Sáng chủ nhật, mình lò dò bước lại bếp, nấu một bát miến. Ở quê mình gọi là miến, ngoài này gọi là mì gạo. Mình thái rau cắt thịt cho vào bát. Tự dưng nước mắt cứ chảy. Mình nhớ những bữa trưa xin mẹ xuống nhà ông bà ngoại ăn cơm để chiều học sớm. Ông bà làm ruộng, chẳng có nhiều tiền. Nhưng bữa cơm có mình, lúc nào bà cũng làm bát miến gạo nấu thịt. Bà đập vài củ hành tăm phi với thìa mỡ lợn cất trong cái hũ sành treo góc bếp, rồi xào với thịt băm, cho chút mộc nhĩ. Miến bà nấu lúc nào cũng vàng ươm màu nghệ. Vậy mà bà đi cũng được hơn năm rồi.
Mình nhớ bà, tự dưng muốn tìm Tuổi thơ im lặng để đọc. Chẳng biết tại sao nữa, chắc những câu, những chữ ấy cứ kéo mình lại về quá khứ. Kéo về những buổi trưa chị em mình thơ thẩn nhặt hoa bưởi sau vườn, túm tụm dưới gốc vải, ra sức giật mấy quả còn xanh lè, chua loét nhét đầy mồm rồi cười rinh rích. Ông cầm que mây ra rượt cả lũ chạy té khói, ông trêu thế thôi, ông bảo để chín cho ăn, chứ ông hiền lắm chẳng đánh con đánh cháu bao giờ.
Tuổi thơ im lặng là những mẩu chuyện nho nhỏ của Duy Khán viết cho đến khi ông 15 tuổi lên đường nhập ngũ. 

Tuổi thơ im lặng có "Lao xao", có câu chuyện về bao nhiêu loài chim. Mình vẫn còn nhớ như in, cảm giác đọc đoạn trích này trong sách giáo khoa. Cái cảm giác thích thú, kì diệu như bước chân vào một thế giới xanh mướt, sống động đến không ngờ. "Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú lại là chú bồ các..."  Chẳng hiểu thế nào mà chúng cứ có họ hàng với nhau. Mà người ta tài thật, mỗi con chim lại còn có cả một câu chuyện, một sự tích ở sau đó. 
Khi con bìm bịp kêu "bịp bịp" tức là đã thổng buổi. Nghe đâu trước đây có một ông sư dữ như hổ mang. Lúc ông ta chết, giời bắt ông ta hóa thân làm con bìm bịp. Ông ta phải tự nhận là bịp, mở miệng ra là "bịp bịp". Giời khoác cho nó bộ cánh nâu, suốt đêm ngày rúc trong bụi cây. Khi nó kêu thì một loạt chim ác, chim xấu mới ra mặt. ít khi chúng ra mặt vào buổi sớm.
Con chim mà như con người, nó cũng có cả cuộc đời. Có còn hiền, có con lắm lời, có con khôn đến quắt cả người lại.  
Rồi những món quà của thầy sau mỗi đợt đi cắt tóc xa, của u mỗi buổi chợ về...
 Mở hòm dụng cụ ra là cả một thế gian trên đất: Con sập sành, con muỗm, con bọ bầu to xụ, mốc thếch, ngó ngoáy. Hấp dẫn nhất là những con dế đạp lạo xạo trong các vỏ bao diêm: toàn dế đực, cánh xoăn, chọi nhau phải biết và gáy vang nhà. Bố gọi chung các loại dế biết gáy là "tắc tẩu". Chúng tôi gọi riêng từng loại: con "róc", con "théc'', loại bé  22 nhất là "kéc"... theo tiếng kêu của chúng mà gọi.
Niềm vui con trẻ đơn giản vậy, nhưng nó lại là cả một bầu trời. Những thức be bé ấy thôi, mà chúng mình cũng từng như thế. Từ lúc bà quẩy cái thúng rau ra chợ, mấy đứa đã ngóng bà về. Cho đến khi thấp thoáng thấy bóng bà còng còng đi đến cổng, là thi nhau ùa ra. Hôm thì có miếng dưa hấu, hôm thì quất hồng bì. Có hôm cái răng đang lung lay gửi luôn vào miếng bánh rán :))
Tuổi thơ im lặng có gia đình, có bà, có thầy u, có anh Thả anh Thư, có em Bảng, em Tịch. 
Bà tôi có học hành gì đâu, một chữ cắn đôi không biết. Bà lặng lẽ; cứ tưởng bà không biết gì. Bà thuộc như cháo hàng trăm hàng nghìn câu ca. Bà nói những câu sao mà đúng thế
Bà của Duy Khán, hay hàng nghìn người bà của biết bao đứa cháu khác cũng lặng lẽ như vậy. Bà nào cũng tảo tần sớm hôm, bà nào cũng thuộc thật nhiều ca dao tục ngữ. Bà nào cũng có kho tàng chuyện kể chẳng bao giờ hết, còn cháu nào thì cũng luôn luôn thắc mắc Bà ơi tại sao?
Theo những trang sách của Duy Khán, gia đình dần dần hiện ra. Tuổi thơ ấy vất vả lắm, nhưng lúc nào cũng ngập tràn tình thân mến thương. Hình ảnh ấy, sao mà khiến mình vừa thương vừa ngơ ngẩn đến thế.
Những ngón chân của bố khum khum, lúc nào cũng như bám vào đất để khỏi trơn ngã. Người ta nói "đấy là bàn chân vất vả". Gan bàn chân bao giờ cũng xám xịt và lỗ rỗ, bao giờ cũng khuyết một miếng, không đầy đặn như gan bàn chân người khác. Mu bàn chân mốc trắng, bong da từng bãi, lại có nốt lấm tấm.
Mẹ cởi trần, mặc yếm mà gánh. Lưng mẹ hoàn toàn là một bãi xém nồi. Mẹ gánh củi đi bán. Mẹ gánh thóc từ đâu về suốt đêm xay giã để bán, để lấy tấm mà ăn, lấy cám nuôi lợn. Tháng nào mẹ cũng gánh gạo đi một ngày đường ròng rã đến nơi con trọ học.
Một chiều, anh pha tre non để chẻ lạt, nhỡ tay, con dao bập một nhát chéo qua bàn chân phải, máu chảy đầm đìa. Anh vẫn phớt tỉnh đi vào nhà rịt thuốc lào, mạng nhện, rồi xé vải đụp để băng. Dấu bàn chân đỏ lòm từ sân vào nhà.
Tuổi thơ im lặng có những câu chuyện thắt lòng ngày đói kém và những phận đời, những nấm mộ bên đường. Tuổi thơ của những tháng năm đấy, mất nhiều hơn được, người ta dần quen với điều đó. Chắc cũng bởi thế, nhà văn mới đặt tên là "im lặng"? 
Phần sau, khi gia đình li tán, u mất, rồi lên đường ra trận, mọi thứ buồn hẳn. Mình đọc cứ thấy nghèn nghẹn. Chẳng hiểu sao nữa, chỉ nghĩ về cuộc đời của những con người trong những tháng năm cùng cực ấy. Không biết họ đã nghĩ gì, đã mong gì, họ có ước mơ gì không? Những nấm mồ ven đường ấy, bây giờ có còn, có ai nhớ để đi qua thắp lấy nén nhang, thương cho một phận đời đã cũ?
Có đợt mình đã từng nghĩ, nếu mình được sinh ra ở thành phố, tuổi thơ mình sẽ vui phong phú hơn. Mình sẽ được đi tham quan, đi chơi, được mua thật nhiều truyện Doreamon như các anh họ. Mình sẽ không bị gọi là đứa quê mùa, không bị cười nhạo bởi chất giọng như tiếng nước ngoài. Đến khi lớn lên, và hiểu chuyện, mình lại cảm thấy may mắn vì mình sinh ra ở quê. Vì tuổi thơ của mình có những đêm hè bất tận lủi mình trong đống rơm chứ không phải bốn bức tường. Vì tuổi thơ có ông bà, các anh chị em. Vì tuổi thơ có những sớm khóc sưng cả mắt khi con cá cậu bạn hàng xóm bắt cho về nuôi "hi sinh" trong cối đá. Mình đã có tuổi thơ mà khi nhớ về thì lúc nào cũng ngoác miệng để cười. 
Sau này có con, mình mong con sẽ được về quê thật nhiều với ông bà.
Đây cũng chẳng phải là một chiếc review nữa, vì mình viết lộn xộn quá. Cứ mở ra viết rồi lại đóng cả tuần nay. Giới hạn của ngôn ngữ bản thân khiến mình không tài nào diễn đạt hết được những xúc cảm mà Tuổi thơ im lặng đã mang lại cho mình. Chỉ là muốn lưu lại làm kỉ niệm, chỉ là khi nhớ một ai đó tha thiết mà chẳng còn được gặp nữa, có một cách rất hay là được viết ra.
Ngày xưa <3
Khép lại những trang sách, nhưng có cái gì đó nó cứ vấn vương, có gì đó cứ nảy nở trong lòng mình. Đó là hạt mầm của sự biết ơn!
Và đây là phần kết: