“Tam quốc diễn nghĩa” có lẽ là một trong số ít những bộ tiểu thuyết mà đại đa số chúng ta đều biết đến. Câu chuyện về một thời kỳ loạn lạc trong lịch sử Trung Quốc với những trận đánh kinh điển, những nhân vật huyền thoại đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống tinh thần của nhiều độc giả. Nếu đã từng đọc, hoặc xem phim “Tam quốc diễn nghĩa”, chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ mãi không quên những chi tiết bất hủ như ba anh em Lưu Quan Trương kết nghĩa vườn đào, Chu Du hỏa thiêu Xích Bích, hay “Không thành kế” của Gia Cát Lượng. Không những thế, có những câu nói của các nhân vật trong “Tam quốc diễn nghĩa” cũng đã in sâu vào trí nhớ của nhiều thế hệ độc giả; nào là Tào Tháo với triết lý “Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”, hay tấm lòng trung thành “hết lòng tận tụy, đến chết mới thôi” của Gia Cát Lượng. Nói không ngoa, “Tam quốc diễn nghĩa” đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của vô số độc giả. Vậy cái hay của tác phẩm này nằm ở đâu mà có thể biến nó trở thành một trong “Tứ đại danh tác” của văn học Trung Quốc? Hành trình và tầm ảnh hưởng của tác phẩm này ở Việt Nam như thế nào? Bài viết này hy vọng có thể giải đáp được phần nào những câu hỏi ấy.
Artwork của game "Total War: Three Kingdoms"
Artwork của game "Total War: Three Kingdoms"

Đôi nét về "Tam quốc diễn nghĩa"

“Tam quốc diễn nghĩa”, như cách chúng ta hay gọi, có tên gốc là “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa”. Nó là một bộ tiểu thuyết dã sử của La Quán Trung, hoàn thành vào khoảng cuối thế kỷ 14. Nội dung của “Tam quốc” kể về một khoảng thời gian dài gần 100 năm trong lịch sử Trung Quốc. Mặc dù trên thực tế thì thời kỳ Tam quốc kéo dài 60 năm, kể từ khi Tào Phi phế Hán đế tự lập đến khi Tư Mã Viêm nhà Tấn diệt Ngô (từ năm 220 - 280); nhưng bộ tiểu thuyết của La Quán Trung còn kể về cả một quãng thời gian gần 40 năm loạn lạc từ cuối thời Đông Hán, khi khởi nghĩa Khăn Vàng nổ ra năm 184. Và mặc dù bám khá sát những sự kiện lớn trong lịch sử, nhưng rốt ráo lại thì đây vẫn là một bộ tiểu thuyết dã sử; cho nên La Quán Trung đã đưa vào đó không ít tình tiết do ông tự sáng tạo, hoặc viết khác so với chính sử. Bởi vậy nên người ta nói “Tam quốc diễn nghĩa” có bảy phần thực, ba phần hư là thế.
"Tam quốc diễn nghĩa" của đài CCTV, bắt đầu phát sóng năm 1994, được nhiều người coi là bản chuyển thể xuất sắc nhất
"Tam quốc diễn nghĩa" của đài CCTV, bắt đầu phát sóng năm 1994, được nhiều người coi là bản chuyển thể xuất sắc nhất
Giá trị văn học nghệ thuật của “Tam quốc diễn nghĩa” cực kỳ to lớn, và nó có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng; thậm chí đến mức danh tiếng át cả bộ chính sử “Tam quốc chí” nữa. “Tam quốc diễn nghĩa” từ lâu đã trở thành một phần trong đời sống của người dân Trung Quốc, và có lẽ của cả Việt Nam nữa. Những nhân vật, tích truyện của Tam quốc trở nên cực kỳ thân thuộc, ngay cả với những người có khi còn chưa từng đọc tiểu thuyết. Có cả những câu thành ngữ lấy từ các điển tích của Tam quốc đã trở thành câu cửa miệng của vô số người; ví dụ như “Nói Tào Tháo, Tào Tháo đến” hay “Ba gã thợ may cũng bằng Gia Cát Lượng”. “Tam quốc” được chuyển thể thành phim truyền hình, phim điện ảnh, hoạt hình, truyện tranh, game. Có vô số cuốn sách phân tích, bình luận, kiến giải các tình tiết Tam quốc được ra đời. Nói như vậy để thấy rằng người Trung Quốc xếp “Tam quốc diễn nghĩa” vào Tứ đại danh tác của họ không hề khó hiểu, bởi vì tầm vóc và tầm ảnh hưởng của bộ tiểu thuyết dã sử này quá to lớn.
Bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” ra đời là nhờ công lao của La Quán Trung; nhưng nói một cách chính xác thì những tích truyện về các nhân vật và sự kiện của Tam quốc đã tồn tại trong dân chúng từ nhiều thế kỷ trước đó. Trước La Quán Trung, từ lâu, truyện Tam quốc đã lưu hành rộng rãi trong dân gian. Nói một cách khác thì dân chúng đã sớm sáng tạo ra những nhân vật điển hình và các tích truyện về Tam quốc. Đến đầu thời Nguyên, các câu chuyện đã được thu thập thành một cốt truyện hoàn chỉnh có đầu có cuối, gọi là “Tam quốc chí bình thoại”. Các câu chuyện trong “Tam quốc chí bình thoại” là đề tài tham khảo để các nhà viết kịch thời Nguyên biên soạn nhiều vở kịch nổi tiếng dựa trên các tích truyện đó.
Một tranh minh họa tích kết nghĩa vườn đào
Một tranh minh họa tích kết nghĩa vườn đào
Nhờ vào lượng câu chuyện đồ sộ vốn có, cộng thêm việc tham khảo từ các ghi chép chính sử; La Quán Trung đã viết nên tác phẩm bất hủ của mình là “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa”.
Các chuyện kể Tam quốc vốn đã nổi tiếng và lan rộng trong dân chúng từ tận thời Lưỡng Tấn Nam Bắc Triều. Thậm chí “Tam quốc diễn nghĩa” cũng không phải bộ sách đầu tiên viết về thời kỳ này. Thế nhưng vì sao mà giờ đây nó lại trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất về Tam quốc? Nhờ đâu mà “Tam quốc diễn nghĩa” được tôn xưng là một đại danh tác của văn học Trung Quốc? Tất nhiên một phần không nhỏ là nhờ vào tài năng văn học của La Quán Trung, nhưng bên cạnh đó, cũng còn một vài lý do khách quan khác góp phần làm nên thành công vang dội của tác phẩm này.

Vì sao bộ tiểu thuyết này có thể trở thành một trong "Tứ đại danh tác"?

“Tam quốc diễn nghĩa” sở dĩ có thể nổi danh như vậy, trước nhất phải nhờ đến tài năng văn chương đáng nể của La Quán Trung. Đây là một bộ tiểu thuyết dựa trên một giai đoạn lịch sử hỗn loạn với hàng trăm nhân vật, sự kiện. Cái tài của La Quán Trung chính là việc ông đã sắp xếp lại tất cả thành một câu chuyện đồ sộ nhưng vẫn dễ hiểu, có đầu có cuối và rất cuốn hút. Khi viết “Tam quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung vừa lược bỏ những tình tiết quá ư hoang đường mê tín; vừa viết thêm chi tiết, làm nội dung truyện phong phú thêm nhiều, và quan trọng nhất chính là ông đã xây dựng nên những nét tính cách đặc trưng của các nhân vật chính. Hình tượng Tào Tháo gian hùng, Quan Vũ trung nghĩa, Trương Phi nóng nảy, Khổng Minh kiệt xuất,... phần lớn trở nên nổi tiếng và quen thuộc chính là nhờ La Quán Trung.
Thế nhưng trên tất cả, lý do mà “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung có thể nổi danh đến mức như vậy, chính là vì nó rất dễ đọc và dễ hiểu. Bản chất của “Tam quốc diễn nghĩa” là tiểu thuyết chương hồi, và đối tượng của thể loại này vốn là tầng lớp bình dân ít học, thậm chí đa phần không biết chữ. Thời xưa, số người biết chữ không nhiều, thường chỉ chiếm một phần nhỏ dân số. Chính vì vậy, những thể loại thơ ca văn học đòi hỏi trình độ nhất định mới có thể thưởng thức tất nhiên khó có thể lan truyền rộng rãi trong dân chúng. Bởi thế, cho nên văn xuôi viết theo lối bạch thoại (“bạch thoại” nghĩa đen là “lời nói rõ ràng”) dễ dàng được đại bộ phận người dân tiếp nhận và nhờ đó lan truyền rộng rãi. Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng lời văn của “Tam quốc diễn nghĩa” vừa dễ hiểu rõ ràng nhưng không vì thế mà đánh mất tính nghệ thuật. La Quán Trung sử dụng lối kể chuyện khéo léo, lời văn sinh động, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và miêu tả, khiến cho bức tranh thiên hạ thời Hán mạt của “Tam quốc diễn nghĩa” hiện lên cực kỳ sinh động.
Tranh minh họa tích Tào Tháo và Lưu Bị uống rượu luận anh hùng
Tranh minh họa tích Tào Tháo và Lưu Bị uống rượu luận anh hùng
Nguyên nhân mà “Tam quốc diễn nghĩa” nổi danh và được yêu thích nhiều đến như vậy, cố nhiên là bởi chính bản thân nó đã là một tác phẩm có giá trị lớn trong kho tàng văn học Trung Quốc. Thời nhà Thanh, khi chỉnh lý bộ “Tam quốc diễn nghĩa” gốc của La Quán Trung, Mao Tôn Cương đã ca ngợi bộ tiểu thuyết này là “đệ nhất tài tử thư”, nghĩa là “cuốn sách đệ nhất tài tử”; cho thấy tác phẩm được đánh giá cao như thế nào. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân chủ quan ấy, không thể không kể đến yếu tố khách quan của thời đại và xã hội cũng góp phần không nhỏ khiến cho “Tam quốc diễn nghĩa” có thể được phổ biến rộng rãi.
Chủ đề chính của tác phẩm là “nghĩa”, tức là về tư tưởng chính nghĩa của La Quán Trung, như có thể thấy ngay từ tiêu đề. La Quán Trung dùng cái nền lịch sử của Tam quốc để diễn giải về nghĩa, và đó là chủ đề chính xuyên suốt của tác phẩm. “Tam quốc diễn nghĩa” ngoài việc kể một câu chuyện hấp dẫn, còn lồng vào đó những bài học đạo đức và tư tưởng đúng với truyền thống văn hóa Trung Quốc. "Tam quốc diễn nghĩa" là một tác phẩm thể hiện khá rõ về thế giới quan, nhân sinh quan, quan niệm giá trị và quan niệm thẩm mỹ của văn hóa Trung Quốc. Các nhân vật trong “Tam quốc diễn nghĩa” chính là đại diện cho những nét tính cách và đạo đức tốt - xấu; dù cho hình tượng của họ có sai khác so với chính sử. Thế nhưng chính những đặc trưng tính cách đậm chất nghệ thuật và sinh động ấy, đã khiến dân chúng dễ dàng hiểu và tiếp nhận các nhân vật trong tác phẩm hơn. Vì vậy, cho nên “Tam quốc diễn nghĩa” mới có thể đi sâu vào lòng dân chúng và được yêu thích như vậy.
Quan trọng hơn cả, có lẽ chính là việc La Quán Trung viết “Tam quốc diễn nghĩa” với thiên hướng rất rõ ràng là “ủng Lưu phản Tào” và trung thành với nhà Hán. Xuyên suốt “Tam quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung luôn nêu cao tư tưởng trung nghĩa với nhà Hán. Khuynh hướng của La Quán Trung chính là nhận nhà Thục Hán của Lưu Bị làm chính thống, coi nhà Tào Ngụy và Đông Ngô là ngụy triều. Ngòi bút của ông khi mô tả các nhân vật của Thục Hán đều đậm màu sắc tích cực, toát lên chính khí lẫm liệt, xứng danh các trung thần nghĩa sĩ. Điều này vô hình chung lại phù hợp với tư tưởng của triều đình, thành ra “Tam quốc diễn nghĩa” lại được khuyến khích truyền bá hơn nữa. Khi mà tác phẩm vốn đã hay, lại phù hợp với tư tưởng của triều đình và cả tư tưởng của dân chúng nữa, muốn không nổi danh cũng khó.
Bản đồ Tam quốc
Bản đồ Tam quốc
Để hiểu vì sao “Tam quốc diễn nghĩa” lại được lòng triều đình - dù đó là triều Nguyên hay triều Minh; lại cần phải lật ngược trở lại từ thời Tống.
Các tích truyện Tam quốc vốn đã được lưu truyền trong dân gian từ lâu, như mình đã nói trong phần đầu. Ngay từ trong các câu chuyện, cơ hồ đã xây dựng những ấn tượng tốt đẹp về các nhân vật nhà Thục Hán, dù quan điểm về tính chính thống của các thời đại khác nhau. Thời Tống, khi việc kể chuyện Tam quốc đã trở nên phổ biến, có ghi chép rằng: "Những trẻ em trong xóm ngõ, thường xúm lại nghe kể truyện Tam quốc, thấy nói đến Lưu Bị thua thì cau mày không vui, có em khóc. Thấy kể Tào Tháo bại trận thì khoái chí reo mừng". Điều ấy cho thấy từ trước cả khi “Tam quốc diễn nghĩa” ra đời, cơ hồ dân chúng đã có sự yêu mến nhất định cho nhà Thục Hán, dù có thể coi quan điểm chính sử thời ấy xem nhà Tào Ngụy mới là chính thống (vì nhận ngôi vị từ nhà Hán, và nắm giữ Trung Nguyên; không như Thục Hán chỉ nắm được phần đất ở Tây Thục xa xôi). Thế nhưng sau khi nhà Tống bại trận trước nhà Kim, toàn bộ phần đất phía bắc bị mất và phải chạy về vùng Giang Nam; quan điểm chính thống của giới sĩ phu và triều đình cũng thay đổi. Nhà Thục Hán được tôn lên làm chính thống, và quan điểm này được ủng hộ rộng rãi. Thậm chí cho đến cả khi Nguyên diệt Tống, quan điểm này không yếu đi mà còn mạnh mẽ hơn nữa. Nhà Nguyên muốn dân chúng tôn thờ sự trung nghĩa với triều đình, cho nên cũng ra sức đề cao nhiều hơn các nhân vật nổi tiếng về điều ấy. Ví dụ như Quan Vũ với lòng trung thành không đổi với Lưu Bị và nhà Hán, nên rất được triều đình đề cao. Điều này cộng với tư tưởng yêu - ghét vốn có của dân chúng với các phe phái thời Tam quốc, đã khiến cho tác phẩm của La Quán Trung được đón nhận nhiệt liệt, khi nó phù hợp cả với chủ trương triều đình lẫn tình cảm của dân thường. Đến hai đời Minh - Thanh, tác phẩm tiếp tục được đề cao và vị thế được củng cố hơn nữa, cũng vì những lý do như vậy.
Với tất cả những lý do trên, thật sự không khó hiểu khi “Tam quốc diễn nghĩa” có thể trường tồn với thời gian và được liệt vào hàng một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc.

"Tam quốc diễn nghĩa" ở Việt Nam

“Tam quốc diễn nghĩa” được mến mộ ở Trung Quốc, cố nhiên không phải điều bất ngờ. Nhưng hẳn nhiên mọi người cũng đều đã biết, tầm ảnh hưởng của bộ tiểu thuyết này còn lan ra cả nhiều nước khác, đặc biệt là các nước đồng văn như Hàn Quốc, Nhật Bản, và cả Việt Nam. Tầm ảnh hưởng của “Tam quốc diễn nghĩa” ở Việt Nam thật sự cũng không hề kém cạnh chút nào, khi số lượng người biết đến và yêu thích tác phẩm này chẳng hề ít.
Với nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc, các điển tích và nhân vật Tam quốc vốn từ lâu đã được người Việt Nam biết đến. Tuy rằng chúng ta không thể biết được các câu chuyện về Tam quốc xuất hiện ở nước ta từ bao giờ, nhưng chắc chắn từ trước khi tác phẩm này được dịch và xuất bản, thì những người đọc sách đã biết đến “Tam quốc” rồi. Nhìn lại nền văn học Việt Nam trong lịch sử, ta sẽ thoáng thấy bóng dáng của các nhân vật và điển tích Tam quốc.
Danh tướng Phạm Ngũ Lão thời Trần là người văn võ song toàn, và ông có để lại bài thơ nổi tiếng “Thuật hoài”, trong đó có hai câu:
“Nam nhi vị liễu công danh trái, Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.” “Công danh nam tử còn vương nợ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.” “Vũ hầu” ở đây tức là Trung Vũ hầu Gia Cát Lượng - thừa tướng nhà Thục Hán, và có lẽ là nhân vật nổi tiếng nhất Tam quốc.
Một tranh minh họa Gia Cát Lượng
Một tranh minh họa Gia Cát Lượng
Hay như trong “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu cũng có câu “Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay” nhắc đến trận Xích Bích nổi tiếng trong Tam quốc. Cần phải nhớ rằng ở thời Trần, “Tam quốc diễn nghĩa” hoàn toàn chưa xuất hiện. Thế nhưng các điển tích về thời kỳ này vốn đã lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc, vậy nên một nền văn hóa có nhiều nét tương đồng như Việt Nam tiếp thu, thì cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trong một số tác phẩm sau này như “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, hay các bài thơ “Đồng Tước đài”, “Chu Lang mộ” của Nguyễn Du; cũng xuất hiện những nhân vật và điển tích Tam quốc. Bởi vậy, có thể nói rằng mặc dù dấu ấn của Tam quốc trong lịch sử Việt Nam không được rõ nét như Trung Quốc, nhưng cũng không phải là không có.
Còn nếu như xét về ảnh hưởng của Tam quốc, hay cụ thể hơn là bộ “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung với đại đa số người Việt Nam, thì tính ra cũng mới chỉ hơn trăm năm có lẻ; kể từ lúc nó bắt đầu được dịch ra chữ quốc ngữ. Hành trình của “Tam quốc diễn nghĩa” ở Việt Nam kể ra cũng khá thú vị và có nét đặc biệt, bởi có thể nói nó song hành cùng luôn với sự phát triển của chữ quốc ngữ. Mặt khác, do những điều kiện lịch sử đặc thù của Việt Nam; nên cũng có thể nói là quá trình dịch và xuất bản “Tam quốc diễn nghĩa” đã phần nào phản ánh những cột mốc lịch sử và những thăng trầm trong vận mệnh đất nước và lịch sử xuất bản ở nước ta.
Theo học giả Vương Hồng Sển có viết trong “Thú chơi sách” thì truyện Tam quốc xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1905, do cụ Lương Khắc Ninh dịch và đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm, một trong những tờ báo sớm nhất của báo chí quốc ngữ. Tuy nhiên, thông tin này chỉ đúng một phần, vì ngay trong số đầu tiên của báo ra ngay 1/8/1901, đã xuất hiện kỳ đầu tiên của “Tam quốc diễn nghĩa” dưới tên gọi “Tam quốc chí tục dịch”. Như vậy, “Tam quốc diễn nghĩa” thực chất đã bắt đầu được đăng theo dạng truyện dài kỳ trên báo ở Việt Nam từ tận năm 1901. Thế nhưng “Tam quốc diễn nghĩa” được xuất bản thành dạng sách bắt đầu từ khi nào?
Bản “Tam quốc diễn nghĩa” đầu tiên được xuất bản thành sách ra đời năm 1907, do Nhà xuất bản Imprimerie de L’Opinion tại Sài Gòn, với người dịch là ông Nguyễn Liên Phong và người bỏ tiền xuất bản là ông Đinh Thái Sơn.
Bản “Tam quốc diễn nghĩa” mà có lẽ nhiều người quen thuộc nhất do cụ Phan Kế Bính dịch thì được in năm 1909, do Nhà xuất bản Imprimerie-Express tại Hà Nội xuất bản. Đây cũng là bản dịch có cả những lời bình của Mao Tôn Cương và cả lời bình của người dịch. Thậm chí có cả những đoạn cụ Phan Kế Bính cho thêm vào (nhưng có chú thích rõ).
Một trong những ấn bản "Tam quốc diễn nghĩa" hiện có tại Việt Nam
Một trong những ấn bản "Tam quốc diễn nghĩa" hiện có tại Việt Nam
Kể từ khi được dịch và xuất bản, “Tam quốc diễn nghĩa” đã được đông đảo người đọc yêu mến, dẫn đến việc nhiều nhà xuất bản cũng tham gia vào việc xuất bản bộ tiểu thuyết này. Cũng vì thế, nhiều phiên bản khác nhau của nhiều nhà xuất bản ở cả trong nam lẫn ngoài bắc ra đời, mỗi bản lại có nét độc đáo riêng. Sau năm 1954, khi đất nước bị chia cắt, việc xuất bản “Tam quốc diễn nghĩa” ở hai miền cũng có nhiều nét khác biệt. Ở miền Bắc, mãi cho đến sau khi thống nhất, chỉ có duy nhất một lần “Tam quốc diễn nghĩa” được xuất bản. Đó chính là bản do Nhà xuất bản Phổ thông phát hành năm 1959, dùng bản dịch của cụ Phan Kế Bính và được cụ Phó bảng Bùi Kỷ hiệu đính, chia làm 13 tập. Cho đến giờ đây vẫn là bản nổi tiếng nhất và thường xuyên được tái bản. Đây cũng là bản “Tam quốc diễn nghĩa” đầu tiên có bài từ mở đầu truyện do cụ Bùi Kỷ dịch, mà có lẽ những người yêu thích đã thuộc nằm lòng mấy câu đầu tiên rồi:
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông Sóng dập dồn đãi hết anh hùng Được, thua, phải, trái thoắt thành không…
Trong khi đó ở miền Nam, việc xuất bản “Tam quốc diễn nghĩa” được tiến hành thường xuyên hơn. Ngay từ đầu thập niên 1960 đã xuất hiện một bản dịch cũng nổi tiếng không kém là bản của Tử Vi Lang dịch, chia làm 8 tập. Bản này về sau cũng được tái bản lại nhiều lần. Năm 1963 xuất hiện thêm một bản dịch khác của Lý Minh Thắng, chia làm 2 tập. Đến năm 1966 có thêm bản dịch của Mộng Bình Sơn, nhưng chỉ in thành duy nhất 1 tập. Ngoài ra, còn 1 bản khác được đặt tên là “Tam quốc chí toàn truyện”, chia làm 2 cuốn và được dịch bởi Đào Hoa Nguyên; nhưng không rõ năm xuất bản. Từ đó đến khi thống nhất, hầu như các bản “Tam quốc diễn nghĩa” chỉ là tái bản, không có thêm bản dịch nào khác nữa.
Sau khi thống nhất đất nước, phải mãi đến năm 1987, “Tam quốc diễn nghĩa” mới lại xuất hiện trở lại trong đời sống văn học Việt Nam. Đó là bản in của Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, sử dụng bản năm 1959 do Phan Kế Bính dịch và Bùi Kỷ hiệu đính, kèm theo bản đồ và bảng đối chiếu địa danh xưa và nay. Đây là cột mốc quan trọng trong quá trình xuất bản “Tam quốc diễn nghĩa” ở Việt Nam; vì nó mở đầu cho việc giới thiệu bộ tiểu thuyết này một cách đều đặn và rộng rãi hơn. Kể từ đó, đã có thêm rất nhiều lần tác phẩm được in bởi nhiều nhà xuất bản với các ấn bản khác nhau, ngày càng đa dạng và đặc sắc. Đồng thời, những phiên bản “Tam quốc diễn nghĩa” theo dạng truyện tranh cũng bắt đầu xuất hiện để hướng tới nhiều đối tượng độc giả hơn. Thế nhưng, điều thú vị là dù có tái bản hay in thành dạng ấn phẩm nào đi chăng nữa, thì đa phần các nhà xuất bản đều thường sử dụng bản dịch của Phan Kế Bính và Bùi Kỷ hiệu đính, hoặc ít thấy hơn là bản dịch của Tử Vi Lang; cho thấy chất lượng của những bản dịch này.
Một ấn bản khác, cũng sử dụng bản dịch Phan Kế Binh, chia làm 13 tập giống bản in năm 1959
Một ấn bản khác, cũng sử dụng bản dịch Phan Kế Binh, chia làm 13 tập giống bản in năm 1959
Một điều đáng nói nữa là ngay từ khi xuất hiện ở Việt Nam, bộ truyện này còn kéo theo hàng loạt các ấn phẩm liên quan hoặc những cuốn sách khảo cứu, bình giảng về “Tam quốc diễn nghĩa”. Những tác phẩm liên quan như “Hậu Tam quốc” hay “Tam quốc ngoại truyện” cũng được dịch và xuất bản. Loạt sách khảo cứu và bình Tam quốc cũng liên tục được dịch và xuất bản, có cả những cuốn do chính người Việt viết ra nữa; đã khiến cho bản thân tác phẩm càng nổi tiếng, và giúp những người yêu thích “Tam quốc diễn nghĩa” có thêm những góc nhìn về bộ tiểu thuyết bất hủ này.
Thực sự có thể nói hiếm có một tác phẩm văn học nào lại được đông đảo độc giả Việt Nam biết đến và yêu thích như “Tam quốc diễn nghĩa”. Việc xuất bản tác phẩm này ở nước ta kể ra đã có lịch sử hơn trăm năm, nhưng cũng đủ để khiến nó trở thành một thứ quen thuộc với đại chúng. Tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” có thể tìm thấy ở đa số hiệu sách trên toàn quốc, và liên tục được tái bản với nhiều kích cỡ, phiên bản khác nhau. Trên các kênh truyền hình, thi thoảng chúng ta vẫn thấy chiếu lại phim truyền hình “Tam quốc diễn nghĩa” bản 1994 hoặc 2010. Từ thời forum còn thịnh hành cho đến hiện giờ là Facebook, những topic bàn luận và phân tích về các nhân vật, tình tiết trong “Tam quốc diễn nghĩa” luôn luôn thu hút nhiều người theo dõi. Trong những cuộc trà dư tửu hậu bên bàn trá đá hoặc quán cafe, “Tam quốc” cũng là một chủ đề hay xuất hiện.
Một trong số vô vàn những topic liên quan đến "Tam quốc diễn nghĩa" mà bạn có thể tìm được trên các diễn đàn online - dù là forum hay mạng xã hội
Một trong số vô vàn những topic liên quan đến "Tam quốc diễn nghĩa" mà bạn có thể tìm được trên các diễn đàn online - dù là forum hay mạng xã hội
“Tam quốc diễn nghĩa” được yêu thích như thế ở Việt Nam, trước hết vẫn phải nói là nhờ vào việc bản thân nó vốn là một bộ tiểu thuyết dã sử rất hay. Câu chuyện của “Tam quốc diễn nghĩa” kéo dài gần trăm năm, với vô vàn nhân vật thú vị, với những mưu kế thâm sâu và các trận đánh, chiến dịch cuốn hút. Riêng những khía cạnh này thôi cũng đủ để đông đảo độc giả yêu mến bộ tiểu thuyết này rồi. Thế nhưng bên cạnh đó, một điều thú vị là bởi vì La Quán Trung xây dựng các tình tiết trong truyện có chiều sâu, nhiều lớp ý nghĩa, cho nên từ đó có thể luận giải ra nhiều thứ. Chính yếu tố này đã khiến chúng ta thích “Tam quốc”. Từ một câu chuyện có thể luận ra đủ thứ trên đời, từ một chi tiết nhỏ trong truyện, cũng có thể phân tích ra những ý nghĩa thâm sâu nhường nào. Chắc chắn ai cũng đã từng đôi ba lần lướt qua một bài viết trên Facebook hoặc một trang báo mạng nào đó liên quan tới Tam quốc. Những tấm hình ghép ảnh một nhân vật nào đó trong Tam quốc kèm với một câu nói của người đó (thường là lấy từ Tam quốc diễn nghĩa) đã không còn lạ. Những bài viết kiểu như “Những bài học rút ra từ Tam quốc”, hay “Lý do đằng sau sự thất bại của Quan Vũ”, vân vân, vốn đã không còn lạ lẫm gì. Đi xa hơn nữa, ta có thể thấy cả những bài viết phân tích Tam quốc rồi luận từ đó ra những triết lý “rất đời”; rồi thậm chí có khi cũng luận ra cả… “đạo kinh doanh”, “quy tắc làm chủ” từ Tam quốc nữa. Nói vậy để thấy các nội dung ăn theo “Tam quốc diễn nghĩa” nhiều vô kể và muôn hình vạn trạng. Lẽ dĩ nhiên, những nội dung này không phải cái nào cũng có giá trị, nhưng đủ thấy được người Việt Nam quan tâm tới chủ đề này như thế nào.
Nhìn chung, có thể thấy rằng lý do mà người Việt Nam chúng ta cũng yêu thích “Tam quốc diễn nghĩa” không kém gì người Trung Quốc, thực ra cũng dễ hiểu. Tự bản thân đây đã là một tác phẩm văn học có giá trị lớn, với câu chuyện hấp dẫn, các nhân vật đáng nhớ, cho nên người đọc thấy hay là điều tất nhiên. Hơn nữa, “Tam quốc diễn nghĩa” còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa và tư tưởng của La Quán Trung, là một bức tranh muôn màu muôn trạng về xã hội Trung Quốc - một nền văn hóa mà Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra thế giới và con người của “Tam quốc diễn nghĩa” nhờ sự tương đồng trong văn hóa giữa hai nước. Chính bởi lẽ đó, “Tam quốc diễn nghĩa” mới có thể bén rễ và trở thành một phần trong đời sống của chúng ta như hiện tại.

Kết

“Tam quốc diễn nghĩa” là một bộ tiểu thuyết dã sử kinh điển, đã đi vào lòng người đọc trong hàng trăm năm. Thông qua bộ truyện, chúng ta có thể cảm nhận được phần nào hơi thở của một thời đại loạn lạc, cảm nhận được cái “nghĩa” của những nhân vật và nhân sinh quan cũng như tư tưởng của người dân Trung Quốc. Ít có bộ tiểu thuyết nào lại được nhiều người mến mộ đến như vậy. Giá trị văn học nghệ thuật mà “Tam quốc diễn nghĩa” đem lại quả thực to lớn và đáng nể, đúng như đánh giá của Mao Tôn Cương, rằng đây đích xác là “đệ nhất tài tử thư”, xứng đáng là một trong “Tứ đại danh tác” của văn học Trung Quốc.