Nhân đọc bài này từ nick @Tornad
trong đó có bình luận sau của @TheMerc mà tôi đồng ý

và ngôn ngữ cũng lại là chủ đề tôi quan tâm, vì thế nhân đây chém luôn:
Lưu ý: Bài này, như bài viết gốc, đều không xét các khía cạnh biểu diễn vật lý của ngôn ngữ như chữ viết hay âm thanh.



Việc ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến tư duy nhiều bạn hẳn từng biết qua giả thuyết Sapir-Whorf, gần đây năm 2016 cũng được Hollywood đại chúng hoá qua tác phẩm Arrival - bộ phim kể về giao tiếp giữa người Trái đất và người ngoài hành tinh, với nhân vật chính người Trái đất nhờ dịch tiếng người ngoài hành tinh mà vô tình học luôn khả năng đọc trước tương lai của họ.
Nhưng không chỉ ở Tây, ở Việt Nam cũng khá nhiều nghiên cứu nói về chuyện này, còn về chính tiếng Việt. Ví dụ như gần đây nhất tôi đọc một bài phân tích rằng do câu tiếng Việt có thể thêm thắt tuỳ ý nên kéo ra tính chất dễ dãi tuỳ tiện trong tư duy của người Việt Nam.
Về kết luận chung , tôi đồng tình với nhiều nghiên cứu kiểu vậy lẫn bài viết gốc của Tornad. Ấy là nhiều điểm yếu trong tư duy người Vn có vẻ liên quan đặc trưng ngôn ngữ Việt. Và do đó, chúng ta có thể nghĩ đến thay đổi tiếng Việt để cải tiến tư duy của người Việt. 
Tuy nhiên đi vào chi tiết thì lại một số điểm tôi hoặc không đồng ý, hoặc muốn chính xác hơn, hoặc muốn mở rộng. Bài này vì thế có thể gọi là phản biện, song không dừng ở phản biện.


NGÔN NGỮ VS. TƯ DUY - HÌNH THỨC VS. NỘI DUNG



Đầu tiên, khi phân tích ngôn ngữ, tôi nghĩ chúng ta cần phân biệt cái nào thuộc về hạn chế nguyên phát từ chính ngôn ngữ, và cái nào là hạn chế thứ phát từ tư duy rồi mới sang ngôn ngữ. Không phải luôn luôn, song chuyện phân biệt này vẫn có lúc có thể. Vd như, việc thiếu khái niệm nào đó thì có thể xếp vào hạn chế của tư duy người Việt chưa từng nghĩ ra khái niệm đó, chứ không luôn là lỗi của tiếng Việt không có khả năng sinh ra thuật ngữ tương ứng.
Tại sao cần phải phân biệt vậy?

Bởi vì chủ đề là:
Cải tiến tiếng Việt để cải tiến tư duy. 
Vậy chỉ nên quan tâm những hạn chế thuần tuý ngôn ngữ, còn lỗi tư duy lại cần thay đổi tư duy trước rồi ngôn ngữ tự động theo sau, chứ không phải ngược lại. 
Điều này kéo theo lưu ý kế:
Khi phân tích ngôn ngữ, ta cần phân biệt giữa hình thức (form)nội dung (content) của ngôn ngữ.
Nội dung là thông tin truyền tải, chính thuộc phạm trù tư duy, aka cải tiến nội dung thì chính là cải tiến trực tiếp tư duy.
Vậy nói đến “cải tiến ngôn ngữ để gián tiếp cải tiến tư duy”, thực ra chỉ nên nói về cải tiến hình thức của ngôn ngữ mà thôi.
Và thực tế, các vd trong bài viết gốc của Tornad cũng đi đúng chiều phân tích về hình thức đó, cụ thể là nhận định dựa trên ngữ pháp tiếng Việt.
Ta nhớ lại, ngữ pháp mô tả cách mà những đơn vị của một ngôn ngữ có thể kết hợp với nhau.
Hãy lưu ý từ in đậm: có thể.
Nó nghĩa là ngoại diên của một ngữ pháp không chỉ gồm những kết hợp hiện có trong ngôn ngữ, mà bao gồm cả những kết hợp tuy hiện chưa thấy, nhưng không có gì cấm xuất hiện trong tương lai của ngôn ngữ này.
Và định nghĩa trên sẽ làm rõ nhầm lẫn đầu tiên trong các vd của bài gốc.


LỖI NGÔN NGỮ HAY LỖI TƯ DUY?

LỖI FORM HAY LỖI CONTENT?



Ở đây hãy cùng xem xét đoạn bài viết gốc nhận định về động từ "to be" trong tiếng Anh cùng cách nó dịch ra tiếng Việt.

Cụ thể, theo bài viết thì cụm “learn to be” nếu dịch thành “ học để là” là một câu sai ngữ pháp tiếng Việt. Đây cũng là một luận điểm để bài suy ra: Tiếng Việt hạn chế người Việt tư duy về “to be” như kiểu người Anh.
Song luận điểm này không đúng.

Bởi câu “học để là” thực ra không hề sai ngữ pháp.
Câu đó chỉ đơn giản là ... lạ tai.
Và lạ tai là bởi kết hợp này chưa thấy trong tiếng Việt.
Nhưng theo định nghĩa ngữ pháp ở trên, điều đó không hề có nghĩa là ngữ pháp tiếng Việt cấm ra đời một câu như vậy. Sự thật là ta sẽ không tìm được cuốn sách tiếng Việt nào ghi lại nguyên tắc ấy. Bạn có thể thử check lại các quy tắc kết hợp động từ ở link dưới đây, đề tài này hướng dẫn bới giáo sư Hồ Tú Bảo, người xếp vào đầu ngành ở Việt Nam và cả trên thế giới về xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Quy tắc ngữ pháp tiếng Việt 
Vậy việc câu "là" kiểu trên chưa từng thấy nói lên điều gì?
Nói lên sự thật giản dị là ý tưởng kết hợp kiểu Anh này chưa từng nảy ra với người Việt, dù ngữ pháp tiếng Việt luôn chừa cửa để nó ra đời. Tức là không phải tiếng Việt cản trở sự nghĩ về bản ngã, mà tự người Việt chưa nghĩ nhiều về bản ngã. Một lần nữa, lại là hạn chế của tư duy, ngôn ngữ chỉ hàm oan liên đới.

Logic này càng rõ ràng hơn khi biết, trên tôi chỉ đùa thôi, thực ra câu "là" kiểu này có thấy trong tiếng Việt rồi.
Tôi đã đọc những cụm kiểu “để cho tôi được là.” , “hãy để cho chúng con thử là.” trong văn Việt. Có lúc là văn dịch, có lúc là văn người Việt viết đường hoàng, song lần nào cũng thế, chưa bao giờ thấy người đọc thắc mắc gì lắm về cú pháp. Và bản thân đọc cụm "học để là." kia tôi cũng chẳng thấy lấn cấn gì, nhất khi nó đặt trong đoạn tác giả trích để dịch:

Chúng ta lại nhớ lại, một trong những đặc trưng lớn nhất của tiếng Việt là tính chất cảm ngữ cảnh (context-sensitive). Ngữ cảnh quan trọng với ngôn ngữ nói chung thế nào thì quan trọng gấp đôi thế với tiếng Việt, một ngôn ngữ mang một thứ ngữ pháp có thể hiểu là khá lỏng lẻo, có thể hiểu là khá linh hoạt, tuỳ góc nhìn. Trong ngữ cảnh thích hợp, các cụm có "là" kiểu trên vẫn xuất hiện và hiểu được. Sự xuất hiện của những cụm này mang cùng lý do như sự hiếm gặp trước đây của chúng. Khi văn hoá Tây phương được du nhập, sẽ kéo theo du nhập tư duy. Theo cách ấy, các kết hợp mới gắn với tư duy mới cũng tự động xuất hiện trong tiếng Việt mà chẳng cần ai đứng ra tác động gì vào bản chất ngôn ngữ. Đơn giản vì sự vắng bóng nó trước đây không do lỗi ngôn ngữ.
Thực ra nếu nhìn xa hơn chút về quá khứ và xem xét tiếng Việt của cha ông, tôi ngờ rằng ngay cả các cụm được cho là hợp lệ như “học để làm” cũng chưa từng xuất hiện. Các cụ luôn nói rõ học để làm cái gì, hay học để làm như thế nào, chứ không nói chỏng lỏn “học để làm” – đây là một cụm nghe khá Tây nếu xét ngữ cảnh văn cổ cách đây chừng vài thế kỷ.
Nhưng từ xưa đến nay bạn đã từng nghe nói có một cuộc cách mạng ngữ pháp long giời lở đất nào, hay một drama ngữ pháp nào nổ ra cả nước đều hít, để kết quả ngày nay ta được coi cụm "học để làm" là bình thường hay không?
Không hề.

Như với cụm "to be" trên, cụm “to do” cũng âm thầm tự động hoà vào văn Việt miễn là kiểu tư duy tương ứng từ văn Tây đã được du nhập.


KHÔNG DỊCH ĐƯỢC - CÓ ĐÚNG LÀ KHÔNG DỊCH ĐƯỢC?



Thực ra nhầm lẫn giữa hạn chế tư duy và hạn chế ngôn ngữ trên có ở nhiều ví dụ khác, song tôi không đủ thời gian phân tích cùng cặn kẽ như đã làm với ví dụ "Learn to be" trên, mà chỉ nói tóm tắt thuật toán, các bạn có thể thử áp dụng suy luận tiếp:

a. Chuyện không thể dịch một phát biểu tiếng Anh nào đó ra tiếng Việt liệu nên hiểu là: 1. Vô cách diễn đạt lại thông tin tiếng Anh đó ra tiếng Việt; hay 2. Vô cách diễn đạt lại mà ngắn gọn đẹp đẽ, kiểu như khi dịch các tác phẩm văn chương.
b. Ở quy mô nhỏ hơn, câu a quy về: 1. Ta vô cách giải nghĩa từ tiếng Anh này bằng tiếng Việt; hay chỉ là 2. Ta không tìm được 1 từ tiếng Việt nào tương đương 1 từ tiếng Anh kia?
c. Tiếp theo, kể cả trả lời cho cả a và b  đều là vế 1, tức thực sự không thể dịch được, vẫn cần hỏi tiếp: 1. Tuy các khái niệm đó chưa có trong tiếng Việt, nhưng liệu giờ có thể thêm các từ mới, các kết hợp mới vào để có chúng không?; hay 2. Cú pháp tiếng Việt không thể cho phép sự thêm ấy.
d. Nếu trả lời là 2 với câu c trên, mới khẳng định tiếng Việt không hỗ trợ việc định nghĩa khái niệm đó. Còn câu 1 chỉ nói lên tiếng Việt tuy chưa có khái niệm ấy, song vẫn đủ phương tiện để cho ra nó. Lần nữa, chuyện chưa có lại quy về hạn chế của tư duy dân tộc, không phải của ngôn ngữ, là lỗi thiếu hụt của content, không phải lỗi năng lực kém của form.
e. Còn nếu thuật toán lết được đến đây, nghĩa là trả lời các câu hỏi a, b trên đều là 2, aka chuyện không dịch được là hiểu theo nghĩa vẫn dịch được mà không hay thôi; thì không lôi thôi gì hết, có thể kết luận luôn đây hoàn toàn chả phải lỗi gì của tiếng Việt. Mà có thể là: 1. Lỗi của người dịch không đủ hiểu tiếng Việt, tiếng Anh, hoặc cả hai; 2. Sự bất tương đương hiển nhiên khi dịch mọi ngôn ngữ, đi cùng chuyện form khác nhau song content vẫn có thể giống nhau.
f. Lạm bàn, ý cuối này giống như giữa 2 tập hợp từ vựng có thể không tồn tại song ánh 1-1, song lượng thông tin 2 ngôn ngữ đó truyền tải vẫn có thể ngang nhau. Một ví dụ cụ thể hơn, với tập A chỉ gồm {số 1 và phép cộng, phép trừ}, tôi có khả năng sinh ra toàn bộ tập số nguyên trên trục số, và chỉ có vậy. Tương tự, với tập B gồm {2 số 3, 4 với phép cộng, phép trừ}, tôi cũng có thể sinh ra toàn bộ tập số nguyên trên trục số, và cũng chỉ có vậy. Như vậy ta thấy, bất chấp việc chắc chắn không tồn tại song ánh 1-1 giữa 2 tập nguồn A và B, bởi lực lượng của chúng chẳng bằng nhau, tập kết quả cuối của 2 bên lại vẫn trùng nhau. 


Trên là thuật toán tổng quát để phân tích đa số vd còn lại. Và các bạn sẽ thấy, phần lớn vd bài viết Tornad đưa ra nên xếp vào không thể dịch được kiểu văn chương, chứ không phải là không thể dịch được. Nói cách khác ở đây tiếng Việt hoàn toàn vô can, về cả mặt ngôn ngữ lẫn tư duy.

Giờ thì tôi sẽ đi vào một ví dụ nữa trong bài viết, khá thú vị, vì nó cần phân tích theo một lối riêng.


CHÚA NÓI GÌ, CÁC NHÀ THẦN HỌC NÓI GÌ, CHÚNG TA NÓI GÌ?



Bài viết gốc có trích dẫn một đoạn sau trong Kinh Thánh:
13 Moses said to God, “Suppose I go to the Israelites and say to them, ‘The God of your fathers has sent me to you,’ and they ask me, ‘What is his name?’ Then what shall I tell them?”
14 God said to Moses, “I AM WHO I AM .[a] This is what you are to say to the Israelites: ‘I AM has sent me to you.’”
Khoan bàn cách bài viết diễn giải đoạn kinh trên, ở đây có ngay vài điều đáng nói như sau:

Đầu tiên, liệu ta có nên dùng các ví dụ khá đặc biệt, có thể gắn với một ngữ pháp bất chính tắc, để phân tích đặc điểm của ngôn ngữ nào đó ngay không?
Tỷ như, có nên lấy lời bài hát tiếng Anh (mà ta biết sai ngữ pháp chi chít) để phân tích ngữ pháp tiếng Anh không?
Quay về ví dụ Moses gặp Chúa trong Kinh Thánh trên. Văn trong tôn giáo rất khác văn của người thường. Thật ra mọi tác phẩm có tính văn chương đều dễ đi chệch ra các quy tắc ngôn ngữ thông thường dù không ai (dám) nói gì cả. Người thường viết sai ngữ pháp ta gọi là kém ngôn ngữ. Nhà văn viết sai ngữ pháp ta gọi là thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Chúa nói sai ngữ pháp ta gọi là sự huyền bí minh triết của Đấng bề trên.
Và trong đoạn trích về Moses gặp Chúa ở trên, có thể thấy ngay câu “I AM has sent me to you” kia, nếu “I AM” là 1 danh từ riêng thì câu trên chả khác gì về ngữ pháp câu tiếng Việt, còn nếu không phải thì lại sai ngữ pháp của chính tiếng Anh. Cả 2 trường hợp do đó đều không đại diện cho sự khác biệt ngôn ngữ Anh và Việt.
Ngoài ra, dùng ngôn ngữ bất chính tắc đã không ổn, liệu có thể còn để sự bất chính tắc này được dịch sang một ngôn ngữ mới, cấy thêm nhiều xê dịch ngữ nghĩa mới, rồi lại dùng nó để phân tích đặc trưng ngôn ngữ hay không?
Tỷ như, tôi có nên phân tích đặc trưng tiếng Anh bằng cách dùng lời bài hát tiếng Anh, còn là lời bài hát dịch từ các khúc ngâm Kiều hay không?
Chúng ta biết, đoạn về Moses trên trích trong The book of Exodus – Sách Xuất Hành thuộc kinh Cựu Ước của người Do Thái, nguyên gốc là tiếng Hebrew. Bài viết do đó đã chỉ trích lại đoạn được dịch sang tiếng Anh, vốn hoàn toàn có thể: 1. Dịch không chuẩn như kinh Do Thái; 2. Phải sinh thêm nhiều thứ không đại diện cho tiếng Anh chỉ để bám sát tiếng Hebrew.
Dùng một văn bản không đại diện cho ngữ pháp chung, lại còn dịch từ tiếng Hebrew (nổi tiếng trúc trắc khó hiểu và không thuộc cùng hệ ngôn ngữ như tiếng Anh), để phân tích đặc trưng tiếng Anh phổ quát, không phải là đang mượn râu ông nọ để tả cằm bà kia hay sao?
Nhưng đây chưa phải vấn đề lớn nhất với ví dụ trên:
Nói về chuyện "to be", bài viết nêu một đoạn luận như sau 

sau đó dẫn ra câu kinh kia và diễn giải là: 

Ý tưởng này khá giống kết quả đầu tiên tôi lấy trên mạng sau -- lời một người tìm hiểu tôn giáo giảng về đoạn trích Exodus trên:

Khoan bàn có vô số học thuyết Kinh Thánh nên khó mà nói đâu là chân lý, thì mấu chốt ở đây là: Một người nghiên cứu tôn giáo vẫn không phải là một nhà ngôn ngữ học và một triết thuyết tôn giáo không đồng nghĩa một phân tích khách quan về ngôn ngữ.



Những nhà thần học phân tích Kinh Thánh theo kiểu tìm hiểu điều Kinh Thánh muốn ta tin, mà điều này không chắc là mục tiêu thực của Kinh Thánh, đừng nói đến chuyện mục tiêu đó có đạt được hay không. Y như một nhà văn có thể tự quảng cáo ông ta xài tình tiết này nhằm mang lại ý nghĩa này, không có nghĩa truyện thực sự có hiệu ứng thế với người đọc.
Và thực ra theo tôi tìm hiểu thì cái phát biểu kiểu “Ta là cái ta là” và “Đấng ta là” có thể chả mang mục đích triết học về bản ngã như đoạn search trên nhận định đâu. Giản dị và tầm thường hơn, nó có thể chính là một cách để che giấu tên thực của Chúa. Y như cách mà tên Chúa trong tiếng Do Thái được ghi là YHWH – một từ cơ bản là không thế phát âm đúng. Lý do vì tiếng Hebrew cổ chỉ toàn phụ âm không có ký tự ghi nguyên âm, còn trong thực tế giao tiếp thì các nguyên âm của thứ tiếng này sẽ được ngoại suy tuỳ theo ngữ cảnh, nghĩa là có thể mỗi lúc mỗi khác. Nhưng sau này cả khi các điểm nguyên âm được thêm vào kinh Do Thái, người ta cũng kiên quyết không nói YHWH nên được phát âm ra sao, mà chuyển sang gọi Chúa bằng một từ có tính chất khá chung chung là Adonai = Lord trong tiếng Anh.
Quan niệm trên từ Do Thái giáo còn kéo sang cả Công giáo về sau. Dù lúc này Chúa đã có tên và đọc được, song Công giáo vẫn nghiêm cấm gọi tên Chúa bừa bãi. Cho nên các phim Hollywood đôi khi bị người Công giáo chỉ trích là hơi tý chả có gì cũng phun tía lia “Oh Jesus Christ” "Oh my Jesus" “Oh my fucking Christ”, nhất là làm tình mà cứ “oh my God” -- kể có hợp lý với hoàn cảnh đấy -- vẫn bị xếp vào siêu báng bổ.





KẾT LUẬN



Nhắc lại là, bài phân tích này không thay đổi sự đồng ý của tôi về chuyện: 
Tiếng Việt cần được sửa đổi để giúp thay đổi tư duy của người Việt.
Song không tôi không muốn chỉ dừng ở kết luận đó. Việc phân tích các vd này sẽ làm rõ hơn cách chúng ta nên tiếp cận việc sửa đổi ngôn ngữ như thế nào, cụ thể thì:
1. Cần phân biệt hạn chế nằm trong ngôn ngữ hay tư duy, hay sửa cái nào trước, cái nào theo sau? Chuyện này có lúc như con gà quả trứng, nhưng vẫn có lúc làm rõ được.
2. Cần phân biệt sự thiếu thốn nội dung với sự khác biệt trong hình thức, phân biệt việc truyền tải thông tin với việc dịch cho hay kiểu văn chương.
3. Nên hướng vào các ví dụ có tính phổ quát đại diện, thay vì ngoại lệ hãn hữu.
4. Cuối cùng, nên đặt điểm nhìn ngôn ngữ học lên trước điểm nhìn văn chương, tôn giáo, hay mọi khía cạnh đặc thù thể loại khác.
Tóm lại các ý trong bài này đa phần xoay quanh:

Sửa ở đâu?
Song có một câu hỏi có lẽ còn quan trọng hơn câu hỏi đấy và thực ra nên được đặt ra đầu tiên:

Sửa nhằm được gì?
Tôi sẽ nói về câu đó ở bài sau. 
(to be continued)