Nếu là mọt sách, chắc cũng đã đôi lần bạn gặp phải những tác phẩm mà đọc xong đến cả tuần sau cũng chưa muốn cầm cuốn tiếp theo lên, vì sự ám ảnh và những cảm xúc mãnh liệt còn đọng lại. NMTRR là một tác phẩm như vậy - đẹp một vẻ đẹp thật buồn, thật nghiệt ngã, đau thương, nhưng lại rực rỡ như ngàn mặt trời bởi sức sống của hy vọng, sự gắn kết của tình yêu thương giữa bom đạn chiến tranh, và bởi nghị lực mạnh mẽ đến khó tin của những người phụ nữ mà có lẽ dùng từ bất hạnh là không đủ để nói về họ.

Đây không phải một cái review, cũng chẳng phải bài giới thiệu sách, chỉ là một vài ghi chú cứ tuôn ra không dừng được mà thôi...


NMTRR là câu chuyện về hai người phụ nữ, Mariam và Laila.

Mariam


Sinh ra là đứa con không được chính thức thừa nhận của Jalil - một người đàn ông nổi tiếng giàu có mà yếu đuối bạc nhược, dù đã có 3 bà vợ, 9 đứa con nhưng vẫn chẳng thể kiểm soát nổi dục vọng của mình, và Nana - cô hầu gái trong gia đình Jalil. Có lẽ định mệnh đã sớm viết lên hai chữ “đau khổ” cho cuộc đời của Mariam. 15 năm đầu đời là những tháng ngày sống cô đơn cùng mẹ trong túp lều ở một nơi hẻo lánh, xa xôi tách biệt với cộng đồng, và chỉ được gặp cha một lần trong tuần.
Đến lúc Jalil phải về, Mariam luôn luôn đứng ở cửa dõi theo khi ông rời khu đất trống, ỉu xìu khi nghĩ tới một tuần sừng sững phía trước như một chướng ngại vật khổng lồ không thể dịch chuyển, chắn giữa cô và lần thăm tới của bố. Mariam luôn luôn nín thở khi nhìn bố ra về. Cô bé nín thở và trong đầu đếm từng giây. Cô tự nhủ rằng cứ mỗi giây cô nhịn thở là Thượng đế sẽ ban cho cô thêm một ngày nữa được ở bên bố Jalil.
Ngày sinh nhật lần thứ 15, Jalil hứa suông với Mariam sẽ đến và đưa cô đi xem phim trong rạp phim của ông và cho cô ăn chiếc kem đầu tiên trong đời. Mariam cả ngày hôm ấy cứ hồi hộp chờ đợi, khấp khởi hy vọng, diện chiếc váy đẹp nhất và cố gắng làm sao để cha cô có thể tự hào. Những cảm xúc thơ ngây đầy hy vọng ấy của một đứa trẻ chưa nhận định được vị trí của mình, chả hiểu sao lại có thể khiến tôi đau đến vậy. Có gì sai trong cái mong ước giản dị ấy của Mariam? Nhưng với sự hèn nhát của mình, Jalil đã không bao giờ xuất hiện. Để cuối cùng chính Mariam đã lần đầu tiên bước vào thành phố và tìm đến nhà cha mình. Và kết quả - dù thất vọng - nhưng nó phải thế, là người cha hèn nhát không dám mở cửa chào đón cô, để cô ngủ ngoài đường trong đêm sinh nhật lần thứ 15. Sáng hôm sau, người đánh xe của Jalil đưa Mariam về, chỉ để biết rằng mẹ của cô đã treo cổ tự tử vì cô - sợi dây duy nhất níu kéo bà trên đời - cũng đã bỏ bà mà đi.
Mất mẹ, không còn cách nào khác, Jalil phải đón Mariam về nhà. Nhưng ngay lập tức, mấy bà vợ Jalil ép gả cô cho Rasheed, người mà họ nói là: “Anh ta thì lớn tuổi hơn cháu một chút. Nhưng anh ta không thể nhiều hơn... bốn mươi. Cùng lắm là bốn mươi lăm". Vậy là Mariam theo chồng chuyển về Kabul.
Cũng như những người phụ nữ khác, Mariam dần chấp nhận số phận của mình. Thậm chí cô còn hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp với Rasheed, nếu như cô có thể có con. Nhưng ông trời lại một lần nữa đày đọa cô, khi cô sảy thai hết lần này đến lần khác.
Và những trận đòn roi, những hình thức tra tấn của người chồng bắt đầu, rồi ngày càng tăng, ngày càng khốc liệt.
Ông ta giằng lay bàn tay cô, mở nó ra và thả vào đấy một nắm sỏi.
“Bỏ hết vào mồm!”
“Gì cơ?”
“Bỏ. Hết. Vào mồm.”
“Đừng làm thế, Rasheed, em...”
Hai bàn tay bạo liệt của ông ta siết chặt hàm cô. Ông ta thô bạo chọc hai ngón tay vào miệng cô và cậy cho nó mở ra, sau đó nhét những viên sỏi cứng, lạnh ngắt vào trong. Mariam vùng vẫy phản kháng, bụm miệng lại, nhưng ông ta vẫn ấn những viên sỏi vào, cái môi trên của ông ta cong lên khinh bỉ.
“Bây giờ thì nhai đi,” ông ta nói.
Từ trong cái miệng đã đầy đá vụn và sỏi, Mariam lầm bầm một tiếng van xin. Nước mắt trào ra từ hai khóe mắt cô.
“NHAI!” ông ta gầm lên. Luồng hơi thở ám mùi khói của ông ta đập vào mặt cô.
Mariam nhai. Có gì đó trong hàm cô vỡ ra.
“Tốt,” Rasheed nói. Hai má ông ta giật giật. “Bây giờ thì cô biết cơm cô nấu ăn như thế nào rồi đấy. Bây giờ thì cô đã biết cô mang lại cho tôi cái gì trong cuộc hôn nhân này rồi đấy. Thức ăn dở và không gì khác.”
Sau đó ông ta đi, để Mariam lại đó, nhổ ra khỏi miệng đá cuội, máu, và những mảnh vỡ của hai chiếc răng hàm.

Laila



Khác với Mariam, những năm tháng đầu đời của Laila thật đẹp. Em có cả ba mẹ yêu thương em, có cậu bạn thanh mai trúc mã Tariq mà em yêu mến, có những cô bạn thân mỗi ngày cùng em cắp sách tới trường. Những hình ảnh về một đất nước Afghanistan khác, khác rất nhiều so với những gì ta thường được nghe trên báo đài. Vì nó đã từng có một thời thanh bình như thế.
Nhưng chiến tranh gần như đã lấy đi của Laila tất cả. Gia đình Tariq li tán. Cô bạn thân bị bom dội nát thân thể, mấy ngày sau người ta mới tìm thấy chân cô còn đeo tất trên mái nhà. Rồi cuối cùng, một quả rocket tàn nhẫn bắn vào nhà em, quăng em lên trời đập mạnh vào tường, giữ lại cho em mạng sống, chỉ để em nhìn thấy phần thân dưới của cha em văng đến cạnh mình.

Người cứu em, là Rasheed.

Và em trở thành vợ ông ta
...

Định mệnh gắn kết hai người đàn bà ấy trong một ngôi nhà. Đầu tiên bằng sự thương cảm - khi Mariam chứng kiến thảm kịch của gia đình Laila, và bắt đầu cưu mang chăm sóc em trong ngôi nhà của mình. Rồi nó chuyển thành sự lạnh nhạt căm thù của chính Mariam khi Laila cướp đi Rasheed, khiến ông ruồng bỏ cô, coi cô không bằng một con vật, chỉ để sai bảo và đánh đập. Nhưng cũng chính Laila, với những gì em học được từ sự giáo dục của gia đình và trường lớp, là người bênh vực Mariam, không cho Rasheed đánh đập cô.
Để những lời dàn hòa của Mariam với Laila như thấm đẫm nước mắt:
“Vào cái đêm đó, khi ông ta... Trước đây chưa từng có ai đứng ra bảo vệ tôi” - Mariam nói.
Và rồi hai người đàn bà kể cho nhau nghe chuyện đời họ, rồi đồng cảm, rồi dần dần dựa vào nhau để cùng chịu đựng đau khổ, để sống mà che chở cho hai đứa con của Laila, Aziza và Zalmai.

Taliban và đặc quyền của đàn ông


Chiến tranh không phải là thảm họa cuối cùng trong cuộc đời hai người phụ nữ ấy. Sau khi quân Xô Viết rút lui, đến cuộc chiến dai dẳng của những lực lượng hồi giáo 'anh em' không tìm được tiếng nói chung, rồi mảnh đất Kabul cũng tìm lại được hòa bình nhờ những chiến binh hồi giáo Taliban. Hết bom đạn, những tưởng hòa bình sẽ mang ánh nắng trở lại, nhưng ngờ đâu cuộc đời Mariam và Laila thậm chí còn chìm sâu hơn vào tăm tối không lối thoát. Chế độ hồi giáo cực đoan như bức tường nhà tù đen đặc phủ kín, không cho một chút ánh sáng le lói nào chiếu xuống cuộc đời của những người phụ nữ nơi đây:
Phụ nữ cần phải chú ý:
Luôn luôn ở trong nhà. Không được đi lang thang không có mục đích ở trên đường. Nếu đi ra ngoài, phải đi cùng một mahram - một nam giới có quan hệ họ hàng. Nếu bị bắt gặp đi một mình trên phố sẽ bị đánh đòn và bắt đưa về nhà.
Trong bất kỳ trường hợp nào phụ nữ đều không được để lộ khuôn mặt của mình. Phải mặc burqa khi đi ra ngoài. Nếu không sẽ bị đánh thật nặng.
Không được trang điểm.
Không được đeo nữ trang.
Không được mặc quần áo diêm dúa.
Không được nói nếu người khác chưa nói với mình.
Không được nhìn vào mắt đàn ông.
Không được cười ở nơi công cộng. Nếu không sẽ bị đánh đòn.
Không được sơn móng tay. Nếu không sẽ bị chặt ngón tay.
Nghiêm cấm trẻ em gái đến trường. Tất cả trường học dành cho con gái sẽ bị đóng cửa ngay lập tức.
Nghiêm cấm phụ nữ đi làm.
Nếu bị bắt gặp ngoại tình sẽ bị ném đá cho đến chết.
Và chắc không sai khi nói rằng chính chế độ ấy đã tạo ra những thằng đàn ông đốn mạt thẳng tay đàn áp đánh đập phụ nữ như Rasheed, hay những tay lính lấy ăng ten tivi mà vụt vào đùi vào thân thể những người đàn bà dám ra đường một mình đến tóe máu. 
Có lẽ ít ai nhận thấy sự thay đổi của Rasheed trong cách đối xử với hai người vợ: nếu như khi lấy Mariam, ông vẫn là một người đàn ông đứng tuổi biết cách cư xử, ít nhất là đợi đến 1 tuần khi Mariam bắt đầu quen với nơi ở mới và cũng có phần nguôi ngoai, mới bắt đầu yêu cầu cô thực hiện những nghĩa vụ của một người vợ, rồi đưa cô đi chơi, rồi chăm sóc cô khi cô có thai lần đầu; thì sau đó, việc Mariam cứ liên tục sảy thai, rồi chiến tranh, rồi chế độ hồi giáo cực đoan là đỉnh điểm, đã biến ông thành một con quỷ chỉ biết thẳng tay đánh đập vợ mình.

Nhưng, sau tất cả, chỉ có cách sống là điều duy nhất có ý nghĩa trong cuộc đời


Điều đẹp nhất trong hoàn cảnh đau thương, nghiệt ngã và tăm tối của NMTRR là sự lựa chọn cách sống của nhân vật.
Với Mariam: bà cuối cùng đã chọn cách giết chết Rasheed để bảo vệ Laila, rồi chính bà chọn nhận tội để Laila và các con có một cơ hội ra đi và làm lại cuộc đời.
Đây là kết thúc chính đáng của một cuộc sống được bắt đầu bằng những điều không chính đáng
Với Tariq: sau nhiều năm bôn ba, đói khổ, tù tội, khi mới có một cuộc sống tạm gọi là yên ổn, anh đã chọn quay trở lại tìm Laila - vì lời hứa lúc xưa, bất chấp những hiểm họa nơi quê nhà. 
Nhưng đặc biệt nhất là Laila: sau tất cả những đau thương đã phải chịu đựng ở mảnh đất ấy, Laila đã quyết tâm gạt đi sự bình yên với gia đình nhỏ của mình nơi xứ người để trở về và xây dựng lại quê hương.
Để

Trên các bậu cửa sổ, Laila nhìn thấy những bông hoa được trồng trong vỏ đạn rocket của lực lượng Chiến binh Hồi giáo - những bông hoa rocket - người Kabul gọi chúng như vậy.


P.s. Đọc trên Goodreads có khá nhiều bạn phê bình Hosseini vì những nhân vật của ông quá bình thường, mờ nhạt, và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật thì cũng chỉ dừng ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao với bản thân mình, tôi lại thấy đặc biệt ấn tượng với sự giản dị ấy trong NMTRR. Có lẽ, khi hoàn cảnh bên ngoài tự nó đã đến mức ấy rồi, thì chính những người, những điều bình thường nhất lại trở nên thật đẹp, thật lay động lòng người.

A Dreamer