lại một lối sống trong mơ mà bạn mong ước.
Mình tin rằng ngay lúc này bạn cũng đã có cho riêng mình những mục tiêu mong muốn hoàn thành. Cá nhân mình cũng thế. Tuy nhiên, như đã đề cập trước, không phải tất cả mọi người đều có thể dễ dàng hoàn thành được những mục tiêu như ban đầu đã đặt ra, vậy đâu là những nguyên nhân?

1. Sai lầm xuất phát ngay từ lúc xây dựng những mục tiêu

Việc thiết lập mục tiêu tưởng chừng như đơn giản nhưng thực chất đây lại là một bước vô cùng quan trọng và là yếu tố nền tảng ảnh hưởng đến khả năng hiện thực hóa mục tiêu. Mặc dù không có một công thức cụ thể để đảm bảo việc thiết lập một mục tiêu thế nào là chính xác. Thế nhưng chắc hẳn chúng ta cũng có thể đánh giá được rằng nếu một mục tiêu được xây dựng mà không có sự cân nhắc đến tính khả thi, khả năng thực hiện hay thời gian hoàn thành thì khả năng để đạt được chúng là rất thấp.
Mình tin ở đây nhiều bạn cũng từng nghe đến việc xác lập mục tiêu theo mô hình SMART: Specific_(Cụ thể), Measurable_(Có thể đo đạt được), Achievable_(Có khả năng đạt được), Realistic (Thực tiễn), Time-bound_(Có khung thời gian). Theo đó, một mục tiêu được cho là hoàn hảo khi đáp ứng được cụ thể cả 5 tiêu chí trên.
<i>Photo on Google</i>
Photo on Google
Tiêu chí đầu tiên: Specific, đây cũng là tiêu chí mà cá nhân mình cho là quan trọng nhất, bởi lẽ, đa phần chúng ta thường mắc lỗi này khi xây dựng mục tiêu. Và việc không xác định rõ hay không cụ thể hóa mục tiêu chính là một trong những lý do chính ảnh hưởng đến việc không thể thực hiện chúng.
Ví dụ, bạn muốn cải thiện trình độ Tiếng Anh, nếu chỉ đơn thuần thiết lập mục tiêu: "Tôi muốn nâng cao trình độ Tiếng Anh của mình tốt hơn", có thể nhận thấy đây là một mục tiêu khái quát, chung chung, không cụ thể. Nâng cao như thế nào, tốt hơn thế nào và đạt đến trình độ nào thì trong mục tiêu lại không vạch ra rõ.
Thay vào đó, mục tiêu nên được cụ thể hóa như sau "Tôi muốn học từ vựng hằng ngày để trình độ Tiếng Anh của mình đạt đến bậc B2''. Trong mục tiêu này, mình đã vạch rõ cụ thể mong muốn về bậc ngoại ngữ mà mình muốn đạt được, cũng như cách thức mình cần hoàn thành để có thể đạt đến mục tiêu.
Việc cụ thể hóa sẽ giúp bạn giảm được nguy cơ bị chệch hướng. Bạn không nên thiết lập mục tiêu với những từ ngữ khái quát như: Càng sớm càng tốt, tiết kiệm nhất, tốt nhất, tốt hơn,… Thay vào đó, nếu có thể hãy gắn mục tiêu với những từ ngữ, con số cụ thể để đảm bảo sự chính xác, rõ ràng cho mục tiêu đó.
Đối với tiêu chí Measurable, một mục tiêu thỏa mãn yếu tố này là một mục tiêu có thể đo đạt được mức độ hoàn thành, tức nó sẽ gắn với các yếu tố định lượng. Ví dụ, mục tiêu học ít nhất 10 từ vựng mỗi ngày, hay có thể giảm được 2kg mỗi tháng.
Tuy nhiên dễ dàng nhận thấy không phải mục tiêu nào cũng có thể đáp ứng tiêu chí này, sẽ thật gượng gạo nếu đặt ra mục tiêu cười 10 phút mỗi ngày, chỉ vì muốn sống tích cực hơn. Vậy nên, mình nghĩ mục đích chính của việc gắn tiêu chí này trong mục tiêu sẽ có ích lợi trong việc giúp ta kiểm soát mức độ hoàn thành mục tiêu, đó sẽ là dấu hiệu để chỉ ra liệu còn bao lâu nữa để đạt được điều mong muốn, cũng như bản thân chúng ta cũng có thể nhìn lại những cột mốc nhỏ đã hoàn thành, từ đó có thêm nhiều động lực để cố gắng hơn.
Đối với tiêu chí Achievable Time-bound. 2 tiêu chí này dường như có sự liên kết khá chặt chẽ với nhau. Bởi lẽ tính toán được mức độ khả thi, khả năng đạt được mục tiêu trong thực tế từ đó có thể giúp xác định được khoảng thời gian cần bỏ ra để hoàn thành mục tiêu, cũng như, nếu muốn giới hạn trước thời gian thực hiện mục tiêu, cũng phải cân nhắc đến khả năng đạt được chúng trong thực tế, từ đó mới có thể chủ động tính toán được nguồn lực cần đầu tư vào để thực hiện mục tiêu đó.
Tuy nhiên, khi thiết lập mục tiêu, đa phần chúng ta đều quên đi việc xem xét tính khả thi, cũng như khả năng đạt được mục tiêu dựa vào những nguồn lực hiện có. Để rồi dẫn đến việc xây dựng nên các mục tiêu quá lớn lao, quá xa vời, và vượt quá khả năng đạt được ngay tại thời điểm đó.
Quay trở lại mục tiêu cải thiện khả năng học tiếng anh, giả sử nếu bạn chỉ đang mới bắt đầu dành thời gian tự học về tiếng anh, và rồi lại đặt mục tiêu trong 1 tháng có thể đạt đến trình độ B2, trong khi đó, bạn chưa xem xét đến khung thời gian rảnh bạn có thể dành cho việc học tiếng anh, cũng như chưa tìm được các nguồn học tập đáng tin cậy vậy thì khi đó, việc lên kế hoạch như thế chẳng khác nào bạn đang ''bắt ép'' chính mình theo đuổi một mục tiêu hầu như không thể đạt được. Một khi đã bị bắt ép thì bạn càng cảm thấy nản lòng và dễ dàng từ bỏ.
Đối với tiêu chí Realistic (Trong 1 số tài liệu khác sẽ đề cập tiêu chí này là Relevant) tuy nhiên cả Realistic và Relevant đều tương đồng khi đều hàm ý rằng mục tiêu không nên đi xa với những giá trị thực tế trong cuộc sống, mà thay vào đó nên thể hiện sự liên quan đến những định hướng lớn, hay các giá trị, mong muốn lớn của một cá nhân.
Lấy ví dụ, nếu ước mơ từ lâu của bạn là đi du học, và bạn muốn apply học bổng vào cuối năm vậy thì bạn sẽ đặt nặng và đầu tư nhiều thời gian hơn cho mục tiêu phát triển ngoại ngữ thay vì là mục tiêu cải thiện khả năng chơi bóng rổ.
Việc phân định như thế sẽ giúp bạn phân tầng quan trọng của các mục tiêu, từ đó bạn có thể tập trung được nguồn lực hạn chế của mình để hoàn thành những mục tiêu bạn cho là cấp bách hơn.

2. Không có sự lên kế hoạch cụ thể

Đừng lầm lẫn mục tiêu và kế hoạch nhé, mục tiêu là thứ mà ta mong muốn và hướng đến đạt được, còn kế hoạch chính là cách thức để ta thực hiện được những ước muốn, mục tiêu đó.
Các mục tiêu không thể thực hiện nếu bản thân bạn không vạch ra những kế hoạch cụ thể để thực hiện chúng. Kế hoạch hằng tháng, hằng tuần, hay thật tốt nếu có một kế hoạch chi tiết hằng ngày để nỗ lực tiến tới mục tiêu.
Ví dụ như mục tiêu giảm được 5kg trong 2 tháng, sẽ có khả năng hiện thực hóa bằng việc lập kế hoạch chạy bộ 30 phút mỗi ngày đồng thời kết hợp với việc ăn uống điều độ. Nếu có thể hãy cố gắng lên thực đơn chi tiết cho từng ngày đó.
<i>Photo on Freepik</i>
Photo on Freepik
Một kế hoạch chi tiết giúp ta định hình và sắp xếp cần nên làm những việc gì. Việc lập ra kế hoạch hằng ngày rồi hiện thực hóa cũng giống như đang tách nhỏ mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ để cố gắng hoàn thành. Điều này phần nào giúp chúng ta tránh được việc trì hoãn, bởi lẽ, nếu luôn hình dung một mục tiêu quá to lớn trong năm khiến ta dễ sinh ra tâm thế chần chừ, và nghĩ rằng "Vẫn còn nhiều thời gian mà, cứ từ từ thôi". Thay vào đó việc thiết lập nhiệm vụ và kế hoạch cho hàng tuần hoặc hàng ngày, sẽ khiến ta có nhiều thôi thúc hơn để hoàn thành các công việc đó.
Đồng thời hãy thường xuyên đánh giá và ghi nhận lại những kế hoạch, việc theo dõi tiến độ hoàn thành vừa giúp bạn có thể kiểm soát mức độ phần trăm hoàn thành nhiệm vụ, bên cạnh đó cũng khiến bạn có thêm động lực hơn để tiến đến hoàn thành mục tiêu lớn.

3. Không bắt đầu

Việc thiết lập mục tiêu giờ đây dễ dàng hơn bao giờ hết khi không khó để bắt gặp tràn lan những bài viết, những video hay những template mẫu về việc xây dựng các mục tiêu, thậm chí không cần áp dụng công thức SMART bên trên, mà chỉ cần vỏn vẹn thao tác "Copy - Paste'' bạn cũng có thể thiết lập được những mục tiêu chất lượng. Thế nhưng sau khi tất cả mọi thứ đều đã được phơi bày ra sẵn thì chúng ta lại rơi vào một trở ngại khác, đó là tâm thế không muốn bắt đầu.
Tâm lý này dễ dàng nhận thấy đối với những mục tiêu muốn thay đổi những thói quen đã ăn sâu vào trong một cá nhân, ví dụ như việc chạy bộ hằng ngày hay việc cắt giảm thời gian sử dụng mạng xã hội.
Chúng ta luôn viện cớ đợi đến một ngày đẹp, đầu tuần hay ngày đầu tháng sau để mình sẽ bắt đầu thay đổi. Những rào cản, những thói quen cũ sẽ luôn cản bước bạn rất nhiều, tâm lý ngại khó, và đặc biệt người bạn thân quen mang tên ''trì hoãn'' sẽ rất luôn ''chực chờ'' xuất hiện để cản bước chúng ta hành động.
<i>Photo by Gia Oris on Unsplash</i>
Photo by Gia Oris on Unsplash
Ngoài ra, một số cá nhân còn có xu hướng suy nghĩ, cân nhắc và tính toán quá nhiều trước khi bắt đầu làm một việc gì đó. Đồng ý rằng chuẩn bị là một quá trình cần thiết, tuy nhiên việc chuẩn bị chắc chắn cũng không thể đảm bảo 100% trong quá trình thực hiện sẽ không xuất hiện những biến số. Vậy nên thay vào đó việc cần làm lúc này chính là bắt tay vào hành động ngay thôi.
Hãy nên nhớ rằng, ngay cả quyển sách self-help tốt nhất cũng không thể giúp bạn thay đổi nếu bạn không bắt đầu hành động. Giống như việc bạn đọc bài viết này và rút ra được một điều gì đó cho bản thân, tuy nhiên điều đó cũng không đảm bảo các mục tiêu của bạn sẽ thành hiện thực nếu không tiến hành bắt tay và làm ngay bây giờ.
"The hardest part is starting. Once you get that out the way, you'll find the rest of journey much easier". Simon Sinek

4. Sự hoài nghi

Dám cá rằng chắc hẳn đa phần chúng ta ai cũng từng rơi vào trạng thái cố gắng và nỗ lực rất nhiều nhưng không nhìn thấy thành quả, và rồi bạn bắt đầu chán nản và tự đặt câu hỏi "Liệu mình có làm được không'', đó chính là lúc sự hoài nghi "ghé thăm" bạn rồi đấy.
Đây ắt hẳn là tâm lý chung dễ sản sinh khi chúng ta liên tục mong mỏi một điều, cố gắng áp dụng nhiều cách thức nhưng mãi vẫn không tác dụng. Đặc biệt nếu đó lại là những mục tiêu bạn từng thất bại hay đã từ bỏ trước đó, thì khả năng dễ nản lòng và hoài nghi sẽ còn cao hơn.
Lại lấy ví dụ về mục tiêu giảm cân, bạn mong muốn được giảm 5 cân trong 5 tháng, thế nhưng dẫu cho bạn có tập luyện chăm chỉ trong 1 tháng đầu tiên, nhưng kết quả vẫn không rõ rệt, thế rồi bạn sẽ hoài nghi về việc liệu bản thân có đủ khả năng không, và rồi nếu không vững lòng, bạn sẽ cho rằng bản thân mình quá kém, không thể thực hiện được và bạn quyết định dừng lại sau nhiều ngày nỗ lực chỉ vì một khoảnh khắc không nhìn thấy thành quả.
<i>Photo on Unsplash</i>
Photo on Unsplash
Mình biết rằng tâm thế của chúng ta luôn muốn những thành quả nhanh và liền, để rồi vô hình chung ta sẽ tạo áp lực lên bản thân bằng việc áp dụng những phương pháp không phù hợp. Điều này vừa không những không đạt hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng tiêu ực đến cơ thể của chính mình.
Thay vào đó hãy học cách kiên nhẫn và tập chờ đợi. Đừng quên rằng, nếu đã ôm mộng đặt mục tiêu lớn thì để nhận được kết quả tương xứng cũng cần có thời gian và nỗ lực tương đương. Mình tin sẽ đến một lúc bạn sẽ nhận được thành quả mà bạn mong muốn. Hãy nhớ rằng đây là cả một hành trình dài và hành trình này sẽ khác nhau đối với từng cá nhân khác nhau. Đừng so sánh nhìn vào người khác và rồi cũng buộc bản thân phải đạt đến cùng một thứ trong cùng một khoảng thời gian.
Đồng thời cũng đừng nên vội hình thành suy nghĩ rằng việc bạn cố gắng hoàn thành và tuân thủ nghiêm ngặt những kế hoạch không đem lại lợi ích gì, thực chất khoảng thời gian bạn từng bước chầm chậm, và miệt mài cố gắng đó đã cải thiện sự kỉ luật, sự kiên trì và bền bỉ của bạn rất nhiều, đây đều là những giá trị mà nếu không có sự chăm chỉ thì bạn sẽ không bao giờ có thể rèn luyện được.
“Instead of trying to change your entire life in January, the simpler strategy is to adopt a 12-month plan where you’re making constant improvements.” – S. J. Scott
Song, cần phải khách quan nhìn nhận rằng, sự hoài nghi nếu tồn tại ở một mức độ nhất định thì không phải lúc nào cũng tồi tệ, bởi lẽ nó là cơ chế để bạn ngẫm lại, nhìn nhận lại liệu bạn có đang áp dụng đúng cách, liệu rằng những nỗ lực bỏ ra như thế đã đủ hay chưa. Hoài nghi đúng mực chính là tín hiệu mà cơ thể báo hiệu có thể đã đến lúc bạn cần phải nghiêm túc nhìn nhận để đánh giá lại quá trình nỗ lực bấy lâu này của mình.
Tuy nhiên, nếu vẫn không thể tự mình kiểm soát sự hoài nghi, nếu có thể hãy tìm đến sự hỗ trợ, động viên từ bên ngoài, một điều chắc chắn rằng những mục tiêu, dự định của bạn cũng sẽ là những mong muốn của một nhóm người nào dó. Từ giảm cân, đọc sách, học các kỹ năn mới... không khó để tìm kiếm những nhóm đó ngoài đời thực hay trên các trang mạng xã hội. Tìm về những hội nhóm này sẽ giúp bạn nhận được nhiều lời động viên hơn mỗi khi gặp khó khăn cũng như đây sẽ kho tàng để bạn tìm thấy những lời khuyên, chia sẻ từ những người có kinh nghiệm đã đi trước, biết đâu họ có thể giúp bạn rất nhiều trong việc đưa ra các tips để có thể hoàn thành mục tiêu một cách nhanh chóng hơn nữa đấy.

5. Không biết được lý do

Điều này có nghĩa là trước khi bắt đầu tiến hành theo đuổi mục tiêu, hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao bạn lại mong muốn những điều như thế?"
Tại sao bạn muốn học ngoại ngữ? Vì giải trí, hay học tập?
Tại sao bạn muốn giảm cân? Vì bản thân muốn khỏe mạnh hay vì muốn được trông ưa nhìn trong mắt người khác?
Dù là gì đi chăng nữa, việc xác định được lý do tại sao bạn lại thiết lập mục tiêu là vô cùng quyết trọng. Nó sẽ là động lực khiến bạn cố gắng để không từ bỏ. Nếu bạn xây dựng mục tiêu chỉ vì người khác khuyên bạn nên làm như thế, hay chỉ vì nhiều người đều làm vậy thì bạn sẽ rất dễ nản lòng dừng bước, bởi lẽ đó là mục tiêu của họ chứ không phải thứ mà bạn mong muốn.
Dù là xuất phát từ yếu tố ngoại cảnh hay nội tại, dù là vì bản thân hay một ai đó. Hãy gắn điều đó với mục tiêu của mình, nó sẽ là nguồn động viên vô hình để giúp bạn mỗi khi bạn rơi vào trạng thái chán nản muốn từ bỏ.

Kết

Cuối cùng mình chỉ muốn nhắn nhủ rằng, hãy nhớ, việc chinh phục một mục tiêu nào đó không phải là một cuộc thi chạy nước rút, đấy không phải là nơi để bạn mù quáng và cứ phải lao mình tiến về phía trước. Đừng quan tâm đến số lượng, hãy chú ý đến chất lượng nhiều hơn. Thay vì sử dụng những phương pháp phức tạp, hãy đặt các kế hoạch nhỏ, và thú vị, để rồi biến quá trình nỗ lực này thì một chuyến đi du ngoạn, mà trong đó bạn được ngắm nhìn và thưởng thức từng hoạt động, cũng như từng cột mốc nhỏ mình đạt được trong suốt cuộc hành trình đó. Đừng mãi chú ý đến đích đến, mà hãy quan tâm đến cả những giá trị bạn nhận được trong chuyến đi đó.
Hãy cứ kiên trì, và nỗ lực. Đừng nghĩ rằng quá trình bạn cố gắng hằng ngày kia là lãng phí, đó có thể là một khoảng thời gian dài nhưng chắc chắn nếu bạn kiên trì đủ lâu, một ngày nào đó khi nhìn lại, bạn sẽ ra nhận thấy đấy chính là một trong bước đệm quan trọng trong việc định hình bản ngã của chính bạn.
Mong rằng bạn có thể đạt được một số mục tiêu mà bạn mong muốn thành trở thành hiện thực trong năm này nhé. Happy New Year.
Cảm ơn mọi người vì đã đọc ạ <3.