Trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, trên Internet xuất hiện một kiểu người mới, nhưng không phải là lần đầu tiên xuất hiện, kiểu người doomer. 
Đặc điểm nhận dạng : thuộc thế hệ hậu millennials và đầu gen Z, khoảng đâu đó trên 18 tuổi và dưới 30 (không, mình không muốn đề cập đến love doomer ở đây). Kiểu người này có một cuộc sống tương đối “tiêu cực” - theo góc nhìn từ xã hội nhìn vào, vô vọng, vô hướng, cô độc và đơn thuần chỉ “tồn tại” (mình sẽ đi sâu vào khía cạnh này sau). 
Dưới góc nhìn của một doomer, thế giới này trước sau gì cũng tàn dưới sự vô cảm, tàn bạo của xã hội con người, do đó việc theo đuổi các giá trị trong cuộc sống cũng vô nghĩa nốt (*). Nhưng cũng tồn tại một kiểu doomer khác, không phải do họ lựa chọn mà bị xã hội ép phải lựa chọn. Tức những người gặp quá nhiều vấn đề trong cuộc sống và bị chèn ép đến nỗi không có lối thoát (riêng trường hợp này mình quan sát thấy hiện hữu rõ hơn). Nhưng chung quy lại, một doomer sẽ có một một lẽ sống tương đối tiêu cực, đi kèm với đó là khó khăn trong công việc, kết nối với xã hội, tìm kiếm tình yêu, lạm dụng thuốc lá, đồ uống có cồn và vân vân.
Tính phổ biến của kiểu người này trong xã hội hiện đại là một thực trạng tương đối đáng quan ngại vì nó phản ánh rõ nhất niềm tin vào thuyết hư vô (nihilism) (như ở trên mình đã nhắc đến, đó là nihilism đó), một cái nhìn vô vọng về tương lai lẫn hiện tại. 
Nhưng có lẽ hai thế hệ millennials và gen-z sinh ra vào đúng thời điểm công nghệ phát triển một cách chóng mặt và toàn cầu hóa diễn ra với tốc độ chưa từng có cùng với internet đã thay đổi hoàn toàn cách họ thu nạp thông tin và trải nghiệm thế giới so với các thế hệ trước. Những người trẻ, được mở cửa trước một thế giới hoàn toàn mới, một khả năng nghe, nhìn, đọc, tiếp nhận thông tin trong nháy mắt. Từ đó cũng mở ra cho họ một cái nhìn mới hơn về thế giới, một cái nhìn đầy loạn lạc, phi lý và vô nghĩa. Vì thế một phần lớn của thế hệ dần nhận ra rằng thế giới không đẹp như bố mẹ họ từng kể. Đi kèm với đó là sự đi xuống của các thể loại đức tin đã làm hao mòn đi chỗ dựa tinh thần tồn tại từ trước của nhân loại. Và bây giờ xã hội tồn tại hai kiểu người, hoặc là đã biết quá nhiều, quá đủ và không muốn biết nữa hoặc là không nghe, không nhìn, không biết. 
Như mình đã nói, đây không phải là lần đầu tiên tình trạng này xuất hiện ở một thế hệ. Do đó hãy theo chân các triết gia thế kỷ 19-20 tìm hiểu thêm về nó và chúng ta có thể làm gì trước viễn cảnh đó.

Trước hết, Arthur Schopenhauer, triết gia được mệnh danh là cha đẻ của chủ nghĩa tiêu cực (pessimism).

(mình chưa có cơ hội tìm hiểu về Schopenhauer đủ nhiều để có thể tự đưa ra phân tích nên mình sẽ dùng phân tích của pursuit of wonder.)
Góc nhìn của Schopenhauer cũng tương tự với doomer, rằng cuộc sống đầy rẫy khó khăn đau khổ và hỗn loạn. Theo ông, chúng ta bị cầm tù bởi bản năng sinh tồn, sinh sản và tiếp tục, do đó mọi hành động của ta đều có bản chất như thế và do đó không có ý nghĩa nào sâu xa hơn. Do đó chúng ta sống trong một vòng xoáy của hư vô. Ta tạo ấn tượng với bạn tình để sinh sản, ta cày cuốc làm việc để tìm thấy hạnh phúc qua vật chất. Schopenhauer viết :
There's only one inborn error, and that is the notion that we exist in order to be happy... So long as we persist in this inborn error... the world seems to us full of contradictions. For at every step, in things great and small, we are bound to experience that the world and life are certainly not arranged for the purpose of maintaining a happy existence...
Vol II "On the Road to Salvation" The World as Will and Representation (1819; 1844; 1859)
Theo Schopenhauer, chúng ta một mực tin rằng ta tồn tại để theo đuổi hạnh phúc và một ý nghĩa lớn lao nào đó, nhưng nếu xét kỹ hơn, thì tất cả chỉ là ảo tưởng. Góc nhìn này tương tự với cách một doomer đối diện với thế giới. Tiêu cực là thế nhưng cách nhìn nhận của ông lẫn nhân vật doomer không sai, đời đúng là bể khổ và cũng không tồn tại một ý nghĩa nào cả. Nhưng vấn đề không nằm ở đó mà nằm ở cách ta đối diện với sự thật này. 
Schopenhauer cho ta hai giải pháp, một là đắm chìm vào triết học và nghệ thuật, hai là tu hành. Tu hành tức là sự buông bỏ ham muốn vật chất lẫn tinh thần, cả bản năng lẫn tiềm thức. Ông cho rằng bằng cách ngưng tham muốn ta mới tìm được hạnh phúc ở thực tại (giống Đức Phật ha). Tuy nhiên chính bản thân ông cũng thấy việc này là gần như không thể, kể cả với những cá nhân thông thái nhất. Do đó chúng ta có giải pháp tiếp theo, là nghệ thuật. Qua thơ ca, nhạc kịch, tranh ảnh, văn học, … con người ta có thể chia sẻ nỗi thống khổ của họ với thế giới hay cùng đắm chìm vào chia sẻ của người khác, ta cảm thấy bớt bị cầm tù hơn. Qua việc chia sẻ, ta không cần phải đi tìm một ý nghĩa sâu xa nào khác, việc chia sẻ đó có thể cũng thành một ý nghĩa cho người khác, cũng như bản thân người chia sẻ. Cũng khá thú vị khi mà hình tượng meme doomer ngày càng phổ biến trên mạng xã hội (đặc biệt là 4chan) và nội dung liên quan cũng được hưởng ứng. Doomers đang thật sự chia sẻ nỗi đau của họ và biến nó thành một cái gì đó hài hước và có ý nghĩa.

Tiếp đến, ta có Friedrich Nietzsche, được biết đến nhiều qua nihilism.

Theo Nietzsche, một người phải vượt qua được nihilism để tự tạo cho mình một ý nghĩa. Tức một người cũng phải nhận thức rằng cuộc đời này vô nghĩa và đầy khổ đau, và con người luôn phải học cách vượt lên nó. Trong thế kỷ 19, Nietzsche nhận ra rằng các giá trị tôn giáo truyền thống không còn giúp con người vượt qua sự thống khổ của cuộc sống nữa, do đó nihilism là góc nhìn duy lý hợp lý nhất. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta sẽ vì thế mà từ bỏ tất cả. Chính sự vô nghĩa đó ép bản thân con người nhìn nhận lại bản thân họ và tự tạo cho họ một ý nghĩa riêng. Nietzsche cũng nhận thấy rằng tôn giáo, truyền thống và cá xã hội luôn cố hướng con người ta theo một lối đi nhất định. Ông viết :
The individual has always had to struggle to keep from being overwhelmed by the tribe. If you try it, you will be lonely often, and sometimes frightened. But no price is too high to pay for the privilege of owning yourself..
Áp lực từ việc phải tuân thủ theo những gì xã hội tin chưa bao giờ là nhỏ cả, chưa kể sự xa lánh và khó khăn nhưng với Nietzsche, quy phục nó càng tệ hơn. Vì thế con người phải vùng lên khỏi vũng lầy của cuộc đời thay vì để nó nuốt chửng, từ đó phải triển bản thân và ý nghĩa bên trong mỗi người.
One must still have chaos in oneself to be able to give birth to a dancing star. 

Bước sang thế kỷ 20, chúng ta có Albert Camus.

Và Camus cũng tương tự, trước cái cảnh nước Pháp bị tàn phá bởi chiến tranh thế giới lần thứ hai, giữa sự hỗn loạn của thế giới, Camus lên tiếng với absurdism (chủ nghĩa phi lý). Và nói một cách ngắn gọn, chủ nghĩa phi lý của Camus là về thế giới phi lý hỗn loạn bên ngoài và nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa bên trong của con người. Và vì cũng dựa trên một nền tảng rằng thế giới này vô nghĩa nên hai yếu tố trên xung đột với nhau. Vì con người cố tìm kiếm lục lọi một cách lí trí ở một khoảng không vô tận, vô nghĩa, vô tri. Như đã nhắc đến ở trên, Camus cũng coi các hình thức tôn giáo hay những cái “chung” là một coping mechanism trước sự phi lý này vì nó cung cấp con người một “ảo tưởng” về những việc họ làm là có ý nghĩa, là đang phục vụ một mục đích nào đó (chẳng hạn như làm việc tốt để lên thiên đường và hưởng thụ một cuộc sống ở thế giới khác). Nhưng buộc mình vào những hình thức đó cũng đồng nghĩa với kiềm hãm sự tự do cá nhân của mỗi người. Do đó Camus khuyên ta hãy đơn giản là chấp nhận sự phi lý đó, chấp nhận rằng cuộc sống chả có ý nghĩa vẹo gì cả, và vì nó không có một ý nghĩa cụ thể nào bó buộc con người, nên chúng ta thật sự được tự do. 
It was as if that great rush of anger had washed me clean, emptied me of hope, and, gazing up at the dark sky spangled with its signs and stars, for the first time, the first, I laid my heart open to the benign indifference of the universe. To feel it so like myself, indeed, so brotherly, made me realize that I’d been happy, and that I was happy still.
Meursault, L'Étranger, Albert Camus,
Như ông viết trong Le Mythe de Sisyphe, Sisyphus, một nhân vật giả tưởng trong thần thoại Hy Lạp phải chịu khổ sai lăn một hòn đá lên đỉnh núi để rồi nhìn nó lăn xuống một lần nữa, rồi một lần nữa. Theo Camus, Sisyphus hoàn toàn nhận thức được sự vô nghĩa của kiếp đọa đày anh đang phải gánh chịu nhưng anh chấp nhận điều đó và xem nó như ý nghĩa của mình và hài lòng lặp lại điều đó trong vĩnh hằng. Nghe “phi lý” đúng không? Nhưng bình thản chấp nhận sự thật đen tối của thế giới, nổi dậy trước nó bằng ý nghĩa của bản thân và không để sự vô nghĩa hủy diệt động lực sống của bản thân là điều Camus muốn nhắn nhủ.
One must imagine Sisyphus happy.
Le Mythe de Sisyphe, Albert Camus, 1942.
Và như thế, chúng ta bắt gặp một hình tượng mới, hình tượng Bloomer. Một nhân vật mà theo knowyourmeme, nhận thức được thực tại tàn khốc của cuộc sống nhưng vẫn hiểu rằng vẫn sẽ tồn tại một khả năng để chính anh ta tự dựng nên một ý nghĩa và rằng dù thực tại có tệ đến thế nào đi nữa, nó sẽ luôn đáng để anh ta thử làm gì đó. 
Nói tóm lại, cuộc sống này đúng như sự thật về nó, chả có một ý nghĩa nào cả và sự bùng nổ về thông tin trong những năm đầu thế kỷ 21 đã khiến ngày càng nhiều người nhận ra điều đó, và ta gọi họ là những doomer. Nhưng khái niệm doomer một cách nào đó đã tồn tại từ rất lâu, được khai thác bởi các triết gia thời kỳ trước và chính họ cũng đã tìm ra những coping mechanism riêng, không bó buộc vào một hệ thống hay đức tin nào từ trước. Với Nietzsche đó là "will to power", đó là động lực để ta vùng lên tạo ra ý nghĩa cho cuộc đời mình giữa bể khổ. Với Schopenhauer, đó là sự sẻ chia, là đắm mình vào nghệ thuật để cảm thông cho mình, cho người khác và cho sự khổ đau chung. Và với Camus, đó là sự chấp nhận, là ngưng tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa hơn mà hãy tìm nó trong chính đời sống thường nhật của mình. 
Và hãy nhớ, one must imagine Sisyphus happy. 
Nếu bạn đọc được đến đây thì cảm ơn bạn rất nhiều khi đã chịu khó tiêu hóa hết một bài essay 2240 từ phân tích tính triết học của một cái meme. Bài viết mình có dùng reference của video Who Is The Doomer? - Dealing With An Age Of Hopelessness, thuộc Pursuit of Wonder. 
Chúc một ngày tốt lành